Responsive image

Thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/4

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/4

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, vì sức khỏe mỗi người, vì lợi ích quốc gia

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 81/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra sáng nay (26/4/2021).

Thông báo kết luận nêu rõ:

Sáng ngày 26 tháng 4 năm 2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp có các đồng chí Thường trực Chính phủ; lãnh đạo các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo, ý kiến của các Phó Thủ tướng và phát biểu của đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến kết luận như sau:

Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới hiện đang rất phức tạp, tiếp tục gia tăng về lượng người mắc bệnh, số người vào bệnh viện, số người chết và bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có một số nước láng giềng có chung đường biên giới phía Tây Nam. Trong nước đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại rất cao. Việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch là một nhiệm vụ rất khó khăn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, thực tế gần đây cho thấy trong xã hội đang xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là, một số nơi chưa nghiêm túc thực hiện đúng các yêu cầu về phòng chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị và từng người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nêu cao ý thức và trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng và cá nhân, tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, trong đó lưu ý:

1. Thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan và người đứng đầu các cấp ở địa phương chỉ đạo chủ động phối hợp, cập nhật tình hình trong nước và thế giới, rà soát để không ngừng hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý cho phù hợp với tình hình dịch bệnh và yêu cầu thực tế; không để bị động trong các kịch bản bùng phát dịch có thể xảy ra; bảo đảm chặt chẽ, đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, dễ thực hiện, dễ giám sát, dễ kiểm tra và rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

2. Đối với cá nhân: Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang. Đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức: Thực hiện nghiêm các yêu cầu về an toàn COVID-19; thường xuyên tự kiểm tra và cập nhật kết quả thực hiện trên bản đồ phòng chống dịch COVID-19. Các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ, ngành có liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, thủ tục và quy định về cách ly bắt buộc tại các khu cách ly tập trung, các cơ sở lưu trú và doanh nghiệp và theo dõi y tế sau cách ly.

4. Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo hạn chế các sự kiện tập trung đông người; trường hợp cần thiết phải tổ chức thì cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức sự kiện chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nghiêm các yêu cầu, điều kiện quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

5. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo cấp uỷ cùng cấp để thống nhất chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch trên địa bàn; bảo đảm việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch đối với tổ chức, cá nhân, việc thực hiện yêu cầu về đeo khẩu trang nơi đông người, nhất là tại các lễ hội, các hoạt động hiếu, hỉ; trường hợp để xảy ra lây nhiễm dịch trong cộng đồng trên địa bàn thì tuỳ mức độ sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.

Các địa phương có đường biên giới, nhất là biên giới Tây Nam chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động nhập cảnh qua đường bộ và đường biển; kiên quyết kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo pháp luật hoạt động nhập cảnh trái phép.

6. Bộ Y tế chủ động hơn trong hợp tác quốc tế để mở rộng phạm vi tiếp cận các nguồn vaccine phòng dịch COVID-19, công nghệ xét nghiệm nhanh và tăng cường chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi nhất để sản xuất vaccine trong nước.

7. Tổ công tác gồm các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Y tế, Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được giao, tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động nhập cảnh của công dân Việt Nam, nhà ngoại giao, nhà đầu tư, chuyên gia, kỹ thuật... theo đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

8. Các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí tiếp tục truyền thông về đề cao cảnh giác với dịch bệnh, thực hiện việc tiêm vaccine phòng COVID-19, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định./.

 

Kiện toàn Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định kiện toàn nhân sự Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đối với ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc để thay ông Đỗ Văn Chiến, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã chuyển công tác.

Theo Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (BCĐ), BCĐ Trung ương có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các giải pháp để đạt được mục tiêu của Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Đề án) và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình).

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách có liên quan để thực hiện hiệu quả Chương trình và các nhiệm vụ, giải pháp khác của Đề án; giúp Thủ tướng Chính phủ điều phối hoạt động giữa các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình và các nhiệm vụ, giải pháp khác của Đề án.

Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện và hướng dẫn cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, điều hành Chương trình và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khác của Đề án; kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng trong quá trình thực hiện.

Quy định 5 cấp độ rủi ro thiên tai

Rủi ro thiên tai được phân cấp căn cứ vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai. Theo đó, các loại thiên tai được dự báo, cảnh báo và truyền tin bao gồm:

1- Bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực vùng biển phía Tây kinh tuyến 120° Đông, phía Bắc vĩ tuyến 05° Bắc và phía Nam vĩ tuyến 23° Bắc (Biển Đông) và trên đất liền lãnh thổ Việt Nam; bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động ngoài khu vực biển Đông, nhưng có khả năng di chuyển vào khu vực Biển Đông trong khoảng 24 đến 48 giờ tới.

2- Mưa lớn xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam; lũ trên các sông thuộc lãnh thổ Việt Nam và các sông liên quốc gia liên quan; ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên lãnh thổ Việt Nam.

3- Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán trên lãnh thổ Việt Nam.

4- Gió mạnh trên Biển Đông; sương mù trên Biển Đông và trên đất liền Việt Nam.

5- Nước dâng trên vùng biển ven bờ và đảo của Việt Nam.

6- Lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối trên lãnh thổ Việt Nam.

7- Cháy rừng do tự nhiên trên lãnh thổ Việt Nam.

8- Động đất có độ lớn (M) bằng hoặc lớn hơn 3,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) ảnh hưởng đến Việt Nam.

9- Động đất có độ lớn trên 6,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) xảy ra trên biển có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam.

10- Sóng thần xảy ra do động đất ở vùng biển xa, có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam.

Phân cấp rủi ro căn cứ cường độ, phạm vi ảnh hưởng của thiên tai

Quyết định cũng quy định xác định cấp độ rủi ro thiên tai. Cụ thể, rủi ro thiên tai được phân cấp căn cứ vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai.

Cấp độ rủi ro thiên tai được xác định cho từng loại thiên tai và công bố cùng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai.

Cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng trên các loại bản đồ, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai: cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro thấp; cấp 2 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình; cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn; cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn; cấp 5 màu tím là rủi ro ở mức thảm họa.

Trong đó, rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão được phân thành 3 cấp (từ cấp 3 đến cấp 5); rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá được phân thành 2 cấp (cấp 1 và cấp 2); rủi ro thiên tai do mưa lớn được phân thành 4 cấp (từ cấp 1 đến cấp 4);...

Cấp độ rủi ro của hai hay nhiều thiên tai xảy ra đồng thời hoặc liên tiếp, có thể điều chỉnh tăng lên 1 cấp dựa trên tác động của thiên tai; trong trường hợp có nguy cơ xảy ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, cấp độ rủi ro có thể được xem xét tăng lên hai cấp, cao nhất là cấp 5.

Hỗ trợ Sơn La hơn 59 tấn gạo kỳ giáp hạt

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 59,805 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Sơn La để hỗ trợ nhân dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2021.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xử lý cụ thể theo quy định; chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo.

UBND tỉnh Sơn La tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định. Trường hợp sau khi thực hiện nếu vẫn còn khó khăn, UBND tỉnh Sơn La báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ.


 

Print
724 Rate this article:
No rating

Please login or register to post comments.

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top