Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 18/12

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 18/12

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Chính phủ thống nhất giảm giá điện (đợt 2) do COVID-19

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 180/NQ-CP về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 2) cho khách hàng sử dụng điện.

Theo đó, Chính phủ đồng ý thống nhất phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 2) như đề xuất của Bộ Công Thương. Không thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện đối với cơ sở phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thu phí cách ly y tế tập trung theo chỉ đạo tại văn bản số 7713/VPCP-KTTH ngày 15/9/2020.

Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai việc thực hiện, bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách.

Xuất cấp hạt giống hỗ trợ 4 tỉnh bị thiệt hại do thiên tai

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp không thu tiền 2.340 tấn hạt giống lúa; 500 tấn hạt giống ngô và 40 tấn hạt giống rau cho các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Thanh Hóa bị thiệt hại do thiên tai năm 2020.

Cụ thể, tỉnh Quảng Trị được hỗ trợ 1.000 tấn hạt giống lúa, 80 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau; tỉnh Quảng Bình được hỗ trợ 640 tấn hạt giống lúa, 120 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau; tỉnh Hà Tĩnh được hỗ trợ 500 tấn hạt giống lúa, 100 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau; tỉnh Thanh Hóa được hỗ trợ 200 tấn hạt giống lúa, 200 tấn hạt giống ngô và 10 tấn hạt giống rau.

Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý cụ thể theo quy định; chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo.

Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Thanh Hóa tiếp nhận, phân bổ và sử dụng số hạt giống cây trồng nêu trên kịp thời, đúng quy định.

4 lĩnh vực Công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo đó, 4 lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gồm: 1- Công nghệ số; 2- Vật lý; 3- Công nghệ sinh học; 4- Năng lượng và môi trường.

Cụ thể, Danh mục công nghệ ưu tiên của từng lĩnh vực như sau:
 

Lĩnh vực công nghệ số: Trí tuệ nhân tạo; internet vạn vật; công nghệ phân tích dữ liệu lớn; công nghệ chuỗi khối; điện toán đám mây, điện toán lưới, điện toán biên; điện toán lượng tử; công nghệ mạng thế hệ sau; thực tại ảo, thực tại tăng cường, thực tại trộn; công nghệ an ninh mạng thông minh, tự khắc phục và thích ứng; bản sao số; công nghệ mô phỏng nhà máy sản xuất; nông nghiệp chính xác.

Lĩnh vực vật lý: Robot tự hành, robot cộng tác, phương tiện bay không người lái, phương tiện tự hành dưới nước; in 3D tiên tiến; công nghệ chế tạo vật liệu nano, thiết bị nano; công nghệ chế tạo vật liệu chức năng; công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ; công nghệ ánh sáng và quang tử.

Lĩnh vực công nghệ sinh học: Sinh học tổng hợp; công nghệ thần kinh; tế bào gốc; công nghệ Enzyme; tin sinh học; chip sinh học và cảm biến sinh học; y học tái tạo và kỹ thuật tạo mô; công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới.

Lĩnh vực năng lượng và môi trường: Công nghệ chế tạo pin nhiên liệu; công nghệ tổng hợp nhiên liệu sinh học tiên tiến; năng lượng Hydrogen; quang điện; công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến; công nghệ tiên tiến trong thăm dò, thu hồi dầu và khí; thu thập và lưu trữ các bon; năng lượng vi mô; công nghệ tua bin gió tiên tiến; công nghệ năng lượng địa nhiệt, năng lượng đại dương và năng lượng sóng; lưới diện thông minh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức liên quan căn cứ Quyết định này và các quy định khác của pháp luật liên quan để định hướng, ưu tiên bố trí nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ.

Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng DA xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông

Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1802/CĐ-TTg chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Công điện nêu: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (Dự án) là dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km, đi qua địa phận 13 tỉnh gồm: Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế,  Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các bộ, ngành, địa phương liên quan đã rất tích cực triển khai các hạng mục công việc để khởi công các dự án thành phần và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trên toàn tuyến. Tuy nhiên, về tổng thể tiến độ triển khai dự án còn chậm, trong đó công tác GPMB không đáp ứng tiến độ cam kết với Thủ tướng Chính phủ (bàn giao toàn bộ mặt bằng trong Quý II/2020).

