Responsive image

20 Tháng Tư 2024

Chính phủ ban hành Nghị định 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao

Ngày 29/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Trong đó, quy định cụ thể về các chế độ, chính sách để thực hiện quyền của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao; điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của CLB thể thao chuyên nghiệp cũng như điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 6 năm 2019.

Nhiều ưu đãi cho VĐV thể thao thành tích cao được ban hành

Đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe và chữa trị chấn thương, Nghị định nêu cụ thể việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho VĐV ít nhất 2 lần/năm. Các VĐV thể thao thành tích cao được chăm sóc sức khỏe, hồi phục chức năng và chữa trị chấn thương tại các cơ sở y tế trong nước. Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định cho vận động viên thể thao thành tích cao được triệu tập tập huấn tại các đội tuyển thể thao quốc gia chuẩn bị tham dự và có khả năng giành huy chương tại Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), tham dự Olympic Games và vận động viên tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật thế giới (Paralympic Games) được chữa trị chấn thương ở nước ngoài.

Về chế độ dinh dưỡng đặc thù, VĐV, HLV thể thao thành tích cao được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù nhằm đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho khả năng hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao, gồm: Bữa ăn hàng ngày; thực phẩm chức năng. Thời gian hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thủ được tính trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu của VĐV, HLV. Huấn luyện viên và vận động viên thể thao thành tích cao được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia để chuẩn bị tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), ASIAD và Olympic Games được hưởng chế độ dinh dưỡng cao hơn tối đa không quá 50% mức quy định trong thời gian không quá 90 ngày.

HLV, VĐV thể thao thành tích cao được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia và có khả năng giành huy chương vàng tại ASIAD, giành huy chương vàng tại Đại hội thể thao Olympic trẻ (Youth Olympic Games), có khả năng đạt chuẩn tham dự Olympic Games và HLV, VĐV tham dự Paralympic Games được hưởng chế độ dinh dưỡng cao hơn không quá 100% mức quy định. VĐV thể thao thành tích cao được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia và có khả năng giành huy chương tại ASIAD, tham dự vòng loại và tham dự Olympic Games và VĐV tham dự Paralympic Games được hưởng chế độ thực phẩm chức năng theo tính chất đặc thù của từng môn thể thao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Một trong những vấn đề đáng được quan tâm là vấn đề giải quyết việc làm cho VĐV sau khi thôi làm VĐV cũng được quy định cụ thể tại Nghị định này, theo đó các VĐV đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi thôi làm vận động viên nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Vận động viên đạt huy chương tại Olympic Games, ASIAD, SEA Games được ưu tiên: Xét tuyển đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng; được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng lao động tại các cơ sở thể thao khi có đủ trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng; trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm.

Các VĐV đang học tập tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được triệu tập vào đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các ngành để tập huấn và thi đấu thì được cơ quan sử dụng vận động viên chi trả học phí theo quy định của pháp luật. VĐV đạt thành tích xuất sắc trong các giải thi đấu thể thao quốc gia hoặc quốc tế được xét đặc cách tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông nếu thời gian thi trùng với thời gian VĐV tập huấn ở nước ngoài hoặc tham dự thi đấu tại các giải thể thao quốc tế.

VĐV, HLV đội tuyển thể thao quốc gia đã tốt nghiệp trung học phổ thông, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu Olympic Games, Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, ASIAD, Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, SEA Games, Giải vô địch Đông Nam Á, Cúp Đông Nam Á được ưu tiên: Tuyển thẳng trong tuyển sinh vào các ngành thể dục thể thao hoặc các chuyên ngành giáo dục thể chất của các trường đại học, cao đẳng; Cử tham gia các khóa đào tạoHLV, tham gia tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong nước và nước ngoài và được ưu tiên xem xét miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của pháp luật.

Các chế độ về tiền lương; tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo hiểm khi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài và tiền thưởng theo thành tích thi đấu đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 7/11/2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu.

Những điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của các CLB thể thao chuyên nghiệp

Bên cạnh việc quy định về các chế độ, chính sách để thực hiện quyền của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao, Nghị định 36/2019/NĐ-CP cũng quy định những điều kiện về kinh doanh hoạt động thể thao của các CLB thể thao chuyên nghiệp. Theo đó, các HLV chuyên nghiệp phải đáp ứng một trong các điều kiện: có bằng tốt nghiệp Đại học TDTT chuyên ngành phù hợp của môn thể thao chuyên nghiệp và hoàn thành chương trình đào tạo HLV chuyên nghiệp của Liên đoàn thể thao quốc gia hoặc có bằng HLV chuyên nghiệp do Liên đoàn thể thao châu lục hoặc thế giới của môn thể thao chuyên nghiệp cấp hoặc có bằng HLV chuyên nghiệp của nước ngoài được liên đoàn thể thao châu lục hoặc thế giới của môn thể thao chuyên nghiệp công nhận.

VĐV chuyên nghiệp phải đáp ứng các điều kiện: có hợp đồng lao động với CLB thể thao chuyên nghiệp; được liên đoàn thể thao quốc gia công nhân là VĐV chuyên nghiệp. Trường hợp VĐV là người nước ngoài phải có chứng nhận chuyển nhượng thể thao chuyên nghiệp tại Việt Nam phải có chứng nhận chuyển nhượng quốc tế và Giấy phép lao động theo quy định pháp luật về lao động.

Nghị định cũng nêu cụ thể về quy định cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao chuyên nghiệp phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với quy định của các tổ chức thể thao chuyên nghiệp quốc tế.

Print
1252 Rate this article:
No rating

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top