Responsive image

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/9

Thông tin báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/9

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thủ tướng chỉ đạo xử lý hậu quả vụ cháy Rạng Đông

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý hậu quả sự cố vụ cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan trực tiếp chỉ đạo, tiếp tục khẩn trương triển khai các công việc xử lý hậu quả vụ cháy ở Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, trong đó chú trọng các vấn đề:

1. Thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố vụ cháy; đôn đốc, hướng dẫn, giám sát thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố môi trường, đồng thời điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy nổ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư theo kế hoạch đã được chỉ đạo.

Hưng Yên cần giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của người dân

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc về kiểm tra, việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền trong việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và chỉ đạo giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài tại tỉnh Hưng Yên.

Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có chuyển biến tích cực hơn, giảm căng thẳng, bức xúc, không phát sinh mới vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; nghiêm túc quán triệt, tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; triển khai nhiều biện pháp thi hành Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; hiệu quả giải quyết khiếu nại tố cáo từng bước được nâng cao, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: Trên địa bàn vẫn còn tồn đọng 27 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đặc biệt vụ khiếu nại của một số công dân liên quan đến Dự án khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang kéo dài đến nay là 15 năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; lãnh đạo một số địa phương, có nơi, có lúc chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công đân, việc tiếp dân, đối thoại với người khiếu nại, tố cáo còn hình thức, chưa cầu thị...

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh Hưng Yên phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân theo quy định; tăng cường đối thoại, tiếp dân tại nơi xảy ra vụ việc, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ khi mới phát sinh. Quá trình giải quyết, phải đặt mình vào vị trí của dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, thấy được những bức xúc của dân, từ đó có biện pháp giải quyết có lý, có tình.

Khi có công dân tập trung khiếu kiện đông người ở các cơ quan Trung ương, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh phải chủ động phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng của Trung ương và thành phố Hà Nội tổ chức tiếp dân, có biện pháp để đưa công dân trở về địa phương giải quyết, nhất là vào các thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như các kỳ họp Quốc hội, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương.

Về giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm, giành thời gian thích đáng để lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung giải quyết cơ bản, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, không để phát sinh vụ việc khiếu nại, tố cáo mới. Địa bàn nào phát sinh vụ việc, yêu cầu lãnh đạo cấp ủy, chính quyền phải tập trung giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở, không để khiếu nại vượt cấp gây phức tạp tình hình ở địa phương.

Việc giải quyết phải trên cơ sở chính sách, pháp luật, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân và dứt điểm được vụ việc. Trong quá trình giải quyết cần huy động Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, hội luật gia, luật sư, những người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia giải quyết. Nếu giải quyết sai phải kiên quyết sửa chữa, tìm biện pháp để giải quyết dứt điểm. Nếu giải quyết đúng, có lý, có tình cần kiên trì giải thích, thuyết phục để người dân hiểu, chấp hành và công khai kết quả giải quyết trên các phương tiện thông tin địa chúng, nơi người khiếu nại cư trú, thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết. Nếu người khiếu nại có hoàn cảnh thực sự khó khăn, cần xem xét, vận dụng chính sách xã hội, vận động các tổ chức liên quan cùng tham gia để có biện pháp hỗ trợ họ ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại.

Vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ phấn đấu đạt mục tiêu cao trong xây dựng NTM

Thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ phấn đấu đạt mục tiêu cao trong xây dựng nông thôn mới.

Sau 09 năm xây dựng nông thôn mới, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là vùng đứng đầu của cả nước trong thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, với những cách làm đột phá, sáng tạo và phát huy các nguồn lực khác nhau. Đến hết tháng 7 năm 2019, toàn vùng có 2.402/3.474 xã (69,1%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 83,59% (cao nhất trong cả nước); có 10/17 tỉnh, thành phố đã đạt và vượt mục tiêu được giao đến 2020. Bình quân tiêu chí/xã đạt 17,4 tiêu chí, vượt xa mức bình quân chung của cả nước; từ đầu năm 2018, cả vùng không còn xã dưới 05 tiêu chí; toàn vùng đã có 42 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (chiếm 48,27% tổng số đơn vị cấp huyện đã được công nhận của cả nước).

Trong thời gian qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn của vùng cơ bản hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, kinh tế nông thôn trong khu vực phát triển đa dạng, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, các vùng sản xuất chuyên canh ngày càng hình thành nhiều, tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất; đời sống vật chất của người dân ngày càng cao, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng đa dạng, các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, giữa các địa phương có sự chênh lệch khá lớn, vùng Bắc Trung bộ vẫn còn một số huyện đến nay chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới; một số địa phương mặc dù có điều kiện thuận lợi nhưng việc huy động nguồn lực và kết quả xây dựng nông thôn mới còn rất hạn chế...

Để phấn đấu đạt những mục tiêu cao hơn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các địa phương trong vùng cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, các tỉnh, thành phố cần chủ động rà soát, đề xuất các mục tiêu cụ thể về xây dựng nông thôn mới để đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới; tiếp tục đổi mới, sáng tạo để phát huy các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới.

Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia các tỉnh, thành phố cần rà soát lại kế hoạch thực hiện và có giải pháp nỗ lực tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Chương trình đến năm 2020 để hoàn thành đạt hiệu quả cao nhất, tránh tư tưởng thỏa mãn, tự bằng lòng, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ; tập trung triển khai tổng kết các phong trào thi đua và Chương trình đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ; nâng cao chất lượng công tác thẩm định, xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tránh chạy theo thành tích; đánh giá lại một cách cụ thể hiệu quả thực hiện Chương trình và tiền đấu giá quyền sử dụng đất cho xây dựng nông thôn mới; cần có giải pháp để phát huy vai trò chủ thể, tự nguyện của người dân trong xây dựng nông thôn mới, không huy động quá sức dân. Tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách đã có, đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách còn thiếu để nâng cao kết quả thực hiện Chương trình.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia các tỉnh, thành phố tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp tục phát triển các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu, đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm; phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, cảnh quan đặc thù nông thôn, văn hóa truyền thống, cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường; chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; kết nối liên xã, huyện; chú trọng đầu tư hình thành và phát triển hệ thống cung ứng, kết nối nông sản hiện đại cấp huyện; ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công ích; tăng cường công tác bảo vệ môi trường nông thôn, khuyến khích phân loại rác thải tại nguồn, xử lý nước thải sinh hoạt cụm dân cư nông thôn, tái sử dụng chất thải nông nghiệp đảm bảo đúng quy định về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, cải tạo cảnh quan môi trường; tập trung phát triển các mô hình thôn, xóm xanh, sạch, đẹp làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn.

Xây dựng nông thôn thịnh vượng

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng khung khổ pháp lý cho thực hiện Chương trình trong giai đoạn tới, hoàn thành trong năm 2020 để có thể triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2021, trong đó cần rà soát kỹ các mục tiêu của từng vùng và mục tiêu chung cho cả nước, đảm bảo chất lượng, khả thi và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng nông thôn thịnh vượng.

Về công tác điều hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới để tổ chức thành công chuỗi sự kiện tổng kết Chương trình và tập trung xây dựng khung khổ Chương trình cho giai đoạn tới; cần có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá việc xây dựng nông thôn mới, công tác thẩm định xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ở các cấp trong quá trình thực hiện để kịp thời động viên, khuyến khích những cách làm hay, điển hình tiên tiến, chấn chỉnh những biểu hiện chạy theo thành tích, đảm bảo việc thực hiện chương trình đi vào thực chất; cần chú trọng công tác khen thưởng để kịp thời động viên, ghi nhận những nỗ lực của tập thể, cá nhân trong xây dựng nông thôn mới...

Chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử từ VPCP sang Bộ TTTT

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về phân công nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thủ tướng ghi nhận và biểu dương vai trò của Văn phòng Chính phủ, các đơn vị trực thuộc Văn phòng Chính phủ, trực tiếp là cá nhân đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc tham mưu xây dựng và triển khai Chính phủ điện tử, đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực, bước đầu triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020.

Để tiếp tục tăng cường chức năng quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo sửa đổi Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 28/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, với những nội dung cụ thể sau:

- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, trực tiếp chỉ đạo các công việc thường xuyên của Ủy ban.

- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, thôi làm Tổ phó Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban; chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử.

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Thành viên Ủy ban, thôi làm Ủy viên thường trực, Tổng thư ký, Tổ trưởng Tổ công tác. Giao Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thành viên Ủy ban làm Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ủy ban.

- Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ thôi làm Tổ phó thường trực Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban.

- Bộ Thông tin và Truyền thông làm cơ quan thường trực của Tổ công tác. Theo đó chuyển nhiệm vụ thường trực Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Thông tin và Truyền thông đảm nhiệm. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tiếp nhận và triển khai nhiệm vụ thường trực hiệu quả, không làm gián đoạn tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương bàn giao nhiệm vụ bao gồm cả kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Trên cơ sở Quyết định sửa đổi Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 28/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử sửa đổi Quyết định số 336/QĐ-UBQGCPĐT ngày 28/8/2018 ban hành quy chế hoạt động của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử bảo đảm tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng Chính phủ điện tử theo đúng quy định của pháp luật và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Thời gian trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia trong tháng 9 năm 2019.

Kết luận của Thủ tướng cũng nêu rõ: Chuyển nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ Đề án giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Thông tin và Truyền thông. Thời gian trình trong năm 2019.

Chuyển nhiệm vụ phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến trên thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu... và là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm bảo đảm nền tảng kết nối an toàn tuyệt đối cho các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, không làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Chuyển nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện mở dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ, tích hợp với Hệ tri thức Việt số hóa từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Thông tin và Truyền thông đảm nhiệm.

Chuyển nhiệm vụ định kỳ hàng quý báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ và Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đo lường, đánh giá hiệu quả, chất lượng (KPI) thực thi nhiệm vụ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Thông tin và Truyền thông đảm nhiệm. Việc báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ bắt đầu từ tháng 9 năm 2019.

Văn phòng Chính phủ tiếp tục tổ chức kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị định số 150/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016, Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/1/2019 và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ tăng cường đôn đốc thực hiện và tổng hợp tình hình, kết quả xây dựng Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.

 

Print
1177 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top