Responsive image

03 Tháng Mười 2024

(Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam): Khoa học với phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt Nam

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam

(ĐCSVN) - Hội nghị khoa học quốc tế 2023 với chủ đề “Khoa học với phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt Nam” là cơ hội để các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm cũng như kiến nghị, đề xuất giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tăng cường sự phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ngày 21/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị khoa học quốc tế 2023 với chủ đề “Khoa học với phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt Nam”. Hội nghị do Viện Khoa học Thể dục Thể thao (TDTT) Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học TDTT Việt Nam tổ chức.

Hội nghị với sự có mặt của hơn 200 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý lĩnh vực TDTT trong nước và quốc tế. Hội nghị thể hiện tầm quan trọng, mức độ quan tâm và vai trò đi đầu của nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm phát triển thể lực, tầm vóc con người, từng bước nâng cao chất lượng giống nòi, tăng tuổi thọ khỏe mạnh, góp phần nâng cao thành tích thể thao và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

 Các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước chia sẻ tại Hội nghị khoa học.

Đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng tiếp tục triển khai Đề án 641 - Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 theo Quyết định số 641/TTg phê duyệt.

Trước đó, ngày 28/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 641/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 (gọi tắt là Đề án 641). Đây là cơ sở quan trọng cho các Bộ, Ngành trong việc triển khai các giải pháp nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam.

Đề án đã xác định rõ mục tiêu: “Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong 20 năm tới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam”. Vì vậy, chính quyền các cấp nói chung, các nhà khoa học TDTT nói riêng cần có những hành động thiết thực, cụ thể hơn nữa nhằm phát triển thể lực, tầm vóc cho thế hệ trẻ.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, Giám đốc Văn phòng Ban điều phối Đề án "Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam” cho biết: Hội nghị với sự tham dự của hơn 200 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý lĩnh vực TDTT trong nước và quốc tế nên đây là cơ hội lớn để trao đổi về thể lực, tầm vóc người Việt Nam cũng như kiến nghị, đề xuất với Ban Chỉ đạo Đề án 641 những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tăng cường sự phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong giai đoạn tới.

Qua đây, hoạt động hợp tác quốc tế đặc biệt cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần tăng cường tiềm lực, nâng cao trình độ nghiên cứu, giải quyết các vấn đề khoa học - công nghệ, phục vụ mục tiêu phát triển thể lực, tầm vóc người dân ở nước ta.

Hội nghị gồm có 3 phiên thảo luận chính: Khoa học Giáo dục thể chất và thể thao trường học; Khoa học Sức khỏe, dinh dưỡng TDTT; Khoa học công nghệ, truyền thông thể thao với sự tham gia báo cáo thuyết trình và tham dự các phiên thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…

 PGS.TS Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, Giám đốc Văn phòng Ban điều phối Đề án "Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam” phát biểu tại Hội nghị.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, các khách mời tham dự đã tham gia thảo luận, học tập kinh nghiệm trong thúc đẩy việc nâng cao thể lực tầm vóc người Việt Nam, đặc biệt đối với thế hệ trẻ trên các phương diện: Giáo dục tại trường học, giải pháp dinh dưỡng, tuyên truyền thay đổi nhận thức, ứng dụng khoa học và công nghệ trong y tế nhằm gia tăng chất lượng khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng… phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; qua đó từng bước nâng cao chất lượng giống nòi, tăng tuổi thọ khỏe mạnh, góp phần nâng cao thành tích thể thao và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Hội nghị cũng đã góp phần lan tỏa ý nghĩa nhân văn “Cùng chung tay vì một thế hệ trẻ Việt Nam khỏe mạnh” trong cộng đồng. Đặc biệt, trong Hội nghị khoa học quốc tế 2023, với xu hướng y học thể thao đang được quan tâm và phát triển, các đại biểu tham dự đã lắng nghe báo cáo “Ứng dụng công nghệ tế bào gốc trung mô trong hỗ trợ điều trị chấn thương trong thể thao” và thảo luận về tiềm năng điều trị chấn thương thể thao bằng phương pháp Tế bào gốc trung mô (MSC) do Viện Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ tế bào Mescells - một trong những đơn vị tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép về nghiên cứu công nghệ, liệu pháp tế bào trong y học tái tạo trình bày.

Báo cáo “Ứng dụng công nghệ tế bào gốc trung mô trong hỗ trợ điều trị chấn thương trong thể thao” do Thạc sĩ Nguyễn Hải Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng Công nghệ tế bào Mescells trình bày đã mang đến cái nhìn tổng quan và mới nhất trong việc ứng dụng công nghệ tế bào gốc trung mô trên toàn thế giới. Các tiêu chuẩn để có được tế bào gốc trung mô chất lượng và cách thức kết hợp đa dạng của loại tế bào gốc này với các liệu pháp y khoa khác giúp người bệnh có cơ hội phục hồi các tổn thương xương khớp mà trước đây khó điều trị được.

Thạc sĩ Nguyễn Hải Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng Công nghệ tế bào Mescells trình bày Báo cáo tại Hội nghị.

Theo Thạc sĩ Hải Nam thông tin, cơ xương khớp là căn bệnh mà gần như 100% con người ai cũng sẽ phải trải qua vì nó liên quan tới vấn đề lão hóa. Có nghĩa càng lớn tuổi, con người càng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới cơ xương khớp. Về bản chất, tế bào gốc là tế bào có chức năng trong chính cơ thể của con người, góp phần làm chậm quá trình lão hóa, tái tạo các mô bị tổn thương. Như vậy, nếu trong cơ thể, tế bào gốc hoạt động tốt thì khả năng lão hóa, đau cơ xương khớp sẽ được giảm đi.

Tuy nhiên, đa phần trong cuộc sống hiện đại, mọi người tác động lên hệ thống cơ xương khớp rất nhiều. Độ tuổi đau cơ xương khớp càng ngày càng trẻ hóa. Bởi vậy, nếu chúng ta ứng dụng được công nghệ tế bào gốc, đưa thêm tế bào gốc tạo ra, có kiểm định vào cơ thể thì giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi. Như vậy, cán cân cân bằng giữa sự hư hại lão hóa và làm mới phục hồi sẽ được cần bằng, từ đó giúp cho bệnh nhân bị đau xương khớp được phục hồi nhanh chóng.

Đặc biệt, đối với các chấn thương thể thao nặng, khó phục hồi sẽ dẫn đến suy giảm phong độ thi đấu của vận động viên và người chơi thể thao, thậm chí đến mức phải nghỉ thi đấu hoặc tật nguyền vĩnh viễn.

"Việc ứng dụng tế bào gốc trung mô trong điều trị có thể giúp người tập luyện thể thao giảm thiểu di chứng của chấn thương, thời gian phục hồi nhanh hơn, sớm quay trở lại chơi thể thao và giữ được phong độ gần mức khả năng trước chấn thương nhất có thể. Phương pháp tiến bộ này được coi là xu hướng mới trong điều trị và phục hồi chấn thương thể thao và ngày càng được ứng dụng rộng rãi" - Thạc sĩ Nguyễn Hải Nam chia sẻ./.

Kha Thoa

Print
418 Rate this article:
5.0

Thư viện ảnh

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Trần Tuấn Hiếu
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: thongtinthethao@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top