Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/7

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/7

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thủ tướng chỉ thị dừng nhập khẩu động vật hoang dã

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.

Chỉ thị nêu rõ, tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã còn diễn biến phức tạp ở một số địa bàn, địa phương, dẫn tới gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và uy tín của đất nước trên trường quốc tế; cùng với đó còn phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm. Để bảo đảm thực thi nghiêm pháp luật về quản lý động vật hoang dã, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị dừng nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài động vật hoang dã (trừ các loài thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi đã được công bố theo quy định của pháp luật; bộ phận của động vật hoang dã đã được chế biến, xử lý làm dược liệu, làm nguyên liệu phục vụ sản xuất hoặc sản phẩm hoàn chỉnh) đến khi có chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ hoặc trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Mọi trường hợp nhập khẩu động vật hoang dã trái với Chỉ thị này phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với động vật hoang dã bất hợp pháp; đối với động vật hoang dã được cơ quan thẩm quyền quản lý CITES nước ngoài cấp giấy phép xuất khẩu vào Việt Nam, cơ quan Hải quan cửa khẩu yêu cầu chủ hàng trả về nơi xuất khẩu. Trường hợp chủ hàng không thực hiện hoặc hàng hóa không xác định được chủ hàng thì xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam đối với động vật hoang dã bất hợp pháp.

Kiên quyết loại bỏ các khu vực mua bán động vật hoang dã trái pháp luật

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ theo chức năng, thẩm quyền được giao thực hiện rà soát hệ thống văn pháp pháp luật để đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt hành vi tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật. 

Kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã trái pháp luật, nhất là động vật hoang dã thuộc lớp thú, chim, bò sát trong môi trường tự nhiên. 

Mọi công dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức và người thân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã trái pháp luật.

Tăng cường giám sát hoạt động gây nuôi động vật hoang dã

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm túc các giải pháp quản lý động vật hoang dã gây nuôi. Cụ thể, tổ chức đánh giá về việc thí điểm và thực trạng nuôi hổ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 1761/VPCP-NN ngày 04 tháng 4 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ về xử lý việc nuôi hổ trái phép tại tỉnh Bình Dương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động gây nuôi động vật hoang dã. Việc gây nuôi, xuất khẩu động vật hoang dã phải đảm bảo nguồn gốc hợp pháp, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổ chức thanh tra, kiểm tra trên diện rộng các cơ sở nuôi động vật hoang dã, đảm bảo nguồn gốc động vật nuôi hợp pháp, điều kiện an toàn đối với vật nuôi, con người, vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, nhất là vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ của động vật hoang dã gây nuôi. Lập cơ sở dữ liệu về các cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng vì mục đích thương mại các loài động vật hoang dã thuộc danh mục loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ và các loài thuộc Phụ lục I và II CITES; công khai trên cổng thông tin điện tử của bộ để toàn xã hội theo dõi, giám sát.

Cùng với đó là tăng cường chỉ đạo các biện pháp giám sát bệnh dịch, vệ sinh thú y tại các cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã; tiếp tục tổng kết thực tiễn, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, đầy đủ về quản lý động vật hoang dã, trình Chính phủ ban hành tiêu chí và danh mục động vật có nguồn gốc hoang dã được thuần dưỡng để chuyển sang quản lý theo quy định của Luật Chăn nuôi và CITES.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã; đặc biệt là tập trung triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh trái phép mẫu vật các loài động vật hoang dã; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo, mua bán trái phép mẫu vật động vật hoang dã trên các trang thông tin điện tử.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, lối mở biên giới và trên biển; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật các trường hợp mua, bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất trái phép động vật hoang dã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân khu vực biên giới không săn, bắt, nuôi, nhốt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn bán, vận chuyển, kinh doanh các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ các loài trên theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao. 

Bộ Y tế chỉ đạo rà soát, quản lý các cơ sở kinh doanh y, dược, các cơ sở sản xuất thuốc, sản phẩm y tế có sử dụng các thành phần từ động vật hoang dã, đảm bảo chỉ sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp trong lĩnh vực y, dược.

