NCS Bùi Thị Hiền Lương bảo vệ thành công LATS cấp cơ sở 01 Tháng Tám 2020 Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn đánh giá trình độ tập luyện nữ vận động viên bóng đá cấp cao Việt Nam Sáng ngày 31 tháng 7 năm 2020, NCS Bùi Thị Hiền Lương đã bảo vệ thành công LATS cấp cơ sở với đề tài: “Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn đánh giá trình độ tập luyện nữ vận động viên bóng đá cấp cao Việt Nam”. Tên ngành: Giáo dục học Mã số: 9140101 Hội đồng khoa học đã đưa ra những nhận xét về LATS của NCS Bùi Thị Hiền Lương như sau: 1. Ý nghĩa khoa khọc và tính thực tiễn của luận án: Luận án “Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn đánh giá trình độ tập luyện nữ vận động viên bóng đá cấp cao Việt Nam” thuộc đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng trong lĩnh vực huấn luyện thể thao. Kết quả nghiên cứu của luận án có giá trị thực tiễn và cần thiết trong đánh giá trình độ tập luyện (TĐTL) và nâng cao hiệu quả huấn luyện cho nữ vận động viên (VĐV) bóng đá cấp cao Việt Nam. Đề tài nghiên cứu không trùng lặp với những công trình nghiên cứu đã công bố. Tên đề tài và nội dung nghiên cứu phù hợp Ngành Giáo dục học; Mã số 9140101. Cấu trúc luận án đảm bảo đúng yêu cầu quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Viện Khoa học TDTT đối với một luận án tiến sĩ Giáo dục học. Luận án có khối lượng 141 trang đánh máy khổ A4 không tính phần tài liệu tham khảo và phụ lục, gồm có 3 chương: Chương 1- Tổng quan những vấn đề nghiên cứu; Chương 2 -Đối tượng, phương pháp và tổ chức nghiên cứu; Chương 3 - Kết quả nghiên cứu và bàn luận. Ngoài ra, luận án còn có phần mở đầu, kết luận và kiến nghị. Trong luận án có 44 bảng, 1 biểu đồ, 4 hình, 109 tài liệu tham khảo (trong đó có 15 tài liệu tiếng Nga, 1 tài liệu tiếng Nga) và 3 phụ lục. 2. Đối tượng, khách thể và phương pháp nghiên cứu: Luận án sử dụng 8 phương pháp nghiên cứu để giải quyết các mục tiêu nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu là nội dung, tiêu chuẩn đánh giá trình độ tập luyện của nữ VĐV bóng đá cấp cao Việt Nam. Khách thể nghiên cứu gồm các nữ VĐV bóng đá thuộc ĐTQG và các CLB tham gia thi đấu giải VĐQG, gồm: nhóm kiểm tra sư phạm – 174 nữ VĐV, nhóm kiểm chứng – 130 nữ VĐV; khách thể phỏng vấn gồm 75 chuyên gia, HLV, giảng viên. Việc lựa chọn phương pháp, khách thể nghiên cứu đáp ứng được quá trình kiểm tra thực nghiệm và các số liệu nghiên cứu đạt được độ tin cậy. 3. Kết quả đạt được của luận án: - Phần mở đầu nêu khái quát về huấn luyện thể thao nói chung và vai trò, nội dung kiểm tra đánh TĐTL trong quá trình đào tạo VĐV; một số đặc điểm và hạn chế trong đánh giá TĐTL của nữ VĐV bóng đá; nêu tên một số công trình khoa học có liên quan đến tuyển chọn, kiểm tra đánh giá VĐV bóng đá trẻ… Từ những dẫn chứng trên, tác giả đưa ra tính cấp thiết, mục đích, 3 mục tiêu nghiên cứu, giả thuyết khoa học của luận án. - Phần tổng quan: Luận án đã đưa ra 7 vấn đề lý luận và thực tiễn để làm cơ sở cho nghiên cứu, gồm: Một số khái niệm có liên quan; Đặc điểm và xu thế phát triển của bóng đá hiện đại; Tổng quan một số luận