Responsive image

21 Tháng Mười Hai 2024

Tập trung phát triển nhân lực Chuyển đổi số

Theo www.tdtt.gov.vn

Chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có, mang lại cơ hội mới thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển vượt bậc. Các nhà lãnh đạo, quản lý và doanh nghiệp đã nhận thấy tác động tích cực từ chuyển đổi số, đặc biệt là nguồn nhân lực số.

Tại Việt Nam, chính phủ đã đưa ra các nghị định và chủ trương về Chuyển đổi số với mục tiêu kinh tế số có thể chiếm 20% tỉ trọng GDP quốc gia vào năm 2025, phấn đấu 30% vào năm 2030.  Một trong các mục tiêu lớn đến năm 2025 là 100% các cơ quan quản lý được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Có thể nói, đây là giai đoạn khẩn trương để đào tạo và phát triển nguồn lực số liên tục đáp ứng cho toàn bộ các cơ quan bộ ban ngành, giúp chuẩn bị cho sự phát triển vượt bậc trong tương lai của Việt Nam.

Trong báo cáo mới nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện cả nước có xấp xỉ 1,2 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng nhân lực tính từ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550.000 người. Trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỷ lệ tương đối thấp so với các quốc gia như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%).

Hiện các nước châu Âu đã đặt mục tiêu số lượng nhân lực để chuyển đổi số đến năm 2030 là 5% dân số. Như vậy, nếu Việt Nam đặt mục tiêu nhân lực công nghệ thông tin chỉ chiếm 2 - 3% dân số, thì nhân lực số cũng đã tầm 2 - 3 triệu người. Trong khi đó, số sinh viên ra trường ngành công nghệ thông tin (gồm cao đẳng và đại học) ra trường hàng năm chỉ khoảng 60.000 - 70.000 người.

Qua nghiên cứu về công cuộc chuyển đổi số tại một số quốc gia trên thế giới nhận thấy, để phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số tồn tại rất nhiều các mô hình trong đó hầu hết đều tập trung vào việc đào tạo và hướng đến các điểm chung trong việc phát triển nhân sự trong các lĩnh vực công và nhân sự trong doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số.

Người lao động cần có được các kỹ năng kỹ thuật cũng như sự kết hợp năng lực số (ví dụ như phân tích dữ liệu lớn, mạng bảo mật, truyền thông xã hội) với các kỹ năng mềm để cải thiện khả năng đáp ứng, thay thế linh hoạt giữa các thành phần kinh tế và nghề nghiệp.

Quá trình đào tạo thường được phân chia thành 3 cấp độ để có thể dễ dàng đánh giá và phát triển trong tương lai:

Cơ bản: Các kỹ năng số cơ bản cung cấp nền tảng cho việc sử dụng công nghệ. Ở mức độ này, bao gồm việc sử dụng bàn phím, màn hình điều khiển để hoàn thiện các thao tác cơ bản; cài đặt và sử dụng các ứng dụng và các giao dịch trên Internet như điền thông tin, gửi và thực hiện tìm kiếm thông tin cần thiết.

Trung cấp: Các kỹ năng trung cấp cho phép mọi người sử dụng công nghệ số theo những cách có ý nghĩa và có lợi hơn. Ngược lại với các kỹ năng cơ bản phổ biến hơn trong tất cả ngành nghề, một người sẽ cần các bộ kỹ năng trung cấp khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu và nhu cầu nghề nghiệp của họ.

Nâng cao: Các chuyên gia sử dụng các kỹ năng chuyên môn cao, nâng cao trong các nghề như lập trình máy tính, phát triển phần mềm, khoa học dữ liệu và quản lý mạng. Giống như các kỹ năng trung cấp, các kỹ năng nâng cao và các công việc yêu cầu chúng liên tục được phát triển về số lượng cũng như chất lượng để đạt được hiệu quả cao nhất.

Trở lại với vấn đề nhân lực chuyển đổi số trong nước, thời gian qua, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số quốc gia đã đặc biệt quan tâm tới vấn đề nhân lực, không chỉ đẩy mạnh phát triển nhân lực ứng dụng trong khu vực cơ quan nhà nước mà còn cả nhân lực phát triển nhằm đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Các mục tiêu đều được cụ thể hóa, nhờ đó, cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng số (trên 204.397 lượt), nhân lực chuyển đổi số tại cơ sở với trên 344.896 thành viên tại 71.836 Tổ công nghệ số cộng đồng.

Các địa phương đã tích cực, nỗ lực thiết lập, đưa vào hoạt động các Tổ công nghệ số cộng đồng, dần hình thành Mạng lưới triển khai, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả công tác chuyển đổi số trên toàn quốc. Kết quả cụ thể như sau: Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với hơn 74.422 Tổ công nghệ số cộng đồng và 348.362 thành viên, trong đó 52/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. Mỗi Tổ công nghệ số cộng đồng có khoảng 04 đến 09 thành viên, trong đó Tổ trưởng các tổ dân phố, Công an khu vực, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên (các chi đoàn, đoàn cơ sở) và Doanh nghiệp công nghệ số là lực lượng nòng cốt.

Các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” biết, hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản: (1) Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; (2) Mua sắm trực tuyến; (3) Thanh toán trực tuyến; (4) Tự bảo vệ mình trên không gian mạng; (5) Sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.

Để trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, trong tháng 9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các địa phương, doanh nghiệp công nghệ số tổ chức phổ biến, tập huấn kỹ năng số cho 255.545 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tại 59/63 địa phương theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Với sự hỗ trợ của Mạng lưới Tổ công nghệ số cộng đồng, nhận thức, kỹ năng số cơ bản của người dân đã cải thiện, góp phần đạt được những thành quả ban đầu của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong việc triển khai các nền tảng số quốc gia, quy mô toàn quốc, tác động trực tiếp tới quyền lợi, trách nhiệm của người dân như: Nền tảng VNeID, Nền tảng học trực tuyến MOOCs, Cổng dịch vụ công quốc gia, Nền tảng thanh toán trực tuyến, Nền tảng tuyển sinh trực tuyến, Nền tảng khám chữa bệnh từ xa…

Tóm lại, các đơn vị hành chính công và các Bộ, ban, ngành cần coi trọng khâu tuyển dụng, đào tạo và tái đào tạo toàn bộ các nhân viên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, nếu không muốn bị bỏ rơi lại trong giai đoạn tiếp theo. Đơn vị quản lý nhân sự nên được xem như của một nhà tư vấn nội bộ cho ban lãnh đạo cấp cao và hội đồng quản trị về tác động của lực lượng lao động trong quá trình Chuyển đổi số.

Trần Nhu

Print
491 Rate this article:
No rating

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top