Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/11 27 Tháng Mười Một 2020 Thông tin báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 26/11 THÔNG TIN BÁO CHÍ THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Trong đó, Nghị định quy định rõ về điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với: cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới. Theo quy định, đối với khu dân cư phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau: 1- Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; 2- Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; 3- Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 4- Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ. Điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy trên phải được Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Điều kiện an toàn đối với phương tiện giao thông Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ ngồi trở lên phải bảo đảm điều kiện hoạt động đã được kiểm định; vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy. Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên 9 chỗ ngồi, phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt phải bảo đảm các điều kiện sau: 1- Có nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; 2- Hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy; 3- Có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; 4- Có quy định, phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ. Đối với phương tiện giao thông cơ giới khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trên đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt phải có Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ do cơ quan Công an cấp theo quy định của pháp luật về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt (trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng) và phải bảo đảm, duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy sau: 1- Các điều kiện theo quy định ở trên; 2- Động cơ của phương tiện phải được cách ly với khoang chứa hàng bằng vật liệu không cháy hoặc buồng (khoang) đệm theo quy định; 3- Ống xả của động cơ phải được che chắn, bảo đảm an toàn về cháy, nổ; 4- Sàn, kết cấu của khoang chứa hàng và các khu vực khác của phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm cháy, nổ phải làm bằng vật liệu không cháy; 5- Các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; 6- Phải có dây tiếp đất khi phương tiện giao thông đường bộ vận chuyển chất lỏng nguy hiểm về cháy, nổ; 7- Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải có biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ ở kính phía trước; phương tiện giao thông đường sắt phải có biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ ở hai bên thành phương tiện trong suốt quá trình vận chuyển; 8- Phương tiện thủy nội địa, ban ngày phải cắm cờ báo hiệu chữ “B”, ban đêm phải có đèn báo hiệu phát sáng màu đỏ trong suốt quá trình vận chuyển. Quy cách, tiêu chuẩn cờ, đèn báo hiệu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Tổ chức lại Cục Y tế Giao thông vận tải Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định tổ chức lại Cục Y tế Giao thông vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải. Cụ thể, chuyển nguyên trạng 16 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng thuộc Cục Y tế Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải về các địa phương để quản lý. Tổ chức lại Cục Y tế Giao thông vận tải (gồm 5 tổ chức tham mưu giúp việc Cục trưởng và 3 trung tâm: Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Giao thông vận tải, Trung tâm Giám định y khoa Giao thông vận tải, Trung tâm dạy nghề y tế Giao thông vận tải) để thành lập Trung tâm Y tế - Môi trường lao động Giao thông vận tải. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/2/2017 của Chính phủ; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập Trung tâm Y tế - Môi trường lao động Giao thông vận tải trên cơ sở tổ chức lại Cục Y tế Giao thông vận tải; sửa đổi, bổ sung Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 9/1/2018 và Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 3/2/2016. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi có trụ sở của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng thuộc Cục Y tế Giao thông vận tải được điều chuyển về địa phương quản lý) và các cơ quan có liên quan thực hiện việc bàn giao nguyên trạng 16 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng thuộc Cục Y tế Giao thông vận tải về địa phương quản lý. Quyết định nêu rõ: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi có trụ sở của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng thuộc Cục Y tế Giao thông vận tải được điều chuyển về địa phương quản lý) tiếp nhận nguyên trạng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng thuộc Cục Y tế Giao thông vận tải có trụ sở trên địa bàn để quản lý theo quy định. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính thực hiện việc điều chuyển biên chế viên chức, bàn giao tài chính, tài sản, trụ sở của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng thuộc Cục Y tế Giao thông vận tải về địa phương quản lý theo quy định; rà soát, sắp xếp lại, bố trí sử dụng nhà, đất và các tài sản khác theo tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định của pháp luật. Xuất cấp gạo cho Bắc Kạn để thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 4.482,9 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Bắc Kạn để thực hiện công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng trong thời gian 4 năm (từ năm 2020 đến năm 2023). Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo. UBND tỉnh Bắc Kạn xác định đúng đối tượng, thời gian hỗ trợ theo quy định của pháp luật; hỗ trợ kịp thời, không trùng lặp với các chính sách hỗ trợ khác trên địa bàn; hàng năm báo cáo cấp có thẩm quyền tác động của việc hỗ trợ gạo đến công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Bộ Tài chính phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn thống nhất số lượng gạo xuất cấp hàng năm phù hợp nhu cầu thực tế, bảo đảm tổng số lượng gạo xuất cấp không vượt quá số lượng gạo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. ACV là đơn vị thực hiện đầu tư mở rộng CHK Điện Biên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thống nhất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về các dự án Cảng hàng không: Điện Biên, Phan Thiết và Nhà ga T3 - Tân Sơn Nhất. Cụ thể, đối với dự án Cảng hàng không Điện Biên, Phó Thủ tướng kết luận: Tại Thông báo số 274/TB-VPCP ngày 02/8/2019 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao ACV triển khai đầu tư; trong đó, làm rõ thuận lợi, khó khăn và phương án triển khai. Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã tính toán các phương án và kiến nghị phương án giao ACV đầu tư toàn bộ Khu bay và Khu hàng không dân dụng bằng nguồn vốn doanh nghiệp trên cơ sở đất sạch được Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên thực hiện công tác giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn của tỉnh, bàn giao đất cho Cảng vụ hàng không để triển khai các thủ tục giao đất, thuê đất cho ACV triển khai dự án. Hiện nay, ACV đang quản lý, khai thác 21 cảng hàng không trên toàn quốc, trong đó có Cảng hàng không Điện Biên. ACV có trách nhiệm tính toán hiệu quả khai thác tổng thể hệ thống cảng hàng không, thực hiện đầu tư, quản lý bảo đảm lợi ích cao nhất. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, ACV là doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, thống nhất giao ACV thực hiện đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung, bảo đảm quốc phòng - an ninh, hiệu quả tổng thể của hệ thống hạ tầng hàng không do ACV quản lý. ACV có trách nhiệm lập dự án đầu tư và trình phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về hàng không dân dụng, pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật có liên quan. Dự kiến Quý II/2021 khởi công Dự án xây dựng Nhà ga T3 CHK Tân Sơn Nhất Đối với Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tại Quyết định số 657/QĐ-TTg ngày 19/5/2020, với mục tiêu phân chia sản lượng khai thác giữa Cảng hàng không Long Thành và Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, giảm tải cho nhà ga T1. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, ACV khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để khởi công Dự án đúng kế hoạch (dự kiến Quý II năm 2021). Căn cứ Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02/12/2019 của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng kỳ cuối (2016 - 2020), quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất Thành phố Hồ Chí Minh kỳ cuối (2016 - 2020) đối với khu đất xây dựng Nhà ga hành khách T3 theo đúng quy định của pháp luật về đất đai. Sau khi có điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng và trình cấp có thẩm quyền Phương án xử lý sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với khu đất nêu trên để bàn giao cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quản lý theo quy định pháp luật về sắp xếp, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ. Sau khi được bàn giao, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành giao đất theo quy định của Luật Đất đai, Luật hàng không dân dụng và các quy định liên quan. Đối với Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8297/VPCP-CN ngày 03/10/2020, khẩn trương làm rõ điều kiện chuyển tiếp của Dự án và hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận triển khai Dự án theo đúng thẩm quyền, đúng pháp luật. Lạng Sơn phấn đấu giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn Tỉnh Lạng Sơn phấn đấu phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, góp phần thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách so với vùng phát triển. Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn. Thông báo nêu rõ, trong nhiệm kỳ vừa qua tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế, đổi mới, sáng tạo, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đã thực hiện đạt và vượt 18 trong tổng số 20 chỉ tiêu chủ yếu của giai đoạn 2016 - 2020; tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn tới và đóng góp vào kết quả chung của cả nước. Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh phát triển chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy đã được đầu tư xây dựng đáng kể, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, việc huy động nguồn lực từ cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh còn thấp so với vùng miền núi phía Bắc và mặt bằng chung của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững;... Để đạt được mục tiêu phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, tỉnh Lạng Sơn cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, tập trung thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa bằng hành động Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, ban hành Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành hoặc Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2020 - 2025. