Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 11/01

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 11/01

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Phê duyệt Đề án thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Sở giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại SGDCK Hà Nội và SGDCK TP Hồ Chí Minh nhằm thống nhất thị trường giao dịch chứng khoán, bảo đảm thị trường hoạt động hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch.

SGDCK Việt Nam hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước dưới hình thức công ty mẹ - công ty con do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, có trụ sở chính đặt tại Hà Nội.

SGDCK Hà Nội và SGDCK TP Hồ Chí Minh là các công ty con do SGDCK Việt Nam đầu tư 100% vốn, hoạt động độc lập, có tư cách pháp nhân.

SGDCK Việt Nam có mức vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, được điều chuyển từ vốn điều lệ của SGDCK Hà Nội và SGDCK Tp. Hồ Chí Minh. Trong quá trình hoạt động, SGDCK Việt Nam thực hiện tăng hoặc giảm vốn điều lệ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

SGDCK Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ chính sau: 1- Xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; 2- Ban hành các quy chế về niêm yết chứng khoán, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, thành viên giao dịch và các quy chế nghiệp vụ khác liên quan đến tổ chức và hoạt động thị trường giao dịch chứng khoán sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận; 3- Giám sát SGDCK Tp. Hồ Chí Minh, SGDCK Hà Nội trong việc triển khai thực hiện các quy chế hoạt động nghiệp vụ; giám sát chung về thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; 4- Định hướng phát triển hệ thống công nghệ thông tin, định hướng phát triển các công nghệ mới, sản phẩm mới để chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất; 5- Hỗ trợ phát triển thị trường thông qua việc cung cấp các dịch vụ cơ sở hạ tầng, đào tạo, tuyên truyền, phổ cập kiến thức và cung cấp các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật; 6- Làm trung gian hoà giải theo yêu cầu của thành viên giao dịch khi phát sinh tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán; 7- Hợp tác quốc tế về chứng khoán và thị trường chứng khoán, là đầu mối tham gia các tổ chức quốc tế về TTCK; 8- Thực hiện quản lý các công ty con của SGDCK Việt Nam theo quy định pháp luật và Điều lệ hoạt động của SGDCK Việt Nam; 9- Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và quy định của cấp có thẩm quyền.

SGDCK Hà Nội và SGDCK TP Hồ Chí Minh có chức năng, nhiệm vụ chính sau: 1- Tổ chức hoạt động niêm yết, đăng ký giao dịch, giao dịch chứng khoán, đấu giá chứng khoán, đấu thầu trái phiếu theo quy định của pháp luật; 2- Giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán của thành viên giao dịch, tổ chức niêm yết và nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoán tại SGDCK theo quy định của pháp luật; 3- Phát triển các sản phẩm mới trong phạm vi thị trường quản lý; 4- Hỗ trợ phát triển thị trường thông qua việc cung cấp các dịch vụ cơ sở hạ tầng, đào tạo, tuyên truyền, phổ cập kiến thức; 5- Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và quy định của cấp có thẩm quyền.

Bộ Tài chính quyết định tổ chức bộ máy của SGDCK Việt Nam; SGDCK Việt Nam quyết định tổ chức bộ máy của SGDCK Hà Nội và SGDCK TP Hồ Chí Minh sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính.

SGDCK Việt Nam áp dụng cơ chế tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; Nghị định số 122/2017/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số; Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) và các quy định pháp luật có liên quan.

Tăng cường thể lực, phòng chống bệnh cho trẻ em

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025”.

Mục tiêu Đề án là nâng cao hiểu biết về dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực phù hợp đối với cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên, trẻ em, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh nhằm dự phòng các bệnh không lây nhiễm; thực hiện dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực phù hợp đối với trẻ em, học sinh, sinh viên.

Đề án phấn đấu nâng cao kiến thức và năng lực của cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên, trẻ em, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực để nâng cao sức khỏe, dự phòng các bệnh không lây nhiễm. Cụ thể, 100% cán bộ làm công tác y tế trường học; ít nhất 85% học sinh, sinh viên và nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; ít nhất 50% cha mẹ học sinh được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực đối với việc phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.

