Responsive image

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 07/4

Thông cáo báo chí hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 07/4

 

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chúc Tết Chôl Chnăm Thmây tại Vĩnh Long

Ngày 7/4, tại tỉnh Vĩnh Long, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến thăm và chúc Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long và sư sãi chùa Hạnh Phúc Tăng.

Nói chuyện thân mật với thầy cô và các em học sinh dân tộc Khmer tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, trong những năm qua, Nhà nước đã huy động nhiều nguồn lực khác nhau, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục và đào tạo. Đến nay, mạng lưới, quy mô trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em đồng bào các dân tộc trong độ tuổi đến trường.

Bày tỏ vui mừng khi nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, sạch đẹp, bảo đảm các điều kiện dạy và học, Phó Thủ tướng đề nghị nhà trường đẩy mạnh cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức…

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo địa phương và của ngành giáo dục Vĩnh Long cũng như những kết quả đạt được của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để con em người dân tộc thiểu số của tỉnh có điều kiện học tập tốt để vươn xa hơn, thực hiện tốt mục tiêu phát triển bình đẳng giữa các dân tộc anh em.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực mong muốn ngành giáo dục và đào tạo Vĩnh Long, trong đó có Trường Phổ thông Dân tộc nội trú cần tập trung phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện tốt việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, trước mắt là chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Quan tâm giáo dục toàn diện học sinh, nhất là dạy chữ và dạy làm người. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên có phẩm chất chính trị tốt, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, vừa có tâm vừa có tầm, dám nghĩ, dám làm và chịu trách nhiệm nhằm tổ chức, quản lý tốt các mặt hoạt động của trường. Đặc biệt, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để mỗi thầy cô giáo là tấm gương mẫu mực về đạo đức, trách nhiệm.

Đến thăm các chư tăng chùa Hạnh Phúc Tăng (tỉnh Vĩnh Long), Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long và bà con đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, chế độ đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc Khmer được tiếp tục đầu tư, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong vùng đồng bào dân tộc Khmer được phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên. Các công trình hạ tầng về giao thông, điện, nước sạch, môi trường... được quan tâm đầu tư; tình hình an ninh, chính trị ổn định; hệ thống chính trị trong vùng dân tộc Khmer không ngừng được củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Hiện nay, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer tăng dần hàng năm cả về số lượng và chất lượng. Truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo được phát huy; hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước có nhiều mặt tiến bộ, nhưng vẫn còn một số khó khăn, bất cập cần được quan tâm hơn nữa, nhất là công tác Phật sự và công tác giảng dạy, học tập thuộc hệ thống giáo dục, đào tạo của Phật giáo Nam tông Khmer…

Nhân buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình mong muốn toàn thể đồng bào Phật tử, các vị chư tăng là người dân tộc Khmer tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết; thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao tinh thần tự lực vươn lên, quyết tâm vượt khó để mọi người, mọi nhà đều có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới; ra sức học tập nâng cao trình độ về mọi mặt để rút ngắn khoảng cách với cả nước; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày càng phong phú; nâng cao ý thức cảnh giác, góp phần giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; các vị chức sắc, chức việc Phật giáo Nam tông Khmer làm tốt công tác Phật sự và xây dựng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước ngày càng vững mạnh.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, từ nay đến ngày diễn ra Tết Chôl Chnăm Thmây (14-16/4), các cấp chính quyền trong tỉnh có kế hoạch thăm hỏi, động viên, kịp thời giúp đỡ các hộ Khmer nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trọn vẹn Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây trong không khí yên vui, đầm ấm, để không một người dân, một gia đình đồng bào Khmer nào không có Tết.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng ôn lại những đóng góp to lớn của các chư tăng, sư sãi và đồng bào Khmer đã có nhiều công lao cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến thăm, chúc Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2019 của đồng bào Khmer Nam Bộ tại tỉnh Trà Vinh và TP Hồ Chí Minh; thăm Đại học Trà Vinh.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao quyết định công nhận Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Ngày 7/4, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định số 269/QĐ-TTg ngày 8/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ  đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia đã tới dự và trao Quyết định cho lãnh đạo thành phố Hòa Bình.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình biểu dương đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hòa Bình trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới có những cách làm sáng tạo, khơi dậy sức dân để về đích trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hòa Bình lần thứ 22, nhiệm kỳ 2015-2020, tạo động lực phát triển toàn diện kinh tế- xã hội. UBND tỉnh yêu cầu các xã sau khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ tiến hành xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, có sản phẩm hàng hóa chủ lực có sức cạnh tranh cao.

