Responsive image

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 05/7

Thông tin báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 05/7

THÔNG TIN BÁO CHÍ

    THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ".

Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Đồng thời, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu; bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Giải pháp chủ yếu của Đề án là tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Để tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, Đề án sẽ đẩy mạnh việc theo dõi tình hình xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại lớn nhằm cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, giúp doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững; thực hiện cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua giám sát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu (kể cả tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh) các mặt hàng đang bị các đối tác kinh tế quan trọng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để đưa ra khuyến nghị kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa trên phạm vi toàn quốc; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại...

Đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN thị trấn Thủ Thừa

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kế cấu hạ tầng khu công nghiệp thị trấn Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Dự án trên có quy mô 188 ha được thực hiện với tổng nguồn vốn 1.268 tỷ đồng trong đó vốn góp để thực hiện Dự án là 200 tỷ đồng, vốn vay thương mại là 600 tỷ đồng, vốn huy động khác là 468 tỷ đồng.

Dự án thực hiện trong 50 năm tại thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Theo tiến độ, từ tháng 7/2019 đến 12/2020 chuẩn bị đầu tư; từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2025 xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình hạ tầng kỹ thuật; từ tháng 10/2021 cho thuê lại quyền sử dụng đất.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Long An chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long Anh quy định cụ thể tiến độ thực hiện Dự án theo quy định tại điểm d khoản 8 Điều 33 Luật Đầu tư; trong đó lưu ý tiến độ góp vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư để thực hiện Dự án phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

UBND tỉnh Long An chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ Dự án, các nội dung tiếp thu và giải trình và các nội dung đã thẩm định theo quy định của pháp luật; đảm bảo việc triển khai thực hiện Dự án phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của Tỉnh; tự chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện Dự án đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm về năng lực nhà đầu tư được lựa chọn đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, UBND tỉnh Long An thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án theo đúng tiến độ và quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai; đảm bảo quyền sử dụng địa điểm đầu tư của nhà đầu tư, đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm, đảm bảo nhà đầu tư có đủ điều kiện được nhà nước giao đất, cho thuê đất.

UBND tỉnh Long An chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An và các cơ quan liên quan tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư; tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đầu tư, đất đai, môi trường và tài nguyên nước; giám sát việc góp vốn thực hiện Dự án và huy động vốn đầu tư Dự án; phối hợp với Nhà đầu tư triển khai phương án đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật; triển khai các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động trong khu công nghiệp, trong đó có phương án xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động khu công nghiệp và hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; xây dựng phương án thu hồi đất phù hợp với tiến độ thu hút đầu tư của dự án để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến người dân bị thu hồi đất.

Chuyển mục đích sử dụng đất tại 3 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn 3 tỉnh Nam Định, Thanh HóaLong An.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Nam Định quyết định chuyển mục đích sử dụng 24,02 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp; UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng 15,5 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp; UBND tỉnh Long An quyết định chuyển mục đích sử dụng 16,42 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND 3 tỉnh Nam Định, Thanh Hóa và Long An chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.

Các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa tại 3 tỉnh trên theo quy định.

Quyết tâm điều hành giá theo đúng mục tiêu đã đề ra từ đầu năm

Từ nay đến cuối năm 2019, trên cơ sở đánh giá, dự báo xu hướng giá cả thế giới và trong nước cũng như yêu cầu đối với việc điều chỉnh giá các dịch vụ công theo lộ trình thị trường kết hợp với các yếu tố điều hành vĩ mô như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, Ban Chỉ đạo điều hành giá quyết tâm thực hiện điều hành giá theo đúng mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, kiểm soát lạm phát bình quân trong mức từ 3,3 – 3,9%, kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%.

Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 3/7/2019.

Thông báo nêu rõ, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp điều hành giá đã đề ra từ đầu năm; điều hành giá các mặt hàng thiết yếu; về rà soát hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý giá chuyên ngành.

Về phương hướng điều hành cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả trong và ngoài nước để có biện pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là với các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, vật liệu xây dựng, xăng dầu. Điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Theo dõi sát, đánh giá, dự báo tình hình và phản ứng nhanh nhạy với các biến động về chính sách quốc tế, diễn biến thị trường tài chính trong và ngoài nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, giữ mức lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%.

Về việc thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng theo lộ trình, trong điều kiện dư địa lạm phát đang có điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần chủ động tính toán, lựa chọn mức độ và thời điểm phù hợp, tránh điều chỉnh đồng loạt vào cùng một thời điểm để kiểm soát lạm phát kỳ vọng, đồng thời tạo bước đệm thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2020.

Cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu

Về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương để làm tốt các công tác cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng như lúa gạo, thịt lợn, đường, muối... nhằm ổn định thị trường và thúc đẩy các giải pháp để tăng cường xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội lương thực Việt Nam để theo dõi, đánh giá tình hình giá thóc, gạo trong nước vụ Hè – Thu 2019 (đặc biệt khu vực Tây Nam Bộ) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá các giải pháp điều tiết thị trường, thúc đẩy xuất khẩu trong trường hợp giá giảm quá thấp, bất hợp lý.

Đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt các biện pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh nhằm hạn chế lan rộng và kéo dài, có các biện pháp phù hợp hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu vacxin phòng chống dịch tổng hợp số liệu cụ thể quy mô chăn nuôi lợn, sản lượng thịt lợn để có đánh giá chính xác về tình hình cung –cầu, từ đó xây dựng kịch bản điều hành giá và có giải pháp bình ổn thị trường, phương pháp dự trữ nguồn cung phù hợp đề xuất phương án phát triển chăn nuôi nguồn thực phẩm bổ sung cho nguồn thịt lợn bị thiếu hụt hoặc có phương án nhập khẩu một phần thịt lợn từ nguồn an toàn với chi phí thấp nếu cần thiết đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt trong các dịp Lễ, Tết.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước; trích lập và sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bình ổn thị trường; đồng thời tiếp tục khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học. Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ phương án sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Sớm hoàn thành kiểm tra việc điều hành và tính toán giá điện

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc điều hành giá điện theo quy định; làm tốt công tác công khai, minh bạch chi phí đầu vào. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về các quy định trong việc xác định mức giá năng lượng tái tạo phù hợp với thực tiễn triển khai. Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sớm hoàn thành việc kiểm tra về việc điều hành và tính toán giá điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam; báo cáo, công khai kết quả thanh tra theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.

Bộ Giao thông vận tải sớm báo cáo Chính phủ tổng thể các vấn đề pháp lý và thực tiễn liên quan đến các dự án BOT, trong đó đánh giá kỹ về lộ trình, phương án hoàn vốn của chủ đầu tư, tác động của việc điều chỉnh giá đến CPI và mục tiêu kiểm soát lạm phát, tác động đến đời sống người dân và xã hội. Đồng thời, có các giải pháp quyết liệt để triển khai toàn diện việc thu phí không dừng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Bộ Công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, gian lận trong quản lý, hạch toán doanh thu của các dự án BOT.

Đối với dịch vụ giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các địa phương đánh giá tình hình thực hiện mức giá hiện hành so với lộ trình giá thị trường tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập để có kiến nghị sửa đổi trong phạm vi quản lý, đồng thời đề xuất các bước triển khai cụ thể để đạt lộ trình đề ra. Tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp, tăng cường kiểm soát chặt chẽ về cung cầu nhằm không để xảy ra tình trạng lạm thu, thu ngoài học phí cũng như tăng giá đột biến các mặt hàng văn phòng phẩm, sách giáo khoa, vật tư giáo dục trước khi bước vào năm học mới.

Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội sớm ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, giao quyền cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ trong việc thu học phí và quyết định các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhằm thu hút người học; Tiếp tục xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật của các ngành nghề còn lại, làm cơ sở cho việc xây dựng giá dịch vụ đào tạo nghề.

Điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo đúng lộ trình

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế triển khai việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo đúng lộ trình và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá. Có văn bản để hướng dẫn địa phương trong việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh với người không có thẻ bảo hiểm y tế theo mức giá dịch vụ quy định. Sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết và phương án cụ thể để điều chỉnh kết cấu tiền lương cơ sở theo mức lương 1.490.000 đồng trong giá dịch vụ vào thời điểm phù hợp của quý III; hoàn tất việc rà soát, phân loại dịch vụ và định mức kinh tế kỹ thuật trong tháng 10 năm 2019. Trên cơ sở đó, tính toán, đề xuất với Ban Chỉ đạo điều hành giá về phương án triển khai bước 3 (kết cấu chi phí quản lý trong giá dịch vụ).

Bộ Xây dựng theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản, chủ động đề xuất biện pháp bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung khi nhu cầu nguyên vật liệu cho xây dựng tăng cao. Bộ Tài nguyên môi trường sớm rà soát, đánh giá thực trạng để có đề xuất sửa đổi, bổ sung khung giá đất theo thị trường và trên nguyên tắc thận trọng.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá nhất là trong việc thực hiện các chính sách lớn của Chính phủ. Các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, căn cứ các kịch bản điều hành giá đã được Ban Chỉ đạo điều hành giá thông qua và các nội dung tại Thông báo này để chủ động, kịp thời cung cấp thông tin khách quan, toàn diện, chính xác cho các cơ quan báo chí về công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu cũng như tăng cường công khai, minh bạch thông tin về các yếu tố chi phí đầu vào nhất là các vật tư quan trọng liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Về cơ chế điều hành giá, các Bộ, ngành tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đầu mối là Bộ Kế hoạch Đầu tư (Tổng Cục thống kê), Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong công tác tính toán dự báo, xây dựng kịch bản chi tiết, cụ thể cho từng thời điểm, từng giai đoạn đối với từng mặt hàng thiết yếu nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đối với các vấn đề mới phát sinh cần xử lý gấp, nhất là trong điều hành cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ, ngành chủ động báo cáo trực tiếp Phó       Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá và đồng thời có văn bản gửi Bộ Tài chính – Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá và Bộ Thông tin truyền thông để có định hướng về điều hành giá chung và công tác thông tin, tuyên truyền. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp điều hành giá theo các kịch bản đã được phê duyệt; đẩy mạnh công tác kiểm tra thực hiện pháp luật về giá, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá của doanh nghiệp.

