Responsive image

Phát triển thể dục, thể thao, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng con người Việt Nam phát triển hài hòa, toàn diện

Nguồn: tdtt.gov.vn

Phát triển thể dục, thể thao (TDTT) luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong lãnh đạo và quản lý quá trình phát triển đất nước theo hướng bền vững. Đây cũng là một nội dung quan trọng liên quan mật thiết tới chất lượng dân số và chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020”, công tác TDTT đã đạt được nhiều kết quả tích cực, phát triển sự nghiệp TDTT được chú trọng, góp phần tăng cường sức khỏe, lối sống lành mạnh cho Nhân dân.

Công tác thể dục, thể thao đạt được nhiều thành tựu quan trọng

Thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã chỉ đạo, tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 08 tới cán bộ, đảng viên và nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Đại hội TDTT các cấp là sự kiện quan trọng (Ảnh: HB)

Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các văn bản thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết số 08. Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, Luật Giáo dục, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 01 nghị quyết, 16 quyết định, 08 nghị định lĩnh vực TDTT và các văn bản có liên quan. Các ban, bộ, ngành, địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Ban, bộ, ngành ban hành 123 văn bản như hướng dẫn, chỉ thị, thông tư, quyết định, kết luận, chương trình phối hợp; 63 tỉnh, thành phố ban hành 1.069 văn bản như nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, quyết định, công văn, kết luận, hướng dẫn, kế hoạch.

 Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết số 08 được triển khai thường xuyên, nghiêm túc bằng nhiều hình thức và được lồng ghép trong các cuộc kiểm tra, giám sát thuộc các lĩnh vực chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Công tác sơ kết, tổng kết được thực hiện theo quy định.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08, công tác TDTT đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền đối với công tác TDTT đã được nâng lên. Một bộ phận nhân dân đã nhận thức được vai trò của TDTT đối với việc nâng cao sức khỏe, phòng, chữa bệnh và tích cực tập luyện TDTT. Tỷ lệ dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên tăng từ 24,1% năm 2011 lên 34,4% năm 2020. Tổ chức các kỳ đại hội thể thao khu vực và châu lục, giải thể thao quốc tế được các nước trong khu vực và thế giới đánh giá cao.

Công tác xã hội hóa TDTT được đẩy mạnh, thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp có thương hiệu lớn trên thế giới tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa và dịch vụ thể thao... Tổng số cơ sở kinh doanh thể thao năm 2011 là 7.773 cơ sở, năm 2020 là 16.567 cơ sở, tăng 21,31%. Thị trường thể thao trong nước đang phát triển mạnh mẽ. Các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp tự chủ, tự hạch toán, do doanh nghiệp tài trợ tăng lên.

Công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học có sự đổi mới. TDTT quần chúng phát triển khá sâu rộng, các chỉ tiêu cơ bản đều hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Số lượng câu lạc bộ TDTT cơ sở tăng từ 40.141 năm 2011 lên 64.637 năm 2020. Thành tích thi đấu tại các kỳ đại hội thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới tiếp tục được nâng lên. Tổng số huy chương thể thao quốc tế tăng từ 773 (năm 2011) lên 1485 (năm 2019), tăng 19,21%. Tại SEA Games 31 (năm 2022), Đoàn thể thao Việt Nam xếp thứ 1, với 446 huy chương, trong đó có 205 HCV. Hợp tác quốc tế về TDTT được tăng cường, mở rộng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác TDTT vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác TDTT. Việc phân bổ các nguồn lực đầu tư cho TDTT còn thấp; thiếu cơ chế quản lý phát triển thể thao chuyên nghiệp.

Sự quan tâm của Đảng và Chính phủ là niềm động viên to lớn với thể thao Việt Nam (Ảnh: HB)

Chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao còn nhiều bất cập. Điều kiện tập luyện, chất lượng dịch vụ TDTT còn thấp.

Công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện. Thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp phát triển chưa vững chắc, đặc biệt là các môn thể thao Olympic. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, y học và huấn luyện thể thao có xu hướng tụt hậu. Hệ thống thiết chế thể thao ở cơ sở, cơ sở kỹ thuật phục vụ giáo dục thể chất, thể thao thành tích cao vừa thiếu, sử dụng kém hiệu quả, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là một số cấp uỷ đảng và chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò của TDTT là một chính sách kinh tế - xã hội quan trọng, phương thức nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chưa quyết liệt trong chỉ đạo triển khai chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển TDTT.

Giáo dục thể chất chưa được coi trọng đúng mức; phương thức quản lý nhà nước về TDTT chậm đổi mới, còn mang nặng tính hành chính, bao cấp. Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa TDTT.

Đầu tư cho công tác đào tạo vận động viên chưa đáp ứng yêu cầu, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều bất cập; thiếu thể chế tài chính, đầu tư, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực TDTT. Chưa có chính sách phát triển kinh tế thể thao. Chưa phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và xã hội - nghề nghiệp trong quản lý, điều hành các hoạt động thể thao; thiếu sự hướng dẫn người dân tham gia tập luyện TDTT.

