Responsive image

22 Tháng Mười Hai 2024

Hoạt động của ngành VHTTDL trong năm 2022: “nhìn lại để thấy xa hơn”

Theo www.tdtt.gov.vn

Đó chính là một trong những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra vào ngày 6/1, tại Hà Nội .

Những điểm nhấn của ngành VHTTDL trong năm 2021

Khi nói về những khó khăn mà toàn ngành phải đối mặt trong năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: mỗi đơn vị, cá nhân, tập thể đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch từ khối cơ quan Trung ương đến các tỉnh thành trên cả nước, cần nhìn nhận đúng đắn và đánh giá khách quan về những mặt mạnh đã làm được và còn tồn đọng. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã chỉ ra 5 điểm nhấn nổi bật của toàn ngành đạt được trong năm 2021, đó là:

Bộ VHTTDL đã tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện những điểm nghẽn, đề xuất bổ sung những vấn đề mới, ban hành những văn bản thẩm quyền và đề xuất cấp thẩm quyền cao hơn ban hành các chủ trương, chính sách mới.

Tác động của dịch Covid-19 đã tạo nhiều khó khăn đối toàn xã hội, trong đó có ngành VHTTDL, trong đó có những vấn đề chưa có tiền lệ. Nhưng từ định hướng của lãnh đạo Bộ, ngành đã xây dựng lên những kế hoạch, phương án vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa tạo hiệu ứng vắc xin tinh thần để cùng nhân dân vượt qua dịch bệnh. Đó chính là những Nhà hát online, Nhà hát truyền hình, các chương trình livestream trực tiếp dưới sự dẫn dắt của các nghệ sĩ tên tuổi…

Lãnh đạo Bộ trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2021

Cùng với đó, các bài tập thể thao như "Cả nhà tập ngay, đánh bay covid" được phổ cập trên các nền tảng xã hội nhận được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân. Từ đó, những không gian nhỏ trở thành sân tập. Đây là những biểu hiện vượt khó trong từng lĩnh vực, tạo những điểm sáng".

Ở lĩnh vực Du lịch, Bộ đã đồng hành với doanh nghiệp để kiến tạo chính sách, Qua đó có nhiều chính sách được Chính phủ, Quốc hội ban hành, gỡ khó cho doanh nghiệp. Ngành VHTTDL đã cố gắng tìm ra vùng xanh về du lịch, gợi mở ra hướng đi mới, chú ý du lịch nội địa, coi du lịch nội địa là cứu cánh cho du lịch khi chúng ta chưa mở cửa thị trường khách quốc tế.

Thêm một dấu ấn quan trọng nữa được Bộ trưởng chỉ ra đó chính là sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ từ giữa các Sở với Bộ ngày càng hiệu quả, đúng theo mối quan hệ biện chứng "Bộ mạnh thì Sở phải mạnh, Sở mạnh chính là cánh tay nối dài của Bộ để triển khai".

Phương hướng, nhiệm vụ của toàn ngành năm 2022

Năm 2022, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước đứng trước những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Dịch COVID-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn với các biến chủng mới, toàn Ngành tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ tại: Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội 05 năm 2021-2025; Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp điều hành phát triển kinh tế-xã hội năm 2022...

Về văn hóa, gia đình: Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, văn hóa doanh nghiệp, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc. Chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn, bảo đảm an toàn dịch bệnh; Hoàn thiện Đề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn của Trung ương. Tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; tổ chức Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” lần thứ 10 và Lễ trao tặng Danh hiệu sau khi có quyết định phong tặng của Chủ tịch Nước.

Về thể dục, thể thao:  Nghiên cứu xây dựng và triển khai các văn bản thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TD,TT; Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD trong giai đoạn 2022-2040; Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT; Bảo tồn, phát triển Võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc đến năm 2030. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030.

Đặc biệt, phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai các chương trình phối hợp quản lý, chỉ đạo hoạt động thể dục thể thao quần chúng trong mọi đối tượng, địa bàn. Chỉ đạo các địa phương tổ chức Đại hội TDTT các cấp, tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Thực hiện tốt vai trò chủ nhà, tổ chức thành công và đạt thành tích cao tại SEA Games lần thứ 31. Chuẩn bị lực lượng tham dự, giành thành tích tốt tại Olympic mùa đông, ASIAD 19, Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á, Đại hội thể thao trẻ châu Á và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới.

Về du lịch: phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 05 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, bằng 150% so với năm 2021, tổng thu từ khách du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng. Xây dựng lộ trình tái khởi động, phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2024 và các giai đoạn đến 2030, 2040. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh. Từng bước mở rộng đối tượng, thị trường, điểm đến trong Chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, phù hợp với tình hình dịch COVID-19.

N.H

Print
575 Rate this article:
No rating

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top