Responsive image

Thể thao là đòn bẩy cho sự phát triển của phụ nữ

Theo www.tdtt.gov.vn

 

Hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2020), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề  vai trò, lợi ích của TDTT đối với sức khoẻ phụ nữ cũng như những đóng góp của  phụ nữ (trực tiếp là các nữ HLV, VĐV, cán bộ) đối với sự phát triển của Thể thao Việt Nam.

Với cương vị là một cán bộ quản lý của ngành TDTT nhưng cũng là người rất chăm chỉ tập luyện TDTT, theo bà, Thể dục thể thao có vai trò, tác động như thế nào đối với sức khỏe cũng như cuộc sống của phụ nữ?

Nói về vai trò của Thể dục thể thao đối với phụ nữ có thể khẳng định rằng đây là lĩnh vực mang lại sức khỏe, vẻ đẹp cho phụ nữ nói chung và nữ vận động viên chuyên nghiệp nói riêng. Bên cạnh đó, thể thao còn là đòn bẩy giải phóng cho phụ nữ, bởi thể thao cung cấp nền tảng để phụ nữ có được sự tự tin, khẳng định bản thân, qua đó mạnh mẽ hơn trên con đường mà mình lựa chọn. Chị em phụ nữ tham gia rất nhiều vào các hoạt động thể thao phong trào, thậm chí nhiều hơn cả nam giới. Đó là kết quả của đợt khảo sát mà chúng tôi đã tiến hành tại các phòng tập, các CLB thể dục. Không những vậy, các môn thể thao mà chị em tham gia cũng rất phong phú, với nhiều môn thể thao như: thể dục thẩm mỹ, thể dục nhịp điệu, thể dục nghệ thuật, zumba, yoga, dance sports, chạy bộ, đạp xe, bóng chuyền, cầu lông...

Địa điểm tập luyện cũng đa dạng, không chỉ tại các phòng tập thể dục mà còn ở nhà, ở trường học, ở cơ quan, nơi làm việc, nơi buôn bán, sản xuất…. Không chỉ tập luyện cá nhân đơn lẻ mà phụ nữ còn tham gia vào câu lạc bộ, hội, nhóm, đặc biệt là tham gia vào các giải thể thao theo từng ngành, lĩnh vực… Bản thân tôi nói riêng và các chị em phụ nữ nói chung trong thời đại ngày nay hiểu rõ vai trò của thể thao đối với sức khỏe, sắc đẹp của bản thân nên đã sắp xếp thời gian khoa học để tham gia tập luyện thể thao.

Với cá nhân, tôi thấy mình may mắn khi được công tác trong lĩnh vực Thể dục thể thao, nơi mang lại nhiều niềm vui, sức khỏe để yêu đời, yêu cuộc sống hơn. Đây cũng là nơi tôi được tiếp xúc với những vận động viên giàu nghị lực, ý chí hay được chứng kiến những giờ phút vinh quang, huy hoàng của các vận động viên Việt Nam. Thể thao cũng mang đến cho tôi khả năng vượt qua giới hạn bản thân khi chinh phục nội dung 10km thay vì 5km như thông thường tôi vẫn đăng ký tại các giải chạy bộ. Đó cũng là minh chứng cho việc thể thao khiến cơ thể chúng ta dẻo dai hơn, để làm việc tốt hơn và cống hiến nhiều hơn cho gia đình, cho xã hội. Tập luyện thể thao thường xuyên thì mới có đủ sức khỏe để làm tròn vai trò của người vợ, người mẹ và hoàn thành tốt công việc cơ quan giao cho. Với sự giúp sức của thể thao, phụ nữ không còn là phái yếu mà là phái đẹp. Như vậy, có thể thấy Thể dục Thể thao đối với phụ nữ trong xã hội hiện đại không chỉ có vai trò quan trọng mà còn không thể thiếu khi nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, qua đó góp phần tích cực vào sự phát triển Thể dục Thể thao của đất nước.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến

Trong quá trình phát triển của Thể thao Việt Nam phụ nữ đóng vai trò như thế nào thưa bà?

