Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/8

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/8

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực xử lý triệt để “ổ dịch”

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến với các địa phương về phòng, chống dịch COVID-19. Tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để “ổ dịch”, các khu vực nguy cơ cao tại thành phố Đà Nẵng; tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ lây nhiễm.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các quan điểm, định hướng, biện pháp của ngành y tế, của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống dịch; biểu dương sự nỗ lực của ngành y tế và các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Thái Bình đã triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, kịp thời các biện pháp phù hợp, kể cả thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.

Việt Nam đã bước vào giai đoạn 2 phòng, chống dịch COVID-19. Dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng tại nhiều địa phương, trong đó có các đô thị lớn, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, chính quyền các cấp trong cả nước tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm kiểm soát hiệu quả, không được chủ quan, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, trong đó, tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, hoang mang, dao động.

Khởi động, kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch tại các địa phương,  chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bị động; bám sát tình hình, bình tĩnh và chủ động ứng phó, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia; quyết tâm ngăn chặn thành công đợt dịch này, không để dịch lây lan trên diện rộng.

Thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để “ổ dịch”, các khu vực nguy cơ cao tại thành phố Đà Nẵng; tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết phát hiện các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ lây nhiễm.

Áp dụng biện pháp cách ly phù hợp, giám sát y tế, xét nghiệm trên diện rộng đối với tất cả các trường hợp tiếp xúc với người mắc bệnh, nghi ngờ lây nhiễm và các trường hợp từng đến Thành phố Đà Nẵng từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến nay đã trở về địa phương, trước hết là các trường hợp đã từng đến “ổ dịch”, các khu vực đã bị phong tỏa, cách ly tại Thành phố Đà Nẵng.

Bằng nhiều biện pháp phù hợp kêu gọi người dân chủ động khai báo y tế, theo dõi tình hình sức khỏe, khi có biểu hiện ho, sốt thì thông báo để được kiểm tra, xét nghiệm. Kịp thời phát hiện, kiểm tra, xét nghiệm tất cả các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trên phạm vi toàn quốc.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, ngăn ngừa dịch bệnh tại các hoạt động, sự kiện, địa điểm có tập trung đông người, trong hoạt động vận tải công cộng, nhất là tại các đô thị; các địa phương không ghi nhận ca nhiễm bệnh trong cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; phải tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy do dịch bệnh, nhất là tại các đô thị, trung tâm kinh tế lớn, các nhà máy, xí nghiệp, không được ngăn sông, cấm chợ, gây trở ngại cho sản xuất, nhất là sản xuất hàng xuất khẩu.

Cách ly, dập dịch, xử lý nhanh các ổ dịch trên địa bàn

Thành phố Đà Nẵng và các địa phương đã xuất hiện ca nhiễm bệnh trong giai đoạn này (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình, Đắk Lắk…) tăng tốc, quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, xử lý nhanh các ổ dịch trên địa bàn; phát huy tích cực vai trò chủ động của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và người đứng đầu các cơ quan trong hệ thống chính trị cơ sở trong phòng, chống dịch.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chủ động, kịp thời quyết định theo thẩm quyền việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm không chủ quan, lơ là, thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn lây lan dịch bệnh song cần hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi đến đời sống của người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn. Lưu ý cân nhắc toàn diện, chặt chẽ, tối ưu, phạm vi và quy mô hợp lý khi quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai nhanh nhất trên phạm vi toàn quốc việc cài đặt ứng dụng Bluezone để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm.

Mở rộng năng lực thực hiện xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm

Bộ Y tế tập trung chỉ đạo tăng cường, mở rộng năng lực thực hiện xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm, thực hiện chiến lược xét nghiệm phù hợp, huy động các cơ sở y tế có khả năng thực hiện xét nghiệm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân; thực hiện việc thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 từ nguồn bảo hiểm y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảo đảm chặt chẽ, đúng chế độ.

Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị đảm bảo cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh; xây dựng bệnh viện dã chiến, bảo đảm an toàn, tiết kiệm chi phí; rà soát, siết chặt việc phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế, không để tiếp tục xảy ra các ổ dịch tại các cơ sở y tế. Triển khai áp dụng các quy trình phân luồng, phân tuyến, không để lây lan dịch bệnh trong các cơ sở y tế; trang bị phòng hộ đầy đủ cho nhân viên y tế trực tiếp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn tốt nhất cho đội ngũ nhân viên y tế.

