Responsive image

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 09/5

Thông tin báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 09/5

THÔNG TIN BÁO CHÍ

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu bổ sung, miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Cụ thể, tại Quyết định 513/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Phạm Quang Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Tại Quyết định 512/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Đinh Chung Phụng, để nghỉ hưu theo chế độ.

Ông Nguyễn Chí Thành giữ chức Tổng Giám đốc SCIC

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 515/QĐ-TTg bổ nhiệm ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Ông Nguyễn Chí Thành sinh ngày 29/5/1972. Ông có Bằng Thạc sĩ của Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS) Nhật Bản và Bằng cử nhân của Đại học Kinh tế Quốc dân Việt Nam.

Ông khởi nghiệp tại Vụ Quản lý Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tham gia tái cơ cấu nợ nước ngoài và xây dựng chính sách ngoại hối.

Ông bắt đầu làm việc tại SCIC với vai trò Phó Ban Chiến lược vào năm 2006 và được bổ nhiệm là Trưởng Ban Chiến lược từ tháng 11/2008. Từ năm 2010, ông lần lượt giữ các chức vụ Trưởng Ban Quản lý rủi ro, Giám đốc Chi nhánh Phía Nam của SCIC, Trưởng Ban Quản lý vốn đầu tư 3; ngày 30/6/2015, ông được bổ nhiệm là Phó Tổng giám đốc của SCIC; Phó Tổng Giám đốc Phụ trách SCIC từ ngày 1/9/2017.

 

Xử lý phản ánh về tình trạng hụt thu tại các dự án BOT giao thông

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xử lý kịp thời phản ánh của báo chí về tình trạng hụt thu tại các dự án BOT giao thông.

Trước đó, trang tin điện tử báo Đầu tư ngày 26/4/2019 có bài viết "Lo ngại căn bệnh hụt thu tại các dự án BOT giao thông", trong đó phản ánh con số 26/53 dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ đang thu phí hoàn vốn không đảm bảo doanh thu theo phương án tài chính cho thấy bức tranh tổng thể tại các dự án hạ tầng đầu tư theo hình thức PPP đã xuất hiện những gam màu tối, ít nhất là trong con mắt của nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn.

Các dự án BOT bị hụt thu có dấu hiệu lan rộng là vấn đề đáng quan ngại trong hoạt động thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, đánh giá các cơ chế xử lý các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng BOT.

Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xử lý kịp thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch tổ chức sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 (2014 - 2019).

Theo đó, việc tổ chức sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 nhằm đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ của các cơ quan Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; làm rõ những kết quả đạt được, những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp có hiệu quả.

Việc tổ chức sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 phải bảo đảm các yêu cầu: Nội dung sơ kết phải bám sát yêu cầu, nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết số 64/2013/QH13 và Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13, trong đó tập trung đánh giá kết quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về các nội dung của Hiến pháp; việc rà soát, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành; đánh giá việc các cơ quan nhà nước thực hiện điều chỉnh về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với quy định mới của Hiến pháp và việc triển khai các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp trong 5 năm vừa qua; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp có hiệu quả trong thời gian tới.

Nội dung các báo cáo sơ kết của các cơ quan trung ương, các Bộ, ngành và địa phương được tổng hợp chung vào Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Việc sơ kết phải được tiến hành một cách thiết thực, hiệu quả, gắn với quá trình tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và xây dựng các văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Bên cạnh đó, đảm bảo sự tham gia tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị thuộc Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (các cơ quan, bộ, ngành, địa phương) và huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong việc xây dựng dự thảo Báo cáo.

Kế hoạch cũng phân công nhiệm vụ cụ thể và trách nhiệm các cơ quan xây dựng Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 của cơ quan, bộ, ngành, địa phương; xây dựng dự thảo Báo cáo của Chính phủ sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013; xây dựng dự thảo Báo cáo chung về sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến vào các dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013./.

 

 

 

 

Print
1053 Rate this article:
No rating

Please login or register to post comments.

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top