100% học sinh, sinh viên được truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá; ít nhất 80% học sinh phổ thông, 100% sinh viên được truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu bia.

100% cán bộ làm công tác y tế trường học được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, nguyên tắc xây dựng khẩu phần ăn và tăng cường hoạt động thể lực, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.

100% nhân viên làm việc tại các bếp ăn tập thể trong cơ sở giáo dục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đề án phấn đấu nâng cao tỷ lệ thực hành dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Trong đó, phấn đấu ít nhất 90% các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp có tổ chức bữa ăn bán trú cung cấp bữa ăn tại trường học cho trẻ em, học sinh, sinh viên đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định. 100% các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tổ chức theo dõi và đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, học sinh đầy đủ theo quy định. 100% các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp có căng tin trong trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm; không bán các thực phẩm, đồ uống không đảm bảo dinh dưỡng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có lợi cho sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên.

Đồng thời, tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng các bệnh không lây nhiễm. Đề án đặt mục tiêu 100% các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định về hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa, phấn đấu mỗi học sinh, sinh viên đạt ít nhất 60 phút hoạt động thể lực mỗi ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. 100% các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp có tổ chức các hoạt động truyền thông về lợi ích của việc tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đưa ra một số giải pháp trọng tâm như: Hoàn thiện các cơ chế chính sách về dinh dưỡng học đường và hoạt động thể lực trong trường học; đẩy mạnh công tác truyền thông về dinh dưỡng và hoạt động thể lực trong trường học; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phục vụ việc đảm bảo dinh dưỡng, giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học; tăng cường công tác quản lý về dinh dưỡng học đường và giáo dục thể chất trong các cơ sở giáo dục; huy động nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo đảm dinh dưỡng và hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên...

Thành lập BTC Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020.

Theo đó, ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Trưởng ban. 3 Phó Trưởng ban là các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc gồm: Bà Hoàng Thị Hạnh (thường trực); ông Nông Quốc Tuấn; ông Lê Sơn Hải.

Ban Tổ chức có nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020 trình Ban Chỉ đạo phê duyệt; tổ chức thực hiện Kế hoạt đã được phê duyệt.

Trưởng Ban Tổ chức có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành hoạt động chung của Ban, các thành viên và các Tiểu ban.

Các thành viên và các Tiểu ban có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được phân công; phối hợp hoàn thành tốt Kế hoạch tổ chức Đại hội.

Ban Tổ chức được sử dụng con dấu của Ủy ban Dân tộc để chỉ đạo, điều hành công việc. Ban Tổ chức tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Thủ tướng yêu cầu khắc phục tồn tại yếu kém trong dịch vụ logistics

Trang tin điện tử Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 17/12/2018 có bài viết "Dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam: Lợi ích khó nắm bắt".

Theo bài báo phản ánh, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018 đã xác định chi phí logistics đang là điểm nghẽn trong lưu thông hàng hóa, tăng chi phí sản phẩm khiến hàng hóa xuất khẩu kém cạnh tranh hơn so với các nước. Hạ tầng logistics từ thương mại, giao thông, đến công nghệ thông tin đều được xác định ở tình trạng yếu kém.

Cũng theo bài báo, nếu trong một thời gian ngắn vài tháng, vài quí sắp tới, có hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thương mại mới được thành lập ở Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu, với lượng hàng hóa tăng vọt. Lúc đó, dù có chạy nước rút thì chắc chắn Việt Nam cũng không thể cải thiện đáng kể năng lực logistics trong thời gian ngắn như vậy được, đặc biệt trong bối cảnh vốn đầu tư nhà nước cực kỳ eo hẹp trong khi cơ chế đầu tư công tư kết hợp (PPP) vẫn đang “lùng nhùng”. Và nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ phải cân nhắc nút thắt này để quyết định có chuyển dịch sang Việt Nam hay không...

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương nghiên cứu, khắc phục các tồn tại yếu kém trong dịch vụ logistics hiện nay ở nước ta.