Bộ Tài chính cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành, của CITES về số liệu ngà voi, sừng tê giác đã được bộ tiếp nhận, lưu giữ và bảo quản; chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án xử lý, tiêu huỷ ngà voi, sừng tê giác theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học; rà soát quy định pháp luật hiện hành, đề xuất, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra chỉ đạo đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố các đối tượng vi phạm pháp luật về việc săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tàng trữ động vật hoang dã trái pháp luật; nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm; tăng cường xét xử lưu động để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ động vật hoang dã; áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện các giải pháp bảo vệ động vật hoang dã tự nhiên; tăng cường công tác kiểm soát các hành vi khai thác, săn, bắt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, tiêu thụ và sử dụng động vật hoang dã; tổ chức triệt phá dứt điểm các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và thanh tra các cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã về tuân thủ nguồn gốc hợp pháp, vệ sinh thú y, môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổ chức triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tại Quyết định 1085/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Kiên Giang có tân Chủ tịch UBND tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Cụ thể, tại Quyết định 1088/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Đỗ Thanh Bình, Phó Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Tại Quyết định 1087/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Phạm Vũ Hồng để nghỉ công tác theo nguyện vọng cá nhân.

Xử lý nguy cơ cháy, nổ các kho, nhà máy hóa chất trong thành phố

Bản tin kinh tế - xã hội ngày 14/7/2020 trích dẫn phản ánh của VTV như sau: "Việc các kho, nhà máy hóa chất trong thành phố luôn là mối đe dọa với môi trường và sức khỏe dân cư xung quanh nếu xảy ra cháy nổ. Cần tổng rà soát, đánh giá nguy cơ sự cố với các cơ sở sản xuất, lưu giữ, bảo quản hóa chất, trường hợp tiềm ẩn nguy cơ cao cần lập tức di dời ra khỏi khu dân cư đông đúc, tránh sự cố môi trường nghiêm trọng do cháy hóa chất có thể xảy ra".

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, xử lý theo quy định.

Quy định mã định danh điện tử của cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 20/2020/QĐ-TTg về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương.

Quyết định này quy định về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức để phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.

Cụ thể, mã định danh điện tử của các bộ, ngành, địa phương là chuỗi ký tự có độ dài tối đa là 35 ký tự và được chia thành các nhóm ký tự. Các ký tự gồm: dấu chấm (.), các chữ số từ 0-9 và các chữ cái từ A đến Z (dạng viết hoa trong bảng chữ cái tiếng Anh). Mỗi nhóm ký tự được sử dụng để xác định các cơ quan, tổ chức tại cấp tương ứng; các nhóm ký tự được phát triển từ trái qua phải và được phân tách với nhau bằng dấu chấm (1).

Nhóm ký tự thứ nhất, ở vị trí ngoài cùng bên trái trong Mã định danh điện tử của các bộ, ngành, địa phương quy định tại (1) nêu trên để xác định các cơ quan, tổ chức cấp 1 (gọi là Mã cấp 1). Mã cấp 1 có dạng MX1X­­2, trong đó: M là chữ cái trong phạm vi từ A đến Y; X1, X­­2 nhận giá trị là một trong các chữ số từ 0 đến 9. Quy định chi tiết cơ quan, tổ chức cấp 1 và Mã cấp 1 của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức đặc thù (2).

Các nhóm ký tự nối tiếp sau Mã cấp 1 trong Mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức quy định tại (2) nêu trên lần lượt xác định các cơ quan, tổ chức từ cấp 2 trở đi; cơ quan, tổ chức tại một cấp nhất định trừ cấp 1 là các đơn vị thuộc, trực thuộc cơ quan, tổ chức cấp liền trước.

Mã định danh điện tử của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là chuỗi ký tự biểu diễn tương ứng mã số doanh nghiệp, mã số hợp tác xã, mã số hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật hiện hành về mã số doanh nghiệp, mã số hợp tác xã và mã số hộ kinh doanh.

Mã định danh điện tử của cơ quan, tổ chức khác

Mã định danh điện tử của cơ quan, tổ chức không thuộc quy định nêu trên là chuỗi ký tự bao gồm hai thành phần nối tiếp nhau; không có ký tự để phân tách giữa các thành phần; thành phần thứ nhất, ở vị trí ngoài cùng bên trái là mã xác định lược đồ định danh, thành phần tiếp theo là mã xác định cơ quan, tổ chức trong lược đồ định danh.(*)

Mã xác định lược đồ định danh được quy định tại (*) nêu trên được xây dựng theo các nguyên tắc sau:

- Bao gồm 3 ký tự có dạng Zxy; bắt đầu là chữ cái "Z" viết hoa; x, y nhận giá trị là một trong các chữ số từ 0-9.