Thực hiện điều trị hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; có biện pháp bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng tại các bệnh viện; tăng cường phối hợp, trao đổi chuyên môn kỹ thuật giữa các tuyến trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19.

Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục kiểm soát tất cả các trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường thủy, đường biển, các cảng hàng không; kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở; kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở lưu trú, các khu vực, địa điểm tập trung đông người nước ngoài....

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an khởi tố, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú tiếp nhận người nhập cảnh trái phép, đặc biệt là các cá nhân, tổ chức, đường dây đưa người từ nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục tổ chức tốt biện pháp cách ly y tế; tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình thực hiện cách ly không để xảy ra lây nhiễm trong các cơ sở cách ly tập trung; có phương án điều tiết hợp lý việc tiếp nhận, phân loại sàng lọc các trường hợp phải thực hiện cách ly, không để quá tải các cơ sở cách ly tập trung.

 Xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành biện pháp cách ly y tế

Các Bộ: Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý nghiêm theo pháp luật, kể cả xử lý hình sự các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực; trốn tránh, chống đối, không chấp hành biện pháp cách ly y tế; găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường; Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong các hoạt động vận tải.

Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ tình hình thực tiễn, chỉ đạo tổ chức chặt chẽ, bảo đảm an toàn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm việc thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học theo đúng quy định. Không tổ chức thi khi không bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, phụ huynh.

Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế tiếp tục thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch về diễn biến dịch, để nhân dân yên tâm, đề cao cảnh giác, đồng thời không gây tâm lý hoang mang trong xã hội; tập trung thông tin về việc hạn chế tập trung đông người, khuyến khích và hướng dẫn khai báo y tế tự nguyện, sử dụng ứng dụng Bluezone, phát hiện sớm và thông báo cho chính quyền về các trường hợp nghi mắc bệnh hoặc đi về từ vùng có dịch.

Tăng cường khuyến cáo người dân nâng cao ý thức tự giữ gìn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng (giữ vệ sinh, đeo khẩu trang nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, giảm tụ tập, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, ăn uống lành mạnh, rèn luyện sức khỏe) và thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch COVID-19, nhất là đối với người cao tuổi, có bệnh nền và tại các địa phương đang có các “ổ dịch”.

Mỗi người dân tiếp tục là một chiến sỹ cùng chung sức đẩy lùi dịch bệnh

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Dân vận và Mặt trận Tổ quốc các cấp đẩy mạnh việc vận động nhân dân đề cao cảnh giác, chủ động, tự giác thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị nhân dân đề cao cảnh giác phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh, không hoang mang, lo lắng và tiếp tục tin tưởng, ủng hộ, tự giác tham gia, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch và Bộ Y tế. Mỗi người dân tiếp tục là một chiến sỹ, mỗi thôn, xóm, làng, bản, khu phố… là pháo đài, cùng chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh.

Cùng với việc quyết liệt phòng, chống dịch, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó: Khẩn trương phối hợp rà soát, tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện các gói hỗ trợ (gói an sinh xã hội, gói tài khóa và gói tiền tệ - tín dụng); đồng thời sớm đề xuất điều chỉnh tăng quy mô, phạm vi, đối tượng, thời hạn và phương thức triển khai nhanh, hiệu quả của các gói hỗ trợ này nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhất là bảo đảm đời sống người lao động.

Tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy triển khai các ứng dụng trên nền tảng trực tuyến (dạy học, khám bệnh từ xa, làm việc, họp trực tuyến; cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử,…); ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, khuyến khích những người trẻ đóng góp vào quá trình chuyển đổi số.

Về việc mua trang thiết bị, Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm ứng kinh phí để mua kịp thời trang thiết bị cần thiết, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Bộ Y tế, Bộ Tài chính khẩn trương hướng dẫn các địa phương thực hiện kịp thời, đúng quy định việc này.

