Làm sao để trẻ em biết bơi? 15 Tháng Mười Một 2020 www.tdtt.gov.vn Đó là chủ đề Chương trình Tọa đàm do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Tổng cục Thể dục Thể thao tổ chức chiều 13/11 tại Văn phòng Quốc hội, 22 Hùng Vương, Hà Nội. Các đại biểu, khách mời chụp ảnh lưu niệm tại buổi Tọa đàm (Ảnh:TA) Tới dự và tham gia chương trình Tọa đàm có: Đại biểu quốc hội (ĐBQH) Hoàng Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình; Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục, Thể thao; Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tọa đàm đã phản ánh rõ nét thông điệp đến gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm về công tác phổ cập bơi, phòng chống đuối nước của trẻ; góp phần bảo vệ trẻ an toàn hơn trong cuộc sống hôm nay. Những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã có những chuyển biến tích cực. Trẻ em được đảm bảo sự an toàn trong môi trường gia đình và nhà trường; được bảo vệ trước những nguy cơ rình rập từ điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội thay đổi; được cải thiện cuộc sống, học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích còn nhiều, nhất là tai nạn đuối nước vẫn diễn biến phức tạp, cần sự quan tâm của toàn xã hội. Nhằm tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, năm 2016, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em; ngày 5/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020. Song theo đánh giá qua 4 năm triển khai thực hiện Quyết định, tình trạng đuối nước trẻ em ở nước ta vẫn còn ở ngưỡng cao, rất đáng lo ngại. Đơn cử như mùa hè 2020 nhiều vụ tử vong do đuối nước đã liên tiếp xảy ra như: Ngày 10 tháng 5, hai trẻ em có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội đi du lịch cùng gia đình đã bị đuối nước dẫn đến tử vong khi tắm biển tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Cũng trong tháng 5, xảy ra vụ đuối nước khiến 3 em nhỏ tử vong tại Nghệ An, trong đó có 2 chị em ruột trong một gia đình. Tiếp đó, ngày 21 tháng 5, tại khu vực bãi tắm Tuần Châu cũng đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm dẫn đến tử vong đối với 2 học sinh hệ tại chức của tỉnh… Tai nạn đuối nước trẻ em trở thành nỗi ám ảnh, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình và xã hội. Toàn cảnh buổi Tọa đàm diễn ra tại Văn phòng Quốc hội chiều 13/11 (Ảnh:TA) Trao đổi tại Tọa đàm, các đại biểu nhấn mạnh đến nguyên nhân tình trạng đuối nước ở trẻ em; những hạn chế trong công tác phổ cập bơi, phòng chống đuối nước; sự nhận thức chưa sâu sắc về công tác này trong gia đình, nhà trường, xã hội; những hạn chế về cơ chế chính sách, về hệ thống cơ sở vật chất và truyền thông đại chúng… ĐBQH Hoàng Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước là do trẻ em chưa biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; do thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn đối với trẻ em khi sống trong môi trường không an toàn; do thiên tai bão lũ; do trẻ em chưa thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông đường thủy;….Vì vậy, công tác phòng, chống đuối nước là trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội, trong đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng chống tai nạn, thương tích và đuối nước trẻ em, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác lý nhà nước về các hoạt động bơi lặn; phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ ngành, đoàn thể liên quan triển khai công tác phổ cập bơi và hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Phát huy vai trò trách nhiệm của các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, ngày 13 tháng 12 năm 2017, 09 cơ quan bao gồm: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành và triển khai Kế hoạch liên ngành số 785 về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2017-2020. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, mỗi Bộ, ngành, đoàn thể nêu trên đã triển khai tích cực các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, góp phần giảm thiểu tình trạng đuối nước trẻ em trong những năm qua. Là ngành trực tiếp chỉ đạo triển khai các chương trình về bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em, ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục, Thể thao thẳng thắn chia sẻ: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành liên quan chỉ đạo 63/63 tỉnh, thành xây dựng và triển khai kế hoạch, đề án Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước hoặc triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em trên địa bàn. Các cấp chính quyền, nhà trường, các cơ sở, doanh nghiệp đã đầu tư mạnh dần về cơ sở vật chất, bể bơi và đẩy mạnh phong trào phổ cập bơi cho trẻ em… Cụ thể, ngành thể thao đã tổ chức tổ chức 38 lớp tập huấn cho khoảng 4.134 học viên, các địa phương tổ chức gần 3.000 lớp cho hơn 50.000 lượt học viên là công chức, viên chức, cộng tác viên, hướng dẫn viên của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các ngành, đoàn thể liên quan. Các địa phương tổ chức được 56.298 lớp dạy bơi; số trẻ em tham gia học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước là trên 5.000.000 em; xây dựng mô hình “trẻ em toàn xã biết bơi” tại 701 xã, phường, thị trấn; “học sinh toàn trường biết bơi” tại 753 trường học. Chỉ đạo các tỉnh/thành, đơn vị, trường học vận động các nguồn lực, lắp đặt các loại hình bể bơi, hồ bơi phục vụ nhu cầu cấp bách phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra để các cơ sở, bể bơi tổ chức dạy bơi đảm bảo về mật độ, có huấn luyện viên, hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ và đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn cho người tham gia bơi lặn, vui chơi giải trí dưới nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tại các địa phương ở đâu đó vẫn chưa quyết liệt. Trước đây, chúng tôi đã có kế hoạch triển khai dự án xã hội hóa liên quan đến lắp đặt hệ thống bể bơi để giúp cho việc phổ cập bơi nhưng gặp nhiều khó khăn dẫn tới triển khai không hiệu quả. Nói về khó khăn trong công tác phòng chống đuối nước trong nhà trường, nhiều ý kiến cho rằng, đây không chỉ là trách nhiệm thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo mà còn là của mỗi gia đình và toàn xã hội. Phó TBT Báo đại biểu Nhân Dân - ông Nguyễn Quốc Thắng nhấn mạnh: Theo tính toán, tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao. Điều này đã ảnh hưởng đến quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền sống trong môi trường an toàn của trẻ. Trong bối cảnh đó, công tác phòng chống đuối nước tại Việt Nam vẫn còn những thách thức không nhỏ. Đó là tình trạng nhận thức của gia đình, cộng đồng xã hội với nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em ở các địa phương còn rất hạn chế. Sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, những người chăm sóc trẻ đặc biệt là vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn chưa được quan tâm. Ở các cơ sở giáo dục hay các địa phương thiếu hướng dẫn viên dạy bơi, thiếu cơ sở vật chất để phục vụ cho việc học bơi. Kỹ năng của các em trong phòng ngừa, bảo vệ mình với các nguy cơ, trong đó có nguy cơ tai nạn đuối nước còn thấp, trong khi môi trường sống lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng đề ra nhiều giải pháp triển khai Chương trình cho giai đoạn 2021- 2030 từ góc độ quy định pháp luật đến các giải pháp về quản lý và thực tiễn thực hiện. Qua đó, giúp việc triển khai Chương trình phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đảm bảo an toàn, nâng cao sức khỏe và phòng chữa một số bệnh tật cho trẻ em, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực thế hệ trẻ Việt Nam./. Xuân Nhi Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 10/11 Y học thể thao: Góp phần không nhỏ vào thành công của Thể thao Việt Nam Print 604 Rate this article: No rating Please login or register to post comments.
Viện khoa học TDTT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 26 Tháng Mười Hai 2024
Viện Khoa học TDTT tổ chức gặp mặt, tri ân nhân Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 18 Tháng Mười Một 2024