Responsive image

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/5

Thông tin báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/5

THÔNG TIN BÁO CHÍ

    THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Quy định chặt việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường. Trong đó, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP có sửa đổi, bổ sung quy định về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Cụ thể, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 55 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam và đối tượng nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Điều kiện phế liệu nhập khẩu

Theo quy định mới, phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phải đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật bảo vệ môi trường.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu được lựa chọn làm thủ tục hải quan tại cơ quan hải quan quản lý cửa khẩu nhập hoặc cơ quan hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu (cơ sở sản xuất); được lựa chọn địa điểm kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu tại cửa khẩu nhập hoặc tại cơ quan hải quan nơi có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu hoặc tại cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu.

Phế liệu nhập khẩu chỉ được phép dỡ xuống cảng khi đáp ứng các yêu cầu sau:

1- Tổ chức, cá nhân nhận hàng trên Bản lược khi hàng hóa (E-Manifest) có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực và còn khối lượng phế liệu nhập khẩu;

2- Tổ chức, cá nhân nhận hàng trên E-Manifest có Văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu đối với phế liệu ghi trên E-Manifest theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 57 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.

Cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện trên trước khi cho phép dỡ phế liệu xuống cảng.

Điều kiện nhập khẩu

Nghị định 40/2019/NĐ-CP cũng nêu rõ các tổ chức, cá nhân có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu dưới đây mới được phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất:

1- Đáp ứng các yêu cầu và trách nhiệm về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 76 Luật bảo vệ môi trường;

2- Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, trong đó có nội dung sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất và được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường hoặc giấy phép xử lý chất thải nguy hại, trong đó có nội dung sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với các dự án đã đi vào vận hành.

Đối với dự án mới xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 16b và Điều 17 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP

3- Có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định của pháp luật.

Giữ lại con dấu hết giá trị sử dụng của một số CQNN để lưu trữ, phục vụ nghiên cứu

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về việc giữ lại con dấu hết giá trị sử dụng của một số cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước để lưu trữ, phục vụ nghiên cứu lịch sử.

Cụ thể, con dấu hết giá trị sử dụng của các cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước sau đây được giữ lại để lưu trữ, phục vụ nghiên cứu lịch sử:

1- Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Tổng thư ký Quốc hội.

2- Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3- Chính phủ, các bộ; cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các Tổng cục (trừ các Tổng cục của Bộ Quốc phòng).

4- Văn phòng Chủ tịch nước.

5- Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.

6- Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.

7- Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp.

Cơ quan đăng ký mẫu con dấu có trách nhiệm thu hồi con dấu hết giá trị sử dụng của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước nêu trên theo quy định; thông báo, bàn giao con dấu hết giá trị sử dụng cho Lưu trữ lịch sử tại cơ quan Lưu trữ lịch sử trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thu hồi con dấu. Việc bàn giao con dấu hết giá trị sử dụng được lập thành Biên bản bàn giao.

Lưu trữ lịch sử ở trung ương quản lý con dấu hết giá trị sử dụng của các cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước ở trung ương. Lưu trữ lịch sử ở cấp tỉnh quản lý con dấu hết giá trị sử dụng của các cơ quan, tổ chức ở địa phương. Người đứng đầu Lưu trữ lịch sử ở trung ương và cấp tỉnh cho phép cung cấp con dấu hết giá trị sử dụng của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước bảo quản tại Lưu trữ lịch sử do mình quản lý.

Cơ quan, tổ chức có nhu cầu nghiên cứu về con dấu hết giá trị sử dụng của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước phải có văn bản gửi Lưu trữ lịch sử, trong đó nêu rõ thời gian, mục đích và nội dung nghiên cứu. Cá nhân có nhu cầu nghiên cứu về con dấu hết giá trị sử dụng tại Lưu trữ lịch sử phải có một trong những giấy tờ sau: Thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu. Người đại diện cơ quan, tổ chức và cá nhân khi đến nghiên cứu con dấu hết giá trị sử dụng thực hiện đăng ký theo yêu cầu nghiên cứu theo quy định tại Phòng đọc của Lưu trữ lịch sử.

