Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/01

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/01

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Quy định mới về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô

Chính phủ ban hành Nghị định 04/2019/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.

Nghị định này quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô; khoán kinh phí sử dụng xe ô tô; thuê dịch vụ xe ô tô và sắp xếp lại, xử lý xe ô tô, bao gồm: Xe ô tô phục vụ công tác các chức danh; xe ô tô phục vụ công tác chung; xe ô tô chuyên dùng; xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước.

Trong đó, Nghị định quy định rõ, chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá là: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội.

Cán bộ có chức danh là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 10,4 trở lên được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác. Căn cứ tình hình thực tế tại thời điểm trang bị xe ô tô, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủng loại, giá mua xe ô tô trang bị cho các chức danh này theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan.

Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô với giá mua tối đa 1.100 triệu đồng/xe trong thời gian công tác gồm:

1- Trưởng ban của Đảng ở trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng các đoàn thể ở trung ương, các chức danh tương đương và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên.

2- Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trừ thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

3- Các chức danh sau đây của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh: Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Chức danh được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác với giá mua tối đa 920 triệu đồng/xe gồm chức danh có tiêu chuẩn:

- Phó Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Thứ trưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó các đoàn thể ở trung ương, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng cục trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên.

-  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trừ thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Các chức danh sau đây của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc.

- Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (Tập đoàn kinh tế).

Trường hợp các chức danh có tiêu chuẩn nêu trên tự nguyện nhận khoán kinh phí sử dụng xe ô tô thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng thành viên Tập đoàn kinh tế căn cứ tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập đoàn kinh tế, phương án nhận khoán và số lượng chức danh nhận khoán kinh phí, để xem xét, quyết định việc khoán kinh phí và số lượng xe ô tô trang bị, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả giữa việc bố trí xe ô tô phục vụ công tác với việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô. Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.

Trường hợp tất cả các chức danh có tiêu chuẩn nêu trên của từng Bộ, cơ quan trung ương, Tổng cục, Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tập đoàn kinh tế áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cho toàn bộ công đoạn thì không trang bị xe ô tô phục vụ chức danh.

Nghị định cũng quy định xe ô tô phục vụ công tác chung, trong đó quy định các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung khi đi công tác; xe ô tô phục vụ công tác chung của Cục, Vụ và tổ chức tương đương thuộc, trực thuộc Bộ, cơ quan trung ương; xe ô tô phục vụ công tác chung của Cục, Vụ, Ban và tổ chức tương đương thuộc, trực thuộc Tổng cục và tổ chức tương đương (Tổng cục); xe ô tô phục vụ công tác chung của Cục, tổ chức tương đương Cục thuộc, trực thuộc Tổng cục có tổ chức bộ máy ngành dọc đóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp tỉnh; xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan cấp huyện; xe ô tô phục vụ công tác chung của doanh nghiệp nhà nước; xe ô tô phục vụ công tác chung của Ban quản lý dự án.

Sắp xếp lại, xử lý xe ô tô

Về sắp xếp lại, xử lý xe ô tô phục vụ công tác các chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô quy định tại Nghị định này thực hiện rà soát, sắp xếp lại số xe ô tô hiện có của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; thực hiện xử lý xe ô tô dôi dư theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Thời hạn hoàn thành trước ngày 31/12/2019.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cập nhật đầy đủ số liệu xe ô tô sau khi rà soát, xử lý vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo thời hạn quy định.

Doanh nghiệp nhà nước căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô quy định tại Nghị định này thực hiện rà soát, sắp xếp lại số xe ô tô phục vụ công tác hiện có; thực hiện xử lý xe ô tô dôi dư theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật liên quan. Thời hạn hoàn thành trước ngày 31/12/2019.

Về sắp xếp lại, xử lý xe ô tô chuyên dùng, căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại xe ô tô chuyên dùng hiện có của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương và địa phương:

- Trường hợp xe ô tô chuyên dùng hiện có phù hợp với tiêu chuẩn, định mức được ban hành thì tiếp tục quản lý, sử dụng; số xe này được tính trong tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng được ban hành.

- Trường hợp xe ô tô chuyên dùng hiện có không phù hợp với tiêu chuẩn, định mức được ban hành thì thực hiện xử lý theo các hình thức quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

Việc thực hiện xử lý xe ô tô chuyên dùng không phù hợp tiêu chuẩn, định mức phải hoàn thành chậm nhất 6 tháng kể từ ngày cơ quan, người có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức.

Trong thời gian cơ quan, người có thẩm quyền chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng xe ô tô chuyên dùng đã được trang bị theo đúng tiêu chuẩn, định mức được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành trước ngày 1/1/2018, không thực hiện việc giao, mua mới, điều chuyển; sau khi cơ quan, người có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng, bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc sắp xếp, xử lý theo quy định nêu trên.

