Responsive image

22 Tháng Mười Hai 2024

Dồn toàn tâm, toàn ý cho việc đào tạo tài năng thể thao thành tích cao

Ngày 8/5/2020

 

Đó chính là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông trong buổi làm việc diễn ra sáng nay 8/5 tại Hà Nội bàn về đẩy mạnh tiến độ triển khai Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” đã được Chính phủ phê duyệt.

Cùng dự buổi họp có đại diện của Vụ đào tạo, Vụ kế hoạch tài chính. Về phía ngành Thể thao có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn, Nguyễn Danh Hoàng Việt và đại diện lãnh đạo trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, Viện khoa học Thể dục Thể thao.

Đây là Đề án được xây dựng với mục tiêu chung là phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên tài năng, có năng khiếu đặc biệt ở một số môn thể thao thành tích cao, thế mạnh của Việt Nam đạt trình độ và dành được thứ hạng cao tại các kỳ thi đấu khu vực, châu lục, thế giới và Olympic; các huấn luyện viên tài năng, có trình độ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm, có khả năng đặc biệt trong việc hoạch định chiến lược huấn luyện vận động viên thi đấu đạt thành tích huy chương tại các đấu trường trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, mục tiêu mà Đề án này hướng tới chính là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao có trình độ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu của quy trình tuyển chọn, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên tài năng để phấn đấu đưa Việt Nam đến năm 2035 trở thành quốc gia có nền thể thao chuyên nghiệp phát triển ở châu lục.

Image

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: N.H)

Trong đó, các mục tiêu cụ thể mà Đế án đặt ra đối với công tác đào tạo, huấn luyện tài năng thể thao thành tích cao: phấn đấu đến năm 2035, tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 3.700 vận động viên đội tuyển quốc gia; trong đó có khoảng 400 vận động viên đạt thành tích quốc tế; tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng khoảng 600 huấn luyện viên tài năng, trong đó có khoảng 60 huấn luyện viên cao cấp; tuyển chọn, đào tạo được 400 cử nhận, 300 thạc sĩ, 150 tiến sĩ; bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho khoảng 680 người.

Được biết, đối tượng mà Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” hướng tới tập trung vào 3 nhóm gồm vận động viên, huấn luyện viên, giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao.

Về tiêu chuẩn và phương thức đào tạo, huấn luyện, tập huấn, các vận động viên được đào tạo, huấn luyện dài hạn ở trong nước phải được tuyển chọn từ các Trung tâm huấn luyện thể thao trên toàn quốc đã giành huy chương vàng giải trẻ quốc gia hoặc vô địch quốc gia một trong số các môn thể thao của Đề án. Với các VĐV được đào tạo, huấn luyện dài hạn ở nước ngoài, phải có trình độ cấp kiện tướng hoặc dự bị kiện tướng, đã đạt huy chương vàng tại 2 kỳ SEA Games; Châu lục, Thế giới, Olympic hoặc đạt chuẩn Olympic (tùy thuộc đặc điểm môn thể thao).

Với việc đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên tài năng; các huấn luyện viên được đào tạo, bồi dưỡng dài hạn ở trong nước phải là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đang tham gia thi đấu hoặc không còn khả năng thi đấu đã từng đạt huy chương tại các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia và quốc tế, các giải đấu SEA Games; Asiad, Thế giới hoặc đạt chuẩn Olympic, từ 25 đến 35 tuổi.

Đối với các huấn luyện viên được đào tạo, bồi dưỡng dài hạn ở nước ngoài, phải đạt tiêu chuẩn là huấn luyện viên có vận động viên trực tiếp huấn luyện đạt huy chương tại các giải vô địch quốc gia, giải đấu SEA Games; Asiad, Thế giới, Olympic hoặc đạt chuẩn Olympic. Độ tuổi từ 35 đến 45 tuổi, đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, tin học theo quy định của Đề án.

Giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao: là sinh viên của các trường đại học Thể dục, Thể thao trong nước đạt kết quả học tập, rèn luyện tốt; các vận động viên xuất sắc, có nguyện vọng đi học để trở thành giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu; công chức, viên chức, nhân viên các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Thể thao trong nước được cử đi học nâng cao trình độ về thể thao thành tích cao.

Theo chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn: Khi Đề án chính thức phê duyệt đã mang đến một tín hiệu vui, mở ra một định hướng phát triển đào tạo nguồn nhân lực cho toàn ngành Thể dục Thể thao hoàn toàn mới, đạt trình độ cao góp phần phát triển đưa ngành Thể thao ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Có thể khẳng định rằng, vài năm trở lại đây thành tích của thể thao thành tích cao và các chỉ số phát triển về thể thao phong trào đã đạt được nhiều dấu ấn mạnh mẽ. Chính vì vậy, khi Đề án được ban hành rất kịp thời, đúng thời điểm đã tạo nên đòn bẩy để toàn ngành Thể thao hướng đến những mục tiêu phát triển ngày càng có chất lượng hơn trong tương lai.

Kết luận tại buổi làm viên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đánh giá cao sự nghiêm túc về công tác chuẩn bị về kế hoạch triển khai các đầu mối công việc của Đề án từ Tổng cục Thể dục Thể thao, Viện khoa học Thể dục Thể thao, Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Đồng thời nhấn mạnh, các đơn vị cần khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng kế hoạch triển khai Đề án nhằm tạo bước đột phá trong đào tạo tài năng thể thao thành tích cao.

Chỉ đạo tại buổi họp, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, việc triển khai Đề án cần phải xác định đúng đối tượng cần được tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện gắn với các môn thể thao trọng điểm, các nội dung trọng điểm. Việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao phải trên cơ sở khoa học, đáp ứng nhu cầu cấp thiết; áp dụng các mô hình tiên tiến của thế giới phù hợp với thực tiễn những môn thể thao thế mạnh của Việt Nam, bảo đảm hiệu quả, chất lượng đào tạo các vận động viên tài năng đạt thành tích thi đấu cao ở trong và ngoài nước, trình độ huấn luyện chuyên môn cao ở cấp quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới… Các đơn vị trực tiếp triển khai và thực hiện Đề án này, cần khảo sát kỹ và lên dự trù kinh phí chi tiết tại các địa điểm dự kiến cử người sang học, tập huấn tại nước ngoài cũng như các cơ sở đạo tạo huấn luyện uy tín trong nước.

(Theo www.tdtt.gov.vn)

Print
6838 Rate this article:
No rating

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top