Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 16/6

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 16/6

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Quy định mới về điều kiện công nhận kho ngoại quan

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 67/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.

Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện công nhận kho ngoại quan. Cụ thể, có 5 điều kiện công nhận kho ngoại quan gồm:

1- Khu vực đề nghị công nhận kho, bãi ngoại quan phải nằm trong khu vực quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Hải quan hoặc khu kinh tế cửa khẩu hoặc khu vực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics.

2- Kho, bãi ngoại quan được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng tường rào, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan, trừ kho nằm trong khu vực cửa khẩu, cảng đã có tường rào ngăn cách biệt lập với khu vực xung quanh.

3. Diện tích

- Kho ngoại quan nằm trong khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng cạn, cảng hàng không quốc tế hoặc khu vực ga đường sắt liên vận quốc tế phải có diện tích kho chứa hàng tối thiểu 1000 m2.

- Kho ngoại quan chuyên dùng có diện tích kho chứa hàng tối thiểu 1.000 m2 hoặc thể tích kho chứa hàng tối thiểu 1.000 m3.

- Kho ngoại quan nằm trong khu công nghiệp phải có diện tích khu đất tối thiểu 4.000 m2 (bao gồm kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó kho chứa hàng phải có diện tích tối thiểu 1.000 m2.

- Kho ngoại quan không thuộc trường hợp quy định nêu trên phải có diện tích khu đất tối thiểu 5.000 m2 (bao gồm kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó kho chứa hàng phải có diện tích tối thiểu 1.000 m2.

- Bãi ngoại quan phải có diện tích tối thiểu 10.000 m2, không yêu cầu diện tích kho.

4- Có phần mềm đáp ứng yêu cầu quản lý lưu trữ, kết xuất dữ liệu trực tuyến cho cơ quan hải quan về tên hàng, chủng loại, số lượng, tình trạng của hàng hóa, thời điểm hàng hóa đưa vào, đưa ra, lưu trữ trong kho ngoại quan chi tiết theo tờ khai hải quan để quản lý theo Hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa tự động.

5- Có hệ thống camera đáp ứng kết nối trực tuyến với cơ quan hải quan quản lý. Hình ảnh quan sát được mọi vị trí của kho ngoại quan, bãi ngoại quan (bao gồm cổng, cửa và trong kho bãi, riêng kho ngoại quan chứa hàng đông lạnh không phải lắp đặt trong kho) vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ), dữ liệu về hình ảnh lưu giữ tối thiểu 6 tháng.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/8/2020.

 

Nghiên cứu thông tin báo nêu về khai thác hiệu quả AVFTA

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét nghiên cứu thông tin báo Vnexpress nêu về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Báo điện tử Vnexpress ngày 8/6/2020 có đưa thông tin: Theo tính toán của HSBC, EVFTA có thể đóng góp trung bình 0,1% vào tăng trưởng thực của GDP mỗi năm, nhưng để hưởng lợi nhiều hơn, Việt Nam cần nâng cấp chuỗi cung ứng. Ngoài ra, Chính phủ cần hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu; chỉ dẫn các doanh nghiệp về khung pháp lý mới, những cam kết của Việt Nam trong EVFTA, như các cam kết về môi trường, bảo vệ sở hữu trí tuệ và xuất xứ.

Về thông tin nêu trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương xem xét nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình triển khai chương trình hành động để thực hiện hiệu quả EVFTA.

 

Phê duyệt chủ trương đầu tư đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận  - Cần Thơ, giai đoạn 1.

Việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ góp phần giải quyết nhu cầu vận tải khi tuyến Quốc lộ 1 đã quá tải; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam Bộ, đảm bảo quốc phòng an ninh của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung; giảm thiểu tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1; từng bước hoàn chỉnh mạng đường bộ cao tốc theo quy hoạch.

Theo phê duyệt, tổng chiều dài tuyến khoảng 22,97 km (địa phận tỉnh Vĩnh Long dài 12,52 km, tỉnh Đồng Tháp dài 10,45 km); điểm đầu tại Km107+363,08 kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 thuộc địa phận thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối tại Km130+337 (nút giao Chà Và, kết nối với Quốc lộ 1 hiện hữu) thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Phần tuyến chính, bình diện và trắc dọc đạt tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/h (theo TCVN 5729:1997 kết hợp với TCVN 5729:2012); mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe; mặt cắt ngang giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường Bnền=17 m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Công trình cầu xây dựng vĩnh cửu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; tải trọng thiết kế HL-93 theo TCVN 11823:2017; bề rộng cầu phù hợp với bề rộng đường theo từng giai đoạn.

Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư dự án 4.827,32 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách Trung ương.

Dự án được đầu tư xây dựng ở tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp.

Dự kiến, Dự án được khởi công năm 2020, cơ bản hoàn thành năm 2022, hoàn thành toàn bộ dự án (giai đoạn 1) trong năm 2023.

