Responsive image

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 15/7

Thông cáo báo chí hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 15/7

 

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tiếp Chánh án TANDTC Lào

Ngày 15/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã tiếp thân mật tân Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào Khampha Sengdara, đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Trong không khí thân mật và hiểu biết lẫn nhau, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chúc mừng đồng chí Khampha Sengdara vừa được Quốc hội Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào bầu làm Chánh án Toà án nhân dân Tối cao (TANDTC) Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện, đặc biệt Việt Nam-Lào ngày càng phát triển sâu rộng và đi vào hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, các bộ, ngành và địa phương của hai nước. Đây là nền tảng quan trọng để hai nước tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, tương xứng với truyền thống cách mạng khăng khít, tình đoàn kết, gắn bó giữa hai nước Việt Nam-Lào.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng đề nghị hai nước tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về ý nghĩa, tầm quan trọng trong nhân dân hai nước trong việc trân trọng, giữ gìn và phát huy hơn nữa mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào đến các thế hệ trẻ hai nước hiểu biết hơn về quan hệ sâu đậm giữa hai nước.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cũng nhấn mạnh và chia sẻ với Chánh án TANDTC Lào về vai trò quan trọng của hệ thống tòa án trong việc xây dựng và thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của Việt Nam, kinh nghiệm quản lý đội ngũ cán bộ tòa án để giữ gìn sự liêm chính, minh bạch, trong sạch, nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức của đội ngũ thẩm phán nói riêng và cán bộ toà án nói chung trong thực thi công lý. Trong đó, chú trọng đến xây dựng nhà nước pháp quyền, công tác xây dựng pháp luật luôn được quan tâm, củng cố. Trong đó công nhận và bảo vệ quyền con người và quyền công dân được Hiến pháp bảo vệ, được cụ thể hóa bằng nhiều đạo luật cụ thể như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và nhiều đạo luật khác…

Chánh án TANDTC Khampha Sengdara cảm ơn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã dành thời gian tiếp đoàn và những chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong hoạt động của ngành toà án nói riêng và quan hệ hai nước nói chung, trong đó có trao đổi đoàn cấp cao ngành toà án hai nước.

Chánh án TANDTC Lào Khampha Sengdara thông báo đến Phó Thủ tướng Thường trực kết quả tốt đẹp cuộc hội đàm giữa lãnh đạo toà án hai nước sáng cùng ngày. Đây là dấu mốc quan trọng để ngành toà án hai nước tiếp tục phát huy quan hệ truyền thống tốt đẹp trong thời gian tới. Đồng thời, đánh giá cao những chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về liên thông giữa toà án các cấp với TANDTC, về công bố bản án sau khi xét xử của Việt Nam và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng tòa án điện tử, về quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm phán TANDTC…

Chánh án Khampha Sengdara cũng cảm ơn phía Việt Nam trong việc tổ chức đào tạo cán bộ toà án Lào thời gian qua cũng như chuẩn bị cho khoá tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho thẩm phán ngành toà án Lào trong năm 2019 và sự ủng hộ của của ngành toà án Việt Nam giúp Lào tổ chức Hội nghị Toà án các tỉnh biên giới 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia sắp diễn ra tại Lào.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp chuẩn bị sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện một số Nghị quyết của Trung ương

Ngày 15/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp Thường trực của các Ban chỉ đạo liên quan chuẩn bị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Trung ương về kinh tế tập thể, sơ kết 5 năm Nghị quyết số 30-NQ/TW của Trung ương, Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp và tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới trong năm 2019.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tới nay, nhiều địa phương đã hoàn thành tổng kết các Nghị quyết, Chương trình này của Trung ương và Chính phủ. Các bộ này cũng đang tiến hành thực hiện tổng kết theo khu vực hay theo các nội dung thành phần của kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới và sắp xếp đổi mới các công ty nông lâm nghiệp để hướng tới tổng kết trên cả nước.

Phó Thủ tướng cho biết 3 nội dung này có ý nghĩa riêng biệt nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và khu vực nông thôn, miền núi. Việc tổng kết các nội dung sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng văn kiện trình Trung ương và Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết cả nước sẽ vượt 50% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm nay, hoàn thành trước 1 năm so với yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng XII.

“Chính phủ chủ động tổng kết 10 năm triển khai Chương trình và tổng kết sớm việc thực hiện từ 2016-2020 để cả nước đạt kết quả cao hơn nữa trong năm 2020 và quan trọng hơn là xây dựng khung khổ chính sách cho xây dựng nông thôn mới sau năm 2020 và chắt lọc nội dung đưa vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc và các cấp”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều điểm mới trong xây dựng nông thôn mới cần tổng kết kỹ là xuất hiện mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản, chương trình mỗi xã một sản phẩm trở thành động lực của xây dựng nông thôn mới, cơ chế tạo nguồn lực đã giúp các xã giảm mạnh nợ đọng xây dựng cơ bản nhưng vẫn giữ được sự phát triển của Chương trình. Bên cạnh đó, Chương trình cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ mới cần nghiên cứu, bổ sung xây dựng chính sách trong bảo vệ môi trường - xử lý rác thải và chất thải, cấp nước sạch, gắn xây dựng nông thôn mới với đô thị hoá, phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới...

