Responsive image

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 12/4

Thông tin báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 12/4

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Quy định mới về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sảm phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Theo đó, nguồn kinh phí thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công gồm:

1. Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên trong các lĩnh vực sự nghiệp và các hoạt động kinh tế theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó: Kinh phí thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của các bộ, cơ quan trung ương từ nguồn ngân sách trung ương. Kinh phí thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của địa phương từ nguồn ngân sách địa phương.

2. Nguồn phí được để lại chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo pháp luật về phí và lệ phí.

3. Nguồn thu dịch vụ sự nghiệp công theo giá dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước định giá.

4. Nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Nghị định cũng quy định danh mục sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, gồm: Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và Danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích.

Trong đó, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện theo các phương thức: Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Còn sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo các phương thức: Đặt hàng, đấu thầu (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định).

Điều kiện giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công

Nghị định dành Điều 9 quy định cụ thể điều kiện giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. Theo đó, việc giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chỉ thực hiện đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan quản lý cấp trên được giao kinh phí cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng đồng thời các điều kiện:

a) Đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được giao theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Ngoài ra đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao nhiệm vụ trong lĩnh vực thuộc diện Nhà nước cấp phép hoạt động phải đáp ứng thêm điều kiện phải là đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

b) Đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền giao quyền tự chủ tài chính theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực;

c) Việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công là nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của đơn vị, đã và đang được cơ quan quản lý cấp trên giao nhiệm vụ;

d) Danh mục dịch vụ sự nghiệp công chưa xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, thực hiện theo số lượng, khối lượng, chi phí hợp lý theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều kiện đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công

Theo Nghị định, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan quản lý cấp trên đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, theo danh mục quy định, khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Đáp ứng các điều kiện quy định tại các điểm a, b, c của khoản 2 Điều 9 nêu trên; Danh mục dịch vụ sự nghiệp công có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan có thẩm quyền ban hành làm cơ sở để đặt hàng; Điều kiện đặt hàng khác theo quy định của pháp luật liên quan (nếu có).

Về đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, Nghị định nêu rõ: Căn cứ chức năng và ngành nghề đăng ký kinh doanh phù hợp với dịch vụ sự nghiệp công tham gia đấu thầu; căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành đối với nhà thầu cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực thuộc diện Nhà nước cấp phép hoạt động và các điều kiện tham gia đấu thầu khác theo quy định của pháp luật liên quan (nếu có); nhà thầu được tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo danh mục quy định theo 2 hình thức: a) Đấu thầu rộng rãi cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Điều 20 Luật đấu thầu, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định này; b) Đấu thầu hạn chế cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Điều 21 Luật Đấu thầu.

Quy định xử lý kỷ luật CBCCVC vi phạm Luật Tố cáo

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, trong đó quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm Luật Tố cáo.

Cụ thể, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật và quy định tại Nghị định này hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật và quy định khác có liên quan được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị định quy định rõ xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Cụ thể, hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo dẫn đến việc người tố cáo bị trả thù, trù dập.

Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau: Tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo; cố ý không thụ lý tố cáo, không ban hành kết luận nội dung tố cáo; không quyết định xử lý tố cáo theo thẩm quyền hoặc không kiến nghị người có thẩm quyền xử lý tố cáo.

Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau:

- Cố ý không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội.

- Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; bao che cho người bị tố cáo gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội.

- Không áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo thuộc thẩm quyền làm cho người tố cáo bị trả thù, trù dập dẫn đến thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc bị chết.

Về xử lý kỷ luật đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức, Nghị định quy định: Cán bộ, công chức, viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhân sự mới 2 địa phương

Thủ tướng Chính phủ vừa có các quyết định giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016-2021.

Cụ thể, tại Quyết định 397/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2016-2021 cho đến khi cấp có thẩm quyền phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2016-2021 theo quy định.

Tại Quyết định số 396/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Dương Văn Lượng, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy.

Tại Quyết định số 400/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Đoàn Văn Tuấn, để nghỉ hưu theo chế độ.

 

Khẩn trương khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản

Để khẩn trương khắc phục tình trạng nợ đọng các văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, pháp lệnh đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 và bảo đảm tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo, khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trước ngày 15/4/2019 đối với các văn bản nợ đọng quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2019; ban hành trước ngày 15/5/2019 đối với các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.

Sau thời điểm này, Bộ trưởng nào không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội và trách nhiệm kỷ luật trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tư pháp tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc soạn thảo, trình các văn bản; tập trung nguồn lực, ưu tiên thẩm định hồ sơ các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.

Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc soạn thảo, xử lý kịp thời các vướng mắc, những vấn đề còn ý kiến khác nhau; tập trung thẩm tra, hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành văn bản.

Xử lý kiến nghị về xây bãi đỗ xe ngầm trong Công viên Cầu Giấy

Ông Lê Phi Phụng và một số công dân đang sinh sống tại các Tòa nhà khu vực xung quanh công viên Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội có đơn (gửi kèm theo hàng nghìn chữ ký của công dân) gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc triển khai Dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại khu đất hơn 14.500 m2 trong khuôn viên phía Đông Bắc của công viên Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Đồng thời, thời gian gần đây, một số cơ quan báo chí (báo Thanh tra, báo Môi trường và đô thị, báo Tiền phong, báo Bất động sản Việt Nam…) cũng đã đăng hàng loạt bài phản ánh ý kiến của người dân xung quanh chủ trương xây dựng bãi đỗ xe trên.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Văn phòng Chính phủ chuyển đơn phản ánh, kiến nghị của ông Lê Phi Phụng và một số công dân đến Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để kiểm tra, xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, trả lời công dân và báo cáo kết quả giải quyết lên Thủ tướng Chính phủ.

Trà Vinh cần tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế

Năm 2018, tỉnh Trà Vinh có 19/20 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 11,05%. Trong 3 tháng đầu năm 2019 kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục phát triển, thu ngân sách 1.070 tỷ đồng, đạt 28,4% kế hoạch, tăng 31,6% so cùng kỳ; sản xuất công nghiệp tăng 22,7% so cùng kỳ. Tỉnh đã tập trung cao độ thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra, mạnh dạn đầu tư, thực thi các giải pháp thu hút đầu tư phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, Trà Vinh vẫn là tỉnh có điểm xuất phát thấp, còn nhiều khó khăn so với các tỉnh khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là cơ sở hạ tầng, đời sống nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; tình trạng khai thác cát trái phép, nhất là ở các khu vực giáp ranh còn diễn biến phức tạp; khiếu kiện đông người, vượt cấp vẫn còn diễn ra.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, khắc phục những hạn chế trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tỉnh Trà Vinh cần phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên nước ở cả ba vùng (nước ngọt, mặn, lợ); chủ động phương án và biện pháp tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn; thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, Tỉnh phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương đầu tư hạ tầng khu Kinh tế Định An, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển kinh tế biển; tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển du lịch khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư hạ tầng du lịch và phát triển du lịch cộng đồng; cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể, Đề án khởi nghiệp doanh nghiệp giai đoạn 2018 - 2020.

Đổi mới quản trị, điều hành hợp tác xã, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với thị trường; phát triển hợp tác xã, tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng 15.000 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), gắn với xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó là nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tỉnh phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường tăng cường giám sát công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản, nhất là cát lòng sông; kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, nhất là xỉ than và tro bay.

Print
972 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top