Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/12

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/12

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Điều kiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

Nội dung trên vừa được quy định cụ thể tại Nghị định số 150/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Theo quy định, các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định thực hiện chuyển thành công ty cổ phần khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

1- Tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo được chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi.

2- Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị đơn vị sự nghiệp công lập.

3- Thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ. Danh mục này không bao gồm các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành quy định không thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

4- Có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Đơn vị sự nghiệp công lập đáp ứng điều kiện trên để chuyển thành công ty cổ phần gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh); đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác của UBND cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (UBND cấp huyện); đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2 hình thức chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị định quy định có 2 hình thức chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập: 1- Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; 2- Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại đơn vị sự nghiệp công lập hoặc vừa kết hợp bán một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Theo Nghị định, 4 đối tượng được mua cổ phần gồm: Nhà đầu tư trong nước; nhà đầu tư nước ngoài; nhà đầu tư chiến lược; các tổ chức, cá nhân không được mua cổ phần phát hành lần đầu của đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi.

Quy định về chủ sở hữu phần vốn nhà nước

Nghị định quy định Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

UBND cấp tỉnh là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện.

Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên là chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.

Công ty mẹ Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là chủ sở hữu phần vốn đầu tư tại công ty cổ phần được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.

Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới đường sắt

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.

Các ủy viên Hội đồng gồm đại diện các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ.

Hội đồng còn có đại diện: Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Ủy ban nhân dân các thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ); Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam; Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam; Hội Kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam.

Các chuyên gia phản biện: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trần Tùng (Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam), Giáo sư, Tiến sĩ   Phạm Văn Ký (Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng Khoa sau đại học, Trường Đại học Giao thông vận tải), Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Phong (Chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam).

Cơ quan thường trực của Hội đồng là Bộ Giao thông vận tải.

Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, ngăn chặn sự gia tăng của tình trạng này thông qua việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và phát triển, tăng cường khả năng đáp ứng của các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Đó là mục tiêu chung của Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chương trình đặt chỉ tiêu đến năm 2025 thiểu 50% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm sự trợ giúp từ cơ quan cung cấp dịch vụ;100% trường hợp có nhu cầu trợ giúp về bạo lực trên cơ sở giới được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình là truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng. Cụ thể, tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, tổ chức và cá nhân trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tổ chức các hoạt động truyền thông thường xuyên và chiến dịch truyền thông hướng tới các nhóm đối tượng phù hợp với mục tiêu vận động chính sách và vận động xã hội, tạo sự thay đổi nhận thức, thực hành về bình đẳng giới trong các tầng lớp nhân dân; chú trọng sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng, nam giới, trẻ em trai, thanh niên nhằm tạo sự thay đổi trong xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Nhiệm vụ, giải pháp khác là duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Cụ thể, duy trì, mở rộng các mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; thực hiện thí điểm các mô hình hỗ trợ sinh kế và tự chủ về mặt tài chính cho các nhóm đối tượng phù hợp với tình hình thực tế; nhân rộng và nâng cao chất lượng các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; nghiên cứu, thí điểm triển khai Tổng đài điện thoại quốc gia hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.  

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên phụ trách lĩnh vực liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới; huy động hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

 

Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đối tượng quy hoạch là hạ tầng phòng cháy và chữa cháy cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh, bao gồm: Mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy và chữa cháy; hệ thống cung cấp nước phục vụ phòng cháy và chữa cháy; hệ thống giao thông phục vụ phòng cháy và chữa cháy; hệ thống thông tin liên lạc phục vụ phòng cháy và chữa cháy.

Về nội dung lập quy hoạch, phân tích, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội có tác động và yêu cầu đòi hỏi đối với công tác phòng cháy và chữa cháy nói chung và hạ tầng phòng cháy và chữa cháy nói riêng.

Dự báo xu thế phát triển, kịch bản phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy đáp ứng yêu cầu đòi hỏi phục vụ và bảo vệ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Đánh giá về liên kết vùng, ngành, lĩnh vực, địa phương trong việc phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với hạ tầng phòng cháy và chữa cháy, những cơ hội và thách thức.

