Responsive image

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 19/4

Thông tin báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 19/4

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 

Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực VHTTDL

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2021, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm hình thành mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tinh gọn, cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu quả; khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; bố trí hợp lý nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho hoạt động sự nghiệp công về văn hóa, thể thao và du lịch; thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công lập phát triển lành mạnh,..

Mục tiêu cụ thể đến năm 2021, thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo phù hợp với nhu cầu của xã hội, của từng địa phương và Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đảm bảo tinh gọn, đồng bộ, thống nhất. Trong quá trình sắp xếp, giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập và giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19-NQ/TW).

Hằng năm, tăng dần mức độ tự chủ chi thường xuyên phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Phấn đấu có 10% đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên, chi thường xuyên và chi đầu tư, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cơ bản có 1 bảo tàng cấp tỉnh

Theo Quy hoạch các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực di sản văn hóa, giai đoạn đến năm 2021, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ yêu cầu công tác quản lý, kết quả hoạt động, quy mô của các bảo tàng, ban quản lý di tích trực thuộc, thực hiện rà soát, nghiên cứu tổ chức lại bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Duy trì số lượng bảo tàng, ban quản lý di tích hiện có thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cơ bản có 01 bảo tàng cấp tỉnh. Đối với các bảo tàng chuyên đề cấp tỉnh, căn cứ yêu cầu công tác quản lý, điều kiện thực tế của địa phương, nghiên cứu rà soát, sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập hoặc hợp nhất các bảo tàng có chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu tương đồng hoặc sáp nhập vào bảo tàng cấp tỉnh. Duy trì số lượng chi nhánh bảo tàng Hồ Chí Minh hiện có.

Căn cứ vào yêu cầu công tác quản lý, điều kiện thực tế của địa phương, rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các ban hoặc trung tâm quản lý (ban quản lý) di tích trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo hướng sáp nhập hoặc hợp nhất thành 1 đầu mối cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ và theo dõi các hoạt động tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn hoặc nghiên cứu sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập ban quản lý di tích cấp tỉnh vào bảo tàng cấp tỉnh. Duy trì số lượng ban quản lý đối với di tích là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.

Các bảo tàng, ban quản lý di tích tăng dần mức độ tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên theo từng năm. Phấn đấu chuyển đổi cơ chế hoạt động của đơn vị ở mức tự chủ cao hơn; giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Giai đoạn 2021 - 2030, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục rà soát, nghiên cứu tổ chức lại các bảo tàng, ban quản lý di tích trực thuộc bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tiếp tục duy trì số lượng bảo tàng, ban quản lý di tích hiện có thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục duy trì 1 bảo tàng cấp tỉnh. Đối với các bảo tàng chuyên đề cấp tỉnh, tiếp tục thực hiện giảm đầu mối, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tiếp tục duy trì số lượng chi nhánh bảo tàng Hồ Chí Minh hiện có; tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối ban quản lý di tích trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tiếp tục duy trì số lượng ban quản lý đối với di tích là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.

Các bảo tàng, ban quản lý di tích phấn đấu chuyển đổi cơ chế hoạt động của đơn vị ở mức độ tự chủ cao hơn, giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Sáp nhập các đoàn nghệ thuật có chức năng, nhiệm vụ, loại hình tương đồng

Với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, giai đoạn đến năm 2021, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập hoặc hợp nhất các nhà hát hoặc đoàn nghệ thuật có chức năng, nhiệm vụ, loại hình tương đồng.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương duy trì 1 nhà hát hoặc đoàn nghệ thuật truyền thống, tiêu biểu của địa phương (nếu có). Các nhà hát hoặc đoàn nghệ thuật khác hợp nhất với trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa - thông tin hoặc nhà văn hóa cấp tỉnh (trung tâm văn hóa cấp tỉnh) thành 1 đầu mối hoặc chuyển sang hình thức ngoài công lập. Các nhà hát hoặc đoàn nghệ thuật tăng dần mức độ tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên theo từng năm. Giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Giai đoạn 2021 - 2030, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các nhà hát hoặc đoàn nghệ thuật bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục duy trì 1 nhà hát hoặc đoàn nghệ thuật truyền thống, tiêu biểu của địa phương. Các nhà hát hoặc đoàn nghệ thuật khác, tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối hoặc chuyển sang hình thức ngoài công lập. Các nhà hát hoặc đoàn nghệ thuật phấn đấu chuyển đổi cơ chế hoạt động của đơn vị ở mức độ tự chủ cao hơn, giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Sắp xếp, tổ chức lại các trung tâm văn hóa huyện thành 1 đầu mối