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến hết tháng 11 năm 2020 đã được bàn giao 92% mặt bằng; tuy nhiên, đối với khối lượng còn lại, nếu không tập trung thực hiện quyết liệt sẽ không thể hoàn thành công tác GPMB trong năm 2020, đặc biệt là các địa phương có khối lượng hoàn thành GPMB đạt dưới 90% như: Khánh Hòa (73%), Ninh Bình (79%), Hà Tĩnh (82,3%), Đồng Nai (85,7%), Nghệ An (87%).

Tiến độ xây dựng các khu tái định cư tại các địa phương chưa đảm bảo tiến độ yêu cầu, hiện nay chỉ đạt khoảng 53% khối lượng. Trong đó, một số địa phương thực hiện công tác này rất chậm, gồm: Ninh Bình (hoàn thành 01/05 khu); Nghệ An (có 28 khu TĐC, chưa hoàn thành); Hà Tĩnh (có 02 khu TĐC, chưa hoàn thành); Khánh Hòa (có 07 khu TĐC, chưa hoàn thành, trong đó có 1 khu đang thẩm định phê duyệt thiết kế); Ninh Thuận (có 02 khu TĐC, chưa hoàn thành); Đồng Nai (có 02/03 khu TĐC, đang thẩm định phê duyệt thiết kế); Tiền Giang (có 01 khu TĐC, chưa hoàn thành).

Tiến độ thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật rất chậm, hiện công tác di dời đường điện mới đạt khoảng 12,8% khối lượng, di dời đường ống nước các loại đạt khoảng 18,1% khối lượng, di dời đường cáp viễn thông đạt khoảng 21,5% khối lượng, cụ thể: Quảng Trị đã di dời 87,5% đường điện và 100% đường cáp quang; các địa phương còn lại khối lượng hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật đạt <50% như: Ninh Bình (đã di dời 31,4% đường điện; chưa di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật khác); Thanh Hóa (đã di dời 15,4% đường điện và 28,8% đường cáp quang); Ninh Thuận (đã di dời 31,0% đường điện và 60% đường nước); Bình Thuận (đã di dời 3,3% đường điện, 33,8% đường nước và 45,8% đường cáp viễn thông); Tiền Giang (đã di dời 52% đường điện, 50% đường nước và cáp quang); đặc biệt là các địa phương: Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Đồng Nai và Vĩnh Long chưa có khối lượng hoàn thành về công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.

Để bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến  Bắc - Nam phía Đông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh có dự án đi qua tiếp tục tập trung chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ngành liên quan và Hội đồng GPMB địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Xây dựng tiến độ chi tiết để thực hiện hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại (khoảng  8%), cơ bản  bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công Dự án trong năm 2020;

- Khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành 109 khu tái định cư còn lại trong năm 2020 để di dời các hộ dân vào khu tái định cư (đặc biệt là các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang);

- Phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật đẩy nhanh tiến độ thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, bàn giao mặt bằng cho dự án trong năm 2020;

- Chủ động xử lý các vướng mắc, kiến nghị liên quan đến công tác GPMB thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo xử lý, bảo đảm tiến độ thực hiện, tuân thủ quy định hiện hành.

2. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình thực hiện công tác GPMB các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng mốt số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông  giai đoạn 2017 - 2020; khẩn trương chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án:

- Phối hợp với các địa phương, các chủ quản lý sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại, bảo đảm tiến độ hoàn thành, bàn giao trong năm 2020;

- Tiếp nhận bàn giao mặt bằng từ các địa phương để tổ chức triển khai thi công các gói thầu đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu; rà soát, kịp thời phát hiện các tồn tại, vướng mắc mới phát sinh về GPMB, có kế hoạch làm việc cụ thể với các địa phương để kịp thời giải quyết, tháo gỡ.

