Responsive image

19 Tháng Ba 2024

NCS Trần Huy Đức bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Giáo dục học cấp Viện

Ngày 10/2/2022, NCS Trần Huy Đức đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ Giáo dục học cấp Viện với tên đề tài: Nghiên cứu bài tập phát triển sức bền chuyên môn cho vận động viên Bóng đá nữ  U17 quốc gia”. Tên ngành: Giáo dục học;   Mã ngành: 9140101.

NCS Trần Huy Đức được Hội đồng đánh giá cao về chất lượng nghiên cứu luận án 

Thực tế huấn luyện và thi đấu môn Bóng đá nữ Việt Nam cho thấy, các nữ cầu thủ của chúng ta có ưu thế về kỹ thuật nhưng hình thể và thể lực, đặc biệt là sức bền chuyên môn lại chưa theo kịp trình độ kỹ, chiến thuật cũng như còn hạn chế so với các quốc gia có nền Bóng đá nữ phát triển trong khu vực như Thái Lan, Myanma, Indonesia…

Việc xây dựng một nền bóng đá phát triển cần có nền tảng bóng đá trẻ vững chắc. Muốn vậy cần phải khắc phục những điểm yếu của cầu thủ trong quá trình huấn luyện, đặc biệt là vấn đề sức bền chuyên môn của các nữ VĐV bóng đá U17 Việt Nam. Xuất phát từ những lý do trên, tác giả đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu bài tập phát triển sức bền chuyên môn cho vận động viên Bóng đá nữ U17 quốc gia”.

Mục đích nghiên cứu: Thông qua đánh giá thực trạng huấn luyện sức bền chuyên môn và trình độ sức bền chuyên môn của cầu thủ Bóng đá nữ U17 quốc gia, luận án tiến hành lựa chọn và ứng dụng các bài tập phát triển sức bền chuyên môn cho các cầu thủ Bóng đá nữ U17 quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo vận động viên Bóng đá nữ Việt Nam.

Bằng các phương pháp nghiên cứu thường qui, luận án đã xác định được các yếu tố và yêu cầu đặc trưng trong mô hình phát triển sức bền chuyên môn của nữ cầu thủ U17 quốc gia. Để đảm bảo tính khách quan và có cơ sở lựa chọn được những chỉ số đặc trưng phù hợp với cấu trúc, đặc thù của nữ cầu thủ U17 quốc gia, luận án tiến hành nghiên cứu từng yếu tố với các đặc trưng phù hợp với chuyên môn của môn bóng đá, cùng với đó là đánh giá ý nghĩa tác dụng của mỗi yếu tố đặc trưng đó. Sau đó, tiến hành phỏng vấn 26 chuyên gia, nhà khoa học để đánh giá về các yếu tố đặc trưng để phù hợp với chuyên môn của môn bóng đá.

Kết quả, luận án lựa chọn được 5 test và 3 chỉ số y sinh: Cooper test (m); 5x30m Repeated sprint test (s); CMJ (cm); Illinois Agility Test (s); YoYoIE2 (m); VO2 max, (ml/ph/kg); VE (l/min); f (lần/min). Với chỉ số VO2 max bao gồm: Kiểm tra VO2 max trong điều kiện phòng thí nghiệm; Test rê bóng; Test thi đấu nhóm nhỏ. Đồng thời xây dựng được tiêu chuẩn đánh giá sức bền chuyên môn cho vận động viên Bóng đá nữ U17 quốc gia. Công tác huấn luyện sức bền chuyên môn cho VĐV Bóng đá nữ U17 quốc gia còn một số bất cập: Không có sự khác biệt giữa ba vị trí thi đấu; Tỷ lệ đạt loại trung bình còn cao (chiếm từ 51.4% đến 71.4%); Bài tập phát triển sức bền chuyên môn chưa đa dạng, phong phú, ít kết hợp với kỹ thuật và các tố chất thể lực khác.

Luận án đã lựa chọn được 130 bài tập huấn luyện sức bền chuyên môn cho VĐV Bóng đá nữ U17 quốc gia, được phân ra thành 2 nhóm chính đó là: Nhóm bài tập phát triển sức bền chung (19 bài tập); Nhóm bài tập phát triển sức bền chuyên môn (111 bài tập). Ứng dụng các bài tập phát triển sức bền chuyên môn cho VĐV Bóng đá nữ U17 quốc gia trong 1 năm thực nghiệm đã khẳng định tính hiệu quả.

Tại buổi bảo vệ luận án, thành viên Hội đồng và các chuyên gia đã bàn luận và cho rằng: Do đặc thù VĐV nên đề tài không phân chia 2 nhóm thực nghiệm song vẫn đảm bảo tính khách quan đồng đều và khoa học làm tiền đề cho đánh giá chính xác tác động của các bài tập áp dụng cho mỗi đối tượng.

Diễn biến kết quả kiểm tra sư phạm trên 5 test cho các nữ vận động viên bóng đá U17 Việt Nam sau 1 năm tập luyện đã khẳng định sự khác biệt, cũng như có sự tăng trưởng  rõ rệt về kết quả kiểm tra sau 1 năm tập luyện so với thời điểm ban đầu. Do đó, có thể khẳng định được tính hiệu quả trong đánh giá sức bền chuyên môn của nữ VĐV bóng đá U17 Việt Nam thông qua các test và các bài tập thể lực ứng dụng trong quá huấn luyện mà đề tài đã xác định.

Về chỉ số trung bình qua đánh giá và phân tích từng vị trí thi đấu của VĐV qua các giai đoạn thực nghiệm có sự ổn định. Có mối tương quan của mỗi chỉ số VO2 max thông qua test rê bóng được sử dụng để đánh giá sự khác biệt giữa đánh giá tại hiện trường và phòng thí nghiệm.

Cấu trúc Luận án theo đúng quy định và trình bày trong 140 trang A4 gồm: Mở đầu (5 trang); Chương 1: Tổng quan các vấn đề nghiên cứu (56 trang); Chương 2: Đối tượng, phương pháp và tổ chức nghiên cứu (21 trang); Chương 3: Kết quả nghiên cứu và bàn luận (56 trang); phần kết luận và kiến nghị (2 trang). Trong luận án có 32 biểu bảng, 12 biểu đồ và 4 hình. Ngoài ra, luận án đã sử dụng 80 tài liệu tham khảo, trong đó có 25 tài liệu bằng tiếng nước ngoài và phần phụ lục.

Với những kết quả của luận án, Hội đồng nhất trí với 100% thành viên tán thành, đề nghị Viện trưởng Viện khoa học Thể dục thể thao cấp Bằng Tiến sĩ cho  NCS Trần Huy Đức sau khi đã chỉnh sửa luận án theo Quyết nghị của Hội đồng./.

Print
786 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Trần Hiếu
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: thongtinthethao@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top