Bộ Y tế đề xuất Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc hỗ trợ kinh phí xét nghiệm từ ngân sách nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho số khách du lịch đang bị kẹt tại Thành phố Đà Nẵng do thực hiện giãn cách xã hội được trở về các địa phương và khi trở về phải thực hiện các biện pháp giám sát, cách ly y tế tại địa phương theo quy định.

Thủ tướng làm Chủ tịch UBQG về Chính phủ điện tử

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (Ủy ban) và lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Ủy ban.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban.

Phó Chủ tịch Ủy ban là ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Các Ủy viên gồm: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương; ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đại tá Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; ông Nguyễn Hải Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT.

Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Danh sách lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban. Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Tổ trưởng.

Tổ phó gồm các ông: Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/7/2020 và thay thế Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 3/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Trong trưởng hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung, thay thế thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và lãnh đạo Tổ công tác.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt danh sách thành viên Tổ công tác, thành lập các nhóm thuộc Tổ công tác, trưng tập thành viên và huy động chuyên gia.

Thủ tướng bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 1162/QĐ-TTg bổ nhiệm ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam.

Thủ tướng phân công trả lời chất vấn tại phiên họp 47 UBTVQH

Thủ tướng Chính phủ vừa phân công các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tại phiên họp 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư: Quản lý, giám sát đầu tư công, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nâng cao kỷ cương, trách nhiệm, khắc phục tồn tại, hạn chế và tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư công; việc ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế do tác động của dịch bệnh COVID-19; việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển; đẩy mạnh thu hút có chọn lọc vốn đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm trả lời chính.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng,Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Về lĩnh vực lao động, Thương binh và Xã hội: Việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; tình hình lao động, việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và các giải pháp trong thời gian tới; giải pháp hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động, đặc biệt là khu vực nông thôn trong bối cảnh dịch bệnh và biến đổi khí hậu hiện nay, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trả lời chính.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nghiên cứu phản ánh thu hút tư nhân vào phát triển năng lượng

Báo Đầu tư ngày 22/7/2020 có phản ánh nội dung: Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam cần chuẩn bị chiến lược "rút lui" cho nhiệt điện than, bao gồm chính sách hỗ trợ cho chuyển đổi tại các khu vực phụ thuộc vào điện than; cải cách thị trường năng lượng để đảm bảo tính linh hoạt, khả năng dự báo, vai trò của trung tâm của người tiêu dùng và tối ưu hóa chi phí.

Báo Lao động ngày 22/7/2020 có phản ánh nội dung: Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là "đòn bẩy" để doanh nghiệp tư nhân tham gia tích cực vào phát triển năng lượng. Tuy nhiên có "đòn bẩy" là chưa đủ, phải có "điểm bẩy" chính là Chính phủ, các bộ, ngành có hành lang pháp lý, các điều kiện cần và đủ để tư nhân tham gia vào truyền tải năng lượng.

Về thông tin báo Đầu tư và báo Lao động phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chuyển Bộ Công Thương nghiên cứu.

Xem xét phản ánh liên quan đến lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà trang trại

Báo điện tử Vietnamnet ngày 27/7/2020 có phản ánh nội dung: Một số chủ đầu tư trang trại nông nghiệp kết hợp lắp đặt các hệ thống điện mặt trời chưa thể thực hiện ký hợp đồng do chưa xác định được giá mua điện theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020.

Bộ Công Thương cần sớm hướng dẫn tiêu chí xác định để phân biệt điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời nối lưới, tạo thuận lợi cho xác định giá mua bán điện với các hệ thống điện mặt trời.

Về thông tin Báo điện tử Vietnamnet phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến giao Bộ Công Thương xem xét, xử lý phù hợp.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm giao thông đường bộ

Xét báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Quảng Bình ngày 26/7/2020, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có ý kiến như sau:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm các biện pháp để xử lý và khắc phục hậu quả của vụ việc; thực hiện và phối hợp với cơ quan chức năng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để thực hiện rà soát, xác định và có kế hoạch khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh phía Tây và toàn bộ mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường thanh tra, tuần tra kiểm soát phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đối với lái xe, chủ xe và đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Kiểm điểm, xem xét trách nhiệm tổ chức, cá nhân thuộc các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về việc để xảy ra hành vi vi phạm quy định pháp luật của lái xe và Công ty TNHH Hoàng Thanh Hoài dẫn đến vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên.

Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường nắm tình hình, có kế hoạch chuyên đề tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải khi tham gia giao thông, đặc biệt là các phương tiện kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng hoặc du lịch; sớm chuẩn bị điều kiện về hệ thống trang thiết bị, phương tiện để tiếp nhận và khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe kinh doanh vận tải do Tổng cục đường bộ Việt Nam chia sẻ; thực hiện nghiêm việc kết hợp hiệu quả giữa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tuần tra, kiểm soát xư lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông vận tải và cơ quan chức năng các tỉnh có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, rà soát, bổ sung hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm, hướng dẫn lái xe an toàn… xử lý triệt để các điểm đen tai nạn giao thông trên tuyến, xem xét lắp đặt hộ lan 2, 3 tầng, có trợ lực đảm bảo khả năng chịu đựng va chạm mạnh và ngăn ngừa lật xe ô tô xuống vực, hoặc đâm vào vách núi giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong trường hợp không may xả ra tai nạn.

Truy xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thống kê các hành vi vi phạm về tốc độ, hành trình của các phương tiện kinh doanh vận tải trong 7 tháng đầu năm 2020, tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại Quảng Bình và các địa phương có số phương tiện vi phạm lớn; gửi thông tin để các Sở Giao thông vận tải thực hiện kiểm tra tại những địa phương còn lại; chia sẻ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình cho Cục Cảnh sát giao thông.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo Công điện số 949/CĐ-TTg ngày 21/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả, không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ.

Phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc lập Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ.

Đồng thời, giải quyết các vấn đề mất cân đối chính trong phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm: Việc cân đối an ninh lương thực và đất lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu; việc chuyển đổi kết cấu hạ tầng để phù hợp với chuyển đổi mô hình phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái; xu hướng sụt giảm dân số, sự dịch chuyển của nguồn nhân lực chất lượng cao sang các địa phương khác và mặt bằng học vấn, chất lượng giáo dục-đào tạo, y tế thấp; việc quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước trong bối cảnh các hoạt động phát triển ở thượng nguồn sông Mekong và tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; các vấn đề về ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, suy giảm tài nguyên rừng do hệ lụy từ việc phát triển kinh tế cường độ cao; tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển làm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng chống thiên tai và cơ sở hạ tầng vùng ven biển.

Việc lập quy hoạch cũng nhằm cụ thể hóa và kết nối thống nhất, đồng bộ hướng tổ chức không gian và phát triển của các ngành, lĩnh vực trên phạm vi lãnh thổ của vùng được đề ra trong quy hoạch cấp quốc gia; là cơ sở để lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên phạm vi lãnh thổ vùng nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch; tạo cơ sở để quản lý và thu hút đầu tư; điều phối liên kết phát triển vùng.

Yêu cầu nội dung Quy hoạch

Theo yêu cầu, nội dung Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

Trong đó, cần phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng; đánh giá tổng hợp điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng; dự báo triển vọng và nhu cầu phát triển vùng các mặt kinh tế, xã hội và môi trường và tổ chức không gian lãnh thổ; xây dựng và lựa chọn kịch bản phát triển.

Xác định quan điểm về phát triển vùng, tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ vùng trong thời kỳ quy hoạch; xây dựng mục tiêu tổng quát phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với tổ chức không gian phát triển vùng cho thời kỳ đến năm 2030 và cho từng giai đoạn 5 năm; xây dựng phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng…

Hướng dẫn trường hợp chuyển tiếp của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc hướng dẫn trường hợp chuyển tiếp của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP khi chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện các nội dung cần thiết của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 theo đúng quy định.

Trường hợp các nội dung quy định rõ hơn và thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ theo quy định.

Hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây Cảng hàng không Sa Pa, Lào Cai

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo, thực hiện việc tiếp thu và hoàn thiện Hồ sơ đề xuất Dự án theo thẩm quyền; thống nhất với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không Sa Pa theo đúng quy định pháp luật./.

Print
710 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top