 

Công nhận huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đạt chuẩn NTM

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo huyện Lương Tài tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Sau 10 năm triển khai, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng lòng đồng sức, sáng tạo của người dân, huyện Lương Tài (Bắc Ninh), đến hết năm 2019, 13/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đưa huyện Lương Tài đạt chuẩn nông thôn mới góp phần tạo diện mạo nông thôn nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Đến nay, trụ sở làm việc, trạm y tế của 14/14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lương Tài đều được xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa theo hướng kiên cố, hiện đại; 93/101 thôn có nhà văn hóa để tổ chức sinh hoạt cộng đồng, một số xã có sân vận động và sân bóng đá do cấp xã và thôn quản lý. Trường học các cấp từng bước được xây dựng theo chuẩn, tỷ lệ phòng học được kiên cố hoá đạt 100%, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học được đảm bảo. Cấp học Mầm non có 256/256 phòng học kiên cố, 32 phòng chức năng, 102 phòng hành chính quản trị; cấp Tiểu học có 300/300 phòng học kiên cố, 131 phòng chức năng, 102 phòng hành chính quản trị, 7 nhà đa năng; cấp THCS có 171/171 phòng học kiên cố, 129 phòng chức năng, 113 phòng hành chính quản trị, 6 nhà đa năng.

Các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường nội thị đều được đầu tư cải tạo nâng cấp. Hàng trăm công trình thủy lợi, gồm các bờ bao, cống, trạm bơm tưới tiêu đã được tu bổ, sửa chữa, nâng cấp; một số kênh mương nội đồng được cứng hóa phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng đã từng bước đi vào nền nếp.

Những năm tiếp theo, Lương Tài tập trung xây dựng khu trung tâm hành chính mới của huyện và đầu tư nâng cấp các tuyến đường nội thị, đường tỉnh; phối hợp với Ban quản lý dự án xây dựng giao thông Bắc Ninh thực hiện dự án ĐT 285B kết nối quốc lộ 38 với quốc lộ 17; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư thực hiện nâng cấp 20 tuyến đường huyện, tập trung chỉ đạo phát triển các khu đô thị của huyện phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Bắc Giang cần phát triển nhanh công nghiệp, xây dựng

Bắc Giang cần phát triển nhanh công nghiệp, xây dựng. Lấy công nghiệp làm trụ cột động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, dịch chuyển cơ cấu kinh tế và phát triển các lĩnh vực khác.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Bắc Giang tập trung cùng cả nước thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống hiệu quả bệnh dịch COVID-19, trong đó tổ chức tốt các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 của Tỉnh.

Đồng thời, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương để lựa chọn và xác định mô hình tăng trưởng phù hợp, chuyển dịch từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu và có tầm nhìn dài hạn. Xây dựng môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh, xây dựng các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, nhất là hạ tầng kỹ thuật, cải cách thủ tục hành chính. Chủ động chuẩn bị tốt điều kiện về đất đai, mặt bằng với hạ tầng đồng bộ để thu hút các dự án đầu tư lớn, có tiềm năng.

Bên cạnh đó, phát triển nhanh công nghiệp, xây dựng. Lấy công nghiệp làm trụ cột động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, dịch chuyển cơ cấu kinh tế và phát triển các lĩnh vực khác. Phát huy lợi thế về nguồn nhân lực lao động dồi dào, đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng; có cơ chế chính sách tăng cường bồi dưỡng, đào tạo dạy nghề, năng lực quản trị để kịp thời đáp ứng nhu cầu của các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, nắm bắt cơ hội chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài sang Việt Nam.

Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bắc Giang xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển toàn diện nông thôn. Rà soát, bổ sung, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch chiến lược phát triển nông nghiệp tích hợp trong Quy hoạch tỉnh, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán giữa bố trí dân cư nông thôn và quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Tập trung phát triển nhóm sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Phát triển đa dạng, linh hoạt các ngành dịch vụ chất lượng cao cả ở khu vực thành thị và nông thôn. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp tham gia cung cấp, kinh doanh dịch vụ. Tiến hành quy hoạch và tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, du lịch, vận tải, kho bãi, tài chính, ngân hàng, viễn thông đồng bộ, hiện đại. Mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ quá trình phát triển gồm tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ, bưu chính, viễn thông, giáo dục đào tạo, y tế, bảo hiểm...

Bắc Giang cũng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, hạ tầng kinh tế số; thực hiện quyết liệt hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, điện, nước... tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.

Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng bền vững; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi gắn với đẩy mạnh xã hội hoá. Có chính sách để phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trọng tâm là chính sách giảm nghèo, khuyến khích đồng bào dân tộc vươn lên làm giàu, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

 

Phê duyệt chủ trương đầu tư 3 sân golf

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án sân golf ở huyện Việt Yên, huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) và huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình).

Cụ thể, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sân golf Việt Yên tại các xã Hương Mai và Trung Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Công ty Cổ phần Đầu tư Golf Trường An là nhà đầu tư dự án. Mục tiêu của Dự án là xây dựng sân golf 36 hố và khu phụ trợ, khu biệt thự cho thuê. Diện tích khu đất là 140 ha. Vốn đầu tư của Dự án là 1.214 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm.

Dự án Sân golf và Phúc Tiến do Công ty cổ phần golf An Việt Hòa Bình là nhà đầu tư. Dự án được thực hiện tại xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình với tổng diện tích khu đất là 200 ha, trong đó, diện tích thực hiện dự án Sân golf Phúc Tiến là 188,25 ha. Vốn đầu tư Dự án hơn 1.137,025 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm.

Công ty Cổ phần golf Trường An Lục Nam là nhà đầu tư dự án Sân golf và nghỉ dưỡng Bắc Giang. Địa điểm thực hiện dự án tại các xã Chu Điện, Khám Lạng và Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Mục tiêu của Dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf 36 lỗ tiêu chuẩn quốc tế, với mục tiêu phát triển du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao cũng như phát triển phong trào thể thao địa phương. Vốn đầu tư của Dự án là 739,727 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của Dự án là 50 năm./.

 

 

 

 

 

Print
555 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top