Responsive image

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 19/8

Thông tin báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 19/8

THÔNG TIN BÁO CHÍ

    THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Triển khai thi hành Luật Kiến trúc

Để triển khai thi hành Luật Kiến trúc kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Kiến trúc.

Theo đó, năm 2019 và các năm tiếp theo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật.

Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Kiến trúc; đề xuất hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp, thống nhất với Luật Kiến trúc. Kết quả rà soát của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 31/3/2020.

Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng, trình Chính phủ Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc (khoản 5 Điều 13, khoản 5 Điều 14, khoản 1 Điều 15, khoản 8 Điều 17, khoản 3 Điều 22, khoản 3 Điều 23, khoản 4 Điều 26, khoản 5 Điều 29, khoản 4 Điều 30, khoản 3 Điều 31) vào tháng 3/2020.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật (2 văn bản): Thông tư quy định chi tiết hồ sơ thiết kế kiến trúc; Thông tư quy định về mẫu chứng chỉ hành nghề; xây dựng cơ sở dữ liệu về kiến trúc và hành nghề kiến trúc trong cả nước; xây dựng mẫu thiết kế kiến trúc đáp ứng tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chuyển đổi sang Quy chế quản lý kiến trúc (hoàn thành 31/12/2021); quy chế quản lý kiến trúc (hoàn thành từ ngày 1/7/2020 và các năm tiếp theo).

Tập trung thực hiện các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi rác thải nhựa

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về các giải pháp khắc phục, đẩy lùi rác thải nhựa.

Trước đó, Phó Thủ tướng nhận được văn bản chất vấn của Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: "Rác thải nhựa đang là vấn đề đe dọa toàn cầu, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có thư kêu gọi cả nước chung tay hành động để khắc phục, song quá trình thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Chính phủ có giải pháp đầy đủ, đồng bộ, cụ thể như thế nào để thực hiện đạt kết quả?".

Trả lời chất vấn trên, Phó Thủ tướng cho biết, lượng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng, nhất là từ việc sử dụng túi ni lông do loại túi này siêu mỏng, khó phân hủy và thường thải bỏ sau một lần sử dụng. Hiện nay, việc xử lý rác thải túi ni lông chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp vì giá trị thu hồi để tái chế thấp. Chất thải nhựa, túi ni lông nếu không kiểm soát tốt sẽ tác động xấu đến môi trường sống của Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo thực hiện việc quản lý và kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada ngày 9/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có sáng kiến các nước G7 cùng thúc đẩy hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thúc đẩy thực hiện cam kết và sáng kiến của Việt Nam; tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra liên quan đến việc quản lý, xử lý chất thải; hướng dẫn cho các đơn vị liên quan thực hiện quản lý chất thải nhựa theo quy định; khuyến khích cộng đồng tăng cường tái sử dụng túi ni lông, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; phát động phong trào toàn dân tham gia chống rác thải nhựa, cùng chung tay thành lập Liên minh chống rác thải nhựa. Mới đây, ngày 4/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát Thư kêu gọi cả nước chung tay hành động chống rác thải nhựa.

Giảm thiểu rác thải nhựa từ đất liền ra đến đại dương

Việc quản lý chất thải nhựa, túi ni lông là vấn đề phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, cùng toàn xã hội. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, đặc biệt chú trọng xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rác thải nhựa từ đất liền ra đến đại dương.

Đồng thời tổ chức triển khai có hiệu quả và nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn; thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý rác thải kết hợp với thu hồi năng lượng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, thu hút sự tham gia hiệu quả của cộng đồng các doanh nghiệp.

Tăng cường thông tin tuyên truyền, thay đổi nhận thức, thói quen của toàn thể nhân dân trong sử dụng sản phẩm nhựa, túi ni-lông khó phân hủy. Phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% túi ni lông thân thiện với môi trường tại các Trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy. Hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân huỷ kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và một số Bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp triển khai các giải pháp định hướng hoạt động sản xuất và tiêu thụ túi ni lông thân thiện với môi trường trong nước.

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thu/nộp thuế bảo vệ môi trường và chống gian lận thương mại để bảo hộ các sản phẩm đã được công nhận túi ni lông thân thiện với môi trường; đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế bảo vệ môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gồm cả chất thải nhựa trên nguyên tắc người phát sinh ra chất thải phải trả tiền thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý. Mở rộng hỗ trợ tín dụng nhà nước cho các công trình, dự án tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa và túi ni lông cũng như các ưu đãi về thuế, phí và lệ phí.

Đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình điểm chống rác thải nhựa; chuyển từ việc sử dụng túi ni lông sang sử dụng các loại túi giấy và bao gói thân thiện với môi trường; thúc đẩy thị trường tiêu thụ túi thân thiện với môi trường; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn, đặc biệt là nhóm sản xuất quy mô hộ gia đình.

Chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, tiếp nhận vốn, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý chất thải nhựa; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm giải quyết đồng bộ, hiệu quả vấn đề rác thải nhựa.

Công nhận 3 huyện thị đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ quyết định cộng nhận huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa và huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018; công nhận thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Thanh Hóa và Bình Định có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo huyện Đông Sơn, Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Sau hơn 8 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa tăng từ 10,3 triệu đồng (năm 2010) lên 43,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22,1% (năm 2010) xuống còn 2,4%. Diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập người dân được cải thiện đáng kể, đời sống vật chất là tinh thần ngày càng được nâng cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, tạo nền tảng để phát triển sản xuất. Hiện toàn huyện đã có 14/14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành 9/9 tiêu chí cấp huyện.

Bằng việc nỗ lực huy động cả hệ thống chính trị tập trung cho công cuộc xây dựng nông thôn mới, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2/2 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 99,6%, gần 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 3,5%, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 39 triệu đồng/người/năm, trở thành huyện đầu tiên của tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong những năm qua, các cấp lãnh đạo thị xã An Nhơn, tỉnh Đình Định đã chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn thị xã An Nhơn đã thay da đổi thịt. Đường giao thông, kênh mương, đê kè, trường học, nhà văn hóa, sân thể thao, điện nông thôn, chợ, trạm y tế được nâng cấp, xây mới hoàn chỉnh; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố. Thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao./.

 

 

Print
1260 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top