Nói tới vai trò của phụ nữ đối với thể thao, đặc biệt là Thể thao Việt Nam thì vai trò của nữ giới là rất lớn bởi thành công của Thể thao Việt Nam từ trước đến nay có tới một nửa hoặc hơn nửa là do sự đóng góp của các nữ vận động viên. Có thể kể ra đây những ví dụ điển hình như: tấm huy chương Bạc Thế vận hội Olympic đầu tiên tại Sydney do nữ vận động viên Trần Hiếu Ngân giành được. Sau này tại các kỳ Đại hội thể thao châu lục mà lớn nhất là Asian Games có thể kể tới rất nhiều huy chương Vàng mà vận động viên nữ của Việt Nam đã giành được ở các môn như Điền kinh, Cầu mây, Đua thuyền. Tại các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á hay các kỳ Đại hội thể thao võ thuật trong nhà châu Á, Đại hội thể thao bãi biển châu Á, các vận động viên nữ của Việt Nam đã thi đấu rất ấn tượng như Nguyễn Thị Ánh Viên (môn Bơi) giành số huy chương Vàng nhiều nhất tại SEA Games từ trước tới nay, qua đó góp phần nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam nói chung. Ở những môn thể thao Olympic như môn Điền kinh, huy chương Vàng mà vận động viên nữ của chúng ta giành được ở hai kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á gần đây chiếm tới 2/3 tổng số huy chương Vàng giành được. Trong đó phải kể đến những cái tên như Vũ Thị Hương, Nguyễn Tú Chinh, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh đã quá quen thuộc với người hâm mộ thể thao nước nhà. Hay sự đóng góp thực sự rất lớn của bóng đá nữ khi có tới 06 lần vô địch SEA Games. Nhắc tới những đóng góp của các nữ vận động viên trong việc nâng cao vị thế của Thể thao nước nhà trên trường quốc tế không thể không ghi nhớ những chiến công lẫy lững của thế hệ trước như nữ xạ thủ Đặng Thị Đông, xạ thủ Ngô Ngân Hà và nữ “kình ngư” Vũ Thị Sen. Những ví dụ trên đây có thể khẳng định vai trò đóng góp rất lớn của nữ vận động viên trong việc đưa thể thao Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Còn đối với thể thao phong trào, sự tham gia đông đảo của nữ giới đã giúp phong trào thể thao quần chúng ngày càng phát triển sâu, rộng. Tại tất cả các địa phương, từ vùng đô thị tới thôn xóm, chị em nơi đâu cũng hăng hái tập luyện thể dục thể thao, chính vì vậy các môn thể thao được biết đến, lan tỏa và được lựa chọn để tập luyện nhiều hơn.

Là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Thể thao Việt Nam đảm trách vai trò lãnh đạo của Tổng cục TDTT bà có thể chia sẻ những khó khăn của Phụ nữ khi vừa phải quán xuyến gia đình nhưng vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ cơ quan?

Có thể nói, bản thân tôi nói riêng và các chị em phụ nữ nói chung đều gặp phải khó khăn đó là bên cạnh việc đảm trách những nhiệm vụ được giao thì vẫn phải hoàn thành vai trò của một người mẹ, người vợ lo cho gia đình, con cái. Đối với một người làm lãnh đạo mà đặc biệt là phái nữ, khối lượng công việc phải giải quyết rất lớn, công việc sự vụ cũng rất nhiều. Tôi được giao phụ trách về đối ngoại và truyền thông - lĩnh vực rất rộng và tương đối nhạy cảm, nhất là khi chuẩn bị cho các sự kiện lớn, công việc đòi hỏi cao độ sẽ vất vả hơn. Bên cạnh đó, chúng ta lại thuộc Bộ đa ngành nên không chỉ nắm bắt lĩnh vực thể thao mà các lĩnh vực khác cũng cần hiểu rõ, điều này đòi hỏi bản thân tôi cần phải không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ hiểu biết, chuyên môn.

Còn đối với huấn luyện viên, vận động viên là nữ giới thì khó khăn chung đó là chế độ chính sách đặc biệt cho nữ gần như là không có. Không có ở đây là gì, là tập luyện ngoài trời thì phải có phương tiện bảo vệ sắc đẹp, sức khỏe hay thuốc bổ để phục hồi sau khi tập luyện, chế độ thai sản hay chế độ chính sách về học tập, tạo điều kiện về công ăn việc làm... Đối với nữ vận động viên, giai đoạn tập luyện thể thao để đạt đến đỉnh cao thường là thời điểm tươi đẹp nhất của người phụ nữ nhưng đó cũng là thời điểm mà các nữ vận động viên phải thường xuyên tập luyện, thi đấu xa nhà. Mặc dù là phái yếu nhưng nhưng cường độ tập luyện rất cao không khác biệt so với các vận động viên nam. Rồi đến khi lập gia đình, ngoài việc đảm bảo tập luyện, thi đấu các vận động viên nữ phải làm tròn thiên chức làm mẹ, chăm sóc gia đình, nỗi lo cơm áo...

Quả là rất nhiều khó khăn đối với chị em khi lựa chọn gắn bó với thể thao. Vậy, với cá nhân bà, làm thế nào để giải quyết những khó khăn trên?

Đối với một người phụ nữ làm công tác quản lý bên cạnh việc tự ý thức tập luyện thể thao để nâng cao sức khỏe để vừa đảm trách tốt vai trò làm vợ, làm mẹ vừa hoàn thành tốt công việc được giao thì cần có được sự cảm thông, chia sẻ từ phía người thân, gia đình và cả đồng nghiệp. Còn đối với các huấn luyện viên, vận động viên nữ, với vai trò là người làm công tác quản lý trong lĩnh vực Thể dục Thể thao, tôi rất mong nhận được nhiều hơn nữa sự chung tay, giúp sức từ các nhà tài trợ trong công tác nâng cao sức khỏe cho các nữ vận động viên như: hỗ trợ thuốc bổ, kem chống nắng, trang phục tập luyện, thi đấu, cũng như các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.

