Responsive image

Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo “Tuyển sinh và đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, TDTT và du lịch năm học 2021-2022

Theo www.tdtt.gov.vn

 

Sáng 29 tháng 10 tại Bộ VHTTDL đã diễn ra Hội thảo khoa học “Tuyển sinh và đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch năm học 2021-2022” các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ.

 

DSC_5632.JPG

 

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Q.B)

Hội thảo tập trung đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch, thích ứng với bối cảnh phòng, chống đại dịch Covid-19, đáp ứng yêu cầu tự chủ và đổi mới giáo dục.

Trong chương trình, Hội thảo đã tổng kết năm học 2020 – 2021. Theo báo cáo, năm học này bắt đầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động đào tạo theo phương thức truyền thống phải thay đổi, đồng thời, các hoạt động quản lý nhà nước về đào tạo cũng được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đào tạo của các cơ sở đào tạo trong năm học vừa qua đã được tháo gỡ kịp thời trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài và đạt được những kết quả nhất định.

Về công tác tuyển sinh: Do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tuyển sinh năm học 2021-2022. Hầu hết các cơ sở đào tạo phải thay đổi phương án và thời gian tuyển sinh, kết hợp song song cả trực tiếp và trực tuyến hoặc chuyển từ hình thức tuyển sinh trực tiếp sang hình thức trực tuyến. Thời gian tuyển sinh được chia làm nhiều đợt trong năm.

Các cơ sở đào tạo đại học đều xây dựng và công bố Đề án tuyển sinh năm học 2021 -2022, tổ chức kỳ thi tuyển sinh thành công, đảm bảo công khai, minh bạch và theo đúng quy định hiện hành, các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội. Về cơ bản, công tác tuyển sinh năm học 2021-2022 của các cơ sở đào tạo giữ ổn định.

Năm học 2021-2022, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở đào tạo là 12.249; quy mô đào tạo là 25.716 học sinh, sinh viên. Trong đó, lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật là 10.899 học sinh, sinh viên; Thể dục thể thao là 5.234 học sinh, sinh viên; Du lịch là 9.583 học sinh, sinh viên. Theo trình độ đào tạo: Tiến sĩ 154; Thac sĩ 873; Đại học 13.186; Cao đẳng 6.758; Trung cấp 3.203; Sơ cấp 1.542.

 

DSC_5642.JPG

Toàn cảnh Hội nghị diễn ra tại Bộ VHTTDL (Ảnh: Q.B)

Về công tác đào tạo: Năm học 2020-2021 được thực hiện trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên việc triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm học của các cơ sở đào tạo gặp rất nhiều khó khăn. Để đảm bảo tiến độ năm học, cũng như không làm gián đoạn quá trình đào tạo, các trường đã linh hoạt chuyển đổi từ hình thức dạy tập trung, trực tiếp sang hình thức trực tuyến đối với các môn học và nội dung phù hợp. Các cơ sở đào tạo đã chủ động thích ứng, xây dựng kế hoạch đào tạo năm học 2020-2021 theo hướng tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động dạy và học, phù hợp với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19.

Triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của các địa phương, doanh nghiệp, góp phần kịp thời giải quyết tốt nguồn nhân lực cho các dự án mới, đồng thời mang lại nguồn thu, tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của nhà trường.

Việc tổ chức thực tập tốt nghiệp, tổ chức thi và xét tốt nghiệp được triển khai thích ứng với điều kiện dịch bệnh, đúng kế hoạch và đảm bảo các quy định hiện hành. Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng chuẩn đầu ra của các ngành, các trình độ đào tạo.

Công tác xây dựng chương trình, giáo trình: Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và thích ứng với nhu cầu xã hội hiện nay, các cơ sở đào tạo chủ động triển khai xây dựng, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chương trình, giáo trình theo hướng tiếp cận năng lực. Nhiều chương trình, giáo trình được xây dựng mới, chuân hóa, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội. Một số cơ sở đào tạo có cùng nhóm ngành đã chủ động phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác biên soạn và sử dụng giáo trình dùng chung.

