Responsive image

20 Tháng Tư 2024

NCS Nguyễn Thị Hồng Liên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Giáo dục học cấp Viện

“Đánh giá hoạt động thể dục thể thao cho mọi người dưới tác động của chính sách phát triển thể dục thể thao”.

Ngày 27/12/2022, NCS Nguyễn Thị Hồng Liên đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Giáo dục học cấp Viện với tên đề tài: “Đánh giá hoạt động thể dục thể thao cho mọi người dưới tác động của chính sách phát triển thể dục thể thao”.

NCS Nguyễn Thị Hồng Liên trình bày LATS của mình trước Hội đồng

Thể dục thể thao là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, góp phần nâng cao thể lực, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, làm phong phú đời sống văn hóa, phát huy tinh thần dân tộc của con người Việt Nam, phục vụ đắc lực cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Với tầm quan trọng của TDTT trong sự nghiệp phát triển chung của đất nước, những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều quan tâm, chỉ đạo phát triển TDTT phù hợp với tình hình mới của đất nước. Minh chứng rõ ràng nhất là việc xây dựng và ban hành các chính sách về phát triển TDTT, tạo khung hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển TDTT rộng khắp từ trung ương tới địa phương. Việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách phát triển TDTT là những nội dung quan trọng của quản lý nhà nước về TDTT.

Hiện nay ở nước ta, phong trào TDTT cho mọi người phát triển rộng rãi và có nhiều chuyển biến rõ rệt, theo hướng đẩy mạnh phát triển TDTT trong từng đối tượng, đặc biệt là học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, nông dân, người cao tuổi. Phong trào TDTT quần chúng trong cả nước diễn ra sôi nổi, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

NCS Nguyễn Thị Hồng Liên cùng hai thầy hướng dẫn khoa học tại buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ 

Các hoạt động TDTT giải trí gắn kết với hoạt động du lịch được tạo điều kiện phát triển ở nhiều địa phương; công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động TDTT quần chúng đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác GDTC và thể thao trong nhà trường đã có những chuyển biến, dần đi vào nề nếp. Phong trào TDTT trong lực lượng vũ trang đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Phong trào TDTT trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có bước phát triển dù còn gặp nhiều khó khăn về thời gian, cơ sở vật chất, sân bãi cho hoạt động TDTT.

Hoạt động TDTT trong lực lượng thanh thiếu niên tiếp tục được đẩy mạnh. Hoạt động TDTT trong đối tượng người cao tuổi được phát triển rộng khắp cả nước, đặc biệt là ở thành phố, thị xã, thị trấn tập luyện TDTT đã trở thành một nhu cầu thiết yếu đối với người cao tuổi, góp phần nâng cao sức khỏe, tuổi thọ, cũng từng bước góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Hoạt động TDTT người khuyết tật được quan tâm, ngày càng phát triển, góp phần động viên, cổ vũ, tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia tập luyện TDTT, hoà nhập với cộng đồng. Công tác xã hội hóa hoạt động TDTT góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các phong trào từ các xã, phường, thị trấn đến làng, bản, thôn, ấp, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Các chính sách phát triển TDTT nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực TDTT cho mọi người nói riêng đã góp phần quan trọng vào việc phát triển sự nghiệp TDTT, nâng cao sức khỏe, tăng cường thể chất của nhân dân.

Đánh giá, phân tích tác động của chính sách đã ban hành trong thực thi chính sách là công việc thường xuyên của nhà quản lý. Tuy nhiên, phân tích chính sách không chỉ là nhu cầu của nhà quản lý, mà còn là nhu cầu của các tổ chức kinh doanh, nhu cầu của nhân dân; vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc đánh giá, phân tích tác động của chính sách là một phần của công tác phản biện xã hội về các chính sách đã ban hành.

Xuất phát từ thực tiễn đó, tác giả đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Đánh giá hoạt động thể dục thể thao cho mọi người dưới tác động của chính sách phát triển thể dục thể thao” và cho rằng đó là một vấn đề cần thiết, làm cơ sở khoa học đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoạch định chính sách phát triển TDTT Việt Nam nói chung, phát triển TDTT cho mọi người nói riêng.

