Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 02/7

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 02/7

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Quy định xuất, nhập cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam

Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Nghị định này quy định về việc người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế (KKT) cửa khẩu, KKT ven biển được miễn thị thực quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam; việc cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng chưa có hiện diện thương mại hoặc đối tác tại Việt Nam; hình thức cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Cấp thị thực cho người nước ngoài vào KKT cửa khẩu

Về cấp thị thực cho người nước ngoài vào KKT cửa khẩu hoặc KKT ven biển đến các địa điểm khác của Việt Nam, Nghị định quy định rõ, người nước ngoài nhập cảnh vào KKT cửa khẩu, KKT ven biển theo diện miễn thị thực quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam thì thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh làm thủ tục đề nghị cấp thị thực tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh theo quy định tại Điều 19 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đối với công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực nhập cảnh vào KKT cửa khẩu, KKT ven biển theo diện miễn thị thực quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam thì thực hiện như sau: a- Trường hợp đã tạm trú chưa đến 15 ngày thì đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh đóng dấu hết giá trị vào chứng nhận tạm trú cũ và cấp chứng nhận tạm trú mới với thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh; b-Trường hợp đã tạm trú từ 15 ngày trở lên thì thực hiện thủ tục cấp thị thực theo quy định.

Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào KKT cửa khẩu, KKT ven biển được miễn thị thực theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nếu hết thời hạn tạm trú và có nhu cầu đến địa điểm khác của Việt Nam thì việc cấp thị thực thực hiện theo điều ước quốc tế.

Nghị định cũng quy định rõ hình thức cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Theo đó, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh bằng hình thức đóng dấu vào hộ chiếu hoặc thị thực rời. Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh không cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh qua cổng kiểm soát tự động.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.

 

Sửa đổi quy định thí điểm quản lý lao động, tiền lương Viettel

Chính phủ ban hành Nghị định 74/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 121/2016/NĐ-CP ngày 24/8/2016 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 7 quản lý tiền lương đối với tổng công ty, công ty do Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Cụ thể, người đại diện phần vốn của Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội căn cứ vào các nguyên tắc quy định để quyết định hoặc tham gia với Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông quyết định: giao ổn định đơn giá tiền lương; tiền lương của người quản lý doanh nghiệp được tính trong đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương thực hiện của công ty; xác định quỹ tiền lương thực hiện hằng năm gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của tổng công ty, công ty giai đoạn 2016 - 2020.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, khi thực hiện mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ mà các tổng công ty, công ty do Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải tiếp nhận nhiệm vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh mới từ Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội thì người đại diện phần vốn của Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội quyết định hoặc tham gia với Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông quyết định về việc xác định quỹ tiền lương thực hiện đối với người lao động thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới này như sau:

- Trong thời gian từ khi tiếp nhận nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới đến hết năm tài chính liền kề năm tiếp nhận, quỹ tiền lương thực hiện được xác định trên cơ sở số lao động thực tế sử dụng bình quân và mức tiền lương tối đa bằng mức tiền lương bình quân của người lao động thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh đó tại Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội trong năm liền kề trước thời điểm chuyển giao trên cơ sở bảo đảm các điều kiện: hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được Đảng và Nhà nước giao; nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và có lợi nhuận.

- Sau thời gian quy định nêu trên, quỹ tiền lương thực hiện hằng năm được xác định trên cơ sở số lao động bình quân thực hiện và mức tiền lương bình quân thực hiện tính theo chỉ tiêu năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện so với năm trước liền kề theo nguyên tắc quy định.

Đối với công ty do Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thành lập mới trong năm 2020 thì người đại diện phần vốn của Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội quyết định hoặc tham gia với Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông quyết định quỹ tiền lương thực hiện trên cơ sở số lao động bình quân thực hiện và mức tiền lương bình quân bảo đảm tương quan chung với mặt bằng tiền lương năm 2020 của người lao động tại công ty khác do Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và báo cáo Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội cho ý kiến trước khi thực hiện.

Nghị định cũng bổ sung khoản 5 vào Điều 6 quản lý tiền lương đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cụ thể, trong năm 2020, khi thực hiện mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ mà công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ phải tiếp nhận nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới từ Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội hoặc nhận sáp nhập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khác do Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ thì trong thời gian từ khi tiếp nhận nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới hoặc nhận sáp nhập đến hết năm 2020, quỹ tiền lương thực hiện của người lao động thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mới tiếp nhận hoặc nhận sáp nhập này được xác định trên cơ sở số lao động thực tế sử dụng bình quân và mức tiền lương tối đa bằng mức tiền lương bình quân của người lao động đã thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh đó tại công ty chuyển giao hoặc công ty bị sáp nhập trong năm liền kề trước thời điểm chuyển giao hoặc bị sáp nhập trên cơ sở bảo đảm các điều kiện: hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được Đảng và Nhà nước giao; nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và có lợi nhuận.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/8/2020 đến hết ngày 31/12/2020.