Nghị định có hiệu lực từ 25/2/2019.

Giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách TW giai đoạn 2016-2020 (đợt 5)

Thủ tướng Chính phủ quyết định giao 1.339,309 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 (đợt 5) và danh mục dự án bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tổng số kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 5) và danh mục dự án ở trên giao các bộ, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chi tiết danh mục và mức vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 5) của từng dự án theo ngành, lĩnh vực, chương trình, dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các nội dung thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án.

Các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ danh mục dự án và kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai doạn 2016 - 2020 (đợt 5) được giao thông báo cho các đơn vị danh mục và kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 (đợt 5) cho từng dự án theo quy định; báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 20/1/2019.

Tăng cường hoạt động truyền thông về du lịch

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tăng cường hoạt động truyền thông về du lịch.

Mục tiêu của Đề án nhằm đổi mới cách thức, nội dung và tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thông tin, truyền thông về du lịch; tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về vị trí, vai trò động lực của ngành du lịch trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, về cơ chế chính sách phát triển du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù của các vùng miền địa phương với các hình thức phong phú, đa dạng đến người dân, doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước nhằm góp phần quảng bá về điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng”.

Truyền thông quảng bá hình ảnh, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam góp phần xây dựng, định vị hình ảnh thương hiệu du lịch Việt Nam với du khách trong và ngoài nước.

Theo Đề án, nội dung tuyên truyền gồm: 1- Thông tin tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội dung và kết quả thực hiện các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án của Nhà nước về phát triển du lịch và quy tắc ứng xử văn minh trong lĩnh vực du lịch; 2- Thông tin, tuyên truyền về các sản phẩm du lịch nổi trội, khác biệt, có khả năng cạnh tranh cao, mang thương hiệu quốc gia nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế; 3- Tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm về các mô hình, các điển hình thành công tiêu biểu trong phát triển du lịch, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng.

Các nội dung trên được tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông lồng ghép qua các hoạt động và sự kiện; truyền thông qua hệ thống Internet và truyền thông qua các hoạt động khác như: Cung cấp tài liệu truyền thông về du lịch đưa lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông để phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tham khảo; xây dựng, xuất bản ấn phẩm về du lịch để tổ chức truyền thông tại các hội chợ du lịch quốc tế; tổ chức cuộc thi tuyên truyền quảng bá hình ảnh về du lịch...

Năm 2019, Thừa Thiên Huế phấn đấu đạt 2,5 triệu khách du lịch quốc tế

Tỉnh Thừa Thiên Huế phải nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để trong năm 2019 phấn đấu đạt 2,5 triệu khách du lịch quốc tế, mức tăng trưởng du lịch cao hơn bình quân cả nước. Đồng thời khẩn trương triển khai thực hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I Di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể Di tích cố đô Huế để phát triển du lịch.

Đó là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cũng tại Thông báo này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tỉnh khẩn trương chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 ngay từ những ngày đầu năm gắn với tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, góp phần cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp dệt may, xây dựng thương hiệu một số sản phẩm cơ khí chế tạo mà tỉnh có lợi thế để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động sang các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị và giá trị gia tăng cao.

Đồng thời, nghiên cứu, có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Phát triển nông nghiệp gắn với phục vụ du lịch sinh thái.

Cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các nhà doanh nghiệp đến phát triển sản xuất kinh doanh; tỉnh Thừa Thiên Huế phải tiếp tục đi đầu trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử, phấn đấu xây dựng thành phố Huế trở thành thành phố thông minh nhưng vẫn giữ nét đặc trưng của Huế trong phát triển; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tổ chức để mọi người dân được đón Tết sum vầy, đầm ấm

Về công tác chuẩn bị đón tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế cùng cả nước tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Tuyệt đối không sử dụng xe công giờ hành chính để đi lại trong dịp Tết và sử dụng ngân sách đúng quy định; tổ chức thăm hỏi, quan tâm đến người cao tuổi, gia đình chính sách, các nhà trí thức, văn nghệ sỹ, các chức sắc tôn giáo.

Tỉnh bảo đảm trước ngày 25/1/2019 (ngày 20 Tết Quý Hợi) người nghèo, gia đình chính sách, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, khó khăn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa nhận được các chính sách chăm lo ngày Tết cổ truyền của Đảng, Nhà nước và quà của Chủ tịch nước theo quy định.

Tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, ngành rà soát các đối tượng chính sách, hộ nghèo và phải có kế hoạch cụ thể chăm lo Tết nguyên đán 2019 cho Nhân dân. Tổ chức để mọi người dân được đón Tết sum vầy, đầm ấm và hạnh phúc; quan tâm tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, tinh thần và vui chơi đón Tết lành mạnh cho Nhân dân, đồng thời phải ngăn chặn các hành vi thiếu văn hóa, cờ bạc nhất là tại các lễ hội trong dịp Tết và ở các khu di tích lịch sử văn hóa,...

