Responsive image

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/11

Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/11

THÔNG TIN BÁO CHÍ

    THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Chế độ, chính sách đối với phạm nhân

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 133/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự. Trong đó, Nghị định quy định rõ chế độ, chính sách đối với phạm nhân.

Theo quy định, phạm nhân được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm: 17 kg gạo tẻ; 15 kg rau xanh; 01 kg thịt lợn; 01 kg cá; 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối; gia vị khác tương đương 0,5 kg gạo tẻ; chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

Lương thực, thực phẩm, chất đốt bảo đảm chất lượng và có mức giá trung bình theo thời giá thị trường tại địa phương.

Chế độ ăn trong các ngày lễ, Tết của phạm nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật và khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Phạm nhân lao động thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật thì định lượng ăn được tăng thêm nhưng tổng mức ăn không quá 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

Căn cứ yêu cầu bảo đảm sức khỏe của phạm nhân trong quá trình giam giữ, lao động, học tập tại nơi chấp hành án Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có thể quyết định hoán đổi định lượng ăn cho phù họp với thực tế để phạm nhân có thể ăn hết tiêu chuẩn.

Ngoài tiêu chuẩn ăn quy định trên, phạm nhân được sử dụng quà, tiền của mình để ăn thêm nhưng không quá 03 lần định lượng ăn trong 01 tháng cho mỗi phạm nhân và phải thông qua hệ thống lưu ký và căn-tin phục vụ sinh hoạt cho phạm nhân của cơ sở giam giữ.

Chế độ chăm sóc y tế

Về chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân, Nghị định quy định phạm nhân khi đến cơ sở giam giữ được y tế của cơ sở giam giữ tổ chức khám, lập phiếu theo dõi sức khỏe. Trong thời gian phạm nhân chấp hành án phạt tù, cơ sở giam giữ phạm nhân căn cứ vào điều kiện, thời gian chấp hành án phạt tù của phạm nhân và tình hình cụ thể của mình phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp huyện hoặc bệnh viện Công an, bệnh viện Quân đội nơi có cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức khám sức khỏe tổng quát cho phạm nhân định kỳ ít nhất 02 năm/lần.

Phạm nhân khi đến cơ sở giam giữ, bị bệnh, bị thương tích được khám bệnh, chữa bệnh và điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở giam giữ phạm nhân. Trường hợp phạm nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định trích xuất đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên là tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh, bệnh viện cấp quân khu để điều trị. Trường hợp vượt quá khả năng điều trị của bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện cấp quân khu thì theo chỉ định của Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân báo cáo Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an (đối với trại giam do Bộ Công an quản lý), Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng (đối với trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý) xem xét, quyết định việc điều trị tiếp theo; đồng thời phải thông báo cho thân nhân hoặc đại diện của phạm nhân đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị. Chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng cho phạm nhân điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài cơ sở giam giữ phạm nhân do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định.

Tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho phạm nhân được cấp tương đương 3 kg gạo tẻ/phạm nhân/tháng.

Chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con nhỏ

Nghị định cũng quy định cụ thể chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi và chế độ đối với trẻ em ở cùng mẹ trong trại giam.

Cụ thể, phạm nhân nữ trong thời gian mang thai, nghỉ sinh con hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong cơ sở giam giữ phạm nhân thì tổng định lượng ăn bằng 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường so với định lượng quy định trên và được hoán đổi theo chỉ định của y sĩ hoặc bác sĩ; phạm nhân nữ sinh con trong trại giam được cấp các đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh tương đương 01 tháng định lượng ăn của trẻ em là con phạm nhân. Trường hợp phạm nhân nữ có thai không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu 03 m2/phạm nhân, được giảm thời gian lao động và được chăm sóc y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Chế độ ăn của trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ phạm nhân được hưởng như đối với trẻ em dưới 04 tuổi tại cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành; ngày lễ, Tết theo quy định của pháp luật trẻ em được hưởng chế độ ăn bằng 05 lần ngày thường, ngày Quốc tế Thiếu nhi (ngày 1/6 dương lịch), Tết Trung thu (ngày 15/8 âm lịch) được hưởng chế độ ăn bằng 02 lần ngày thường. Mỗi tháng được cấp sữa và đồ dùng sinh hoạt cần thiết trị giá tương đương 20 kg gạo tẻ/trẻ em. Căn cứ vào lứa tuổi của trẻ và điều kiện thực tế, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân hoán đổi định lượng chế độ ăn cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em ở cùng mẹ trong trại giam hoặc quy đổi thành tiền và gửi lưu ký để mẹ trẻ em sử dụng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng.

Trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ phạm nhân được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc y tế, khám chữa bệnh theo quy định của Luật Trẻ em và Luật Bảo hiểm y tế.

Hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu gạo vào EU

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đánh giá, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu gạo vào Liên minh châu Âu (EU).

Trước đó, ngày 4/11/2020, Báo điện tử Sài Gòn Giải Phóng có bài viết "Xuất khẩu gạo vào EU chỉ bằng 1/6 so với Thái Lan", trong đó phản ánh: So với các nước ASEAN, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 của Thái Lan, 1/10 của Myanmar, 1/4 của Campuchia. Tổng nhu cầu gạo hàng năm của EU là 2,3 triệu tấn gạo, giá trị năm 2019 là 1,4 tỷ euro. Gạo là mặt hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU khi mở rộng được hạn ngạch.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đánh giá, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu gạo vào EU tận dụng lợi thế, ưu đãi của EVFTA.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, linh kiện phụ tùng ô tô

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu, đánh giá và có giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, nhất là linh kiện, phụ tùng ô tô.

Trước đó, báo điện tử Tiền phong ngày 4/11/2020 có đưa thông tin: Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, xe sản xuất tại Thái Lan, Indonesia chỉ có khoảng 10% linh kiện nhập khẩu, trong khi xe lắp ráp ở Việt Nam phải nhập trên 80% linh kiện. Chi phí nhập khẩu linh kiện đắt đỏ dẫn đến chi phí sản xuất, lắp ráp xe trong nước cao hơn so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN khoảng 10-20%.

Về thông tin nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu, đánh giá và có giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, nhất là linh kiện, phụ tùng ô tô./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Print
706 Rate this article:
No rating

Please login or register to post comments.

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top