Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 08/12

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 08/12

 

THÔNG TIN BÁO CHÍ

    THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Tăng cường quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 42/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Chỉ thị nêu rõ, thời gian gần đây, một số loài ngoại lai xâm hại xuất hiện tại một số địa phương, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới đa dạng sinh học, môi trường, kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; nguy cơ nhập khẩu trái phép, nuôi trồng, phát tán loài ngoại lai xâm hại tại Việt Nam khá cao. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ về nguy cơ gây hại của việc nhập lậu, nuôi trồng, phóng thích các loài ngoại lai xâm hại.

Để kịp thời ngăn ngừa và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng, phát triển, kinh doanh loài ngoại lai xâm hại; tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ; có kế hoạch ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại ở Việt Nam thời gian tới.

Đồng thời hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về loài ngoại lai xâm hại; xây dựng và phát hành tài liệu tuyên truyền, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhận dạng loài ngoại lai xâm hại.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi, trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại; chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong nhập khẩu, phát tán trái phép loài ngoại lai xâm hại

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp đấu tranh, phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong nhập khẩu, phát tán, nuôi trồng, phát triển, vận chuyển và kinh doanh trái phép loài ngoại lai xâm hại.

Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh trái phép các loài ngoại lai xâm hại theo quy định của pháp luật.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện truyền thông về tác hại của loài ngoại lai xâm hại và quy định của pháp luật về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại để người dân biết, thực hiện.

Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan (đặc biệt là lực lượng Hải quan cửa khẩu) chủ động, phối hợp với các đơn vị kiểm dịch tăng cường kiếm tra, kiểm soát, đảm bảo ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhập của các loài ngoại lai xâm hại. Bố trí kinh phí chi thường xuyên cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc không nhập khẩu, kinh doanh, nuôi trồng, phát triển, phóng sinh loài ngoại lai xâm hại.

Đồng thời chủ động thông tin, báo cáo kịp thời khi phát hiện hoặc có sự bùng phát lây lan của loài ngoại lai xâm hại. Tổ chức điều tra, đánh giá các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn và thực hiện các biện pháp kiểm soát, diệt trừ.

Phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp

Chính phủ ban hành Nghị định 140/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, trong đó, bổ sung quy định phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.

Cụ thể, phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa là tập hợp các đề xuất về hình thức sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng (nếu có) của địa phương đã được phê duyệt và công bố của các diện tích đất doanh nghiệp cổ phần hóa và các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp cổ phần hóa đầu tư 100% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa và thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa bao gồm toàn bộ diện tích đất của doanh nghiệp cổ phần hóa và các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp cổ phần hóa đầu tư 100% vốn điều lệ đang quản lý, sử dụng tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (bao gồm cả phần diện tích đất không thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và diện tích đất không thuộc phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ - nếu có).

Doanh nghiệp cổ phần hóa báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu (đối với doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ báo cáo Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) có văn bản gửi lấy ý kiến của các địa phương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.

Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) phải có ý kiến trả lời bằng văn bản về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) chịu trách nhiệm có ý kiến về diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng khi cổ phần hóa và giá đất cụ thể đối với diện tích đất giao theo quy định của pháp luật về đất đai để làm cơ sở cho việc xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định; đồng thời chịu trách nhiệm chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm có ý kiến chính thức về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa dẫn tới phải tổ chức xác định lại giá trị doanh nghiệp; việc chậm có ý kiến về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp được xem xét là một căn cứ để đánh giá và phân loại cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức.

Căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của doanh nghiệp cổ phần hóa đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp theo phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương (nếu có), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) có ý kiến về các diện tích đất trên địa bàn mà doanh nghiệp tiếp tục sử dụng khi cổ phần hóa. Ý kiến của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng).

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận đủ ý kiến của các địa phương về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa của doanh nghiệp và phải đảm bảo phương án được phê duyệt trước thời điểm quyết định công bố giá trị doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chịu trách nhiệm chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa của doanh nghiệp dẫn tới phải tổ chức xác định lại giá trị doanh nghiệp; việc chậm phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa được xem xét là một căn cứ để đánh giá và phân loại cán bộ, công chức và người quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Các diện tích đất doanh nghiệp cổ phần hóa được giao, nhận chuyển nhượng, thuê đất theo quy định của pháp luật phát sinh từ sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm đăng ký kinh doanh lần đầu chuyển sang công ty cổ phần, doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; đồng thời hoàn tất các thủ tục để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật có liên quan.

Phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát một số bệnh sơ sinh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030.

Chương trình trên được thực hiện trên cả nước với mục tiêu chung nhằm phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

90% trẻ sơ sinh được tầm soát bệnh

Chương trình phấn đấu đến năm 2030, 90% cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn và giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh) ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 70% năm 2030

Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh) ít nhất 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 90% năm 2030. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có điểm, cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn đạt 90% năm 2030.

Đồng thời, phát triển cơ sở sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh ở bệnh viện chuyên khoa sản, sản - nhi hoặc bệnh viện đa khoa tỉnh tại 56 tỉnh, thành phố năm 2030;

5 Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực và các trung tâm chuyên sâu hiện có được nâng cấp; phát triển thêm 02 trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực tại vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên vào năm 2025; 3 cơ sở sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh thuộc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiện có đạt chuẩn ngang tầm ASEAN vào năm 2025.

Theo Kế hoạch, Chương trình sẽ thực hiện hoàn thiện cơ chế chính sách, quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật; tuyên truyền vận động và huy hộng xã hội; phát triển mạng lưới dịch vụ; nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới; huy động nguồn lực và hợp tác quốc tế.

Trong đó, Chương trình sẽ mở mở rộng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ có chất lượng về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

Đầu tư hoàn thiện mạng lưới sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các điểm, cơ sở, trung tâm cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh, ưu tiên các địa bàn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng nhiễm chất độc dioxin.

Mở rộng các loại hình cung cấp dịch vụ của các cơ sở y tế trong và ngoài công lập phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn theo hướng bảo đảm mọi người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ cơ bản tại xã; được tư vấn trước, trong và sau khi sử dụng dịch vụ. Giám sát chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế, bao gồm cả khu vực ngoài công lập. Thí điểm một số can thiệp, mô hình cung cấp dịch vụ tại khu công nghiệp, khu kinh tế và địa bàn có đối tượng khó tiếp cận…

Bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội

Tại Quyết định 1989/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội thay ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã được điều động, phân công công tác khác.

Bà Nguyễn Thị Hồng, 52 tuổi, quê quán tại Hà Nội. Bà Hồng từng giữ các chức vụ: Vụ trưởng Chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Phê duyệt khung chính sách tái định cư Dự án Nâng cấp Quốc lộ 1A

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc 1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là thành phố Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Khung chính sách đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A từ Ngã Bảy (Hậu Giang) đến huyện Châu Thành với quy mô đường cấp III đồng bằng, mặt cắt ngang lộ 20m; đồng thời, bổ sung hệ thống thoát nước dọc tại các khu vực có đông dân cư, mở rộng quy mô các cầu đảm bảo đồng bộ trên toàn tuyến, với tổng chiều dài khoảng 20km.

Đây là dự án nhằm kết hợp giữa Quốc lộ 1A, Quốc lộ 60, Quản lộ Phụng Hiệp, Nam Sông Hậu tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, đảm bảo điều kiện đi lại và hạn chế tai nạn giao thông trên toàn tuyến; đồng thời, kết nối, tạo nên trục hành lang vận tải chính nối các trung tâm kinh tế, chính trị giữa các tỉnh trong khu vực, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa cho người dân không chỉ trong tỉnh Sóc Trăng mà còn cho các tỉnh lân cận.

Nghiên cứu “Hiến kế vực dậy ngành du lịch”

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu bài viết “Hiến kế vực dậy ngành du lịch”, có biện pháp cụ thể, phù hợp.

Báo Người lao động điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2020 có bài viết “Hiến kế vực dậy ngành du lịch”, trong đó thông tin: Bảo đảm an toàn với dịch COVID-19, ngành du lịch cần có kịch bản “sống chung với dịch”.    

Phó Tổng Giám đốc Saigon Tourist Võ Anh Tài đề xuất nên có cơ chế kịch bản phối hợp liên tục, liên ngành hay kinh tế vùng, ứng phó kịp thời, kích hoạt ngay nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cộng đồng, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi, phát triển; có cơ chế tắt mở (On/Off) kịp thời trong mọi tình huống.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, có biện pháp cụ thể, phù hợp.