Khi tham gia diễn đàn APEC, tôi được chia sẻ rất nhiều về những chính sách mà các quốc gia áp dụng đặc biệt cho phụ nữ trong thể thao. Tôi rất ấn tượng với chính sách đặc biệt của Nhật Bản đó là quốc gia này cho phép phụ nữ được nghỉ vào chiều thứ Sáu hàng tuần để có thể tham gia tập luyện thể thao. Chính vì vậy, tôi cũng rất hy vọng trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ có thể đưa ra được những chính sách ưu tiên, nhằm giảm bớt những gánh nặng và khó khăn cho phụ nữ trong lĩnh vực thể thao mà đặc biệt là vận động viên nữ.

Với vai trò Trưởng Ban Phụ nữ và Thể thao Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, Trưởng Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ Tổng cục TDTT, bà có thể cho biết những ý tưởng nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của phụ nữ trong thể thao?

Theo quan điểm của tôi, để nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực thể thao, phụ nữ cần chủ động tham gia sâu, rộng hơn vào các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, khu vực, châu lục và quốc tế với vai trò là cán bộ, trọng tài, huấn luyện viên thậm chí là lãnh đạo. Qua đó, thể hiện tiếng nói, vai trò của mình, có như vậy mới có thể đóng góp được cho sự phát triển phong trào của phụ nữ. Tham gia vào các tổ chức nêu trên, phụ nữ có cơ hội để thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, thông tin thú vị, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phụ nữ với thể thao giữa các quốc gia. Đặc biệt là giữa các quốc gia Đông Nam Á có sự tương đồng về văn hóa, con người nên rất thuận lợi.

Hiện nay trên thế giới cũng như khu vực châu Á, Đông Nam Á hay Việt Nam chúng ta cũng vậy, lãnh đạo chủ lực của các tổ chức thể thao quốc gia, quốc tế vẫn là nam giới. Hầu hết các Chủ tịch, Phó Chủ tịch hay Tổng thư ký đều là nam chính vì vậy, để đề cao tiếng nói cũng như vai trò của phụ nữ thì bản thân người nữ đó phải mạnh dạn ứng cử. Bên cạnh sự tự tin ứng cử của phụ nữ khi dám đảm nhiệm các công việc khó, rất cần sự tin tưởng, ủng hộ, khuyến khích của các đồng nghiệp, lãnh đạo là nam giới để có thể tiến xa hơn trong việc đưa ra tiếng nói hay chính sách bảo vệ quyền lợi của phái nữ, để phụ nữ ngày càng mạnh mẽ hơn.

SEA Games 31 tại Việt Nam, Ban Phụ nữ và Thể thao Việt Nam có ý tưởng gì để khắc họa rõ nét vai trò của phụ nữ trong sự kiện này không thưa bà?

Như đã đề cập tại phiên họp lần thứ Nhất của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á diễn ra vào tháng Bảy vừa qua, tại SEA Games 31 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2021, Ban Phụ nữ và Thể thao nước chủ nhà SEA Games 31 đưa ra các đề xuất đó là: Nâng cao vai trò của phụ nữ trong thể thao; Tạo mối liên kết giữa Ủy ban Thể thao và Phụ nữ SEAGF với Ban Thư ký ASEAN; Phát triển nguồn nhân lực để tăng cường hơn nữa cơ hội thúc đẩy vai trò lãnh đạo nữ giới tại Tổng Cục, Hiệp hội, Liên đoàn Thể thao Quốc gia; Dành sự quan tâm, chú ý đến các vận động viên, huấn luyện viên nữ và Tăng cường số môn thể thao và sự kiện dành cho phụ nữ tại các hoạt động thể thao, sự kiện quốc tế như SEA Games, ASIAN Games, giải vô địch thế giới.

Ngoài ra tại sự kiện thể thao đa môn lớn nhất khu vực diễn ra vào năm tới,  Ban Phụ nữ và Thể thao nước chủ nhà SEA Games 31 còn phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới triển khai thực hiện một SEA Games không khói thuốc và không sử dụng túi nhựa dùng một lần. Theo đó, tập trung tuyên truyền đối với lực lượng vận động nữ về một SEA Games không khói thuốc, tạo sức lan tỏa và truyền thông điệp tới các vận động viên của các quốc gia khu vực tham dự Đại hội.

Bên cạnh đó, các tình nguyện viên, các nhân viên phục vụ là nữ sẽ ưu tiên hơn, được trao cơ hội việc làm nhiều hơn. Tôi cũng nghĩ tới ý tưởng trao các giải thưởng cá nhân cho các vận động viên nữ trẻ xuất sắc nhất, giành nhiều huy chương nhất, truyền cảm hứng nhất để tôn vinh người phụ nữ… tìm các vận động viên nữ vượt khó làm tấm gương để người khác noi theo, học tập.

(Theo www.tdtt.gov.vn)

Print
665 Rate this article:
No rating

Please login or register to post comments.

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top