Công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế: Trong năm học 2020-2021, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ đã triển khai 253 đề tài nghiên cứu, trong đó có 37 đề tài khoa học cấp Bộ, 216 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Nhiều hội thảo khoa học chuyên ngành đã được tổ chức, tạo ra nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy cho cán bộ, giảng viên.

Các cơ sở đào tạo đã chủ động thiết lập và mở rộng các quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế trong đào tạo đối với các trường có uy tín ở nước ngoài, như: Trao đổi kinh nghiệm trong công tác đào tạo, thiết kế chương trình, biên soạn giáo trình; trao đổi giảng viên và học sinh, sinh viên; mời chuyên gia vào giảng dạy; phối hợp tổ chức triển lãm mỹ thuật, trình chiếu tác phẩm hội họa; giao lưu văn hóa giảng viên, sinh viên; phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế...

Tuy nhiên, trong năm học 2020-2021, bên cạnh những kết quả đạt được, các mặt công tá, đặc biệt là công tác tuyển sinh năm học 2021-2022 ở một số trường, một số ngành/chuyên ngành còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, do nhu cầu xã hội và những thay đổi trong lựa chọn nghề nghiệp của thế hệ trẻ.

Đối với các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, hiện tượng sụt giảm số lượng thí sinh dự thi đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây, trong đó một số ngành học không thể tuyển sinh như: Lý luận, lịch sử và phê bình Điện ảnh, Truyền hình; Lý luận, lịch sử và phê bình Sân khấu; Lý luận, lịch sử và phê bình Mỹ thuật; Diễn viên sân khấu kịch hát; Đạo diễn sân khấu... Một số cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp gặp khó khăn trong cạnh tranh về nguồn tuyển với các cơ sở đào tạo trình độ cao hơn, thí sinh dự thi chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều thí sinh trúng tuyển không nhập học hoặc nhập học một thời gian lại bỏ về vì không đủ điều kiện để học tập.

Đối với các cơ sở đào tạo thể dục thể thao, nhu cầu về xác định nghề nghiệp, cơ hội việc làm của sinh viên sau khi ra trường đã tác động khá lớn đến công tác tuyển sinh của nhà trường. Nguồn tuyển sinh ngày càng hạn hẹp, dẫn đến việc lựa chọn thí sinh trúng tuyển khối năng khiếu ngày càng khó khăn. Bên cạnh đó, việ phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh đối với khối ngành đào tạo giáo viên trong 02 năm gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Giáo dục thể chất; Huấn luyện thể thao) thấp hơn rất nhiều so với năng lực đào tạo thực tế của các trường.

Các cơ sở đào tạo du lịch phải đối diện sự cạnh tranh rất lớn về nguồn tuyển đối với các trường đại học khác trong cung khu vực. Đặc biệt, dịch bênh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nhận thức và quyết định lựa chọn nghề nghiệp của học sinh, gây khó khăn cho công tác tuyển sinh tại các vùng có dịch.

Để phục vụ cho yêu cầu dạy trực tuyến, hầu hết các cơ sở đào tạo đã phải chi thêm một khoản kinh phí đột xuất ngoài kế hoạch cho việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phần mềm... phục vụ dạy và học trực tuyến, mua vật tư phòng, chống dịch bệnh... Đặc biệt, với một số ngành đào tạo năng khiếu đặc thù thì việc học trực tuyến các môn chuyên ngành gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả khó đạt như mong muốn. Bên cạnh đó, nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, không có máy tính, điện thoại thông minh, đường truyền mạng ổn định... để học tập trực tuyến.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc tổ chức đi thực tập, thực tế của học sinh, sinh viên tại các doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, không đón khách hoặc chỉ duy trì ở mức tối thiểu nên hạn chế nhu cầu tiếp nhận học sinh, sinh viên thực tập và giải quyết việc làm.

Phát biểu tại Hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, thầy, cô giáo cũng đã có những ý kiến đóng góp tích cực nhằm tháo gỡ vướng mắc trong đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch (Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trong giai đoạn hiện nay; Việc triển khai các quy định hiện hành trong tuyển sinh và đào tạo các trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, những thuận lợi, khó khăn, bất cập và giải pháp tháo gỡ; Đánh giá những tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch, làm rõ những khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ…). /.

Print
497 Rate this article:
No rating

Please login or register to post comments.

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top