Dừng Dự án BOT nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2

Thủ tướng Chính phủ đồng ý dừng thực hiện Dự án Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo – Giai đoạn 2 (Dự án) theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT) như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến việc dừng Dự án theo quy định của pháp luật.

Về việc đầu tư Dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan căn cứ Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội về Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để nghiên cứu, đề xuất thực hiện Dự án theo quy định.

Về việc thực hiện Dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB), Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, thực hiện Dự án sử dụng vốn vay của WB theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Kênh Chợ Gạo là tuyến đường thủy quan trọng, kết nối TP.Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh Đông Nam Bộ nói chung với đồng bằng Sông Cửu Long. 

Theo Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 1 của dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo đã được đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ, đáp ứng nhu cầu vận tải trước mắt. Tuy nhiên, sau một thời gian đã quá tải và ùn tắc lúc cao điểm.

Để khắc phục tình trạng quá tải, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện dự án giai đoạn 2 không thể cân đối được, tháng 7/2016, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương đầu tư nâng cấp tuyến luồng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 theo hình thức BOT. Dự án có mục tiêu đầu tư nâng cấp, ổn định tuyến kênh Chợ Gạo, khắc phục triệt để vấn đề quá tải và ùn tắc tàu thuyền nhằm tăng khả năng thông qua, đáp ứng kịp thời nhu cầu vận tải thủy trên tuyến hiện tại và lâu dài.

Tuy nhiên, qua lấy ý kiến của các UBND, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các doanh nghiệp vận tải - đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự án, kết quả tham vấn không khả thi khi lợi ích giữa các bên không gặp nhau.

Ngoài việc không đảm bảo tính khả thi tài chính, nếu triển khai nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo – giai đoạn 2 theo hình thức BOT còn không thể đảm bảo công bằng tuyệt đối cho các đối tượng sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất Thủ tướng cho phép dừng thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BOT.

An Giang xử lý nghiêm buôn lậu phế liệu

Tỉnh An Giang huy động tất cả các lực lượng, người dân cùng vào cuộc, cương quyết xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển trái phép, buôn lậu phế liệu, rác thải đội lốt phế liệu.

Từ đầu năm 2018, các mặt hàng rác thải, chất thải độc hại đội lốt phế liệu từ các nước trên thế giới vận chuyển đến Việt Nam gia tăng đột biến, trong thời gian gần đây tập trung vào các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ, như Kiên Giang, An Giang,… nguyên nhân là do chính quyền địa phương tại đây còn bị động, chưa có biện pháp xử lý quyết liệt.

Để hạn chế tình hình trên tại tỉnh An Giang, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh An Giang chỉ đạo quyết liệt, huy động tất cả các lực lượng, người dân cùng vào cuộc, cương quyết xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển trái phép, buôn lậu phế liệu, rác thải đội lốt phế liệu.

Chống buôn lậu hàng hóa qua biên giới

An Giang là tỉnh có gần 100 km đường biên giới tiếp giáp Vương Quốc Campuchia; có 05 cửa khẩu (02 cửa khẩu quốc tế, 02 cửa khẩu chính, 01 cửa khẩu phụ). Với địa hình đồng ruộng bằng phẳng, có nhiều sông, kênh rạch, đường mòn, lối mở, nhất khi nước lũ dâng cao tràn ngập các tuyến đường thông qua biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu hoạt động, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Để đảm bảo trật tự an ninh; hạn chế tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh An Giang tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch về phòng, chống tội phạm, đặc biệt là Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, Kết luận số 32-KL/TW ngày 5/7/2018 của Bộ Chính trị về tình hình an ninh, trật tự nổi lên gần đây và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng yêu cầu An Giang phải chủ động nắm chắc tình hình, có giải pháp đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự, tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", tội phạm trộm cắp tài sản, tội phạm xâm hại trẻ em... nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh, trật tự, nhất là quản lý về cư trú, xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý chặt chẽ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, không để tội phạm lợi dụng; phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới; đồng thời, quản lý chặt chẽ đối tượng, địa bàn; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc; tham gia phát hiện, tố giác, cảm hóa, giáo dục và quản lý người phạm tội tại cộng đồng dân cư.

