Responsive image

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/8

Thông tin báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/8

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Phê duyệt tổng biên chế công chức năm 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1066/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2020.

Theo đó, tổng biên chế công chức năm 2020 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước và biên chế công chức dự phòng là 253.517 biên chế.

Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 251.135 biên chế, trong đó: Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 108.368 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 142.767 biên chế; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.068 biên chế.

Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế. Biên chế công chức dự phòng là 628 biên chế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giao biên chế công chức đối với từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong số biên chế công chức nêu trên; giao biên chế công chức đối với từng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong tổng số biên chế công chức quy định nêu trên; giao biên chế đối với từng Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước trong tổng biên chế quy định nêu trên.

Các bộ, ngành và địa phương thực hiện điều chuyển, sắp xếp trong tổng biên chế được giao khi thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.

Miễn nhiệm 2 Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Cụ thể, tại Quyết định số 1060/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Hữu Phước, để nghỉ hưu theo chế độ.

Tại Quyết định số 1061/QĐ-TTg, Thủ tướng phê chuẩn việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2016 - 20121 đối với ông Trương Duy Hải để nghỉ hưu theo chế độ.

Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030

Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.

Đây là một trong những mục tiêu tại Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu khác là việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, công bằng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII): Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 – 18%/năm; số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 6 – 8%/năm; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 8 – 10%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 – 14%/năm trong số đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài; đưa Việt Nam trở thành trung tâm bảo hộ giống cây trồng với việc hình thành cơ quan bảo hộ giống cây trồng khu vực ASEAN+.

Hiệu quả sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao. Cụ thể: Hoạt động khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ được chú trọng, đẩy mạnh, tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8 – 10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; có ít nhất 1 – 2 giống cây trồng được khai thác quyền ở nước ngoài; số lượng doanh nghiệp sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đáng kể; phát triển được một số ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên và có lợi thế cạnh tranh, gia tăng đáng kể đóng góp của các ngành này vào tăng trưởng GDP; chỉ dẫn địa lý, nguồn gen, tri thức truyền thống, bí quyết kỹ thuật, văn hóa dân gian được bảo hộ và khai thác hiệu quả trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; phát triển được các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả và quyền liên quan nhằm tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm sáng tạo đa dạng, chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2030 doanh  thu của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan đóng góp khoảng 7% GDP tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chiến lược đã vạch rõ các nhiệm vụ về hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ; phát triển các hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động sở hữu trí tuệ; hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội; tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ.

Xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Trong đó, đáng chú ý là việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và với các cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; phối hợp nghiên cứu về việc tăng cường vai trò của tòa án trong giải quyết các vụ việc về sở hữu trí tuệ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường kỹ thuật số. Tích cực và chủ động phát  hiện, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả công tác điều tra các vụ án hình sự về sở hữu trí tuệ. Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Mở rộng xã hội hóa đi đôi với nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp về sở hữu trí tuệ; phát triển đội ngũ giám định viên sở hữu trí tuệ; thúc đẩy sự phát triển dịch vụ giám định sở hữu trí tuệ và dịch vụ tư vấn pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai các chương trình khoa học, công nghệ, hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học hợp tác với doanh nghiệp theo hướng tạo ra kết quả nghiên cứu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó tăng cường sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh, tạo ra các công nghệ nguồn, công nghệ lõi.

Thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo kết hợp với các hình thức đầu tư mạo hiểm nhằm ươm tạo các tài sản trí tuệ từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu, phát triển tài sản trí tuệ đến sản xuất thử nghiệm, hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn thiện công nghệ, tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Triển khai hiệu quả cơ chế khuyến khích các cá nhân tham gia vào quá trình đổi mới công nghệ và sáng tạo văn hóa. Hướng dẫn doanh nghiệp tạo dựng và khai thác hiệu quả các chỉ dẫn thương mại cho sản phẩm, dịch vụ của mình; hỗ trợ đăng ký bảo hộ các chỉ dẫn địa lý tiềm năng.

Khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ

Hình thành và phát triển mạng lưới trung tâm chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ. Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học. Hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học thành lập doanh nghiệp để khai thác quyền sở hữu trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao, tạo ra các sản phẩm có uy tín và chất lượng, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao. Phát triển thị trường tài sản trí tuệ lành mạnh theo hướng: Mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ trung gian để tăng cường kết nối cung cầu về tài sản trí tuệ; đẩy mạnh hoạt động đánh giá, định giá tài sản trí tuệ làm cơ sở thực hiện các giao dịch trên thị trường…

Công nhận 17 xã An toàn khu tại tỉnh Vĩnh Phúc

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1063/QĐ-TTg công nhận 17 xã An toàn khu tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận 17 xã, thị trấn An toàn khu của tỉnh Vĩnh Phúc gồm: các xã Vũ Di, Bình Dương, Đại Đồng, Thượng Trưng, Tân Cương, thị trấn Vĩnh Tường thuộc huyện Vĩnh Tường; các xã Ngọc Mỹ, Vân Trục, Thái Hòa thuộc huyện Lập Thạch; các xã Đạo Tú, Hướng Đạo, Hoàng Đan, Hợp Thịnh thuộc huyện Tam Dương; xã Đồng Quế thuộc huyện Sông Lô; xã Phú Xuân thuộc huyện Bình Xuyên; xã Ngọc Thanh thuộc thành phố Phúc Yên; thị trấn Tam Đảo thuộc huyện Tam Đảo là các xã An toàn khu của Trung ương trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Các xã An toàn khu nêu trên được thực hiện các chính sách ưu đãi do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo quy định, xã An toàn khu phải có 3 trong 5 tiêu chí sau:

1- Được cấp ủy đảng từ Khu ủy, Quân khu ủy trở lên chỉ đạo xây dựng An toàn khu cách mạng (nơi có các điều kiện về địa hình, địa thế, chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội, dân cư và bảo đảm an toàn cho các hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ).

2- Nơi ở (nuôi, giấu, giữ bí mật), làm việc và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của các đồng chí cán bộ của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp Khu và Quân khu trở lên.

3- Nơi diễn ra các sự kiện đặc biệt quan trọng, có các quyết sách chiến lược của Đảng mang tính chất bước ngoặt trong các giai đoạn của 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hoặc nơi đóng trụ sở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp Khu và Quân khu trở lên, trụ sở ngoại giao (Sứ quán, Tổng Lãnh sự quán,…) của nước ngoài, cơ quan Bộ Chỉ huy Mặt trận cấp chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

4- Nơi đóng quân, đào tạo, huấn luyện, tập kết, trung chuyển của các lực lượng vũ trang (quân đội, công an) từ cấp đại đội trở lên; nơi có kho cất trữ lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng,… trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ phục vụ cho Mặt trận cấp chiến dịch hoặc cấp Quân khu trở lên.

5- Nơi có cơ sở và phong trào cách mạng vững mạnh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; đồng thời, lực lượng vũ trang của địa phương đã chủ động hoặc phối hợp với lực lượng vũ trang chính quy tổ chức các trận đánh địch để bảo vệ an toàn cho cán bộ, cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước đóng trên địa bàn hoặc là nơi đã diễn ra trận đánh thắng lợi quan trọng góp phần tạo ra cục diện chiến trường lợi thế cho cách mạng và kháng chiến tại địa bàn và khu vực lân cận.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1059/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023.

Mục tiêu của đề án là mọi cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân nắm được đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về quản lý, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc; nắm vững những vấn đề cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, làm chuyển biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc và trách nhiệm xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới.

Tuyên truyền để các quốc gia trên thế giới và trong khu vực hiểu đầy đủ, chính xác hơn về chính sách, pháp luật quản lý, bảo vệ biển, đảo của Việt Nam nói chung, Luật Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng; xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, thành viên của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, có trách nhiệm, luôn tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế và sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức chung, hướng tới mục tiêu giữ gìn vùng biển ổn định, hòa bình, hội nhập và phát triển bền vững.

Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam, phát hành đến các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan; Ban chỉ huy quân sự ở bộ, ngành trung ương và địa phương; nhân dân ở vùng ven biển, hải đảo; lực lượng chức năng thuộc ban, bộ, ngành có liên quan tới biển; cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài; Đại sứ quán các nước ở Việt Nam và lực lượng thực thi pháp luật trên biển của quốc gia khác có quan hệ hợp tác với Cảnh sát biển Việt Nam.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, địa phương giúp Chính phủ tổ chức hội nghị tập huấn toàn quốc về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về quản lý, bảo vệ biển đảo Tổ quốc; pháp luật Việt Nam, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế về biển mà Việt Nam là thành viên; Luật Cảnh sát biển Việt Nam và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; chủ trì tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam; kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện Đề án.