Để đánh giá thực trạng hoạt động TDTT cho mọi người dưới tác động của chính sách TDTT từ thời kỳ đổi mới tới nay luận án tiến hành phân làm 3 giai đoạn (giai đoạn 1986-2000; 2001-2010 và 2011-2020) để thuận tiện cho quá trình tổng hợp đánh giá, đồng thời cũng phù hợp với từng giai đoạn trong các Quy hoạch và Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt.

Dưới tác động của hệ thống chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, ngành, liên ngành các hoạt TDTT, phong trào TDTT cho mọi người đã có sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn quốc, tới mọi đối tượng vùng miền, theo xu hướng tăng dần đều.

Bằng các phương pháp nghiên cứu thường qui, luận án đã hệ thống được 62 văn bản chính sách về TDTT cho mọi người, trong đó: TDTT quần chúng có 31 văn bản và GDTC và thể thao trong nhà trường có 31 văn bản từ giai đoạn đổi mới năm 1986 đến nay. Hệ thống các văn bản chính sách về TDTT cho mọi người đều được đánh giá 100% phù hợp với các yêu cầu của văn bản quy phạm pháp luật quy định.

Đánh giá thực trạng phát triển TDTT cho mọi người dưới tác động của chính sách phát triển TDTT từ năm 1986 đến nay cho thấy nhiều nội dung đạt được kết quả tốt trong cả nước như: số lượng người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên; hệ thống CSVC TDTT, hệ thống chính sách TDTT ngày càng hoàn thiện; công tác GDTC các cấp học có nhiều cải cách đổi mới, tỷ lệ trường đảm bảo chương trình GDTC tăng dần hàng năm và duy trì đạt 100% từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ HS,SV tham gia tập luyện TDTT ngoại khoá, tham gia Hội khỏe phù đổng có bước tăng trưởng cao.

Bên cạnh đó, một số tồn tại, hạn chế được rút ra từ kết quả đánh giá cho thấy hệ thống CSVC hạ tầng TDTT chưa đảm bảo theo nhu cầu, quỹ đất dành cho hoạt động TDTT chưa đạt mức tiêu chuẩn theo quy định, ngân sách dành cho phát triển TDTT còn hạn hẹp; hệ thống chính sách phát triển nguồn lực TDTT, chính sách huy động xã hội hóa TDTT còn nhiều bất cập qua nhiều năm đến nay vẫn chưa được khắc phục... Các đánh giá về thực trạng phát triển TDTT cho mọi người dưới tác động của chính sách phát triển TDTT là cơ sở thực tiễn cho đề xuất định hướng xây dựng, điều chỉnh chính sách phát triển TDTT nói chung, TDTT cho mọi người nói riêng trong thời gian tới. 3. Luận án đã lựa chọn được 49 tiêu chí đánh giá tác động của chính sách phát triển TDTT cho mọi người.

Luận án gồm 132 trang A4: Gồm các phần: Mở đầu (05 trang); Chương 1-Tổng quan vấn đề nghiên cứu (47 trang); Chương 2-Phương pháp tổ chức nghiên cứu (8 trang); Chương 3 - Kết quả nghiên cứu và bàn luận (70 trang); Kết luận và kiến nghị (02 trang). Luận án sử dụng gồm 111 tài liệu, trong đó có 109 tài liệu tiếng Việt, 2 tài liệu tiếng Anh.

Hội đồng chụp ảnh lưu niệm cùng NCS Nguyễn Thị Hồng Liên

Với những kết quả của luận án, Hội đồng nhất trí với 100% thành viên tán thành, đề nghị Viện trưởng Viện khoa học Thể dục thể thao cấp Bằng Tiến sĩ cho  NCS Nguyễn Thị Hồng Liên sau khi đã chỉnh sửa luận án theo Quyết nghị của Hội đồng./.

Print
418 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Trần Hiếu
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: thongtinthethao@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top