Phát triển thể dục, thể thao trong tình hình mới

Những năm gần đây, các quốc gia coi phát triển TDTT là một trong những chính sách xã hội; một bộ phận cấu thành của “cơ sở hạ tầng mềm”, góp phần nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật, giảm thiểu chi phí y tế, đảm bảo chất lượng dân số và nguồn nhân lực, xây dựng xã hội lành mạnh. Phát triển các loại hình thể thao theo hướng chuyên nghiệp, trở thành một ngành dịch vụ thu hút đầu tư và mang lại tỷ suất sinh lợi khá lớn. Nhiều quốc gia đã phát triển kinh tế thể thao và trở thành ngành công nghiệp thể thao.

Trong thời gian tới, công tác TDTT chịu tác động mạnh của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đổi mới công nghệ thúc đẩy sự hội nhập của lĩnh vực TDTT với du lịch, giải trí và các ngành, lĩnh vực liên quan; hình thành mô hình tích hợp về công nghệ và sản phẩm, phát triển doanh nghiệp thể thao.

Hiện nay, phát triển TDTT được xác định là một trong những chính sách kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, phòng chống bệnh tật, giảm chi phí y tế, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế, hình ảnh Việt Nam; phát triển thể thao theo hướng chuyên nghiệp, trở thành một ngành dịch vụ thu hút đầu tư và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Để phát triển kinh tế thể thao trở thành ngành công nghiệp thể thao, đòi hỏi phải xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để cung cấp các ý tưởng, mô hình kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ thể thao mới. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế quản lý, kiểm soát các tổ chức thể thao và thu hút người dân tham gia các hoạt động TDTT. Kinh tế thể thao bao gồm các hoạt động sản xuất, kinh doanh trang thiết bị, hàng hóa, dịch vụ thể thao. Các loại hình kinh tế thể thao đa dạng như sản xuất, cung ứng hàng hóa, sản phẩm, thiết bị, trang phục và các loại hình dịch vụ, tổ chức sự kiện thể thao; tài trợ, quảng cáo; khai thác bản quyền truyền hình; truyền thông thể thao; đào tạo, chuyển nhượng vận động viên; xổ số thể thao, đặt cược thể thao; thể thao điện tử,…

Để phát triển TDTT đáp ứng được yêu cầu của bối cảnh mới nêu trên, ngày 31/01/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 70-KL/TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới. Trên cơ sở đó, ngày 15/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1189/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao nước nhà. Đây cũng là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp đến năm 2045. Mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ TDTT; tự giác tập luyện để nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống. Nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á. Mở rộng thị trường thể thao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển sự nghiệp TDTT. Có thể khẳng định, Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành đã mở ra những hướng đi mới cho kinh tế thể thao Việt Nam phát triển trong thời gian tới, bởi những mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Trong thời gian tới, để phát triển thể dục, thể thao, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng con người Việt Nam phát triển hài hòa, toàn diện, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tham gia của hệ thống chính trị, sự phối hợp hiệu quả của các cấp, các ngành và đoàn thể nhân dân trong công tác TDTT.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về phát triển TDTT.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển TDTT.

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, phát huy hiệu quả của truyền thông đại chúng, mạng xã hội, internet trong công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về TDTT; kiến thức, kỹ năng hoạt động thể chất; thể dục nâng cao sức khỏe, phòng, chữa bệnh.

Thứ ba, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, điều hành của nhà nước trong lĩnh vực thể dục, thể thao.

Đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về TDTT đáp ứng yêu cầu phát triển thể thao chuyên nghiệp, kinh tế thể thao, thúc đẩy đầu tư xây dựng và vận hành các cơ sở thể thao, tổ chức thi đấu, đào tạo vận động viên và cung cấp dịch vụ TDTT.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển TDTT cho mọi người; đổi mới giáo dục thể chất và thể thao trường học; phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.

Xây dựng hệ thống cơ sở đào tạo chuyên ngành TDTT và chương trình hỗ trợ vận động viên. Tạo cơ chế liên kết giữa cơ sở đào tạo vận động viên với viện nghiên cứu và các liên đoàn, câu lạc bộ, doanh nghiệp thể thao.

Thứ năm, phát triển kinh tế thể thao, huy động nguồn lực tài chính, đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao hiệu quả đầu tư cho sự nghiệp TDTT.

Xây dựng thiết chế hiệp hội kinh doanh thể thao; thí điểm, tiến tới triển khai mô hình đặt cược, xổ số thể thao. Phát triển thị trường thể thao theo hướng hiện đại, minh bạch, hiệu quả, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách sự nghiệp TDTT; đa dạng các hình thức đầu tư phát triển TDTT.

TS. Phạm Thanh Cẩm (Ban Tuyên giáo Trung ương)

Print
42 Rate this article:
No rating

Please login or register to post comments.

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top