Tổ chức cung ứng hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý và “nhất là không được để các hộ nghèo đứt bữa trong dịp Tết”, kiểm soát cháy nổ, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, phục vụ tốt khách du lịch; làm tốt công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn.

Thanh Hóa phấn đấu là hình mẫu phát triển KT-XH

Thanh Hóa có vị trí chiến lược quân sự, kinh tế quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời của "xứ Thanh", là vùng đất địa linh nhân kiệt, nhiều anh hùng dân tộc, một miền văn hóa cội nguồn "cái nuôi" của văn hóa vật thể và phi vật thể Việt Nam. Những năm qua kinh tế - xã hội của Tỉnh đạt kết quả ấn tượng và tương đối toàn diện trên nhiều lĩnh vực, xu hướng phát triển của Thanh Hóa ngày càng tốt hơn: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 3 năm qua (2016 - 2018) tăng bình quân 11%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 2,8%/năm, công nghiệp tăng 15,9%/năm, dịch vụ tăng 9,8%/năm; thu ngân sách tăng bình quân 12,3%/năm... Những kết quả phát triển kinh tế - xã hội Thanh Hóa đạt được thời gian qua là tích cực, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển chung của cả nước. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Tỉnh vẫn dưới mức tiềm năng, Tỉnh vẫn chưa cân đối được ngân sách; chưa khắc phục triệt để tình trạng cho vay nặng lãi "tín dụng đen"...

Để khắc phục được những hạn chế, tiếp tục phát triển, hoàn thành đúng các mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nhiệm vụ giải pháp lớn, quan trọng nhất đối với Thanh Hóa là đoàn kết, thống nhất, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vì sự phát triển chung của Thanh Hóa và cuộc sống của nhân dân. Tầm nhìn “Tứ Sơn” đang đặt ra cho Thanh Hóa không chỉ có Nghi Sơn mà còn có các thế mạnh khác, đòi hỏi Thanh Hóa tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phải tiến lên thành một tỉnh công nghiệp, hoàn thành và phấn đấu vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước.

Thanh Hóa phải nghiên cứu, có cơ chế, chính sách mới, hấp dẫn, đúng quy định của pháp luật, thúc đẩy mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư hạ tầng quan trọng, trước hết là giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy và “mở cửa bầu trời”; nghiên cứu xây dựng đô thị sân bay văn minh, hiện đại theo xu hướng thế giới; cùng với đó là quan tâm giữ gìn cảnh quan, môi trường, màu xanh của núi rừng, nhất là vùng phía Tây của Tỉnh; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với đào tạo nghề và chuyển đổi nghề để cung cấp lao động có trình độ và tay nghề phù hợp cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là các khu kinh tế, khu công nghiệp trong Tỉnh nhằm phát huy lợi thế chất lượng nguồn nhân lực Thanh Hóa đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với trên 2 triệu lao động.

Cùng với đó, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao trong nông nghiệp; phát triển chăn nuôi, thủy hải sản; khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào vùng nông thôn, vùng núi phía Tây gắn với công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tiếp tục đổi mới trong công tác cán bộ, trong quản trị, điều hành, Thanh Hóa phải phấn đấu là một hình mẫu của cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm người dân phải được hưởng lợi cao nhất, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo; làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới mức bình quân chung của cả nước; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Chuyển đổi dây chuyền sản xuất kính nổi

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc chuyển đổi công suất, mục tiêu các dự án sản xuất kính nổi tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc dây chuyền VGI3 sản xuất kính làm pin năng lượng mặt trời với công suất 500 tấn/ngày tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Công ty TNHH Công nghiệp kính NSG Việt Nam theo quy định tại Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dẫn doanh nghiệp về các hồ sơ, trình tự, thủ tục đầu tư dự án, các thủ tục về môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

Xem xét kiến nghị về cơ chế quản lý, đầu tư hạ tầng sân bay

Báo Thanh niên điện tử số ra ngày 17/12/2018 nêu kiến nghị của TS Nguyễn Thiện Tống đề cập đến vấn đề cơ chế điều hành, quản lý hoạt động khai thác và đầu tư hạ tầng tại hai sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý còn nhiều bất cập.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 477/TB-VPCP ngày 26/12/2018.

Xử lý dứt điểm vi phạm về đất đai, kinh tế tại xã Song Phương (Hà Nội)

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến về tổ chức thực hiện kết luận thanh tra giải quyết nội dung tố cáo của ông Nguyễn Chí Thắng trú tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội liên quan đến các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, kinh tế tại xã Song Phương.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung chỉ đạo xử lý và chịu trách nhiệm về việc xử lý dứt điểm tất cả các vi phạm về đất đai, kinh tế xảy ra tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan có vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, công khai để người dân biết, giám sát việc thực hiện, không để khiếu kiện kéo dài gây bức xúc ở địa phương; báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/5/2019.