Cùng với đó, Tỉnh phải tập trung chỉ đạo, quán triệt thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; quan tâm phát triển kinh tế xã hội ở khu vực biên giới để người dân khu vực biên giới có cuộc sống ổn định, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, nhất là trong công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Các lực lượng chuyên trách về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Tỉnh phải chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngay trong chính các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiên quyết loại bỏ ra khỏi bộ máy những cán bộ công chức tha hóa, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu; làm tốt công tác phối hợp lực lượng, kịp thời chia sẻ thông tin, nắm chắc từng đối tượng, tuyến, địa bàn, tập trung phát hiện, xác lập, triệt phá các “đường dây”, “ổ nhóm” buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng phế liệu, đường cát, thuốc lá, rượu,... Có các biện pháp bảo vệ cán bộ, chiến sỹ thi hành công vụ, người dân tham gia tố giác tội phạm...

Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các kỹ năng phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng, các thủ đoạn gian lận thương mại, tác hại của việc tiêu thụ các mặt hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc để người dân không tiêu dùng các mặt hàng này, đặc biệt là trên hệ thống loa đài tại các trung tâm thương mại và các chợ đầu mối.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng các hình thức phong phú, phù hợp cho nhân dân, bà con khu vực biên giới để người dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi gian lận thương mại khác...

Phó Thủ tướng chỉ đạo về tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về tiến độ triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện chuyển sang thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng theo đúng quy định tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017, Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27/2/2018.

Theo quyết định số 07/2017/QĐ-TTg về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, nhà đầu tư các dự án BOT giao thông đường bộ trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên chậm nhất đến ngày 31/12/2018 phải bàn giao toàn bộ các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá để thực hiện việc thu giá theo hình thức điện tử tự động không dừng. Lộ trình cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Đối với trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ được xây dựng sau ngày 1/1/2019, nhà đầu tư phải thực hiện bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ ngay sau khi được nghiệm thu, đưa vào sử dụng cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá.

Với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng chậm nhất đến ngày 31/12/2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá để thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và mùa lễ hội

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, cơ quan và các cấp chính quyền tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội Xuân Kỷ Hợi, trong đó lưu ý ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc rượu.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2019, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp về kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, chế biến thực phẩm vừa bảo đảm an toàn thực phẩm vừa góp phần bảo vệ, cải thiện môi trường nông thôn.

Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh thực phẩm tươi sống thông qua các giải pháp như gom dần lại, hạn chế các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và thực hiện nghiêm việc xử lý chất thải, nước thải bảo đảm yêu cầu về môi trường.

Đẩy mạnh việc quản lý an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm được nhập khẩu theo đường tiểu ngạch kết hợp với việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại các loại thực phẩm này.

Chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan kiên quyết chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. Bộ Y tế tăng cường thông báo, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý các cơ quan báo chí quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng quy định của pháp luật.

Bộ Công an tăng cường việc xử lý theo quy định của pháp luật hình sự đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng.

Bộ Công Thương quản lý chặt chẽ các sàn thương mại điện tử,  kinh doanh đa cấp thực phẩm chức năng.

Tăng cường thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ở Trung ương và chính quyền các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm.

Đối với các đô thị lớn, cần coi quản lý thực phẩm trên địa bàn như quản lý đối với thực phẩm xuất khẩu.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm an toàn thực phẩm thay thế Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 với các nội dung trọng tâm là hậu kiểm bảo đảm an toàn thực phẩm, phối hợp, sử dụng công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong quý II năm 2019.

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cùng phối hợp, khẩn trương hoàn thành hệ thống thông tin an toàn thực phẩm, tạo công cụ hữu hiệu cho công tác quản lý và giám sát của cộng đồng, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm của các doanh nghiệp.

Ủy ban nhân dân các tỉnh tiếp tục tăng cường năng lực cho các cơ quan chức năng, đảm bảo phương tiện, kinh phí, nhân lực quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn./.

 

Print
945 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top