Về tổng kết 15 năm kinh tế tập thể, kể từ Hội nghị Trung ương 5 khoá IX tới nay, Bộ Chính trị đã ban hành 2 Chỉ thị về triển khai thực hiện, trong đó đánh giá sơ kết cách đây 10 năm nêu rõ kinh tế tập thể “chưa thoát ra khỏi tình trạng yếu kém kéo dài”. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tình hình giờ đã khác khi trên 50% tổng số HTX hoạt động hiệu quả và cả nước đã có hơn 14.700 HTX (mục tiêu tới năm 2020 là cả nước có 15.000 HTX).

Phó Thủ tướng nêu rõ: “Khoán 10 đi vào kinh tế hộ đã thay đổi đời sống nông thôn nhưng bây giờ vai trò của kinh tế hộ đã tới hạn, nếu chỉ dựa vào kinh tế hộ thì động lực giải phóng sức sản xuất ở nông thôn còn hạn chế và phải dựa vào HTX kiểu mới. HTX kiểu mới không triệt tiêu kinh tế hộ mà lấy kinh tế hộ để gia tăng giá trị”.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong tổng kết Nghị quyết 13-NQ/TW, làm rõ mô hình, tính pháp lý và cơ chế để HTX thành lập doanh nghiệp trực thuộc, giải quyết dứt điểm các vấn đề nợ đọng của HTX kiểu cũ, cơ chế và chế độ bảo hiểm y tế cho cán bộ HTX...

Với vai trò, ý nghĩa của kinh tế tập thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ KH&ĐT phối hợp cùng Liên minh HTX Việt Nam tiến hành xây dựng cuốn Sách trắng về HTX.

Nghị quyết số 30-NQ/TW và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp nông lâm trường đặt ra mục tiêu sau 5 năm thì cả nước cơ bản hoàn thành, trong đó tập trung vào 2 trọng điểm sắp xếp công ty nông lâm trường gắn với sắp xếp, rà soát đất đai, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và tính phù hợp, hiệu quả của mô hình công ty lâm nghiệp TNHH 2 thành viên đang có tín hiệu tích cực nhưng cũng vướng mắc khi giải quyết vấn đề sở hữu của Nhà nước và kêu gọi nhà đầu tư chiến lược.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nêu ra các vấn đề về cổ phần hoá các công ty nông lâm trường và các hình thức người dân góp vốn vào công ty này bằng quyền sử dụng đất với các mô hình phân chia lợi nhuận rất khác nhau, cần được đánh giá thấu đáo.

“Cần sớm đánh giá để xây dựng cơ chế, chính sách và dự toán kinh phí trong đầu tư công trung hạn để triển khai kịp thời ngay khi bắt đầu giai đoạn 2021-2025”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai Luật Quy hoạch

Ngày 15/7 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Luật Quy hoạch là công cụ pháp lý rất quan trọng để các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và thống nhất quản lý. Lần đầu tiên có một luật quy hoạch chung, trước đây nội dung này được thể hiện trong nhiều luật chuyên ngành.

Đồng thời, Luật Quy hoạch còn là công cụ rất quan trọng giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đề ra định hướng, mục tiêu chiến lược, xác định các động lực, không gian phát triển của mỗi ngành, địa phương, của cả quốc gia để bảo đảm cho sự phát triển đồng bộ, thống nhất, khai thác nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm cho phát triển bền vững.