3. Các Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel): Khẩn trương chỉ đạo các chủ quản lý, chủ sử dụng công trình hạ tầng điện, viễn thông,… thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình khẩn trương hoàn thành công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng trong năm 2020.

Cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của đất nước và đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đang có chiều hướng phức tạp trở lại trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; xây dựng kế hoạch chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại… Phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và của trung ương đóng tại địa bàn.

Bên cạnh đó, xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm soát biên giới chặt chẽ; tăng cường kiểm soát tuyến đường bộ từ biên giới vào nội địa ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có điều kiện có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán như: ma túy, vũ khí, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, gia súc, gia cầm, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp,... đặc biệt chú ý các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch COVID-19.

Tập trung đấu tranh với các đối tượng buôn lậu các mặt hàng trọng điểm

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an và Công an các địa phương triển khai các phương án, kế hoạch, nghiệp vụ đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm tội phạm, không để hoạt động phức tạp trên các địa bàn; tập trung đấu tranh với các đường dây, đối tượng buôn lậu trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 liên quan đến các mặt hàng trọng điểm như: chất cháy, chất nổ, an ninh an toàn mạng, pháo, thuốc lá, rượu bia, bánh kẹo, xăng dầu, nhóm mặt hàng liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới đường bộ (trọng điểm là các đường mòn, lối mở), đường biển. Kịp thời phát hiện, đấu tranh triệt phá các điểm tập kết, tụ điểm chứa hàng nhập lậu trong khu vực biên giới; ngăn chặn kịp thời các hành vi xuất cảnh, nhập cảnh, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, không để hình thành các tụ điểm tập kết hàng ở khu vực biên giới; chủ trì, phối hợp với lực lượng Hải quan xây dựng kế hoạch tuần tra, chốt chặn tại các tuyến đường có khả năng mang vác, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Chỉ đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên các vùng biển trọng điểm: Đông Bắc, miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nam; tập trung kiểm soát hàng tạm nhập - tái xuất, vận chuyển trái phép ma túy, xăng dầu, thuốc lá điếu, than, khoáng sản,...; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương kiểm soát tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển.

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Hải quan các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng biển, đường sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế, bưu điện quốc tế và các địa điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát Hải quan; tập trung lực lượng làm tốt công tác thông quan, giải phóng hàng hóa, không để xảy ra ùn tắc tại các cửa khẩu trong dịp Tết.

Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới đường bộ và trên biển và thực hiện các kế hoạch chuyên đề đấu tranh với mặt hàng trọng điểm, đặc biệt chú trọng ngăn chặn gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ; pháo nổ, hàng tiêu dùng phục vụ Tết nhất là khẩu trang y tế và các thiết bị phục vụ chống dịch,…

Tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi kinh doanh hàng giả, hàng cấm

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương chủ động theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường hàng hóa Tết; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, triển khai dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường.

Chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và cục Quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến... và các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng. Đặc biệt lưu ý đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng kém chất lượng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; các mặt hàng liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ban Chỉ đạo 389 các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên ngành phối hợp kiểm tra, kiểm dịch các loại hoa quả, đồ uống, thực phẩm, gia súc, gia cầm,... bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, không để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân; tăng cường quản lý chất lượng, nguồn gốc dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc cổ truyền.

Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng bảo đảm cung cấp đủ nguồn hàng hóa tiêu dùng đạt chất lượng cho nhân dân; tăng cường công tác xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá; đặc biệt lưu ý đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp,…

Xử lý nghiêm hành vi tự ý thay đổi kết cấu xe ô tô

Chương trình Chuyển động 24h Đài Truyền hình Việt Nam ngày 07/12/2020 có loạt phóng sự đưa tin về việc những chiếc xe container hoán cải chở hàng chục khối cát ngang nhiên qua lại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh.

Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu các Bộ: Công an, Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm liên quan đến việc tự ý thay đổi kết cấu xe không đúng với thiết kế của nhà sản xuất trên hồ sơ phương tiện để chở hàng quá tải trọng như phản ánh của phóng sự nêu trên./.

 

 

Print
678 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top