Xây dựng phương án phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy. Cụ thể, định hướng phát triển cấu trúc hạ tầng phòng cháy và chữa cháy; xác định số lượng, quy mô phát triển; xác định các tiêu chí, tiêu chuẩn, chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật chuyên ngành gắn với phân cấp, phân loại hạ tầng phòng cháy và chữa cháy; định hướng phân bố không gian hạ tầng phòng cháy và chữa cháy theo vùng, ngành, lĩnh vực và địa phương.

Bên cạnh đó, định hướng đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy; định hướng bố trí sử dụng đất cho phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích đã xếp hạng quốc gia có liên quan đến việc phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy; đề xuất các giải pháp cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy cùng các phương án tổ chức thực hiện quy hoạch.

Bộ Công an có trách nhiệm phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán của Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch theo đúng quy định hiện hành; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai lập quy hoạch theo nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an lập Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo các quy định hiện hành bảo đảm đúng tiến độ và hiệu quả.

 

Điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp tại tỉnh Long An

Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020.

Cụ thể, đưa khu công nghiệp Long Hậu 3 (767,02 ha) tại vị trí 2 xã Phước Lại và Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An ra khỏi Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

Bổ sung 3 khu công nghiệp mở rộng vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 bao gồm: Khu công nghiệp Hòa Bình mở rộng với diện tích 49 ha tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An; khu công nghiệp Long Hậu giai đoạn 2 mở rộng với diện tích 90 ha tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; khu công nghiệp Xuyên Á giai đoạn 3 với diện tích 177,09 ha thuộc xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Bổ sung 3 khu công nghiệp mới vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 gồm: Khu công nghiệp Sài Gòn - Mekong với diện tích 200 ha xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; khu công nghiệp Tân Tập với diện tích 654 ha xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; khu công nghiệp Lộc Giang với diện tích 466 ha tại xã Lộc Giang, xã An Ninh Đông và xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Các khu công nghiệp khác nằm trong quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An không thay đổi.

UBND tỉnh Long An chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục để sớm đầu tư xây dựng sau khi các khu công nghiệp được bổ sung vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp; xem xét, huy động các nguồn vốn đầu tư tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng khu công nghiệp theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và phù hợp với quy định của pháp luật...

Bổ sung 2 KCN vào Quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Hưng Yên

Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung 2 khu công nghiệp vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2020.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung khu công nghiệp Thăng Long II mở rộng (giai đoạn 3) với quy mô diện tích 180,5 ha thuộc địa phận phường Dị Sử, phường Phùng Chí Kiên, xã Xuân Dục và xã Hưng Long, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên và bổ sung khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng với diện tích 216 ha thuộc địa phận xã Trung Hưng và xã Trung Hòa, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về các nội dung đã thẩm định.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Các khu công nghiệp khác nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt tại các công văn số 1038/TTg- KTN ngày 17 tháng 6 năm 2016, số 1181/TTg-CN ngày 11 tháng 8 năm 2017, số 1199/TTg-CN ngày 12 tháng 9 năm 2018 và số 800/TTg-CN ngày 29 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ không thay đổi.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo; quy mô diện tích, vị trí đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp; sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Đảm bảo không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại các văn bản số 5386/BKHĐT-QLKKT ngày 17 tháng 8 năm 2020 và số 7671/BKHĐT-QLKKT ngày 18 tháng 11 năm 2020 để thực hiện theo đúng quy đinh của pháp luật.

Đồng thời, chỉ đạo cập nhật nhu cầu sử dụng đất của khu công nghiệp Thăng Long II mở rộng (giai đoạn 3) và khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện để tổ chức thực hiện; cập nhật khu công nghiệp Thăng Long II mở rộng (giai đoạn 3) và khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng vào Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan.

Thực hiện lựa chọn và thu hút nhà đầu tư hạ tầng có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm để đầu tư khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng và khu công nghiệp Thăng Long II mở rộng (giai đoạn 3) theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đấu giá, chấp thuận chủ trương đầu tư và pháp luật có liên quan./.

 

 

Print
821 Rate this article:
No rating

Please login or register to post comments.

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top