Theo Quy hoạch các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa cơ sở và văn hóa khác, giai đoạn đến năm 2021, duy trì các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa cơ sở và văn hóa khác hiện có thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương duy trì 1 trung tâm văn hóa cấp tỉnh; thực hiện việc sáp nhập hoặc hợp nhất trung tâm văn hóa cấp tỉnh và trung tâm triển lãm hoặc nhà triển lãm cấp tỉnh thành 1 đầu mối; sắp xếp, tổ chức lại các trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa - thông tin, nhà văn hóa, trung tâm thể dục, thể thao trên địa bàn cấp huyện thành 1 đầu mối.

Các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa cơ sở và văn hóa khác tăng dần mức độ tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên theo từng năm. Phấn đấu chuyển đổi cơ chế hoạt động của đơn vị ở mức độ tự chủ cao hơn; giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thư viện, giai đoạn đến năm 2021, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ yêu cầu công tác quản lý, kết quả hoạt động, quy mô của thư viện trực thuộc, thực hiện rà soát, nghiên cứu tổ chức lại bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Duy trì Thư viện Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương duy trì 1 thư viện cấp tỉnh. Kiện toàn, củng cố các thư viện cấp huyện. Việc thành lập mới thư viện cấp huyện chỉ được thực hiện tại các địa phương có nhu cầu và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Quyết định cũng phê duyệt Quy hoạch các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực điện ảnh, thể thao và du lịch.

Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”.

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới; giảm số vụ việc phải đưa ra Tòa án và các cơ quan nhà nước giải quyết; tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội và của Nhà nước.

Giai đoạn 1 (từ năm 2019 đến hết năm 2020), phấn đấu hoàn thành Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên, các tài liệu bồi dưỡng cho đội ngũ tập huấn viên và các tài liệu tham khảo, hỗ trợ khác phục vụ việc nâng cao năng lực cho hòa giải viên ở cơ sở và đội ngũ tập huấn viên.

Ít nhất 95% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; từ  60% - 75% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành. Đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của Trung ương, tỷ lệ này là 100%.

Giai đoạn 2 (từ năm 2021 đến hết năm 2022): 100% hòa giải viên ở cơ sở mới được bầu, bổ sung, kiện toàn hàng năm được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành; ít nhất 90% hòa giải viên ở cơ sở được tiếp cận và sử dụng Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở bằng các hình thức phù hợp để tự nâng cao năng lực, nghiệp vụ hòa giải.

Từ 80% - 90% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành; hoàn thành việc thực hiện các hoạt động chỉ đạo điểm, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Để đạt được mục tiêu trên, Đề án đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như xây dựng Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và đội ngũ tập huấn viên; xây dựng đội ngũ tập huấn viên có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở; thực hiện chỉ đạo điểm; xây dựng đội ngũ hòa giải viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

Trong đó, đối với việc thực hiện chỉ đạo điểm, Bộ Tư pháp phối hợp với các địa phương lựa chọn, thực hiện điểm 24 đơn vị cấp xã thuộc 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đại diện các vùng miền cả nước (ưu tiên địa bàn có tỉ lệ hòa giải thành thấp hoặc địa bàn có nhiều vướng mắc trong triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở).

Hoạt động chỉ đạo điểm tập trung vào hướng dẫn, tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư, luật gia, người đang và đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên trong cơ quan tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn đang thường trú ở cơ sở tham gia làm hòa giải viên hoặc hỗ trợ pháp lý cho tổ hòa giải ở cơ sở; bồi dưỡng nghiệp vụ cho hòa giải viên; xây dựng mô hình tổ hòa giải tiêu biểu xuất sắc...

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào tình hình thực tế và đặc thù của địa phương, chủ động lựa chọn một số đơn vị cấp xã để thực hiện chỉ đạo điểm, ưu tiên tập trung lựa chọn các xã chưa đạt tiêu chí về hòa giải ở cơ sở khi đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Tu bổ, phục hồi di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám với mục tiêu bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trở thành địa điểm giới thiệu và tôn vinh nền giáo dục Việt Nam gắn với các danh nhân, trí thức tiêu biểu của đất nước; giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống hiếu học của cha ông…

 

Phạm vi lập quy hoạch dự kiến được xác định trên cơ sở khu vực bảo vệ I của di tích theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, diện tích 5,433 ha, bao gồm 3 khu vực: Khu Nội tự, Vườn Giám và Hồ Văn.