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm là Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (theo Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 và Nghị quyết 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội) trên địa bàn tỉnh, phấn đấu thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu sau: - Phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, góp phần thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách so với vùng phát triển. - Khắc phục những hạn chế, bất cập của chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra trong báo cáo tổng kết chính sách giai đoạn 2016-2019. Tăng cường niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước; bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Tỉnh Lạng Sơn cũng cần khẩn trương củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực của Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc huyện, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới; trọng tâm là quản lý, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên. Trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc và chính sách dân tộc, cần kiên trì, kiên quyết thực hiện các nguyên tắc lớn là: Đại đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển; chăm lo phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị. Là một tỉnh miền núi biên giới, Lạng Sơn cần xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng”. Phải chủ động ngăn chặn từ xa các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết dân tộc thông qua “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo. Tổ chức Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam bảo đảm an toàn, tiết kiệm, hiệu quả Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp về công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II. Phó Thủ tướng hoan nghênh Ủy ban Dân tộc và các bộ, cơ quan đã tích cực, chủ động, khẩn trương thực hiện các công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội bảo đảm an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Trong tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, thời tiết đang chuyển dần sang mùa đông, nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp tăng cao, yêu cầu các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Đại hội, Ban Tổ chức Đại hội và các Tiểu ban giúp việc tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, xây dựng các phương án, kịch bản sẵn sàng ứng phó các tình huống xảy ra, không chủ quan, lơ là, quyết tâm tổ chức Đại hội chu đáo, tuyệt đối an ninh, an toàn, thành công rực rỡ, hòa chung với không khí phấn khởi của cả nước tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phó Thủ tướng giao Ủy ban Dân tộc tiếp tục bám sát, cập nhật các chủ trương, chỉ đạo mới nhất của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sớm hoàn thiện Báo cáo chính trị, tài liệu liên quan; lưu ý bổ sung công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/ 2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Phó Thủ tướng cơ bản nhất trí với nội dung, chương trình và các hoạt động chính của Đại hội. Giao Ủy ban Dân tộc khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư, xây dựng chương trình, kịch bản chi tiết. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc với đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng bào ta đã không quản khó khăn, tập trung về đây để thể hiện niềm tin đối với Đảng và Nhà nước, quyết tâm đóng góp sức lực vì công cuộc phát triển đất nước. Phó Thủ tướng giao Ủy ban Dân tộc, các Bộ: Công an, Quốc phòng, Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiêm túc triển khai nhiệm vụ được giao, huy động lực lượng thực hiện tốt công tác hậu cần, lễ tân, khánh tiết, y tế, phòng chống dịch bệnh, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy; tổ chức chương trình văn nghệ “Vững mãi niềm tin theo Đảng” trong Hội trường; chỉ đạo, định hướng đúng công tác tuyên truyền để thể hiện nền văn hóa, khối đại đoàn kết toàn dân tộc thống nhất trong đa dạng, đậm đà bản sắc, văn hiến lâu đời, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn; biểu dương, khen thưởng những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc, góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh. Giải quyết phản ánh về phát triển điện mặt trời áp mái tại Tây Nguyên Báo Tiền phong ngày 11/11/2020 có phản ánh: Tại Tây Nguyên, điện năng lượng mặt trời áp mái nhà dưới 1MW được triển khai tràn lan, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ đã chuyển phản ánh trên của Báo Tiền phong đến Bộ Công Thương để chỉ đạo, giải quyết./. Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 25/11 KẾ HOẠCH XÉT TUYỂN NGHIÊN CỨU SINH NĂM 2020 Print 877 Rate this article: No rating Please login or register to post comments.
Việt Nam – Trung Quốc tăng cường hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học TDTT 06 Tháng Chín 2024
Hội nghị sơ kết 06 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 06 tháng cuối năm 2024 của Viện Khoa học TDTT 28 Tháng Sáu 2024