điểm cơ bản về đánh giá trình độ tập luyện của nữ VĐV bóng đá cấp cao; Đặc điểm các yếu tố cấu thành trình độ tập luyện của nữ VĐV bóng đá cấp cao; Khái quát về đặc điểm tâm, sinh lý của nữ VĐV bóng đá cấp cao; Cơ sở lý luận về kiểm tra, đánh giá trình độ tập luyện của nữ VĐV bóng đá cấp cao; Tổng quan một số công trình nghiên cứu có liên quan. Phần tổng quan đã nêu lên được các vấn đề chính có liên quan đến giải quyết các mục tiêu nghiên cứu của luận án. - Phần kết quả nghiên cứu và bàn luận + Thực hiện mục tiêu “Xác định hệ thống tiêu chí đánh giá trình độ tập luyện của nữ VĐV bóng đá cấp cao Việt Nam”, tác giả đã tổng hợp được 32 tiêu chí và thực hiện phỏng vấn HLV, chuyên gia, giảng viên, VĐV (n=75); trên cơ sở đánh giá mức độ cần thiết của các tiêu chí và mức độ đánh giá theo thang đo 4 bậc (rất quan trọng, quan trọng, bình thường và không quan trọng), tác giả lựa chọn được 29 tiêu chí đảm bảo độ tin cậy và tính thông báo, gồm: 3 tiêu chí đánh giá hình thái, 6 tiêu chí đánh giá chức năng sinh lý, 5 tiêu chí đánh giá tâm lý, 8 test đánh giá thể lực và 7 test đánh giá kỹ - chiến thuật. + Thực hiện mục tiêu “Xác định đặc điểm và mối quan hệ giữa các nhóm tiêu chí đánh giá TĐTL của nữ VĐV bóng đá cấp cao Việt Nam”, tác giả tiến hành kiểm nghiệm trong thực tế nhằm xác định đặc điểm diễn biến các tiêu chí đánh giá TĐTL của VĐV trong 12 tháng; kết quả kiểm nghiệm trên các nữ VĐV bóng đá cấp cao thuộc ĐTQG và các CLB BĐ nữ (n=174) theo các vị trí chuyên môn (tiền đạo, tiền vệ, hậu vệ, thủ môn) đã đưa ra các chỉ số đạt được của 5 nhóm tiêu chí và mức độ tăng trưởng sau 12 tháng. Trên cơ sở 5 bước xây dựng tiêu chuẩn đánh giá TĐTL của nữ VĐV bóng đá cấp cao, tác giả tiến hành xác định sự tương quan giữa các tiêu chí và tương quan giữa 5 nhóm tiêu chí với hiệu suất thi đấu theo các vị trí chuyên môn; trên cơ sở đó, tác giả tính tỷ trọng ảnh hưởng của các nhóm tiêu chí nhằm xác nhận bản chất tác động và ảnh hưởng của từng nhóm yếu tố thành phần đã lựa chọn trong quá trình đánh giá TĐTL của nữ VĐV bóng đá cấp cao Việt Nam. + Thực hiện mục tiêu “Xây dựng và ứng dụng tiêu chuẩn đánh giá TĐTL của nữ VĐV bóng đá cấp cao Việt Nam”, tác giả tiến hành kiểm tra các tiêu chí đánh giá TĐTL trong 12 tháng theo 3 mốc thời gian ban đầu, 6 tháng và 12 tháng đối với 174 VĐV và sử dụng kết quả kiểm tra ban đầu và sau 12 tháng để kiểm định tính phân phối chuẩn, xây dựng 8 bảng phân loại, 8 bảng điểm tổng hợp theo từng tiêu chí và 01 bảng điểm tổng hợp có tính đến tỷ trọng ảnh hưởng của các nhóm yếu tố thành phần. Nhằm xác định tính chính xác và hiệu quả của các tiêu chuẩn được xây dựng, tác giả tiến hành so sánh kết quả xếp loại tổng hợp theo các tiêu chuẩn này với xếp loại tổng hợp theo các tiêu chuẩn của các CLB, ĐTQG xây dựng đối với nhóm kiểm chứng (n=130); đồng thời, ứng dụng các tiêu chuẩn trong đánh giá mức độ đạt được sau 12 tháng tập luyện của 25 nữ VĐV được lựa chọn ngẫu nhiên trong nhóm nghiên cứu của luận án. Từ kết quả so sánh, đánh giá, luận án đã xác định tính tin cậy và hiệu quả của các nội dung, tiêu chuẩn đánh giá TĐTL của nữ VĐV