Nội dung Nhiệm vụ quy hoạch chủ yếu là xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích, trong đó, khảo sát, điều tra, sưu tầm tài liệu, tổng hợp các dữ liệu, số liệu về lịch sử, văn hóa của di tích; chụp ảnh, vẽ ghi, phân tích đánh giá kiến trúc của các công trình; khảo sát đo đạc địa hình tỷ lệ 1/500 phạm vi quy hoạch; khảo sát tình trạng kỹ thuật của các hạng mục công trình tại di tích; khảo sát các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu gắn với di tích.

Bên cạnh đó, khảo sát hiện trạng và đánh giá hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích; tình hình đầu tư các dự án bảo tồn, tu bổ các di tích trong giai đoạn trước đây, các dự án hỗ trợ phát huy giá trị di tích; khảo sát hiện trạng và đánh giá hiệu quả hoạt động du lịch và các hoạt động văn hóa khác tại di tích khác.

Khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu vực quy hoạch; hiện trạng kiến trúc, xây dựng đối với các công trình trong khu vực nghiên cứu, đặc biệt kiến trúc mặt tiền của các phố Nguyễn Thái Học, Văn Miếu, Quốc Tử Giám và Tôn Đức Thắng bao quanh khu di tích; khảo sát hệ thống giao thông và những áp lực đô thị lên di tích, nhận diện những nguy cơ xung đột giữa phát triển đô thị và bảo tồn di tích.

Về nội dung và định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, xác định ranh giới khu vực bảo vệ I và II của di tích; kiến nghị về việc điều chỉnh mở rộng hoặc thu hẹp các khu vực bảo vệ di tích phù hợp. Xác định cảnh quan, khu vực cần quản lý xây dựng. Định hướng giải phóng mặt bằng, giải tỏa vi phạm lấn chiếm và phương án tái định cư.

Định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, bao gồm: Lập danh mục các đối tượng di tích cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng hạng mục; xác định nguyên tắc và giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; biện pháp quản lý và bảo vệ đối với di vật, cổ vật tại di tích.

Đề xuất giải pháp phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể

Nội dung Nhiệm vụ quy hoạch chủ yếu cũng cần đề xuất giải pháp phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể và hệ thống bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám; định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, trong đó, định hướng tổ chức sự kiện tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tuyến du lịch kết nối di tích với các địa danh du lịch trọng điểm khác của Hà Nội; đề xuất giải pháp kiểm soát và điều tiết lượng khách du lịch để không ảnh hưởng tới việc bảo tồn di tích và các hoạt động kinh tế - xã hội của khu vực xung quanh di tích.

Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu số liên quan đến di tích tạo cơ sở khoa học để bảo tồn, quản lý di tích và phát triển, quảng bá các sản phẩm du lịch bằng nhiều hình thức.

Về kế hoạch thực hiện quy hoạch, đề xuất thời kỳ quy hoạch; danh mục các nhóm dự án thành phần, phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên và nguồn vốn đầu tư phù hợp với từng thời kỳ quy hoạch, bao gồm: Nhóm dự án giải phóng mặt bằng và cắm mốc giới bảo vệ di tích; nhóm dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo các hạng mục kiến trúc gốc của di tích; nhóm dự án xây dựng các công trình phụ trợ và các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu di tích; nhóm dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu và di sản văn hóa phi vật thể; nhóm dự án phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững.

Yêu cầu Yên Bái báo cáo về phản ánh không khắc phục hệ lụy sau xây dựng thủy điện

Báo Nông nghiệp ngày 10/4/2019 có đưa tin: Công ty Xuân Thiện Yên Bái được tỉnh Yên Bái ưu ái cho xây dựng 7 dự án thủy điện trên các dòng suối lớn với công suất từ 11-30 MW. Điều đáng nói là hệ lụy mà Công ty này để lại sau khi nhà máy đã phát điện nhưng không chịu khắc phục, khiến người dân phải khốn khổ; Công ty còn bỏ ngoài tai yêu cầu làm các con đường hoàn trả, bất chấp quy định của pháp luật khi tiến hành xây dựng thủy điện.

Về thông tin trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Yên Bái có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Print
1230 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top