Theo quy định của Luật, Chính phủ phải xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội phê duyệt; các bộ, ngành xây dựng quy hoạch ngành quốc gia, các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong hơn một năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện Luật, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai thực hiện Luật; rà soát các quy hoạch sẵn có, tập trung xây dựng quy hoạch mới.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đồng tình với ý kiến của các bộ, ngành, địa phương cho rằng đây là những quy hoạch mới, lần đầu tiên xây dựng, đồng thời yêu cầu tích hợp rất cao (bỏ các quy hoạch sản phẩm cụ thể). “Đây là việc rất khó, nhưng chúng ta phải làm. Khối lượng các quy hoạch phải lập là rất lớn. Do đó, cần nguồn lực rất lớn, đặc biệt là nguồn lực về con người”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng, thời gian qua, việc tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch còn nhiều lúng túng, ngay cả ở Trung ương, dẫn đến chậm, ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho giai đoạn tiếp theo.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chia sẻ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chuyển tiếp Luật Quy hoạch mà các bộ, ngành, địa phương đã nêu tại Hội nghị, như vướng mắc về việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch, trình tự lập quy hoạch. Một vướng mắc khác của các địa phương là việc phê duyệt các quy hoạch tỉnh đã được triển khai lập theo quy định cũ, cơ bản đáp ứng các yêu cầu nhưng chưa được thẩm định. Theo quy định của Luật Quy hoạch, muốn phê duyệt được thì các quy hoạch này phải thực hiện lại từ đầu. Một khó khăn nữa của các địa phương là việc tích hợp nội dung gì vào quy hoạch.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, quy hoạch phải không cứng nhắc, thay vào đó phải mở ra không gian sáng tạo cho các bộ, ngành, địa phương. Đối với quy hoạch các tỉnh cũng vậy, nếu đưa thiếu hay quá chi tiết sẽ rất khó điều chỉnh, bổ sung. Do đó, yêu cầu đặt ra với quy hoạch tích hợp là vừa phải cập nhật đủ, vừa phải có một không gian thông thoáng cho sự sáng tạo, đáp ứng các yêu cầu phát triển trong tương lai.

“Quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế-xã hội là một dòng chảy liên tục, không thể ngắt quãng. Do đó, không để do quy hoạch mà ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch, nhưng phải làm sao để bảo đảm dòng chảy liên tục của quá trình phát triển, không để vướng mắc như vừa qua. Đây là quan điểm chỉ đạo thống nhất của Quốc hội, Chính phủ”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành sớm trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số điều liên quan đến Luật Quy hoạch.

Về trình tự lập quy hoạch, kiến nghị theo hướng phải thực hiện đồng bộ, đồng thời, song song, để có thể đáp ứng yêu cầu cho đầu tư phát triển nhưng vẫn bảo đảm đồng bộ giữa các quy hoạch. Trong năm 2020, phải cơ bản xong để phê duyệt.

Về điều chỉnh cục bộ quy hoạch trong thời kỳ từ nay đến 2020, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng cho phép cơ quan có thẩm quyền quyết định thực hiện các dự án đầu tư cấp thiết cho phát triển kinh tế-xã hội, sau đó cập nhật vào Quy hoạch mới.  

Với các quy hoạch đã lập, đã tổ chức thẩm định nhưng chưa phê duyệt như kiến nghị của một số địa phương, sẽ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép phê duyệt theo luật quy hoạch mới, nhưng không hồi tố các thủ tục trước đây.

Bộ KH&ĐT cũng được giao chủ trì thành lập các tổ chức công tác liên ngành để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương; phối hợp với Bộ Tài chính sớm hướng dẫn phân bổ vốn cho công tác lập quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng quốc gia; sớm thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh.

Bộ TN&MT đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Đây là những quy hoạch rất quan trọng, làm cơ sở để xây dựng các quy hoạch khác.

Các bộ, ngành Trung ương khẩn trương soạn thảo, trình Chính phủ dự thảo các Nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Quy hoạch. Đồng thời, tiến hành lập các quy hoạch ngành quốc gia. Chẳng hạn như Bộ Công Thương phải nhanh chóng lập Quy hoạch điện 8 nhưng với một tư duy mới, một cách làm mới so với trước đây.

Đồng thời, các bộ, ngành sớm rà soát, ban hành Danh mục các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của các bộ trong tháng 7/2019; nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thay thế việc quản lý nhà nước khi các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, hoàn thành trong quý 3/2019; hướng dẫn các địa phương lập quy hoạch tỉnh trong phạm vi của ngành mình; cung cấp các dữ liệu, hồ sơ quy hoạch liên quan và phối hợp với Bộ KH&ĐT trong việc nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong vận hành, khai thác và sử dụng chung, trước mắt để đáp ứng cho nhiệm vụ triển khai lập các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; ưu tiên cân đối và bố trí vốn trong năm 2019 và triển khai các thủ tục cần thiết cho nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia cho thời kỳ 2021-2030 đã được bố trí từ 10% vốn dự phòng tại các bộ trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Đối với các địa phương, yêu cầu phải khẩn trương rà soát, ban hành Danh mục các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của các địa phương trong tháng 7/2019; cung cấp các dữ liệu, hồ sơ quy hoạch liên quan và phối hợp với Bộ KH&ĐT trong việc nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh, trong đó phát huy kinh nghiệm của Quảng Ninh và một số địa phương để thành lập Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh, xác định các nội dung sẽ được tích hợp vào quy hoạch; ưu tiên cân đối và bố trí vốn trong năm 2019 và triển khai các thủ tục cần thiết cho nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh cho thời kỳ 2021-2030./.

Print
1078 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top