Đồng chí Quách Tùng Dương, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hòa Bình cho biết: Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, phát huy nội lực thành phố, sau 8 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn bộ 7/7 xã thuộc thành phố gồm Dân Chủ, Thống Nhất, Sủ Ngòi, Hòa Bình, Yên Mông, Thái Thịnh, Trung Minh được UBND tỉnh công nhận đạt danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có xã Thái Thịnh thuộc vùng hồ Hòa Bình đặc biệt khó khăn về cơ sở hạ tầng và không có đồng ruộng.

Để đạt kết quả này, thành phố đã tập trung thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ khâu quy hoạch, thực hiện quy hoạch, huy động nguồn lực, đến thực hiện các tiêu chí, ưu tiên đầu tư cho các xã khó khăn, đặc biệt tập trung đầu tư xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm. Tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố trong 8 năm thực hiện trên 800 tỷ đồng;… Đến nay, hệ thống giao thông tại 7/7 xã trên địa bàn thành phố được bê tông hóa; 100% xã có hạ tầng, hệ thống thủy lợi, điện, nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn; 7/7 xã có nhà văn hóa và khu thể thao xã, 58/58 xóm có nhà văn hóa, khu thể thao đảm bảo theo quy định.

Bài học kinh nghiệm rút ra là thành phố Hòa Bình chủ động lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng trên cùng một địa bàn; coi trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt đối với các thiết chế văn hóa. Trong phát triển sản xuất, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển vùng sản xuất rau tập trung, phát triển nuôi trồng thủy sản.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thành phố Hòa Bình chuyển đổi mạnh cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm. Các xã đã lập các dự án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân dựa trên tiềm năng và lợi thế của mỗi địa phương, dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tạo ra sản phẩm lợi thế, đặc sản vùng như dự án chăn nuôi bò, dự án phát triển sản xuất rau màu, trồng nấm Linh Chi, trồng ổi, nhãn, nuôi cá lồng vùng lòng hồ…

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố đạt 57 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,31%, 91% lao động khu vực nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định. Thành phố không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 10 tập thể và 20 cá nhân của thành phố Hòa Bình đạt thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

* Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đến kiểm tra và dự lễ hợp long công trình cầu Hòa Bình 3. Đây là dự án trọng điểm của thành phố Hòa Bình được khởi công vào năm 2016 với tổng mức đầu tư gần 435 tỷ đồng. Cầu Hòa Bình 3 sẽ giúp giảm tải lực cho cầu Hòa Bình 1 đang được cho quá tải trong thời gian gần đây.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc tại Quảng Bình

Chiều 7/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình sau chuyến khảo sát mô hình du lịch cộng đồng tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vào sáng cùng ngày.

Phó Thủ tướng cho rằng dù còn rất nhiều khó khăn, không thuận lợi về cơ sở hạ tầng giao thông nhưng tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực, cố gắng, chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, góp phần giữ ổn định an ninh, chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

“Đặc biệt dù còn rất khó nhưng các đồng chí có tầm nhìn rất xa, mạnh dạn thuê tư vấn nước ngoài làm quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh”, Phó Thủ tướng nói.

Trao đổi với lãnh đạo tỉnh về hoạt động du lịch, Phó Thủ tướng cho rằng, trong nhiều nguyên nhân làm nên thành công của du lịch hiện nay có nguyên nhân từ làn sóng đầu tư vào nhiều dự án du lịch lớn cách đây 10 năm. Vì vậy, chúng ta cần phải có sự tiếp nối. Điều đó cũng được thể hiện qua việc nhiều dự án khách sạn, khu du lịch lớn ở Quảng Bình đang dần hoàn thiện.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc phải đổi mới căn bản công tác xúc tiến, quảng bá du lịch mới có thể từng bước theo kịp các nước trong khu vực.

“Quảng Bình có những cách xúc tiến, quảng bá du lịch rất sáng tạo thông qua tiếp cận, giới thiệu với các đạo diễn, nhà làm phim Hollywood (Mỹ), tham gia nhiều hội chợ, triển lãm du lịch lớn trên thế giới, đón tiếp những nhân vật nổi tiếng, sử dụng mạng xã hội... Hiệu quả thu lại không chỉ cho Quảng Bình mà cho cả du lịch Việt Nam. Các đồng chí định hướng Quảng Bình là thủ đô du lịch mạo hiểm của châu Á là điểm rất độc đáo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phải sát cánh hơn nữa với Quảng Bình trong hỗ trợ đầu tư, quảng bá”, Phó Thủ tướng nói.

