Responsive image

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 07/8

Thông tin báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 07/8

 

THÔNG TIN BÁO CHÍ

    THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Vụ bé lớp 1 Trường Gateway tử vong: Thủ tướng yêu cầu không để tái diễn sự việc tương tự

Liên quan đến vụ việc cháu bé tử vong trên xe ô tô đưa đón của Trường tiểu học quốc tế Gateway, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học; hướng dẫn, quy định cụ thể dịch vụ đưa đón học sinh, bảo đảm chất lượng và an toàn tuyệt đối cho các cháu, không để tái diễn sự việc tương tự.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục nâng cao chỉ số xếp hạng của Việt Nam về đổi mới sáng tạo

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những kết quả tích cực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin đã góp phần tiếp tục cải thiện nâng cao chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp được giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ nhằm nâng cao bền vững chỉ số xếp hạng của Việt Nam về đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung các yếu tố nâng cao chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của kinh doanh và cập nhật các chỉ số còn thiếu trong bảng xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Theo báo cáo được tổ chức WIPO công bố, chỉ số GII năm 2019 của Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc, lên vị trí 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng so với năm 2018. Thứ hạng này đã cải thiện 17 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp. Quan trọng hơn, Việt Nam có sự tiến bộ ở cả nhóm chỉ số đầu vào (tăng 2 bậc so với năm 2018) và đầu ra (tăng 4 bậc so với năm 2018), cũng như có điểm số cao trong cả 7 trụ cột, đều cao hơn mức trung bình.

Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, kết quả chỉ số GII năm 2019 là minh chứng quan trọng khẳng định hiệu quả chỉ đạo điều hành quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.

Một số chỉ số có cải thiện đáng chú ý so với năm 2018 là: Trình độ phát triển của thị trường tăng 3 bậc; Tín dụng tăng 4 bậc; Tăng năng suất lao động tăng 3 bậc. Và đặc biệt là hai chỉ số liên quan đến đầu vào và đầu ra của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có những bước nhảy vọt, cụ thể là: Chỉ số Tổng chi cho nghiên cứu và phát triển tăng 5 bậc và chỉ số Sản phẩm dựa trên tri thức và công nghệ tăng 8 bậc.

Xuất cấp gạo cho tỉnh Đắk Nông

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 230,475 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Đắk Nông để cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.

UBND tỉnh Đắk Nông tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Trường hợp sau khi thực hiện nếu vẫn còn khó khăn, UBND tỉnh Đắk Nông báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ.

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Long An

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Long An quyết định chuyển mục đích sử dụng 33,49 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Long An chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.

Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định.

Tạo chuyển biến trong phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có bước chuyển biến căn bản.

6 tháng đầu năm 2019, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nhưng công tác phòng, chống tội phạm, các cấp, các ngành, nòng cốt là lực lượng Công an đã chủ động nắm chắc tình hình, tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, làm giảm 0,99% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ năm 2018; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 82,25%, án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,16%, vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra; đặc biệt đã phát hiện, điều tra triệt phá nhiều vụ vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 86 nghìn vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 6 nghìn tỷ đồng, khởi tố 1300 vụ án, với hơn 1500 đối tượng. Đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động quyết liệt, cụ thể, như: Kế hoạch giám sát hàng hóa tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; kế hoạch chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới Tây Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tội phạm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến căn bản hơn, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các Bộ, ngành thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thường trực các Ban Chỉ đạo và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai các đề án thuộc Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm; các kế hoạch chuyên đề về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện quan trọng của đất nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam. Thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, khắc phục sơ hở, yếu kém để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Kiên quyết loại bỏ ra khỏi bộ máy những cán bộ tha hóa, biến chất

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; thực hiện nghiêm túc việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, nâng cao chất lượng điều tra khám phá các vụ án. Đối với các loại tội phạm có tổ chức, mua bán người, ma túy, “tín dụng đen”, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, than, cát sỏi, buôn lậu, nhất là buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, phân bón, rác thải độc hại, sản xuất, kinh doanh hàng giả... cần tổ chức điều tra triệt phá tận gốc, xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Các cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án trong điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; kịp thời truy tố, xét xử những vụ án lớn, được dư luận xã hội quan tâm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và người dân trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.

Không để phát sinh tội phạm và các điểm nóng

Trong đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an thành lập các Đoàn liên ngành kiểm tra, khảo sát tại một số địa phương trọng điểm để nắm tình hình phục vụ công tác tham mưu, chỉ đạo các mặt công tác phòng, chống tội phạm.

Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hóa quy trình; cấp phép, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp bảo đảm đúng thời hạn quy định, không để nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu; khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định về xuất xứ hàng hóa, nơi sản xuất hàng hóa, tỷ lệ nội địa hóa để được công nhận là hàng hóa của Việt Nam, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, không để các đối tượng lợi dụng lừa dối người tiêu dùng, xuất khẩu sản phẩm ghi xuất xứ Việt Nam không đúng quy định để hưởng ưu đãi về thuế.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các lực lượng chức năng, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về tình hình an ninh trật tự, về các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trên địa bàn; tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh tội phạm và các điểm nóng về an ninh - trật tự.

Tổng cục Hải quan đẩy mạnh việc giám sát hoạt động công vụ của công chức hải quan bằng camera và các biện pháp kỹ thuật khác; nghiên cứu, trang bị camera di động giám sát hoạt động công vụ khi công chức làm nhiệm vụ ở ngoài trụ sở; củng cố, hoàn thiện phần mềm quản lý rủi ro, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới, hàng hóa là quà biếu, quà tặng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo tốt công tác quản lý nhà nước về Hải quan, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Tổng cục Thuế tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về thuế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc kê khai, nộp thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ; có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng chuyển giá, khai báo gian dối về giá, chi phí để trốn thuế; nghiên cứu, trang bị camera di động giám sát hoạt động công vụ khi công chức làm nhiệm vụ ở ngoài trụ sở.

Điều chỉnh dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Minh Quang

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Minh Quang, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

Dự án có quy mô 150 ha. Về tổng vốn đầu tư của Dự án, UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên phối hợp với các cơ quan liên quan đề nghị Nhà đầu tư xác định chính xác tổng vốn đầu tư của Dự án, đảm bảo phù hợp với diện tích đất thực hiện Dự án.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên yêu cầu Công ty cổ phần VID Hưng Yên tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan; trên cơ sở đó xem xét việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án theo quy định của pháp luật, đảm bảo phù hợp với quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn Công ty cổ phần VID Hưng Yên thực hiện việc ký quỹ theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên và các cơ quan chức năng của tỉnh giám sát việc góp vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư, kể cả trong trường hợp doanh nghiệp chỉ thực hiện 1 Dự án này; thu hút đầu tư vào khu công nghiệp phải phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Phối hợp với Công ty cổ phần VID Hưng Yên giải quyết khó khăn trong quá trình thực hiện Dự án, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu công nghiệp; triển khai phương án đền bù, giải phóng mặt bằng; đảm bảo ổn định đời sống và hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; xây dựng phương án thu hồi đất phù hợp với tiến độ thu hút đầu tư của dự án để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến người dân bị thu hồi đất; nghiên cứu phương án xây dựng nhà ở và các công trình công cộng cho người lao động trong khu công nghiệp.

Bộ Tài chính hướng dẫn Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên và các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư của dự án theo thẩm quyền./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Print
1549 Rate this article:
No rating

Please login or register to post comments.

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top