Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 18/2

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 18/2

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển lĩnh vực giáo dục đại học; kết nối các ngành, các vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia; thiết lập được một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ học tập suốt đời; có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững của cả nước và từng địa phương.

Bên cạnh đó, làm cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trên phạm vi cả nước thuộc lĩnh vực giáo dục đại học, bảo đảm khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả; đồng thời là cơ sở huy động nguồn lực của cộng đồng, xã hội phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.

Đối tượng quy hoạch là các cơ sở giáo dục đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (không bao gồm các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng), các trường cao đẳng sư phạm.

Nội dung quy hoạch cần phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm; dự báo xu thế phát triển, kịch bản phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.

Đánh giá về sự liên kết ngành, liên kết vùng, liên kết giữa mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm với cơ sở nghiên cứu khoa học trong việc phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với ngành, những cơ hội và thách thức.

Xác định quan điểm, mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm trong thời kỳ quy hoạch; phương án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm; định hướng bố trí sử dụng đất cho phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; danh mục các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành và thứ tự ưu tiên thực hiện; xây dựng giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

 

Triển khai Nghị quyết tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 ngày 13/11/2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Để triển khai thi hành Nghị quyết kịp thời, toàn diện, thống nhất, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Mục tiêu của Kế hoạch là xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ nhằm bảo đảm triển khai thi hành Nghị quyết kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Theo Kế hoạch, các bộ, ngành theo chức năng quản lý thực hiện kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp hoặc trái với quy định của Nghị quyết, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hoặc theo thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ, ban hành văn bản thay thế đảm bảo thống nhất, đồng bộ, phù hợp Nghị quyết; gửi kết quả kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quốc phòng, an ninh về Bộ Quốc phòng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 130/2020/QH14.

Đồng thời, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với một số bộ, ngành và cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện biên soạn tài liệu; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết thi hành với nội dung, hình thức phù hợp cho từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; tổ chức tập huấn Nghị quyết cho cán bộ chủ trì bộ, ngành trung ương, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và cán bộ có liên quan nhằm nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thi hành Nghị quyết…

 

Đầu tư phát triển hạ tầng KCN Thuận Thành I

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thuận Thành I.

Dự án trên thực hiện tại xã Ninh Xá, xã Trạm Lộ và xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh với quy mô 249,75 ha. Tổng nguồn vốn đầu tư của dự án là 2.847,819 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư (Tổng Công ty Viglacera) là 859,735 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể ngày được Nhà nước bàn giao đất. Thời gian hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày 17/2/2021.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình và thẩm định theo quy định của pháp luật; việc triển khai Dự án phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chịu trách nhiệm về việc đề xuất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật khác có liên quan.

Tổ chức thực hiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô, địa điểm và tiến độ sử dụng đất thực hiện Dự án.

Chịu trách nhiệm đảm bảo việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trong chỉ tiêu diện tích đất trồng lúa còn lại của tỉnh Bắc Ninh được phép chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2018; thực hiện phương án bổ sung diện tích hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần diện tích đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai năm 2013.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh yêu cầu Nhà đầu tư ký quỹ để đảm bảo thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư; chỉ được triển khai thực hiện Dự án sau khi thông tin về địa điểm thực hiện Dự án tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường được làm rõ và được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận, đảm bảo thống nhất với địa điểm thực hiện Dự án tại quyết định chủ trương đầu tư; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định của pháp luật về khoáng sản; tuân thủ đúng quy hoạch chi tiết xây dựng của Dự án đã được phê duyệt.

Đồng thời, chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh và các cơ quan liên quan tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật; phối hợp với Nhà đầu tư triển khai phương án đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định; thực hiện các giải pháp liên quan đến đời sống của người lao động, phương án xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp; hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; thực hiện thu hồi đất phù hợp với tiến độ thực hiện Dự án và thu hút đầu tư để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến người dân bị thu hồi đất.

 

Đầu tư kết cấu hạ tầng KCN Quốc Tuấn - An Bình

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Quốc Tuấn - An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Theo đó, nhà đầu tư là công ty cổ phần khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1.

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Địa điểm thực hiện dự án tại các xã Quốc Tuấn, An Bình và An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương với quy mô sử dụng đất 180 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.947 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 292,4 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất. UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương hướng dẫn Nhà đầu tư điều chỉnh và cập nhật tiến độ thực hiện Dự án cho phù hợp với tình hình thực tế; quy định cụ thể tiến độ thực hiện Dự án theo quy định, trong đó lưu ý tiến độ góp vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư để thực hiện Dự án phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày 17/2/2021.

UBND tỉnh Hải Dương có trách nhiệm tổ chức thực hiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô, địa điểm và tiến độ sử dụng đất thực hiện Dự án và quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và pháp luật có liên quan, trong đó lưu ý thực hiện đúng quy định và điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và đất mặt nước.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Hải Dương và các cơ quan liên quan giám sát, đánh giá việc thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật; triển khai các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, trong đó có phương án xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp và hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; xây dựng phương án thu hồi đất phù hợp với tiến độ thu hút đầu tư của Dự án để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến người dân bị thu hồi đất./.

Print
641 Rate this article:
No rating

Please login or register to post comments.

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top