Responsive image

20 Tháng Tư 2024

Phấn đấu đến 2025 đào tạo 1.000 chuyên gia phục vụ Chuyển đổi số Quốc gia

Theo www.tdtt.gov.vn

Phấn đấu đến năm 2025 đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số là một trong những đề xuất đáng chú ý của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Dự thảo Đề án “Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đang được lấy ý kiến góp ý của nhân dân.

Theo dự thảo, mục tiêu đến 2025, mỗi năm tổ chức được 01 chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và kỹ năng số quy mô toàn quốc, trải rộng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

70% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến, cơ bản nắm được cách thức sử dụng khi có nhu cầu.

80% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng được mạng lưới chuyển đổi số đến cấp xã cho ít nhất 60% số xã, phường trên địa bàn với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình chuyển đổi số trong các ngành, các cấp.

100% cán bộ lãnh đạo, 60% cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước hàng năm được tham gia tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số; 100% cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin được đào tạo về công nghệ số và được đánh giá trực tuyến kết quả đào tạo qua hệ thống đánh giá, sát hạch chuẩn kỹ năng số Quốc gia.

Phấn đấu đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc.

100% các trường “Đại học số” hoàn thiện được mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở và được đầu tư trang bị đồng bộ hạ tầng số, nền tảng công nghệ số, trang thiết bị học và thực hành sẵn sàng tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số.

Tuyển sinh, đào tạo được 5.000 kỹ sư, cử nhân chất lượng cao về các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số và xã hội số tại các trường “đại học số”. 60% sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, xã hội được đánh giá trực tuyến kỹ năng số qua Hệ thống đánh giá, sát hạch chuẩn kỹ năng số Quốc gia. 60% giáo viên dạy các môn học về tin học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ, kỹ thuật và nghệ thuật trong các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giáo dục STEM/STEAM, kỹ năng số và đánh giá trực tuyến kỹ năng số qua hệ thống đánh giá, sát hạch chuẩn kỹ năng số Quốc gia. 50% số cơ sở giáo dục các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông có tổ chức các môn học giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số.

Dự thảo nêu rõ, tổ chức lựa chọn 1.000 chuyên gia từ các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức làm công nghệ thông tin, kỹ thuật, nhân sự chuyên trách làm công tác chuyển đổi số quản lý, vận hành các hệ thống thông tin của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp theo các ngành nghề. Các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số trước như: Y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số và xã hội số như công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, tài chính số, kinh doanh số, truyền thông số... Tổ chức đào tạo bổ sung, cập nhật các kiến thức, kỹ năng số cho giảng viên đại học, nhất là giảng viên các chuyên ngành kỹ thuật, kinh tế và xã hội.

Ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước để triển khai Đề án, huy động các nguồn lực tài chính từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn lực xã hội và các nguồn kinh phí khác phục vụ công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.

Để có thể đạt được những mục tiêu đề ra, Dự thảo đề án cũng xác định rõ nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển nhân lực chuyển đổi số, gồm:

Xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số phải vừa bao quát, vừa cụ thể với lộ trình phù hợp, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên trước, tiến đến chuyển đổi số toàn diện, để toàn dân có thời gian hiểu biết, làm quen và thích ứng dần với quá trình Chuyển đổi số Quốc gia ở Việt Nam.

Tổ chức thực hiện phải đạt hiệu quả tốt về mặt truyền thông, đồng thời tạo sự chuyển biến nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số trên mọi phương diện của cuộc sống.

Tổ chức đào tạo, tập huấn phải đi đôi với thực tiễn, đặc thù của từng lĩnh vực, nội dung thiết thực, truyền đạt tính thực tiễn cao hiệu quả, thời gian và phương thức triển khai kết hợp hài hòa bảo đảm người học có thể tham gia.

Tăng cường hợp tác Quốc tế để trao đổi kinh nghiệm về đào tạo, nghiên cứu công nghệ số, kỹ năng số; khuyến khích các cơ sở đào tạo của Việt Nam xây dựng, triển khai các chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi giảng viên, học viên với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu về chuyển đổi số, công nghệ số, kỹ năng số có uy tín trên thế giới; tổ chức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học đầu ngành về chuyển đổi số, công nghệ số, kỹ năng số đi khảo sát kinh nghiệm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực liên quan tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu có uy tín ở nước ngoài.

Khuyến khích, hỗ trợ các hình thức hợp tác giữa nhà trường, viện nghiên cứu và tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực chuyển đổi số; xây dựng chương trình phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp để hỗ trợ sinh viên thực tập, làm việc thực tế tại các tổ chức, doanh nghiệp, viện nghiên cứu,…

Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức Nhà nước trực tiếp chịu trách nhiệm về chuyển đổi số trong phạm vi cơ quan, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Người đứng đầu các cơ quan hành chính và tổ chức sự nghiệp công lập từ cấp xã trở lên lựa chọn trong số công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý để phân công 01 nhân sự phụ trách công tác chuyển đổi số (gọi là trợ lý chuyển đổi số) 01 nhân sự phụ trách công tác tổng hợp, cập nhật dữ liệu số (gọi là chuyên viên dữ liệu số).

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (gọi chung là bộ), và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) xem xét đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử của bộ, tỉnh thành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của bộ, tỉnh do người đứng đầu bộ, tỉnh làm trưởng ban, có trách nhiệm chỉ đạo chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên cả 03 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Mỗi bộ, tỉnh thành lập một Tổ công tác chuyển đổi số, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo bộ, tỉnh, có trách nhiệm làm nòng cốt tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực, địa bàn của bộ, tỉnh cũng như trong từng cơ quan, tổ chức. Tổ công tác chuyển đổi số cấp bộ do đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin làm thường trực, Tổ Công tác chuyển đổi số cấp tỉnh do Sở Thông tin và Truyền thông làm thường trực.

Hình thành Mạng lưới Chuyển đổi số Quốc gia (Mạng lưới), gồm: các thành viên của Tổ công tác chuyển đổi số của các bộ, tỉnh; trợ lý chuyển đổi số và chuyên viên dữ liệu số của các cơ quan, tổ chức và các nhân sự huy động từ lực lượng đoàn thanh niên, nhân sự của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông thường trực tại địa bàn huyện, xã tham gia Mạng lưới. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số cử nhân sự tham gia Mạng lưới Chuyển đổi số Quốc gia.

Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Thùy Anh (t/h)

Print
636 Rate this article:
5.0

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top