Xem xét, trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 5890/VPCP - ĐMDN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc xem xét, xử lý và trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp.

Xét báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong tháng 5/2019, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét, xử lý và trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện, đồng thời gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để tổng hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các kiến nghị cụ thể:

1. Công ty cổ phần xây dựng I Hà Tĩnh kiến nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét, quyết định đình chỉ thi hành Kết luận thanh tra số 126/KL-UBND ngày 13/4/2018 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về quá trình cấp phép và hoạt động khai thác đá tại mỏ đá núi Nam Giới, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh và văn bản số 2237/UBND-NL2 ngày 17/4/2019 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc thực hiện Kết luận thanh tra quá trình cấp phép và hoạt động khai thác đá tại mỏ đá núi Nam Giới, xã Thạch Bàn để thẩm tra lại toàn bộ căn cứ pháp luật.

Cơ quan chủ trì: UBND tỉnh Hà Tĩnh.

2. Công ty TNHH thương mại Thành Hiệu kiến nghị UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét, cho phép Công ty tiếp tục sử dụng đất đã được thuê theo đúng các quyết định của UBND tỉnh: số 2320/QĐ-UBND ngày 8/9/2016 và số 3797 ngày 5/12/2017. Cơ quan chủ trì: UBND tỉnh Thái Nguyên

3. Công ty TNHH MTV Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực kiến nghị về việc miễn, giảm tiền thuê đất. Cơ quan chủ trì: Bộ Tài chính.

4. Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam kiến nghị về một số vướng mắc về Thông báo số 1234/TB-ATTP ngày 19/4/2019 của Bộ Y tế hướng dẫn bổ sung Giấy chứng nhận Thực hành sản xuất tốt (GMP) trong sản xuất, kinh doanh và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe và dự thảo Thông tư hướng dẫn GMP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Cơ quan chủ trì: Bộ Y tế.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh du lịch

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch.

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo đánh giá toàn diện về tình trạng tour du lịch giá rẻ trên phạm vi toàn quốc và các tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo tại văn bản số 8298/VPCP-KTTH ngày 18/5/2018; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch.

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá và làm rõ các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh lữ hành, du lịch thời gian qua, các giải pháp, chính sách, cơ chế tăng cường, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch trên phạm vi toàn quốc; đề xuất cụ thể nội dung và hình thức văn bản chỉ đạo phù hợp của Thủ tướng Chính phủ để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành trong thời gian tới.

Xử lý thông tin báo nêu chênh lệch hàng nghìn tỷ tại các dự án ODA

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về xử lý thông tin báo chí nêu “Hàng nghìn tỷ chênh lệch tại các dự án ODA bị kiểm toán phát hiện”.

Xét kiến nghị của Bộ Tài chính về xử lý thông tin do Báo Lao động nêu ngày 20/5/2019 tại bài báo “Hàng nghìn tỷ chênh lệch tại các dự án ODA bị kiểm toán phát hiện”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan chủ quản các dự án có ý kiến về các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng hướng dẫn chi tiết hơn về định mức lương tư vấn quốc tế hoặc nguồn dữ liệu tham khảo để xây dựng mức lương tư vấn quốc tế khi lập dự toán hạng mục này trong tổng mức đầu tư dự án đầu tư, dự án đầu tư xây dựng.

Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quản lý vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài chặt chẽ theo Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 ngày 05/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.  

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thẩm định chương trình, dự án đầu tư vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài phối hợp chặt chẽ các cơ quan chủ quản dự án trong việc phân tích lợi thế so sánh giữa chi phí vay vốn và ràng buộc công nghệ, thiết bị và nhà thầu.

Đối với các khoản vay đang và sẽ đàm phán ký kết trong thời gian tới, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan chủ quản dự án đàm phán với Nhà tài trợ nới rộng điều kiện về lựa chọn nhà thầu và tỷ lệ xuất xứ hàng hoá để tạo điều kiện cho việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi và không tạo ra bất công trong quá trình thực hiện dự án, nhất là việc thanh toán theo tỷ lệ xuất xứ như hiện nay.

Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc khi triển khai các dự án đầu tư

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về tình hình thực hiện, các tồn tại vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan, căn cứ quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ giải quyết theo thẩm quyền./.

 

Print
968 Rate this article:
No rating

Please login or register to post comments.

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top