Trả lời chất vấn của ĐBQH về phát triển đường cao tốc vùng ĐBSCL

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài việc bố trí vốn để hoàn thành các dự án cao tốc đang triển khai dở dang, Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất đầu tư mới giai đoạn phân kỳ của 07 dự án với chiều dài khoảng 774 km, tổng vốn đầu tư khoảng 64.554 tỷ đồng.

Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chất vấn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Vì sao vừa qua việc xây dựng đường cao tốc cho Đồng bằng sông Cửu Long tỉ lệ rất thấp so với vùng khác (100 km cao tốc ở ĐBSCL có 2.000 km cao tốc của khu vực phía Bắc)? Vậy căn cứ vào nguyên tắc nào? Trong khi ĐBSCL là nơi xuất khẩu lúa gạo và nông nghiệp lớn nhất nước? Đề nghị Phó Thủ tướng có giải pháp cụ thể và căn cơ để tạo cú hích cũng như tạo động lực cho Đồng bằng sông Cửu Long phát triển kinh tế - xã hội.

Vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời như sau:

Về tình hình đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc, theo số liệu thống kê, đến nay cả nước có 1.139 km đường cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó khu vực phía Bắc có 898 km (không phải 2.000 km), miền Trung có 127km, khu vực Đông Nam Bộ có 74 km và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 40 km. Ngoài ra, hiện nay đã hoàn thành 80 km đoạn từ Cao Lãnh - Vàm Cống - Rạch Sỏi cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc. Như vậy, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 120 km đường cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ), vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hình thành 5 trục cao tốc với tổng chiều dài 998 km với lộ trình đầu tư đến năm 2020, sẽ hoàn thành khoảng 349km. Như vậy, có thể nói tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn chậm so với quy hoạch được duyệt, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh nói riêng và khu vực nói chung, do một số nguyên nhân sau:

- Do đặc điểm khu vực có nền địa chất phức tạp, địa hình chia cắt bởi nhiều sông, kênh, rạch nên phải xử lý nền đất yếu, xây dựng nhiều cầu, dẫn đến suất đầu tư cho các công trình lớn, thời gian thực hiện kéo dài.

- Nguồn vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua bố trí cho ngành giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu; nguồn vốn vay ODA ngày càng kém ưu đãi; thu hút đầu tư theo hình thức PPP gặp nhiều khó khăn do thời gian vay vốn kéo dài, trong khi nguồn vốn của tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn.

- Thực tế triển khai một số dự án BOT ngành giao thông thời gian qua cũng cho thấy, trong điều kiện chưa có quy định pháp luật về cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt là rủi ro về doanh thu, dẫn đến việc huy động vốn tín dụng để triển khai đầu tư các dự án BOT ngành giao thông thời điểm hiện nay là rất khó khăn. Ngay cả một số dự án có nhu cầu vận tải lớn, khả thi về tài chính (như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) cũng rất khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng.

Về nguyên tắc, việc lựa chọn dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phải căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt, nguồn lực quốc gia, tính khả thi và khả năng huy động vốn đối với các dự án xã hội hóa. Căn cứ nhu cầu vận tải và khả năng cân đối vốn, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm tổng hợp danh mục các dự án cấp bách, ưu tiên đầu tư, phối hợp với các bộ, ngành để trình Chính phủ, Quốc hội quyết định theo thẩm quyền, làm cơ sở triển khai thực hiện.

Giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Để khắc phục tồn tại nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh quy hoạch một cách hợp lý; tập trung hoàn thành các dự án đang triển khai như tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ; ưu tiên nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, tích cực kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP để phấn đấu đầu tư thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng như các tuyến cao tốc trục ngang khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng nhu cầu vận tải, phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình như sân bay, cảng biển..., thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài việc bố trí vốn để hoàn thành các dự án cao tốc đang triển khai dở dang, Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất đầu tư mới giai đoạn phân kỳ của 07 dự án với chiều dài khoảng 774 km, tổng vốn đầu tư khoảng 64.554 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 37.272 tỷ đồng, bao gồm các đoạn: Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Sau khi được Quốc hội giao tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách theo đúng nguyên tắc và tiêu chí phân bổ tại Nghị quyết số 972/2020/UBTVQH14 ngày 14/9/2020 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội để Chính phủ trình Quốc hội chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Print
658 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top