Responsive image

NCS Tạ Hữu Minh bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ cấp Viện

Tên đề tài luận án: “Nghiên cứu ảnh hưởng của tập luyện cờ vua tới sự phát triển của các thành phần năng lực trí tuệ ở học sinh năng khiếu cờ vua lứa tuổi 8-9 thành phố Hà Nội”

Sáng 30 tháng 9 năm 2020, NCS Tạ Hữu Minh, công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ với đề tài: “Nghiên cứu ảnh hưởng của tập luyện Cờ vua tới sự phát triển các thành phần của năng lực trí tuệ ở học sinh năng khiếu Cờ vua lứa tuổi 8-9 thành phố Hà Nội”.

Hội đồng chấm luận án cho NCS gồm 7 thành viên: PGS.TS Nguyễn Danh Hoàng Việt – Chủ tịch; TS. Đàm Quốc Chính – phản biện 1; PGS.TS Lê Ngọc Trung – phản biện 2; PGS.TS Đặng Văn Dũng – phản biện 3; PGS.TS Trần Tuấn Hiếu - ủy viên; PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Phương - ủy viên; TS. Trần Hiếu – Thư ký.

NCS Tạ Hữu Minh bảo vệ LATS trước Hội đồng khoa học

Tham dự buổi bảo vệ hôm nay còn có 2 hướng dẫn khoa học của NCS: PGS.TS Bùi Quang Hải – hướng dẫn 1; PGS.TS Nguyễn Hồng Dương – hướng dẫn 2; GS.TS Lê Văn Lẫm cùng các thầy, cô giáo, các nhà khoa học tới từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, các NCS hiện đang nghiên cứu tại Viện khoa học TDTT.

Mục đích nghiên cứu của đề tài tiến hành lựa chọn các chỉ số đánh giá các thành phần năng lực trí tuệ ở học sinh năng khiếu Cờ vua lứa tuổi 8-9 thành phố Hà Nội. Từ đó, xác định ảnh hưởng của tập luyện Cờ vua tới sự phát triển trí tuệ của đối tượng nghiên cứu nhằm xác định Cờ vua như một phương tiện để phát triển trí tuệ cho học sinh năng khiếu Cờ vua lứa tuổi 8-9 thành phố Hà Nội nói riêng và học sinh tiểu học nói chung.

Quá trình nghiên cứu luận án đã lựa chọn được 2 nhân tố để đánh giá thực trạng, ảnh hưởng của tập luyện Cờ vua tới sự phát triển các thành phần năng lực trí tuệ ở học sinh năng khiếu lứa tuổi 8-9 thành phố Hà Nội. Thời gian thực nghiệm trên đối tượng nghiên cứu là 12 tháng.

NCS Tạ Hữu Minh chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng khoa học và GV hướng dẫn

Theo đó, sau 12 tháng tổ chức giảng dạy Cờ vua, luận án nhận thấy sự phát triển các thành phần năng lực trí tuệ qua các giai đoạn là không đồng đều. Một số test có xu hướng tăng nhanh theo giai đoạn nhưng cũng có một số test có xu hướng chậm lại ở giai đoạn sau. Và để các thành phần năng lực trí tuệ đồng đều theo xu hướng tăng ở các giai đoạn, luận án nhận thấy ở giai đoạn huấn luyện ban đầu là giai đoạn cần thiết và quan trọng. Do vậy, các huấn luyện viên cần bổ sung, đổi mới các phương pháp, phương tiện tập luyện trong chương trình giảng dậy, huấn luyện tiếp theo. Từ đó, tạo được sự hưng phấn, tránh nhàm chán trong quá trình tập luyện cho học sinh năng khiếu Cờ vua.

Đánh giá các thành phần theo giới tính hầu hết không có sự khác biệt với các test tâm lý và chuyên môn. Nói cách khác là các thành phần năng lực trí tuệ ở các em là tương đồng nhau. Luận giải cho vấn đề này, luận án nhận thấy, do đặc điểm tâm lý các em trong giai đoạn này luôn hiếu động, dễ chịu sự tác động của các yếu tố ngoại cảnh, từ đó yếu tố trí nhớ, khả năng tập trung của các em có sự khác biệt về mặt tâm lý cũng như chuyên môn.

Phát biểu nhận xét và thảo luận tại buổi bảo vệ, đa số các ý kiến đều cho rằng: Vấn đề mà NCS lựa chọn là một lĩnh vực rất khó, đặc biệt để giải quyết mục tiêu nghiên cứu các test lại liên quan tới yếu tố tâm lý của trẻ: trí nhớ, năng lực tập trung, khả năng phân tích… nên còn mang tính định tính. Hơn nữa, Cờ vua lại là môn có đặc trưng là ít đòi hỏi cao về các tố chất thể lực song lại có yêu cầu cao về sự bền bỉ, mưu trí, thông minh, óc sáng tạo… do đó để xác định được thành phần năng lực tư duy trong Cờ vua không hề đơn giản. Tuy còn một số hạn chế nhưng cơ bản luận án đảm bảo đủ hàm lượng khoa học của một công trình nghiên cứu Tiến sỹ và có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

TS. Bùi Kiên Cường, Hiệu phó trường ĐHSP Hà Nội 2 tặng hoa cảm ơn TS. Trần Hiếu, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học TDTT

Bên cạnh những thành công, luận án còn một vài tồn tại nên được hoàn thiện. Những tồn tại này không làm ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu đã đạt được của luận án. Bao gồm:
- Năng lực trí tuệ là phạm trù chung. Sẽ thỏa mãn hơn nếu tác giả có những luận giải thêm về việc sử dụng tập luyện cờ vua như một phương tiện tác động đến sự phát triển các thành phần năng lực trí tuệ ở học sinh năng khiếu cờ vua lứa tuổi 8-9. Đặc biệt là ở phần đánh giá thực trạng khi có sự so sánh giữa đối tượng học sinh năng khiếu cờ vua với các đối tượng khác. Để từ đó làm rõ sự khác biệt sau khi các đối tượng học sinh này tham gia tập luyện cờ vua với các đối tượng không tham gia hoặc tham gia tập luyện ở môn khác. Để từ đó làm rõ ảnh hưởng rõ của tập luyện cờ vua.
- Việc đưa hay lựa chọn chương trình giảng dạy cờ vua cho học sinh năng khiếu ở phần thực nghiệm cần có sự lý giải về mối quan hệ giữa các nội dung tập luyện với các test đánh giá các thành phần năng lực trí tuệ.
- Cần sửa một số lỗi in ấn, trình bày còn tồn tại trong luận án.
Với 7/7 phiếu tán thành, Hội đồng khoa học chấm luận án đã chính thức thông qua và đề nghị đơn vị đào tạo là Viện khoa học TDTT công nhận kết quả nghiên cứu và cấp bằng Tiến sỹ cho NCS sau khi chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của Hội đồng./.

Print
1252 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top