Qua báo cáo của địa phương, Phó Thủ tướng cho rằng thiếu nhân lực du lịch trầm trọng không phải là vấn đề của riêng Quảng Bình. “Để khắc phục tình trạng này, các bộ ngành đã tháo gỡ một phần các quy định để đào tạo chuyển đổi sang ngành du lịch cho sinh viên tốt nghiệp nhưng không tìm được việc làm. Cùng với đó, tỉnh phải kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch, đào tạo theo phương thức vừa học, vừa làm”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Cho rằng Quảng Bình có nhiều kinh nghiệm trong phát triển du lịch cộng đồng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mô hình này không chỉ giúp giảm nghèo mà còn mở ra cơ hội cho bà con, các em nhỏ tiếp cận với thế giới bên ngoài.

Qua trò chuyện với những nhân viên, du khách tại các điểm lưu trú du lịch cộng đồng trong cuộc khảo sát sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng nhận xét một cơ sở lưu trú du lịch cộng đồng trong xóm làm tốt, thì có 30/90 gia đình có người làm trực tiếp, 6 hộ là cơ sở vệ tinh trên tinh thần tự nguyện. Khi đó người dân ý thức bảo vệ môi trường hơn, tinh thần hợp tác tốt hơn. Những người làm du lịch cộng đồng có tâm huyết, sáng tạo còn giúp bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa rất tốt. Bởi du lịch cộng đồng là giúp du khách trải nghiệm văn hóa bản địa.

“Du khách đi du lịch cộng đồng là muốn trải nghiệm về sinh thái, không gian sống, các nét văn hóa truyền thống chứ không phải là ở khách sạn 5 sao. Nếu không có chỉ đạo để làm tự phát thì những nét đẹp nguyên sơ ở những điểm du lịch cộng đồng sẽ bị biến dạng”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Đề cập công tác chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33/NQ-TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Quảng Bình cần trả lời các câu hỏi: Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy và chính quyền tỉnh đã thực sự coi văn hóa là nền tảng tinh thần, được đặt ngang hàng với kinh tế chưa? Nguồn lực dành cho công tác văn hóa được đảm bảo đến đâu? Ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã thực sự nêu gương trong thực hiện các phong trào, quy định về văn hóa hay chưa?

“Quy luật chung ở nhiều nước, thời gian đầu quá chú trọng phát triển kinh tế mà không chú ý đến môi trường, khi nhận ra thì mất hàng chục năm và nhiều phần trăm GDP để khắc phục, nhưng muộn hơn nữa, khi nhận ra hệ quả của việc không chú ý đến văn hóa xã hội thì phải mất hàng thế hệ và có khi mất nhiều lần mức tăng trưởng mới khắc phục được. Chưa kể, trong giải quyết các vấn đề văn hóa, ý kiến chuyên gia chưa được coi trọng đúng mức”, Phó Thủ tướng phân tích thực tiễn thế giới và cho rằng công tác sơ kết Nghị quyết 33 phải làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề này để làm tốt hơn nữa.

Về y tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến hiệu quả hoạt động, không chạy theo hình thức. “Nếu bác sĩ ở xã có trình độ, thuốc tốt như trên huyện, trên tỉnh thì dân sẽ đến, thiếu một trong hai điều này thì khó mấy người dân cũng sẽ lên tuyến trên. Bây giờ các quy định mới đã tháo gỡ một phần về tủ thuốc nhưng để nâng cao trình độ của cán bộ y tế xã thì phải là nỗ lực của địa phương. Trạm y tế xã thuộc trung tâm y tế huyện nên các đồng chí phải thực hiện luân chuyển để cán bộ y tế xã được đào tạo về chuyên môn ở tuyến trên và ngược lại”, Phó Thủ tướng nói.

Trong giáo dục, Phó Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình quán triệt thực hiện đầy đủ việc phát huy mạnh mẽ dân chủ trong trường học, tăng cường vai trò của đảng ủy, ban giám hiệu, tổng phụ trách đội, hội phụ huynh học sinh để phòng ngừa, xử lý kịp thời các sự việc xảy ra đối với học sinh.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị của tỉnh Quảng Bình trong phát triển văn hóa cơ sở, hạ tầng phục vụ du lịch, đơn giản hóa thủ tục đối với du khách…/.

Print
1088 Rate this article:
No rating

Please login or register to post comments.

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top