Responsive image

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đẩy mạnh phát triển phong trào thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe cộng đồng

Theo www.tdtt.gov.vn

 

Chiều 13/7, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Bộ VHTTDL về công tác thể dục thể thao và gặp mặt một số vận động viên tiêu biểu tham dự Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản. Tham dự buổi gặp mặt có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thuỷ, Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt; Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình công tác thể dục thể thao, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Trong những năm qua, công tác xây dựng thể chế trong lĩnh vực TDTT được quan tâm, chú trọng, các văn bản, đề án thuộc lĩnh vực TDTT về cơ bản đã được ban hành kịp thời, bám sát nhiệm vụ tại Nghị quyết số 08-NQ/TW của Đảng và Chiến lược phát triển TDTT.

Phong trào TDTT quần chúng có nhiều chuyển biến trên phạm vi cả nước, các chỉ tiêu cơ bản về TDTT quần chúng đều đạt mục tiêu đề ra. Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" tiếp tục được đẩy mạnh, tạo thành phong trào rèn luyện TDTT sôi nổi trong nhân dân. Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được khôi phục, luật hóa đưa vào thi đấu tại các lễ hội truyền thống. Công tác giáo dục thể chất và hoạt động TDTT trong nhà trường được chú trọng hơn so với trước đây.

Thể thao thành tích cao cũng đạt được nhiều tiến bộ hơn so với trước. Số lượng HCV các giải thế giới và châu Á năm 2019 đã tăng gấp đôi so với năm 2015. Thể thao Việt Nam giữ vững vị trí một trong 3 quốc gia dẫn đầu tại các kỳ SEA Games. Một số VĐV ở các môn thể thao Olympic như: Điền kinh, Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Bơi lội, Cử tạ, Đua thuyền,... đã đạt trinh độ hàng đầu châu Á và thế giới. Bên cạnh đó, Bóng đá Việt Nam cũng có nhiều khởi sắc, tạo được những hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và trên trường quốc tế.

Hợp tác quốc tế về TDTT ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện được lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng, Nhà nước. Thể thao Việt Nam đã có quan hệ hợp tác trên 60 quốc gia và vũng lãnh thổ trên thế giới (đã ký kết 16 thỏa thuận hợp tác với các quốc gia có nền thể thao phát triển).

Image

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên các VĐV tiêu biểu, đoàn TTVN tham dự Olympic Tokyo 2020 (Ảnh: chinhphu.vn)

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc cũng như những tồn tại, hạn chế của công tác TDTT trong thời gian qua. Theo đó, công tác xây dựng thể chế, hệ thống chính sách, pháp luật về TDTT chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước đặt ra và đòi hỏi từ thực tiễn. Một số vấn đề đã được quy định tại Luật Thể dục, thể thao nhưng thiếu Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể nên dẫn đến việc khó triển khai trong thực tiễn. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực TDTT trên thực tế phát triển rất nhanh, đặc biệt là thể thao chuyên nghiệp, thể thao giải trí, thể thao mạo hiểm, dẫn tới một số quy định pháp luật đã được ban hành nhưng nay không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh.

Cơ chế, chính sách về xã hội hóa, huy động sự tham gia và nguồn lực của xã hội để phát triển sự nghiệp TDTT chưa phát huy hiệu quả; cơ chế, chính sách đối với hoạt động kinh doanh, dịch vụ TDTT còn bất cập. Cùng với đó, nguồn lực dành cho phát triển TDTT nhìn chung còn thấp so với nhu cầu, đặc biệt đầu tư cho xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình thể thao và đào tạo VĐV thể thao thành tích cao. Các thiết chế thể thao, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu cho VĐV, HLV các đội tuyển và tập luyện TDTT ở cơ sở đã xuống cấp và thiếu thốn.

Phong trào TDTT quần chúng phát triển nhưng chưa đồng đều, phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương; điều kiện tập luyện và mức độ hưởng thụ các giá trị của TDTT ngày càng có sự cách biệt giữa các vùng, miền, khu vực và giữa các đối tượng. Công tác giáo dục thể chất trong nhà trường tuy có tiến bộ song chất lượng, hiệu quả còn thấp. Việc ứng dựng khoa học- công nghệ, y học thể thao trong công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV thể thao còn nhiều hạn chế. Trình độ chuyên môn của đội ngũ huấn luyện viên trong nước chưa cao, nhiều môn thể thao còn phụ thuộc vào các huấn luyện viên người nước ngoài.

Trong giai đoạn tới, Thể thao Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển, nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mục tiêu phát triển TDTT trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung phát triển TDTT quần chúng nhằm nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời bồi dưỡng, đào tạo tài năng thể thao, đặc biệt là VĐV trẻ để làm cơ sở vững chắc nâng cao trình độ, thành tích của thể thao thành tích cao nước nhà ở khu vực, châu lục và thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Bằng khen cho đội tuyển bóng đá nam quốc gia và nhận món quà đặc biệt là chiếc áo đấu có chữ ký của các thành viên đội tuyển (Ảnh: Hoàng Yến)

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà ngành TDTT đã đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng nhấn mạnh trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, các VĐV đã nỗ lực kiên cường rèn luyện, thi đấu để vượt qua mọi khó khăn, thử thách mang về những tấm huy chương danh giá cho Thể thao Việt Nam trên đấu trường thể thao khu vực, châu lục và thế giới.

Thủ tướng mong muốn ngành TDTT và VĐV, huấn luyện viên tiếp tục phát huy tinh thần này trong rèn luyện và thi đấu, luôn hướng tới phía trước, không thỏa mãn với thành tích đạt được, “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, tiếp tục khẳng định mình, đạt được những kết quả, thành tích cao hơn nữa.

Đối với những hạn chế trong công tác TDTT, Thủ tướng cũng chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan và đề nghị ngành TDTT cần phân tích, mổ xẻ, rút kinh nghiệm để phong trào TDTT phát triển mạnh hơn, toàn diện hơn, đầy đủ hơn và ngày càng có hiệu quả hơn. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh phức tạp thì càng cần đẩy mạnh phong trào TDTT trong nhân dân để nâng cao sức khỏe, ứng phó tốt hơn với dịch bệnh.

Thủ tướng khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ cùng các cơ quan quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển TDTT, thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực này. Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL rà soát, sửa đổi ngay những vướng mắc về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền, những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. 

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tạo mọi điều kiện tốt nhất để đoàn thể thao Việt Nam thi đấu, thể hiện tài năng tại Olympic Tokyo 2020; giao Bộ VHTTDL có những hình thức động viên thích hợp đối với các huấn luyện viên, VĐV người khuyết tật trước khi đoàn thể thao người khuyết tật lên đường tham gia tranh tài tại Paralympic Tokyo 2020.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, động viên, người hâm mộ cả nước luôn ủng hộ các VĐV thi đấu. Thủ tướng mong các VĐV thi đấu hết mình với tinh thần thể thao cao thượng, vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc, thể hiện ý chí, bản lĩnh vượt qua khó khăn, lấy khó khăn, thách thức làm động lực phấn đấu, vươn lên, khẳng định và trưởng thành.

KC

Print
541 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top