Phát triển du lịch nông thôn - giải pháp căn cơ nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Xác định phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là một giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn. Phát triển du lịch nông thôn phải coi trọng lợi ích của người dân, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Đó là chỉ đạo trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội thảo toàn quốc “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Thông báo kết luận nêu rõ, để có các giải pháp và cách làm phù hợp, hiệu quả, trước hết cần có nhận thức và làm rõ nội hàm về khái niệm du lịch nông thôn gắn với việc phát huy các giá trị cảnh quan, văn hóa của nông thôn cho hoạt động du lịch. Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng có xu hướng thu hẹp, sản xuất nông nghiệp phải cơ cấu lại, du lịch nông thôn cần phải được xem xét là một giải pháp để xây dựng nông thôn mới, không chỉ là một công cụ để xóa đói giảm nghèo, mà còn để đa dạng hóa thu nhập cho người dân nông thôn và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái.

Cần xem xét đến các yếu tố chính để phát triển du lịch nông thôn, trong đó cốt lõi là yếu tố cộng đồng và xây dựng bản sắc văn hóa truyền thống của từng dân tộc, từng địa phương; lấy hiệu quả kinh tế để đánh giá và tuân thủ các quy luật của thị trường với tư cách là một ngành kinh tế, mang lại các lợi ích kinh tế, gắn với các lợi ích về xã hội và môi trường; sự tham gia của cộng đồng và người dân nông thôn với tư cách là chủ thể của du lịch nông thôn; vấn đề giới trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng; vai trò của việc hình thành các chuỗi giá trị trong quá trình phát triển du lịch nông thôn; phát huy vai trò của các bên liên quan khác như: Các công ty lữ hành, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức xã hội; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch với việc nâng cao giá trị và sự khác biệt của các sản phẩm hướng tới từng nhóm đối tượng du khách đặc thù.

Để đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện, xác định phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là một giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn. Phát triển du lịch nông thôn phải coi trọng lợi ích của người dân, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; lấy lợi ích của cộng đồng dân cư địa phương là trên hết, lấy văn hóa đặc trưng từng vùng, miền là nền tảng và thế mạnh để tạo sự khác biệt, thương hiệu riêng cho du lịch nông thôn ở địa phương.

Các địa phương cần chủ động đánh giá tiềm năng và định hướng, quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo hướng liên kết vùng với các tua, tuyến, điểm du lịch đặc thù, độc đáo, hướng vào chiều sâu và bền vững. Muốn vậy, cần huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, ý kiến tư vấn của các chuyên gia, các hiệp hội du lịch, viện nghiên cứu. Đối với những địa phương đã có tiềm năng rõ rệt để phát triển du lịch nông thôn, phải ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút được nhiều khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu và khả năng quay trở lại của khách du lịch. Việc thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch phải gắn liền với thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiệt hại về thiên tai cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng chịu tác động rủi ro.

Mỗi địa phương phải thực sự chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua việc tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thái độ phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện; tăng cường kết nối với các công ty lữ hành thiết kế các tua, tuyến nhằm thu hút du khách để khai thác tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch.

Xây dựng chính sách phát triển du lịch nông thôn

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Đề án về phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới; rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển du lịch nông thôn, nhất là chính sách liên quan đến các thủ tục quản lý người nước ngoài, quản lý lưu trú; chính sách khuyến khích, hỗ trợ hộ dân làm du lịch ở nông thôn được tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển du lịch (nguồn vốn từ ngân hàng, các quỹ đầu tư, quỹ vốn vay từ các hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp); chính sách hỗ trợ đào tạo cho người dân nông thôn làm du lịch.

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phải gắn kết mật thiết với việc hình thành các sản phẩm đặc sản nông nghiệp, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ đặc trưng của mỗi địa phương, vùng, miền, làm cơ sở để thu hút du khách đến trải nghiệm, tiêu thụ. Mỗi tỉnh, thành phố khi triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, phải chú trọng đến việc rà soát, phát huy lợi thế về sản xuất để phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản, góp phần tạo ra các giá trị gia tăng từ hoạt động du lịch; xây dựng các tiêu chí để đánh giá, xếp hạng sản phẩm du lịch đặc thù gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, đối với các thôn, bản, ấp được hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản, ấp theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đồng thời phát huy lợi thế để phục vụ phát triển du lịch.

Các cấp, các ngành tăng cường truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với việc xây dựng thương hiệu đặc trưng; chú trọng khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại để quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn, đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với các địa danh để quảng bá cho du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các diễn đàn, hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại.

 

 

Print
888 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top