Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/2

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/2

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Xuất cấp hóa chất chống dịch COVID-19

Tại Quyết định 290/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế xuất cấp không thu tiền 5 tấn Chloramin B từ nguồn dự trữ quốc gia do Bộ Y tế quản lý để cấp cho các đơn vị, địa phương phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về thông tin, số liệu báo cáo. Việc phân bổ, tiếp nhận và sử dụng số hóa chất nêu trên thực hiện theo quy định hiện hành.

 

Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nguyên tắc lập quy hoạch bảo vệ môi trường yêu cầu quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước về quy hoạch, về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa đối tượng, nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và đối tượng, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Về mục tiêu tổng quát và tầm nhìn, phải xác định được các mục tiêu cơ bản, có tính chất chủ đạo, xuyên suốt nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên, kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý chất thải, quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải, cacbon thấp và phát triển bền vững đất nước.

Đồng thời, định lượng được các mục tiêu cụ thể về xác lập vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải; thiết lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu quản lý chất thải rắn, nguy hại tập trung; thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo về chất lượng môi trường trên phạm vi cả nước cho giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050.

Một trong những yêu cầu về nội dung lập quy hoạch là phải đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; tình hình và dự báo phát sinh chất thải; tác động của biến đổi khí hậu; tình hình quản lý và bảo vệ môi trường; đánh giá tổng quan hiện trạng đầu kỳ quy hoạch, diễn biến cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học trên phạm vi cả nước gồm cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên, các loài động thực vật và các nguồn gen; đánh giá chuyên đề về khu vực có đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên và vùng đất ngập nước quan trọng, hành lang đa dạng sinh học, khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

Đánh giá tình hình phát sinh các loại chất thải trong kỳ quy hoạch trước và dự báo về quy mô và tính chất của các loại chất thải phát sinh trong kỳ quy hoạch, gồm: nước thải công nghiệp, sinh hoạt và các loại nước thải khác; khí thải công nghiệp, khí thải từ các phương tiện giao thông, khí thải khác; chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn trong sản xuất nông nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp; rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, làng nghề; chất thải nguy hại; các loại chất thải đặc thù khác; đánh giá chuyên đề về các cơ sở xử lý chất thải nguy hại, cơ sở, khu xử lý, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn khác.

Xác định các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường, trong đó có nhiệm vụ giảm thiểu tác động đến môi trường từ phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý chất thải; quản lý, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; xây dựng nguyên tắc và cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong việc thực hiện phân vùng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải rắn, nguy hại, quan trắc và cảnh báo môi trường.

Định hướng xác lập các vùng môi trường; thiết lập khu vực bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung; thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường trong kỳ quy hoạch...

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán của dự án và lựa chọn đơn vị lập quy hoạch theo đúng quy định hiện hành.

 

Thừa Thiên Huế tiếp tục tích cực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về những thành tựu đạt được trong 10 năm qua, nhất là những năm gần đây, đặc biệt là năm 2019 đã có nhiều cố gắng vượt bậc, chuyển biến tích cực, toàn diện, đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt; hoàn thành các chỉ tiêu Trung ương và Tỉnh đề ra; GDP tăng trưởng cao liên tục trong 10 năm và cao hơn mức tăng bình quân của cả nước; giảm nghèo bền vững, chênh lệch giàu nghèo thấp nhất khu vực Bắc Trung Bộ, bao gồm cả các huyện miền núi.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động, tích cực, khẩn trương và nghiêm túc triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV). Rất mừng đến nay Thừa Thiên Huế vẫn chưa phát hiện trường hợp dương tính với nCoV; các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là du lịch vẫn ổn định.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục chủ động tích cực, tuyệt đối không được chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh, coi chống dịch như “chống giặc”; phát huy các kết quả, kinh nghiệm trong phòng chống dịch để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn nữa công tác phòng chống dịch bệnh.

Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao sự đoàn kết, thống nhất, đồng sức đồng lòng của lãnh đạo và nhân dân Thừa Thiên Huế. Sự phát triển toàn diện nêu trên là nền tảng để triển khai nhanh hơn, mạnh hơn, toàn diện hơn với mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhất trí với báo cáo của Tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế phải tiếp tục tích cực rà soát, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực dịch vụ - du lịch, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Tổ chức tái cơ cấu các ngành kinh tế phù hợp, nhất là trong tình hình dịch bệnh thường xuyên xảy ra như hiện nay. Triển khai tổ chức thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2020, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, không thoái chí, giảm các chỉ tiêu phát triển trong bối cảnh tác động của dịch bệnh xảy ra.