Các Ban, bộ, ngành trung ương trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn, triển khai; kiểm tra thực hiện Đề án; chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho cơ quan, đơn vị thuộc quyền.

Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa tại tỉnh Hưng Yên

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Hưng Yên quyết định chuyển mục đích sử dụng 137,6 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, giám sát UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức triển khai cụ thể các nội dung được kiến nghị tại công văn số 1826/BXD-PTĐT ngày 2/8/2019 để đẩy mạnh tỷ lệ đô thị hóa của địa phương theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm sử dụng hiệu quả quỹ đất, không lãng phí, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

2 huyện, thành phố tỉnh Hưng Yên về đích nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018. Đồng thời, công nhận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hưng Yên có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo thành phố Hưng Yên và huyện Văn Giang tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về giao thông, thủy lợi và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án KCN Thịnh Phát

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương điều chỉnh nhà đầu tư thực hiện Dự án khu công nghiệp Thịnh Phát, tỉnh Long An sang Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh tổng hợp Thịnh Phát.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Long An chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo; các nội dung tiếp thu, giải trình; các nội dung đã thẩm định theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo và cam kết đáp ứng đầy đủ các điều kiện chuyển nhượng Dự án, đảm bảo điều kiện quy hoạch chi tiết xây dựng của Dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng.

UBND tỉnh Long An chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh tổng hợp Thịnh Phát và Công ty cổ phần địa ốc - cáp điện Thịnh Phát tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan; xem xét, quyết định việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án đối với các nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, UBND tỉnh Long An chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng Dự án tiếp tục xây dựng, quản lý, vận hành khu công nghiệp Thịnh Phát theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ quy định của pháp luật bảo vệ môi trường; các nhà đầu tư chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng Dự án thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh khi chuyển nhượng Dự án.

Công bố thông tin DNNN theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty chưa công bố báo cáo tài chính năm 2017 thực hiện theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 của Chính phủ về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý việc đánh giá công tác thi đua, khen thưởng năm 2018 trở về trước và việc công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp năm 2017 theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện có kết quả ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 27/7/2019, Chỉ thị số 9/CT-TTg ngày 1/4/2019 về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, công văn số 4131/VPCP-KTTH ngày 16/5/2019.

Về vướng mắc trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo khoản 2 Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 13/8/2019 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019.

* Theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp phải xây dựng báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm theo các nội dung quy định tại Phụ lục IX kèm theo Nghị định này. Doanh nghiệp thực hiện công bố trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm (đã được kiểm toán), đồng thời gửi các báo cáo này đến cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện công bố theo quy định. Thời hạn công bố và gửi báo cáo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư không muộn hơn ngày 15 tháng 8 của năm báo cáo đối với báo cáo tài chính 6 tháng và không muộn hơn ngày 31 tháng 5 của năm liền sau năm báo cáo đối với báo cáo tài chính năm.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước thực hiện công bố báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công bố báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp trên cổng thông tin doanh nghiệp của Bộ (http://www.business.gov.vn) trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký quyết định ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tên tiếng Anh là One Commune One Product - OCOP, gọi tắt là Chương trình OCOP), gọi chung là Bộ Tiêu chí OCOP.

Bộ Tiêu chí OCOP là căn cứ để đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước và từng thời kỳ.

Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP gồm 6 ngành hàng: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; và dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.

Bộ Tiêu chí của sản phẩm gồm 3 phần:

- Phần A: Các tiêu chính đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm), gồm: Tổ chức sản xuất; phát triển sản phẩm; sức mạnh cộng đồng.

- Phần B: Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm), gồm: Tiếp thị, câu chuyện về sản phẩm.

- Phần C: Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (40 điểm), gồm: Chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế.

Phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo Bộ Tiêu chí. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 5 hạng. Cụ thể, hạng 5 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 90-100 điểm, là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu; hạng 4 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 70-89 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, có thể nâng cấp lên hạng 5 sao; hạng 3 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 50-69 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao; hạng 2 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 30-49 điểm, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao; hạng 1 sao có tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm khởi điểm tham gia Chương trình OCOP, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao.

Về quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia làm 3 cấp: cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương; Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn và triển khai Quyết định này.

Đối với các địa phương đã ban hành Bộ tiêu chí OCOP và tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, kết quả đánh giá, phân hạng được bảo lưu đến hết ngày 31/12/2019./.

Print
1247 Rate this article:
No rating

Please login or register to post comments.

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top