Responsive image

19 Tháng Tư 2024

NCS Lâm Thanh Minh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Viện

“Nghiên cứu lựa chọn bài tập thể chất nâng cao khả năng chú ý có chủ định của trẻ (6 – 9 tuổi) chậm phát triển trí tuệ dạng nhẹ ở thành phố Hồ Chí Minh”

Sáng ngày 02 tháng 02 năm 2021, NCS Lâm Thanh Minh đã bảo vệ thành công LATS cấp Viện với đề tài: “Nghiên cứu lựa chọn bài tập thể chất nâng cao khả năng chú ý có chủ định của trẻ (6 – 9 tuổi) chậm phát triển trí tuệ dạng nhẹ ở thành phố Hồ Chí Minh”

Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cho NCS gồm 07 thành viên do GS.TS Lâm Quang Thành làm Chủ tịch.

NCS Lâm Thanh Minh bảo vệ LATS trước Hội đồng khoa học

Đề tài “Nghiên cứu lựa chọn bài tập thể chất nâng cao khả năng chú ý có chủ định của trẻ (6 – 9 tuổi) chậm phát triển trí tuệ dạng nhẹ ở thành phố Hồ Chí Minh” của nghiên cứu sinh (NCS) Lâm Thanh Minh là một hướng nghiên cứu tích cực và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước theo tinh thần của Quyết định số 23/2006/QĐ-BGDĐT ngày 22/05/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giáo dục dành cho người khuyết tật và tàn tật. Chú ý có chủ định là loại chú ý có mục đích trước đòi hỏi một sự nỗ lực nhất định của bản thân chủ thể và nó có liên quan chặt chẽ với hệ thống tín hiệu thứ hai (lời nói), với ý chí, tình cảm, xu hướng cá nhân. Nhận thức đúng về vấn đề đó tác giả luận án đã sử dụng các bài tập thể chất có định tính tác động vào sự phát triển năng lực chú ý có chủ định góp phần quan trọng giúp trẻ em chậm phát triển trí tuệ (CPTTT) nâng cao được quá trình nhận thức và khả năng hòa nhập xã hội. Chỉ trên cơ sở phát triển sự chú ý trẻ em (CPTTT) mới có được sự “sẵn sàng về tâm lý” cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động trí tuệ, quá trình nhận thức, bởi vì khi có sự tham gia của chú ý thì các hoạt động tâm lý trở nên có hiệu quả hơn.   
Luận án là một công trình nghiên cứu khoa học có nhiều nét mới mẻ, độc đáo và không trùng lặp với các công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đã công bố.

Luận án đã đánh giá được thực trạng khả năng tập trung chú ý có chủ định của trẻ em (6 – 9 tuổi) chậm phát triển trí tuệ thông qua 4 thuộc tính (sự tập trung chú ý, sự bền vững chú ý, sự phân phối chú ý, sự di chuyển chú ý) với 17 tiêu chí đánh giá. Bằng phương pháp phỏng vấn tác giả đã lựa chọn được 6 test để đánh giá thể lực của trẻ CPTTT lứa tuổi 6 – 9 ở các trường chuyên biệt TP.HCM. Tuy nhiên, các test trên chưa được kiểm định tính thông báo. Lựa chọn 22 bài tập thể chất (BTTC) để nâng cao khả năng CYCCĐ của trẻ CPTTT được chia làm 2 nhóm (nhóm 1: 16 bài tập thể dục; nhóm 2: 6 bài tập dạng trò chơi).Tổ chức thực nghiệm các BTTC cho đối tượng thực nghiệm (35 nữ và 40 nam) đã mang lại hiệu quả rõ rệt không những nâng cao khả năng CYCCĐ của trẻ CPTTT ở nhóm thực nghiệm mà còn nâng cao được thể lực của họ so với các bạn đồng lứa ở nhóm đối chứng.

Những ưu điểm của luận án.
    Hệ thống hóa được cơ sở lý luận và thực tiễn về các vấn đề liên quan đến trẻ em chậm phát triển trí tuệ (CPTTTT) như hạn chế về nhận thức, về khả năng chú ý, về kỹ năng vận động, về kỹ năng xã hội, về ngôn ngữ…, từ đó tiếp cận các định hướng lựa chọn các bài tập nhằm nâng cao khả năng CYCCĐ của trẻ.
    Thành công của luận án là đã xây dựng hệ thống gồm 17 tiêu chí (4 thuộc tính) để đánh giá khả năng CYCCĐ của trẻ CPTTT (lứa tuổi 6 – 9) và 6 test đánh giá về sự phát triển thể lực của họ.
    Trong quá trình nghiên cứu, tác giả luận án đã lựa chọn được 22 BTTC thuộc 2 nhóm (nhóm 1: 16 bài tập thể dục; nhóm 2: 6 bài tập dạng trò chơi). Các bài tập được mô tả khá chi tiết từ nội dung, cách thức thực hiện cũng như lượng vận động (phụ lục 5).
    Trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã xây dựng được một hệ thống gồm 6 bài kiểm tra (test) để đánh giá về sự phát triển thể lực của trẻ em (6 – 9 tuổi) CPTTT.
    Điểm nổi bật của luận án là phần bàn luận về kết quả nghiên cứu. Tác giả đã làm rõ được nội hàm của vấn đề nghiên cứu là các BTTC mà phần tổng quan đã đề cập đến nhưng còn sơ sài. Đó là: việc sử dụng các BTTC phù hợp để phát triển trí tuệ của trẻ CPTTT là phương pháp dạy học theo hình thức trực quan, trực tiếp rất cần thiết và phù hợp trong quá trình giáo dục, giáo dưỡng cho trẻ. Chính vì thế mà các BTTC được lựa chọn đã làm cho khả năng CYCCĐ phát triển theo chiều hướng tốt hơn. 
Mục đích nghiên cứu rõ ràng, nhiệm vụ nghiên cứu hợp lý. Kết luận phản ánh đúng nội dung nghiên cứu của luận án. 

Tại buổi bảo vệ tác giả đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các khách mời là chuyên gia trong lĩnh vực TDTT, các nhà quản lý và tổ chức thể thao tại trung ương và địa phương. Đặc biệt, những ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng đã giúp NCS làm sáng tỏ được nhiều vấn đề trong công tác nghiên cứu còn đang thiếu sót.

Tuy còn những hạn chế cần chỉnh sửa song đề tài của NCS được Hội đồng đánh giá là công phu, đủ hàm lượng khoa học, kết cấu các chương, mục rõ ràng đúng quy định của một luận án Tiến sỹ giáo dục học và cần bổ sung nhưng cơ bản luận án đảm bảo đủ hàm lượng khoa học của một công trình nghiên cứu Tiến sỹ; nội dung, hình thức luận án đáp ứng yêu cầu; các bài báo đã công bố và tóm tắt luận án phản ảnh được kết quả nghiên cứu; luận án có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

Với 7/7 phiếu tán thành, Hội đồng khoa học chấm luận án đã chính thức thông qua và đề nghị đơn vị đào tạo là Viện khoa học TDTT công nhận kết quả nghiên cứu và cấp bằng Tiến sỹ cho NCS sau khi chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của Hội đồng./.

 

Print
1344 Rate this article:
4.5

Thư viện ảnh

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Trần Hiếu
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: thongtinthethao@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top