 

Quyết không để xảy ra làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch bệnh COVID-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành, lực lượng chức năng, địa phương tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không để xảy ra làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 chiều ngày 24/6/2020.

Tại Thông báo trên, Thủ tướng Chính phủ hoanh nghênh, đánh giá cao các bộ, ngành, các lực lượng: Y tế, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Ngân hàng, nhiều địa phương đã có nhiều cố gắng, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Đến nay, mục tiêu kép đã được thực hiện, ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, hơn hai tháng qua không để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng; đồng thời nền kinh tế đã có bước phục hồi tốt, kể cả đối với những ngành bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề như du lịch, hàng không, nhất là phục hồi phát triển du lịch nội địa, đường bay nội địa…

Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì tổng kết một bước công tác phòng, chống dịch COVID-19, có đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng và đề xuất động viên, khen thưởng kịp thời các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp.

Không lơ là, chủ quan

Trên thế giới, dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện chiến lược phòng, chống dịch đã đề ra, giữ vững thành quả quan trọng về phòng, chống dịch đã đạt được trong thời gian qua; tiếp tục đề cao cảnh giác, không để phạm sai lầm, khuyết điểm, nhất là không thể vì nôn nóng phát triển kinh tế xã hội mà mở cửa ào ạt, lơ là công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không để xảy ra làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch bệnh tại Việt Nam.

Các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí tiếp tục việc thông tin, truyền thông về công tác phòng, chống dịch bệnh để người dân yên tâm; các địa phương tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, không để người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Kiên định 5 nguyên tắc

Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục quan tâm hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, trước hết là sẵn sàng truy vết, xét nghiệm nhanh, rửa tay, đeo khẩu trang ở những nơi đông người.

Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch, kiên định 5 nguyên tắc: ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch. Ngành y tế phải luôn trong tình trạng báo động để kịp thời xử lý các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; đảm bảo việc duy trì năng lực và sự sẵn sàng đáp ứng của hệ thống y tế với các tình huống mới của dịch bệnh; hướng dẫn quy trình chuẩn và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong thời gian tiếp theo.

Tiếp tục tổ chức tốt và giám sát chặt chẽ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. Đồng ý ưu tiên đưa khoảng 14.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài là các trường hợp đặc biệt về nước như đề xuất của Bộ Ngoại giao (bao gồm các trường hợp là lao động hết hạn hợp đồng, hết hạn visa...). Các Bộ lưu ý tạo thuận lợi nhiều hơn về thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch (về điều kiện được về nước, hồ sơ thủ tục đăng ký về nước, các hình thức cách ly linh hoạt, an toàn khi nhập cảnh), đúng đối tượng.

Công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước được cách ly tập trung và cách ly bằng các hình thức phù hợp, linh hoạt đối với từng loại đối tượng.

Tạo điều kiện nhà đầu tư, chuyên gia nhập cảnh

Thủ tướng tiếp tục cho phép và tạo điều kiện các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao... nhập cảnh Việt Nam, kể cả nhập cảnh trong thời gian ngắn (dưới 14 ngày) và có biện pháp cách ly phù hợp, linh hoạt.

Bộ Công an hướng dẫn các cơ quan, tổ chức làm thủ tục mời, đón, bảo lãnh, cung cấp hành trình dự kiến của các đối tượng nêu trên vào Việt Nam để được duyệt cấp thị thực, duyệt nhân sự đủ điều kiện nhập cảnh, bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi, chặt chẽ, không vì lý do phòng, chống dịch mà gây khó khăn.

UBND các tỉnh, thành phố có cửa khẩu hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, đường thủy quốc tế lựa chọn khu vực an toàn cho các thương nhân thực hiện việc trao đổi, ký kết, giao dịch thương mại, đầu tư… khi vào Việt Nam.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cùng các địa phương liên quan rà soát, xây dựng các hướng dẫn, quy định phục vụ các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân nước ngoài vào làm việc, thực hiện nhiệm vụ tại các khu vực riêng biệt, đảm bảo công tác phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao hướng dẫn cụ thể các hình thức cách ly phù hợp, linh hoạt đối với từng loại đối tượng công dân Việt Nam về nước và các trường hợp khác nhập cảnh Việt Nam.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tăng tần suất các chuyến bay (có thu phí) để đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước và các nhà đầu tư, doanh nhân, nhà ngoại giao, chuyên gia, công nhân lành nghề... nhập cảnh Việt Nam, đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các chuyến bay đồng thời có biện pháp chặt chẽ, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

Chưa mở cửa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh

Thủ tướng chỉ đạo chưa mở cửa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh Việt Nam. Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cần có kế hoạch sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế trở lại khi điều kiện cho phép.

Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung để cách ly công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước, kể cả việc bố trí các doanh trại, các trường thuộc quân đội, các khách sạn, cơ sở lưu trú và các cơ sở phù hợp khác làm nơi cách ly.

Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát tại biên giới đường bộ, nhất là các đường mòn, lối mở; thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng dịch tại các cơ sở cách ly.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 tiếp tục nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới, đề xuất các tiêu chí cụ thể trong việc lựa chọn các vùng, địa bàn an toàn, đề xuất cụ thể thời điểm và tần suất mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Y tế triển khai giám sát, xét nghiệm COVID-19 đối với thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chủ động triển khai các giải pháp kết nối, thúc đẩy lưu thông hàng hóa với thị trường quốc tế. Trường hợp cần thiết phải cử các đoàn công tác đến các vùng, địa bàn cơ bản an toàn để thúc đẩy giao thương.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì chỉ đạo việc đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, trước hết là đến các nước đang có nhu cầu và đã cơ bản an toàn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…

Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 ở mức 4-5%. Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh đôn đốc, đẩy mạnh tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án cụ thể; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, du lịch nội địa.

 

Tổ chức lại Công ty TNHH 1TV Xổ số Kiến thiết và Dịch vụ in Đà Nẵng

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện tổ chức lại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số Kiến thiết và Dịch vụ in Đà Nẵng.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng căn cứ ý kiến các Bộ và quy định pháp luật hiện hành thực hiện tổ chức lại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số Kiến thiết và Dịch vụ in Đà Nẵng theo hình thức tách Xí nghiệp In tổng hợp để thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên, bảo đảm công khai, minh bạch, không thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

UBND thành phố Đà Nẵng chịu trách nhiệm toàn diện rà soát về số liệu báo cáo, điều kiện đáp ứng việc chia tách, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Đối với việc cổ phần hóa Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên hình thành từ Xí nghiệp In tổng hợp sau khi tách từ Công ty Xổ số kiến thiết và Dịch vụ in Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện theo đúng quy định pháp luật về cổ phần hóa và các văn bản pháp luật liên quan.

 

Đề xuất giải pháp thu hút đóng du thuyền cỡ trung

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất các giải pháp thu hút đóng du thuyền cỡ trung.

Báo điện tử Tuổi trẻ online ra ngày 26/6/2020 có bài viết về "Mở hướng đóng du thuyền siêu sang", trong đó đề cập đến xu hướng nhiều đơn hàng đóng du thuyền cỡ trung đang dịch chuyển về Việt Nam, cơ hội không nhỏ cho ngành đóng tàu trong nước nhưng hiện nay vẫn còn không ít vướng mắc để phát triển, trong đó có thủ tục hạ thủy, thử nghiệm tàu...

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất các giải pháp khai thác hiệu quả thế mạnh và cơ hội này.

 

Ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung lĩnh vực đường bộ

Đầu tư hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành ngành giao thông vận tải phù hợp với xu thế chuyển đổi số của Chính phủ và xây dựng nền kinh tế số trong giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung vào lĩnh vực đường bộ nhằm mục tiêu bảo đảm thông suốt, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường cho tất cả các phương thức vận tải.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ".

Mục tiêu cụ thể của Đề án đến 2025 hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành giao thông vận tải trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành giao thông vận tải đầy đủ, kịp thời, chính xác cho người ra quyết định.

100% hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Giao thông vận tải được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử; tất cả các dịch vụ công phổ biến liên quan đến nhiều người dân và doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 và được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ Giao thông vận tải được nộp trực tuyến mức độ 3, 4.

100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS); hình thành được các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc trung ương và địa phương có nhu cầu.

Toàn bộ số liệu phục vụ quản lý an toàn giao thông được xử lý, tích hợp hoàn toàn tự động từ các hệ thống thông tin quản lý thuộc các chuyên ngành đường bộ, Cảnh sát giao thông và y tế dùng để đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ;...

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, Đề án đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp gồm:

1- Hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải.

2- Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống kỹ thuật dùng làm nền tảng để phát triển các hệ thống ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành ngành giao thông vận tải.

3- Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước để phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác chỉ đạo, điều hành của ngành giao thông vận tải.

4- Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, điều hành và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

5- Triển khai, hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin giao thông đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không.

6- Hợp tác, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chuyên trách chất lượng cao và triển khai nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong ngành giao thông vận tải.

7- Giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới, hiện đại hóa ngành giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án; đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Đề án trong trường hợp cần thiết./.

 

 

Print
621 Rate this article:
No rating

Please login or register to post comments.

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top