Responsive image

NCS Nguyễn Đức Dũng bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ cấp Viện

Sáng ngày 30 tháng 12, NCS Nguyễn Đức Dũng đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ cấp Viện với tên đề tài: Nghiên cứu hiệu quả của bài tập Hatha Yoga đối với người cao tuổi nữ thành phố Hà Nội.

DSC_7979.JPG

NCS báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng khoa học

Hội đồng chấm luận án cho NCS gồm 7 thành viên: PGS.TS Nguyễn Danh Hoàng Việt – Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Lê Đức Chương – phản biện 1; PGS.TS Đinh Khánh Thu – phản biện 2; TS Đàm Quốc Chính – phản biện 3; PGS.TS Trần Hiếu - ủy viên thư ký; PGS.TS Trần Tuấn Hiếu – ủy viên; PGS.TS Bùi Ngọc - ủy viên.

Một vài nghiên cứu khoa học cho thấy, tùy thuộc vào mỗi loại hình Yoga sẽ mang lại cho người tập những lợi ích khác nhau. Trong khi những kiểu Yoga như Yoga Thiền sẽ giúp người tập cân bằng tâm trí, khỏe về tinh thần, đối với những loại hình đòi hỏi người tập phải thực hiện liên tục các động tác với cường độ cao như Vinyasa Yoga sẽ giúp họ hình thành cơ bắp và sở hữu cho mình một cơ thể săn chắc. Tất cả đều tùy thuộc vào việc người tập sẽ làm gì trong những bài tập Yoga.

Yoga là một hình thức tập luyện phổ biến hiện nay, được nhiều người theo đuổi yêu thích bởi mang đến sự thư thái, tốt cho sức khỏe. Trong đó, nhóm người già cao tuổi là nhóm đối tượng được khuyên nên tập luyện thường xuyên Yoga. Nhận thức được điều đó, người cao tuổi đã tự nguyện tìm đến Yoga bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú trong đó số đông người tập đã chọn bài tập Hatha Yoga để rèn luyện tăng cường sức khỏe.

Xuất phát từ lý do trên tác giả đã nghiên cứu đề tài: "Nghiên cứu hiệu quả của bài tập Hatha Yoga đối với người cao tuổi nữ thành phố Hà Nội".

DSC_7978.JPG

Toàn cảnh buổi bảo vệ Luận án Tiến sỹ của NCS Nguyễn Đức Dũng

Thông qua các nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn tập luyện Yoga nói chung và Hatha Yoga nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi nói riêng, luận án đã tiến hành lựa chọn, ứng dụng, đánh giá hiệu quả hệ thống bài tập Hatha Yoga đối với người cao tuổi nữ thành phố Hà Nội, góp phần duy trì, cải thiện và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi, phù hợp với điều kiện sống ở đô thị Việt Nam hiện nay.

Luận án được trình bày trong 138 trang A4 gồm các phần: Mở đầu; chương tổng quan các vấn đề nghiên cứu; đối tượng và phương pháp tổ chức nghiên cứu; kết quả nghiên cứu và bàn luận; kết luận và kiến nghị. Trong luận án có 39 biểu bảng, sử dụng 111 tài liệu tham khảo, trong đó có 85 tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt, 26 tài liệu bằng tiếng Anh.

Qua các bước nghiên cứu chặt chẽ, luận án đã đánh giá được thực trạng sức khỏe của người cao tuổi nữ tập luyện môn Hatha Yoga trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay tương đối thấp, biểu hiện qua tiền sử các bệnh lý thường gặp của người cao tuổi (như các bệnh về tim, mạch và hệ thống tuần hoàn, các bệnh về hô hấp, tiểu đường), đồng thời các chỉ số về hình thái, chức năng sinh lý, tâm lý, tố chất thể lực của đối tượng khảo sát thấp hơn các chỉ số bình thường của người cao tuổi. Điều đó biểu hiện qua các triệu chứng cơ năng thường gặp ở mức độ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, khó tập trung ở mức độ thường xuyên của người cao tuổi nữ mà quá trình nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, đánh giá. Các kết quả khảo sát này cơ bản là phản ánh đúng quy luận lão hóa của con người.

Đánh giá được thực trạng phong trào tập luyện Hatha Yoga của người cao tuổi nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội về cơ bản được phát triển. Hầu hết người cao tuổi nữ đều nhận thức được tác dụng của tập luyện Hatha Yoga đến việc cải thiện, tăng cường sức khỏe, phòng, chống bệnh tật. Đa số người cao tuổi nữ đều tham gia tập luyện Hatha Yoga với tần suất từ 2-3 buổi/tuần theo hình thức câu lạc bộ (có hướng dẫn viên) hoặc tự tổ chức theo nhóm (không có hướng dẫn viên). Tuy nhiên, trong quá trình tập luyện còn gặp nhiều khó khăn như điều kiện phòng tập, không có người hướng dẫn cũng như các điều kiện khách quan khác.

Quá trình nghiên cứu luận án đã xác định được 82 bài tập Hatha Yoga thuộc 4 nhóm nhằm nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi nữ thành phố Hà Nội cùng với các chỉ dẫn về nội dung, phương pháp tập luyện cụ thể: nhóm tư thế Asana chính (65 bài tập); nhóm các bài tập thở (8 bài tập); nhóm các bài tập thiền (4 bài tập); nhóm các bài tập khởi động phối hợp (5 bài tập).

Qua thời gian thực nghiệm sư phạm 12 tháng đã xác định rõ được hiệu quả của 82 bài tập Hatha Yoga đã lựa chọn và ứng dụng vào giảng dạy, huấn luyện nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi nữ thành phố Hà Nội với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê của các tiêu chí đánh giá triệu chứng cơ năng; chỉ số thuộc nhóm hình thái, chức năng, thể lực, tâm lý của người cao tuổi có sự tăng trưởng nhẹ qua các giai đoạn của chương trình tập luyện và kiểm tra đánh giá.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Hội đồng khoa học cũng chỉ ra những mặt hạn chế để NCS chỉnh sửa, bổ sung; một số lỗi về in ấn, lỗi chính tả cũng cần được chỉnh sửa để hoàn thiện đề án…

Với những kết quả của luận án và sự cố gắng của NCS, 100% ý kiến Hội đồng đã thông qua đề tài luận án “Nghiên cứu hiệu quả của bài tập Hatha Yoga đối với người cao tuổi nữ thành phố Hà Nội” của NCS và đề nghị Viện Khoa học TDTT công nhận kết quả, cấp bằng Tiến sỹ cho NCS sau khi đã đỉều chỉnh, bổ sung các ý kiến đóng góp của Hội đồng khoa học./.

Print
932 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Trần Hiếu
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: thongtinthethao@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top