Người đứng đầu Lưu trữ lịch sử xét duyệt yêu cầu nghiên cứu của cơ quan, tổ chức, cá nhân và quyết định cho phép cung cấp con dấu hết giá trị sử dụng. Thời hạn xét duyệt và thông báo kết quả xét duyệt là 1 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.

Phê chuẩn miễn nhiệm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Huỳnh Cách Mạng, để nhận nhiệm vụ mới.

Thay đổi thành viên UBQG về trẻ em

Thủ tướng Chính phủ quyết định ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm thành viên Ủy ban Quốc gia về Trẻ em thay ông Nguyễn Thế Phương.

Hỗ trợ Bạc Liêu phòng, chống dịch bệnh thủy sản

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký quyết định 547/QĐ-TTg về việc xuất cấp hóa chất từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Bạc Liêu phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp không thu tiền 100 tấn hóa chất Chlorine 65% min từ nguồn hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu để phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo. UBND tỉnh Bạc Liêu tiếp nhận và sử dụng số hóa chất nêu trên theo quy định hiện hành.

Đầu tư Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ dự án, lập báo cáo thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo quy định của pháp luật.

Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.

Năm 2018 cùng với cả nước, tỉnh Đồng Tháp đạt và vượt 15/16 chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu, trong đó tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,91%, nông nghiệp tăng 6,07% (cao gấp 2 lần so với bình quân chung của cả nước); thu ngân sách tăng 4,34%; doanh thu du lịch tăng trên 16% so với cùng kỳ; Tỉnh đã xây dựng vùng sản xuất lúa gần 600 nghìn ha, sản lượng 3,3 triệu tấn (thứ 3 cả nước), sản lượng cá basa trên 400 nghìn tấn (đứng đầu cả nước về xuất khẩu cá basa); xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực; tư duy kinh tế, cách làm năng động, đã áp dụng nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã lập 68 hội quán nông dân gắn với từng ngành hàng đặc trưng của địa phương. Trong 3 tháng đầu năm 2019 kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực góp phần cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ năm 2019.

Kết quả kinh tế - xã hội mà Đồng Tháp đạt được trong thời gian qua là tích cực, tuy nhiên, Tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, quy mô kinh tế nhỏ, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối giao thông còn hạn chế; dịch bệnh trong chăn nuôi diễn biến phức tạp; sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Tháp phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hoàn thiện quan hệ sản xuất; chủ động phương án và biện pháp tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình cụ thể phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là nông nghiệp, xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng và giữa các địa phương trong Tỉnh. Phối hợp với các địa phương liên quan hoàn chỉnh Đề án Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Quan tâm hơn nữa đến phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp đặc biệt là đội ngũ quản lý nhà nước để phát triển nông nghiệp.

Tỉnh Đồng Tháp cần quan tâm hỗ trợ, khuyến khích phong trào khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; sớm hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và thị trường; thực hiện liên kết vùng, hành lang kinh tế.

Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính; rà soát, cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích tinh thần chủ động, sáng tạo của người đứng đầu các ngành, các cấp, nhằm thực hiện tốt vai trò chính quyền kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Tháo gỡ bất cập trong quản lý mua, bán, đăng kiểm, đăng ký tàu biển

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao các Bộ ngành liên quan tháo gỡ bất cập trong cơ chế quản lý hoạt động mua, bán và đăng kiểm, đăng ký tàu biển.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về mua, bán, và đăng kiểm, đăng ký tàu biển, đặc biệt lưu ý hoàn thiện các quy định có liên quan đến việc hoán cải tàu biển, thẩm quyền, quy trình, thủ tục thực hiện việc hoán cải và đăng kiểm, đăng ký tàu đã được hoán cải... ; trên cơ sở đó, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019./.

 

Print
980 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top