Nghiệm thu đề tài cấp Bộ: “Đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với phát triển thể dục thể thao” 16 Tháng Giêng 2021 Do Viện Khoa học Thể dục thể thao chủ trì thực hiện Chiều ngày 15/1, tại Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, đã diễn ra buổi nghiệm thu đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Bộ: “Đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với phát triển thể dục thể thao” do PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương làm chủ nhiệm đề tài. Hội đồng nghiệm thu gồm 7 thành viên: Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch TS. Hoàng Đạo Cương - Chủ tịch hội đồng; TS Nguyễn Thế Hùng – Bộ Khoa học công nghệ và môi trường; PGS.TS Ngô Trang Hưng - ủy viên phản biện; TS. Ngô Ích Quân - ủy viên phản biện; PGS.TS Nguyễn Danh Hoàng Việt - ủy viên; TS. Nguyễn Thị Phương Loan - ủy viên; TS. Dương Viết Huy - ủy viên. Có mặt tại Hội đồng hôm nay là 6/7 thành viên, TS. Dương Viết Huy vắng mặt có lý do nhưng đã gửi bản nhận xét về Hội đồng. Năm 2013, một từ khóa mới là “Cách mạng Công nghiệp 4.0” (CMCN) bắt đầu xuất hiện trong một báo cáo của Chính phủ Đức nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Bản chất của CMCN lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy,... Theo ông Klaus Schwab - người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới, tốc độ đột phá của CMCN 4.0 hiện “không có tiền lệ lịch sử” và nó đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Hơn nữa, nó đang phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Và chiều rộng, chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Đối với ngành thể thao, đây là thời điểm bước ngoặt, mang lại nhiều đột phá quan trọng nếu những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 được triển khai và đưa vào ứng dụng hiệu quả. Toàn cảnh buổi bảo vệ Đề tài cấp Bộ của Viện Khoa học TDTT Xuất phát từ lý do đó, Viện Khoa học TDTT và chủ nhiệm đề tài đã lựa chọn vấn đề này để nghiên cứu nhằm: Tìm ra những đặc trưng cơ bản của cuộc CMCN 4.0, những ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 trong các lĩnh vực hoạt động thể dục thể thao; Đánh giá thực trạng về mức độ sẵn sàng, cơ hội, thách thức tham gia cuộc CMCN 4.0 của TDTT Việt Nam, đánh giá các tác động của CMCN 4.0 đến phát triển TDTT Việt Nam; Định hướng ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 trong các lĩnh vực hoạt động TDTT đến năm 2030 và đề xuất giải pháp, chính sách phát triển TDTT Việt Nam trước tác động của CMCN 4.0. Để giải quyết được mục tiêu đề ra, đề tài đã lựa chọn 3 cách tiếp cận: Tiếp cận dưới góc độ công nghệ thông tin; Tiếp cận dưới góc độ quản lý TDTT; Tiếp cận dưới góc độ kinh tế TDTT và sử dụng 5 phương pháp: Phương pháp phân tích và tổng hợp tài liệu; Phương pháp chuyên gia; Phương pháp phân tích SWOT; Phương pháp điều tra; Phương pháp toán học thống kê để giải quyết các vấn đề đặt ra. Theo đánh giá của Hội đồng, toàn bộ đề tài được trình bày trong 135 trang đánh máy khổ A4 (không kể phần danh mục tài liệu tham khảo và phần phụ lục), được cấu trúc thành 2 phần và 3 chương là hợp lý, đảm bảo tính logic và phù hợp với các mục tiêu, nội dung nghiên cứu đặt ra. Việc trình bày theo các chương, mục, tiểu mục trong đề tài là đảm bảo rõ ràng, hợp lý và khoa học. Đề tài đã đề xuất 03 nhóm giải pháp phát triển TDTT Việt Nam trước tác động của CMCN 4.0, đó là: + Nhóm giải pháp về đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò, tác động của CMCN 4.0 từ đó xây dựng chương trình hành động, hoạch định chính sách theo định hướng ứng dụng thành tựu CMCN 4.0. + Nhóm giải pháp về xây dựng và triển khai mô hình hoạt động nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 phù hợp với điều kiện phát triển các đơn vị thuộc Ngành Thể dục thể thao. + Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ TDTT về tri thức khoa học, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, công nghệ thông tin và trình độ ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng các thành tựu CMCN 4.0 trong lĩnh vực TDTT. 03 nhóm giải pháp trên đảm bảo tính khoa học, khả thi và độ tin cậy cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay của Ngành Thể dục thể thao. Về giá trị về lý luận khoa học: Kết quả thực hiện nhiệm vụ đã góp phần bổ sung những cơ sở lý luận về CMCN 4.0 trong lĩnh vực TDTT, là tài liệu tham khảo có giá trị giúp các cán bộ, giảng viên, huấn luyện viên khi nghiên cứu về CMCN 4.0 trong lĩnh vực TDTT. Về giá trị về thực tiễn: Đề tài đã đánh giá mức độ tác động và định hướng ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 trong các lĩnh vực của TDTT đến năm 2030, đồng thời xây dựng lộ trình ứng dụng các công nghệ 4.0 trong lĩnh vực TDTT theo 2 giai đoạn: 2020 - 2025 và 2025 - 2030. Từ đó, đã đề xuất được 03 nhóm giải pháp và 03 nhóm chính sách với nội dung cụ thể rõ ràng để phát triển TDTT một cách mạnh mẽ, hiệu quả trước tác động của CMCN 4.0. Về giá trị và đóng góp của các giải pháp, khuyến nghị, mô hình…: Các giải pháp và chính sách phát triển TDTT Việt Nam trước tác động của CMCN 4.0 là những đề xuất có ý nghĩa quan trọng giúp các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng và thực thi chính sách phát triển TDTT Việt Nam, đồng thời định hướng nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ và sản phẩm của công nghệ 4.0 trong lĩnh vực TDTT. Tuy nhiên, đề tài cũng cần phân tích và làm rõ hơn các công nghệ, cũng như các sản phẩm công nghệ 4.0 trong lĩnh vực TDTT; rà soát và lược bỏ bớt một số đoạn và nội dung trình bày còn trùng lặp trong báo cáo tổng hợp đề tài; Rà soát, chỉnh sửa lại một số lỗi trích dẫn, lỗi in ấn, trình bày. Với những kết quả tích cực sau thời gian nghiên cứu, tập thể tác giả thực hiện đề tài cơ bản đã hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu được phê duyệt, Hội đồng đánh giá nghiệm thu ghi nhận kết quả này với 100% thành viên có mặt tán thành, đạt 480 điểm. Hội động cũng đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học của tập thể đơn vị và tác giả, cũng như sớm đưa kết quả nghiên cứu của đề tài vào ứng dụng trong thực tiễn công tác quản lý, phát triển TDTT trong điều kiện thực tiễn hiện nay sau khi đã chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của các thành viên./. Viện Khoa học Thể dục thể thao tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và Hội nghị cán bộ, viên chức và người lao động năm 2020 DANH SÁCH GIẢNG VIÊN CƠ HỮU VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO Print 1120 Rate this article: 3.0
Bộ VHTTDL: Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW với quyết tâm chính trị cao nhất 11 Tháng Mười Hai 2024
Phát triển thể dục, thể thao, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng con người Việt Nam phát triển hài hòa, toàn diện 08 Tháng Mười Hai 2024
Bộ VHTTDL: Tôn vinh các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu nhằm tạo động lực trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị 07 Tháng Mười Hai 2024
3 thành tích thể thao vào đề cử các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024 07 Tháng Mười Hai 2024