Bên cạnh đó, hoàn thiện quy hoạch phù hợp với chiến lược mới; bố trí, sắp xếp lại dân cư, tăng cường công tác quản lý đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sử dụng hạ tầng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công. Mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất các mô hình, cơ chế, cách làm mới, tạo không gian mới cho sự phát triển nhanh, bền vững. Tiếp tục phát huy, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, cung cấp nhiều dịch vụ đô thị thông minh, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là tính chuyên nghiệp, kỹ năng và kỷ luật lao động, gương mẫu đi đầu của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức.

Đồng thời, quyết liệt phấn đấu, đặt mục tiêu phát triển nhanh trên nền tảng tri thức, công nghệ và môi trường kinh doanh thuận lợi; phát triển bền vững trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, văn hóa cả vật thể và phi vật thể, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm cuộc sống an bình cho người dân. Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục tập trung nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ hơn, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra, nhất là về thu ngân sách và phát triển du lịch (là lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh).

Về đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Thừa Thiên Huế là một trong số ít địa phương được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết với rất nhiều nội dung, mục tiêu lớn và định hướng cụ thể. Đây là điều kiện thuận lợi, là những định hướng quan trọng để Thừa Thiên Huế xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới nhằm phát huy một cách hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Cố Đô, nhất là các tiềm năng thế mạnh của Thừa Thiên Huế như di sản hữu hình và vô hình, nguồn lực trí tuệ, vùng đất có nhiều bậc vĩ nhân, nhà tư tưởng, danh nhân lỗi lạc, tài hoa của Việt Nam. Cuộc đời của mỗi con người ấy phải là một câu chuyện gắn với những địa danh cụ thể, tư liệu cụ thể, sản phẩm cụ thể hấp dẫn du khách.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND, các cấp, các ngành tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu, bám sát Nghị quyết để sớm xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung Nghị quyết, khẩn trương xây dựng các Chương trình, Đề án để triển khai thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị. Yêu cầu các Bộ, ban ngành quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai Nghị quyết ngay từ đầu năm 2020 và các năm tiếp theo để đạt kết quả tốt nhất, thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Xây dựng Đề án thành lập thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc trung ương

Về Đề án thành lập thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc trung ương, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ, trên cơ sở Bộ tiêu chí của thành phố chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương liên quan xây dựng Đề án trình Chính phủ, trên cơ sở thống nhất cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế sử dụng quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và quy hoạch chung các đô thị để lập Đề án Phân loại đô thị Thừa Thiên Huế (không tổ chức lập đồ án quy hoạch chung đô thị toàn tỉnh Thừa Thiên Huế).

Bên cạnh đó, định hướng mô hình đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương đã được Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định bao gồm thành phố Huế mở rộng, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị xã Phong Điền và các huyện (theo mô hình thành phố trong thành phố; không hình thành các Quận nội thành).

Về chuẩn bị đầu tư dự án đường ven biển, dự án Cầu Nguyễn Hoàng qua Sông Hương và đường Vành đai 3, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc, Tỉnh làm việc với Bộ Giao thông vận tải để bổ sung vào quy hoạch tuyến đường ven biển, dự án Cầu Nguyễn Hoàng qua Sông Hương và đường Vành đai 3; chủ động bố trí kinh phí thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và tổng hợp các dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 từ nguồn vốn Ngân sách Trung ương của Tỉnh, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

 

Giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương cho Bộ Giao thông vận tải

Thủ tướng Chính phủ quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Bộ Giao thông vận tải.

Cụ thể, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 cho Bộ Giao thông vận tải 3.112.256 triệu đồng thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Sơn La - Túy Loan (1.709.717 triệu đồng) và Dự án Đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 đoạn Km00-Km 123+105,17 trên địa phận hai tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng theo hình thức hợp đồng BT (1.402.539 triệu đồng).

Căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương, danh mục và mức vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Giao thông vận tải thông báo cho các đơn vị danh mục dự án và mức vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 cho từng dự án theo quy định và gửi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 29/2/2020.

Rà soát thủ tục đầu tư, điều kiện giao kế hoạch vốn hằng năm trước khi quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 cho 2 dự án theo đúng quy định.

Chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, cơ quan thanh tra, kiểm toán và các cơ quan có liên quan về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 cho 2 dự án được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

 

Ý kiến của Phó Thủ tướng về việc dừng dự án Vinpearl Air

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Dũng về việc dừng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air.

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời Nhà đầu tư về việc dừng phê duyệt chủ trương đầu tư, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, không phát sinh các vấn đề pháp lý phức tạp (nếu có) do việc dừng triển khai thực hiện dự án theo đề xuất của Nhà đầu tư./.

Print
694 Rate this article:
No rating

Please login or register to post comments.

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top