bóng đá cấp cao Việt Nam thông qua 29 tiêu chí thuộc 5 nhóm yếu tố thành phần mà luận án đã nghiên cứu lựa chọn. - 2 bài báo thể hiện kết quả nghiên cứu chính của luận án. 4. Các điểm cần bổ sung, sửa chữa: Với những phần nhận xét trên cho thấy nghiên cứu sinh biết vận dụng các phương pháp nghiên cứu để giải quyết các mục tiêu nghiên cứu của luận án. Tuy nhiên còn một số vấn đề tồn tại, cần điều chỉnh, bổ sung và làm rõ sau: - Phần đặt vấn đề cần trình bày logic và khoa học hơn về tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu; chỉ nêu mục tiêu nghiên cứu của luận án, không diễn giải như trong đề cương nghiên cứu; giả thuyết khoa học của luận án cần trình bày cô đọng, không sử dụng nhiều mệnh đề; ví dụ, có thể viết theo “khung giả thuyết” sau: “Từ thực trạng còn hạn chế…, nếu các tiêu chuẩn đánh giá TĐTL… được nghiên cứu xây dựng mang tính… (vd: khoa học, hệ thống, phù hợp… ) sẽ góp phần nâng cao... (vd: hiệu quả, chất lượng… ) quá trình huấn luyện… , góp phần… ” - Phần tổng quan: Tác giả tổng hợp 7 vấn đề từ các tài liệu tham khảo. Nhìn chung nội dung phần tổng quan thể hiện được các nội dung mang tính lý luận và thực tiễn liên quan đến đề tài luận án. Tuy nhiên để có tính logic và khoa học hơn, cần cấu trúc lại các mục và bổ sung một số nội dung sau: + Có thể ghép các mục có cùng nội dung và mở rộng thành mục (vd: mục 1.1) “Cơ sở khoa học về đánh giá TĐTL trong huấn luyện thể thao hiện đại”. Đưa vào các nội dung như: Các khái niệm liên quan đến huấn luyện thể thao hiện đại và trình độ tập luyện; Những luận điểm cơ bản và tầm quan trọng của đánh giá TĐTL trong huấn luyện VĐV cấp cao; Các yếu tố, đặc điểm, nội dung, quy trình đánh giá TĐTL… Những vấn đề này cần tham khảo tài liệu mới về huấn luyện thể thao hiện đại (chưa có trong danh mục tài liệu tham khảo). + Ghép các nội dung có liên quan đến bóng đá nói chung và bóng đá nữ nói riêng để trình bày khoa học hơn với các nội dung: Đặc điểm và xu thế phát triển của bóng đá hiện đại; Đặc trưng môn bóng đá nữ và những đặc điểm cơ bản trong công tác huấn luyện”, nêu một số nét đặc trưng cơ bản của bóng đá nữ để làm rõ những đặc trưng riêng của bóng đá nữ cấp cao so với bóng đá nam (hệ thống đào tạo, huấn luyện; hệ thống thi đấu... ); Những đặc điểm cơ bản trong công tác huấn luyện VĐV bóng đá nữ cấp cao trong giai đoạn hoàn thiện thể thao; Các đặc điểm tâm – sinh lý, xã hội của VĐV bóng đá nữ cấp cao… + Mở rộng mục 1.6 để trình bày đầy đủ về cơ sở lý luận về kiểm tra, đánh giá TĐTL của nữ VĐV bóng đá cấp cao; bổ sung cơ sở thực tiễn về đánh giá TĐTL và các tiêu chuẩn của các CLB, ĐTQG đã xây dựng mà tác giả đã sử dụng để so sánh trong nghiên cứu luận án. - Trình bày cô đọng Chương 2 (chiếm tỷ lệ 25/141 trang); các tham số thường dùng trong toán học thống kê được xử lý bằng các phần mềm (SPSS) nên không cần liệt các công thức; chuyển phương pháp nhân trắc vào phương pháp kiểm tra y sinh học. - Về kết quả nghiên cứu và bàn luận: + Phần 3.1: Điều chỉnh tên mục 3.1.1 cho hợp lý hơn: “Lựa chọn các tiêu chí…”, chuyển cơ sở lý luận về chương tổng quan, chỉ nêu các nguyên tắc lựa