Responsive image

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Bộ VHTTDL đang đề nghị sửa đổi nghị định về chế độ đãi ngộ đối với vận động viên

Theo www.tdtt.gov.vn

Sáng 21/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn về một số lĩnh vực trong đó có lĩnh vực VHTTDL. Đây cũng là lĩnh vực nhận được nhiều chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã trả lời trúng, đúng và thẳng thắn trước các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nêu vấn đề: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lĩnh vực Văn hóa và thể thao của nước nhà. Tuy nhiên, qua thực tiễn, việc đầu tư cho công tác đào tạo, chính sách đãi ngộ, chế độ tiền lương cho các vận động viên thể thao cũng như là các diễn viên còn rất thấp nên chưa thu hút được những tài năng văn hóa và thể thao. Riêng về thể thao thành tích cao vận động viên thể thao thành tích cao tuổi nghề không nhiều. Khi giải nghệ, họ sẽ được hưởng chính sách tiền lương ra sao?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho biết giải pháp như thế nào để diễn viên cũng như là các vận động viên yên tâm lựa chọn ngành văn văn hóa, văn nghệ và thể thao đã chọn cũng như thu hút ngày càng nhiều tài năng văn hóa, thể thao cho nước nhà?

Trả lời về các chính sách phát triển thể thao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến lực lượng vận động viên và đội ngũ văn nghệ sĩ. Ngoài các chế độ đãi ngộ theo quy định của Bộ Tài chính, còn có các chính sách của các địa phương để khen thưởng vận động viên đạt thành tích cao. Bộ trưởng cho rằng, nhìn ra thể thao các quốc gia khác, muốn phát triển cần có thêm các chính sách đãi ngộ. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề nghị Chính phủ sửa đổi các nghị định về chế độ đãi ngộ đối với vận động viên…

Trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến số hóa trong lĩnh vực di sản, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, chúng ta trong quá trình triển khai kinh tế số và lĩnh vực di sản cũng trong quá trình đó. Bộ đã triển khá nhiều hoạt động số hóa hoạt động thư viện, bảo tàng và bước đầu mang lại hiệu quả cao, góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch, nhất là phát huy yếu tố di sản. Đặc biệt, lĩnh vực này đã có sự tham gia của các thành phần khác nhau, không chỉ có đầu tư công. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang trình Quốc hội cho ý kiến cũng có các điều quy định về số hóa trong lĩnh vực di sản.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến phát triển du lịch xanh, theo đó trong Chiến lược phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã ưu tiên lựa chọn sản phẩn du lịch xanh. Trong đó có 4 dòng sản phẩm chính đã toát lên toàn bộ nội hàm bên trong là phát triển du lịch xanh và bền vững. Chính phủ đã có Nghị quyết số 82, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 08 để tập trung vào nội dung này. Trong đó, có điểm cần lưu ý là phát triển du lịch bền vững, không phải theo mùa vụ, mà phải dựa trên nền tảng văn hóa, sản phẩm có tính chất nổi trội để xây dựng các hệ thống nổi trội để kết nối tour tuyến, phát triển du lịch vùng. Cùng với đó, xác định quan điểm phát triển du lịch không phải bằng mọi giá, mà phải chú đến môi trường sinh thái.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) về những khó khăn, giải pháp trong đẩy mạnh hoàn thiện công tác thống kê du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thống kê là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng, giúp nắm thông tin để đánh giá, định hướng, từ đó hoạch định chính sách nhằm phát triển các lĩnh vực.

Vì vậy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm lĩnh vực này. Trong lĩnh vực du lịch, Bộ VHTTDL đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 06/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.

Bộ trưởng cho biết, từ khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ đến nay, công tác thống kê cũng đã đi vào nề nếp, các số liệu được thống kê cũng chính xác hơn. Để phục vụ công tác hoạch định chính sách, cũng như công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này, Bộ VHTTDL đã thực hiện một số công việc, trong đó có 6 nhóm lĩnh vực: về lượng khách quốc tế, về lượng khách nội địa, về chi tiêu của khách quốc tế, về chi tiêu của khách nội địa, về doanh thu dịch vụ ăn uống và doanh thu của lữ hành. Các số liệu này trong báo cáo định kỳ hàng tháng của Tổng cục Thống kê cung cấp cho các cơ quan đã đầy đủ số liệu.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số khó khăn, như: ngoài hệ thống cán bộ chuyên trách làm công tác này được quy định trong pháp luật, hiện nay các Sở VHTTDL không có cán bộ chuyên trách làm công tác thống kê.

"Hơn nữa, kinh phí để bố trí cho công tác điều tra, chọn mẫu, nghiên cứu, phân tích cũng chưa được quan tâm đúng mức. Công nghệ thông tin, hạ tầng phần mềm kết nối để đảm bảo tính liên thông và chia sẻ dữ liệu cũng còn nhiều khó khăn" - Bộ trưởng nhấn mạnh. Vì vậy, thời gian tới, Bộ tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Công điện số 06 của Thủ tướng Chính phủ; lựa chọn các nhóm giải pháp mà tổ chức du lịch quốc tế đang khuyến cáo cho tất cả các quốc gia là nên ứng dụng tài khoản vệ tinh du lịch để đưa vào thống kê.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về các giải pháp để phát triển du lịch bền vững mà vẫn bảo tồn được bản sắc văn hoá dân tộc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, lĩnh vực du lịch và văn hoá có mối quan hệ tương hỗ với nhau: “Du lịch phát triển để hỗ trợ cho văn hóa, văn hóa phát triển sẽ làm du lịch thăng hoa”. Trong chiến lược phát triển du lịch và chiến lược phát triển văn hóa đều lưu ý đến việc phát triển sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa. "Trong mối quan hệ giữa văn hoá và du lịch thì chúng ta phát huy giá trị văn hoá để phát triển du lịch chứ không phải khai thác văn hoá. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau", Bộ trưởng nhấn mạnh.

KC, Ảnh: Toquoc

Print
111 Rate this article:
No rating

Please login or register to post comments.

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top