Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/12 02 Tháng Mười Hai 2020 Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/12 THÔNG TIN BÁO CHÍ THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Thủ tướng chỉ thị cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 41/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn. Chỉ thị nêu rõ, tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra vẫn tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của đất nước. Tại một số địa phương, việc lưu giữ, tập kết, trung chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (gọi là rác thải) chưa đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường đã dẫn đến việc xuất hiện các điểm “nóng” về môi trường, gây ra nguy cơ mất an ninh trật tự và an toàn xã hội. Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý chất thải rắn hiện nay đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất thải rắn, trong đó chú trọng công tác phân loại rác thải tại nguồn; trường hợp chưa đủ điều kiện triển khai phân loại rác thải tại nguồn cần ưu tiên đầu tư các cơ sở xử lý có công đoạn phân loại tập trung trước khi xử lý, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, sửa đổi các VBQPPL theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản có nội dung liên quan đến quản lý chất thải rắn, căn cứ Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải và các quy định về phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác thải. Khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia trong quý I năm 2022, trong đó có nội dung về định hướng vị trí, quy mô các khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung cấp vùng, cấp quốc gia. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế hệ thống thu gom chất thải rắn phù hợp với việc phân loại rác thải tại nguồn của khu trung tâm thương mại kết hợp với căn hộ, chung cư kết hợp văn phòng… quy hoạch, bố trí điểm tập kết, trung chuyển rác thải trong các đô thị và điểm dân cư tập trung nông thôn đảm bảo vệ sinh môi trường. Bộ Tài chính ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường hỗ trợ cho các hoạt động phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong kế hoạch ngân sách hàng năm. Tập trung bố trí kinh phí hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại các bãi rác đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích. Khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải công nghệ tiên tiến, hiện đại Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải có công nghệ tiên tiến, hiện đại; đơn giản hóa các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng và vận hành cơ sở xử lý chất thải. Rà soát, đánh giá công nghệ xử lý rác thải hiện có trên địa bàn, yêu cầu các cơ sở xử lý phải có lộ trình đổi mới công nghệ xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, thực hiện trước năm 2023; có lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước; không hạn chế việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại từ các địa phương khác về địa phương mình để xử lý theo quy định. Quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh và thúc đẩy việc phân loại rác thải tại nguồn. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm: thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ khẩn trương đầu tư hoặc đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác thải theo hướng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 20%. Các tỉnh khác phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%; đối với các khu vực nông thôn cần tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại các hộ gia đình thành phân compost. Các địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia, phản biện, giám sát hoạt động quản lý và xử lý chất thải rắn; chủ động cung cấp thông tin, phát huy vai trò của báo chí trong hoạt động quản lý chất thải rắn. Hỗ trợ DN tuân thủ quy định trong xuất khẩu thủy sản Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi việc xuất khẩu thủy hải sản sang Trung Quốc; kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định trong xuất nhập khẩu. Ngày 25 tháng 11 năm 2020, Báo Tuổi trẻ có bài viết “Doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản gặp khó do Trung Quốc siết chặt kiểm soát”, trong đó phản ánh: Trung Quốc tăng kiểm soát, lấy mẫu hàng thủy hải sản đông lạnh nhập khẩu để ngăn chặn dịch COVID-19. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn và thông tin rõ ràng khiến thủy sản bị ùn ứ lớn tại cảng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp khó. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, xử lý; kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định trong xuất nhập khẩu. Sửa một số quy định về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 139/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2014/NĐ-CP ngày 25/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh. Nghị định số 139/2020/NĐ-CP nêu rõ: Học viện Chính trị thuộc Bộ Quốc phòng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2 thuộc cơ quan, tổ chức của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội của trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội; trường quân sự quân khu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2 trên địa bàn quân khu; Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2 của thành phố Hà Nội. Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3 và tương đương đối tượng 3 được quy định như sau: Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3 và tương đương đối tượng 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3 và tương đương đối tượng 3 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đối tượng 3 và tương đương đối tượng 3 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) do Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh tại trung đoàn khung thường trực hoặc trung đoàn bộ binh, trung tâm huấn luyện dự bị động viên thuộc tỉnh, thành phố. Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện tham mưu cho Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh cùng cấp tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 4 thuộc cơ quan, tổ chức của huyện và tương đương đối tượng 4, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, già làng, trưởng họ tộc trên địa bàn, theo kế hoạch được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Cơ quan, tổ chức của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội của trung ương, của tỉnh có trụ sở trên địa bàn huyện, Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh cấp xã tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 4 thuộc quyền quản lý theo kế hoạch được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt. Sửa đổi về quản lý giấy chứng nhận Nghị định số 139/2020/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý giấy chứng nhận. Theo đó, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Hiệu trưởng Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh quyết định cấp, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định việc cấp, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho chức sắc, chức việc tôn giáo; các nhà hoạt động văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật trên địa bàn. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định việc cấp, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 4 thuộc cơ quan, tổ chức của huyện và tương đương đối tượng 4, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, già làng, trưởng họ tộc trên địa bàn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định việc cấp, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 4 của xã. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội của trung ương, của cấp tỉnh quyết định việc cấp, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 4 thuộc quyền quản lý. Kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu về phá rừng tại tỉnh Lâm Đồng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu về các vụ phá rừng ở Lâm Đồng. Ngày 25/11/2020, Báo Người Lao động có phản ánh: Liên tiếp phát hiện các vụ phá rừng ở huyện Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương (Lâm Đồng). Toàn tỉnh hiện có 328 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động trồng, phát triển rừng, thế nhưng hàng ngàn ha rừng bị mất sau khi vào tay các doanh nghiệp này. Lâm Đồng có hơn 1.700 ha rừng bị mất, xử phạt trên 200 tỷ đồng nhưng mới chỉ truy thu được dưới 10% số tiền phạt. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, xử lý. Hoàn thiện cầu Bình Đào và đoạn tuyến nối cầu Cẩm Kim Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc đầu tư hoàn thiện cầu Bình Đào và đoạn tuyến nối cầu Cẩm Kim trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Dự án Tín dụng ngành Giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường Quốc gia lần thứ 2 (Dự án TSL2). Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan; phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam thực hiện đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục công trình của Dự án TSL2 theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền. Đối với đoạn tuyến nối với đường dẫn cầu Duy Phước - Cẩm Kim, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương chỉ đạo triển khai tổ chức thi công để hoàn thành đồng bộ với Dự án cầu Cẩm Kim theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải. Cầu Cẩm Kim và cầu Bình Đào thuộc Dự án TSL2, sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án là Ban Quản lý dự án 6. Cầu Cẩm Kim nằm trên địa phận thành phố Hội An được khởi công xây dựng vào ngày 1/10/2019. Công trình có tổng chiều dài 1.026m, bề rộng 12m. Đường hai đầu cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h. Tại địa phận huyện Thăng Bình, cầu Bình Đào xây dựng mới nằm vị trí cách cầu cũ 95m về phía bên phải tuyến quốc lộ 14E. Khởi công xây dựng từ ngày 28/9/2019, công trình theo thiết kế có tổng chiều dài 713,4m, bề rộng 9m, tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, tốc độ thiết kế 60km/h. Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Hòa Bình Thủ tướng Chính phủ đồng ý Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình quyết định chuyển mục đích sử dụng 43,96 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp. Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015, số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định. Giải quyết tranh chấp đất đai ở 2 xã thuộc huyện Phù Yên (Sơn La) Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa chỉ đạo giải quyết tranh chấp đất đai giữa xã Bắc Phong và xã Kim Bon, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa xã Bắc Phong và xã Kim Bon, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tiếp tục chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Phù Yên và các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng tuyên truyền, vận động, hòa giải, giải quyết tranh chấp đất đai; có biện pháp chấn chỉnh, tăng cường, quản lý nhà nước về đất đai; bảo đảm ổn định tình hình địa phương. Thủ tướng phê chuẩn nhân sự UBND 2 tỉnh Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn nhân sự UBND 2 tỉnh: Quảng Bình, Hòa Bình. Cụ thể, tại Quyết định 1952/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Trần Thắng, sinh năm 1966, có trình độ cử nhân kinh tế, thạc sĩ kinh tế - chính trị; cao cấp lý luận chính trị, từng là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, Bí thư Thị ủy Ba Đồn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, trước khi được bầu Phó Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020-2025. Tại Quyết định 1951/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Trần Công Thuật, để nghỉ hưu theo quy định. Tại Quyết định 1953/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Trần Tiến Dũng, để nghỉ hưu theo quy định. Tại Quyết định 1955/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Bùi Đức Hinh, để nhận nhiệm vụ mới. Xem xét cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Bamboo Airways Bộ Giao thông vận tải xem xét việc cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty cổ phần hàng không Tre Việt, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hiệu quả của Dự án vận tải hàng không Tre Việt. Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty cổ phần hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Cụ thể, căn cứ quy định của pháp luật về kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, quy định của pháp luật có liên quan và năng lực của Nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải xem xét việc cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty cổ phần hàng không Tre Việt, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hiệu quả của Dự án vận tải hàng không Tre Việt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định có trách nhiệm hướng dẫn Nhà đầu tư thực hiện cơ cấu doanh nghiệp và thực hiện đầu tư, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Trước đó, Bamboo Airways đã nộp hồ sơ đề nghị Bộ Giao thông vận tải cấp lại giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không do các thay đổi: tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp; tăng đội bay từ 10 lên 30 chiếc cho tới năm 2023; bổ sung các chi nhánh của hãng… Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP, Bamboo Airways thực hiện thủ tục xin cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không trong trường hợp thay đổi một trong các nội dung của Giấy phép là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Theo Bộ Giao thông vận tải, việc cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Bamboo Airways với các thay đổi thông tin về doanh nghiệp sẽ dẫn tới việc thông tin của doanh nghiệp không còn phù hợp. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những thay đổi nêu trên và xin ý kiến chỉ đạo trước khi Bộ Giao thông vận tải cấp lại Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Bamboo Airways. Nhiệm vụ lập Quy hoạch tu bổ Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đối tượng lập nghiên cứu quy hoạch gồm: Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm (Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quán Trung Tân và Tháp bút Kình Thiên; các không gian lịch sử, các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với di tích); không gian cảnh quan, môi trường xung quanh cụm di tích và khu vực phát huy giá trị di tích… Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm và giá trị các di sản văn hóa phi vật thể gắn với cụm di tích, góp phần giáo dục truyền thống hiếu học và hình thành điểm du lịch lịch sử - văn hóa của thành phố Hải Phòng. Định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật của cụm di tích, bảo đảm kết nối hài hòa, đồng bộ với cảnh quan, môi trường xung quanh và các điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố. Định hướng kế hoạch, lộ trình và các giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị cụm di tích gắn với phát triển bền vững các loại hình du lịch, hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới… Nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch gồm: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát cụm di tích; nghiên cứu, đánh giá yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên liên quan; xác định đặc trưng và giá trị của di tích; những hạn chế, khó khăn; các vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đồng thời, đề xuất nội dung định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới; đề xuất giải pháp phục hồi các di sản văn hóa phi vật thể tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương./. Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 01/12 Một số văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2020 và chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 12/2020 Print 783 Rate this article: No rating Please login or register to post comments.
Viện khoa học TDTT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 26 Tháng Mười Hai 2024
Viện Khoa học TDTT tổ chức gặp mặt, tri ân nhân Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 18 Tháng Mười Một 2024