- Các mã xác định lược đồ định danh được sử dụng tuần tự, bắt đầu là Z01, cuối cùng là Z99.

- Mã xác định lược đồ định danh cho mỗi lược đồ định danh của cơ quan, tổ chức là duy nhất và chỉ được sử dụng một lần.

Mã xác định cơ quan, tổ chức trong lược đồ định danh quy định tại (*) nêu trên có độ dài tối đa 32 ký tự và có cấu trúc được quy định trong lược đồ định danh.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/9/2020.

Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Lâm Đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020.

Cụ thể, đưa KCN nông nghiệp Tân Phú (diện tích 328 ha) ra khỏi Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020. Bổ sung KCN Phú Bình (diện tích 246 ha) vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020.

Các KCN khác nằm trong quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 được phê duyệt tại văn bản số 1349/TTg-KTN ngày 12/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, nội dung báo cáo; quy mô diện tích, vị trí đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KCN; đảm bảo việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KCN phù hợp với các quy hoạch có liên quan và quy định của pháp luật; không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan yêu cầu nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tập trung xây dựng công trình nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN trước khi đi vào hoạt động theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; ưu tiên giải quyết nhu cầu nhà ở, các công trình xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong các KCN theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt; xây dựng quy hoạch phân khu xây dựng, thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập KCN theo từng giai đoạn, phù hợp với khả năng thu hút đầu tư và tuân thủ chặt chẽ các điều kiện, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, quy định của pháp luật về đầu tư; đảm bảo thực hiện quy định của pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và pháp luật có liên quan; thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KCN.

UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển các KCN với các công trình nhà ở công nhân, các công trình xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động làm việc trong KCN; có giải pháp ổn định đời sống và xây dựng phương án hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; chỉ đạo việc cập nhật điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trong quá trình triển khai lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng theo quy định của Luật Quy hoạch.

Thành phố Long Xuyên là đô thị loại I

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 1078/QĐ-TTg công nhận thành phố Long Xuyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang.

Kéo dài thời gian hoàn thành kiểm kê đất đai năm 2019

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý Bộ Tài nguyên và Môi trường kéo dài thời gian hoàn thành và báo cáo kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 vào Quý IV năm 2020.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan liên quan và địa phương huy động tối đa các nguồn lực sẵn có, triển khai các nhiệm vụ bảo đảm tiến độ, chất lượng, tính thống nhất và đầy đủ của số liệu, báo cáo kiểm kê đất đai; trong đó lưu ý lồng ghép việc thực hiện nhiệm vụ "rà soát diện tích đất quy hoạch là đất rừng nhưng thực tế không còn rừng và phần diện tích đất rừng nghèo kiệt phân bổ manh mún" được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc sử dụng kinh phí cho kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 của các Bộ: Quốc phòng, Công an và các địa phương; khẩn trương đề xuất mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho từng địa phương có khó khăn do không cân đối đủ ngân sách theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2019 để bảo đảm tiến độ công bố kết quả kiểm kê đã được Thủ tướng chấp thuận.

Phê duyệt chủ trương đầu tư Sân golf Bảo Ninh Trường Thịnh

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 1072/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sân golf Bảo Ninh Trường Thịnh tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình (Dự án).

Địa điểm thực hiện Dự án tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình với diện tích khu đất là 164,75 ha, tổng vốn đầu tư của dự án là 800 tỷ đồng. Dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh là nhà đầu tư.

Mục tiêu của Dự án là đầu tư xây dựng sân golf Bảo Ninh Trường Thịnh theo tiêu chuẩn sân golf 36 lỗ đạt đẳng cấp quốc tế, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

UBND tỉnh Quảng Bình chịu trách nhiệm về thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ Dự án, chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, các pháp luật liên quan khác và tiến độ đã cam kết; kiểm tra, giám sát việc khai thác nguồn tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước (nếu có) theo quy định của pháp luật trong quá trình triển khai Dự án.

Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác các thông tin, số liệu, nội dung hồ sơ Dự án. Trong quá trình thực hiện Dự án phải bảo đảm tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, tài nguyên nước và các quy định của pháp luật liên quan khác; bảo đảm thực hiện đủ vốn chủ sở hữu và vốn huy động theo đúng quy định của pháp luật để thực hiện Dự án theo tiến độ đã cam kết; chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư./.

 

 

 

Print
690 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top