chọn; do sử dụng thang đo theo đánh giá 4 mức độ (Rating scale) nên cần trình bày rõ cơ cấu, trình độ CG, HLV; dẫn chứng rõ thuật toán để tính hệ số tương quan (r) để xác định tính thông báo của các tiêu chí, test với hiệu suất thi đấu ở bảng 3.2. + Phần 3.2: Rà soát, sắp xếp các nội dung ở phần này cho logic, khoa học hơn theo các bước xây dựng tiêu chuẩn đánh giá TĐTL; trình bày rõ các mốc thời gian và phương thức tổ chức thực hiện của quá trình theo dõi và kiểm tra các tiêu chí đánh giá TĐTL (ban đầu, 6 tháng và 12 tháng) trong kế hoạch huấn luyện của nữ VĐV bóng đá cấp cao, đặc biệt là đối với các nữ VĐV ĐTQG; trình bày rõ việc sử dụng kết quả kiểm tra các tiêu chí, test ở lần kiểm tra nào để tính sự tương quan giữa các tiêu chí, test ở bảng 3.8 đến 3.11; trình bày thuật toán được sử dụng trong xác định tỷ trọng ảnh hưởng của các nhóm yếu tố thành phần trong đánh giá trình độ tập luyện của nữ VĐV bóng đá cấp cao; cần bổ sung phần bàn luận về tính khoa học trong quy trình xây dựng tiêu chuẩn đánh giá TĐTL của nữ VĐV bóng đá cấp cao. + Phần 3.3: Cấu trúc lại phần này thành 2 mục: mục Xây dựng… và mục Ứng dụng… ; dẫn chứng chương trình huấn luyện giai đoạn hoàn thiện thể thao do Liên Đoàn Bóng đá Việt Nam xây dựng (vì không có trong phụ lục và TLTK) và các tiêu chuẩn của các CLB, ĐTQG mà tác giả đã sử dụng để so sánh với các tiêu chuẩn của luận án xây dựng, đồng thời trình bày rõ các số liệu so sánh trong các bảng 3.43; nội dung bàn luận ở phần này cần trình bày khoa học, mạch lạc để chứng minh đươc kết quả kiểm nghiệm các tiêu chuẩn đánh giá TĐTL của nữ VĐV bóng đá cấp cao trên các khách thể nghiên cứu đảm bảo tính khách quan, trung thực; đặc biệt là khẳng định các tiêu chuẩn do luận án xây dựng có tính mới và phù hợp trong đánh giá TĐTL của nữ VĐV bóng đá cấp cao Việt Nam. - Một số vấn đề cần lưu ý: sửa chữa lỗi in ấn, thuật ngữ chuyên môn, văn phong khoa học; lược bỏ những TLTK đã cũ, không sử dụng và cập nhật, bổ sung các TLTK mới. 5. Kết luận: Từ những kết quả nghiên cứu mà nghiên cứu sinh đã thực hiện, luận án đáp ứng các yêu cầu của một luận án tiến sĩ; tuy còn có những thiếu sót cần phải bổ sung, sửa chữa nhưng không ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu và hàm lượng khoa học của luận án. Đề nghị Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp cơ sở cho phép NCS báo cáo trước Hội đồng. Viện Khoa học Thể dục thể thao tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 Thông báo bảo vệ Luận án Tiến sĩ Print 1167 Rate this article: 1.0
Bộ VHTTDL: Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW với quyết tâm chính trị cao nhất 11 Tháng Mười Hai 2024
Phát triển thể dục, thể thao, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng con người Việt Nam phát triển hài hòa, toàn diện 08 Tháng Mười Hai 2024
Bộ VHTTDL: Tôn vinh các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu nhằm tạo động lực trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị 07 Tháng Mười Hai 2024
3 thành tích thể thao vào đề cử các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024 07 Tháng Mười Hai 2024