Responsive image

NCS Đặng Hoàng Anh bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ cấp Viện

Sáng 19 tháng 1 năm 2022, tại Viện khoa học TDTT, Hà Nội, NCS Đặng Hoàng Anh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ cấp Viện với tên đề tài: Nghiên cứu giải pháp phát triển môn Cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La”.

NCS Đặng Hoàng Anh báo cáo luận án tại Hội đồng cấp Viện

Thực tế cho thấy, phong trào TDTT ở thành phố Sơn La đặc biệt là trong các sở, ban, ngành những năm gần đây phát triển khá mạnh mẽ, thể hiện qua phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” thực hiện hiệu quả cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Tỷ lệ số cán bộ, công chức, viên chức tập luyện TDTT thường xuyên hàng năm đều tăng.

Điều kiện về sân bãi, trang thiết bị phục vụ tập luyện TDTT của người dân tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn để phát triển các môn thể thao như: Cầu lông, Quần vợt, Bóng chuyền, Bơi... Các công trình thể thao chủ yếu tập trung ở trung tâm thành phố, thị trấn, điều kiện tập luyện và mức độ hưởng thụ các giá trị của TDTT ngày càng có sự cách biệt giữa các vùng, miền và các đối tượng nhân dân. Do thiếu kinh phí, thiếu cơ sở vật chất và chưa có chính sách rõ ràng về cán bộ nghiệp vụ, cộng tác viên TDTT ở các sở, ban, ngành nên chất lượng hoạt động TDTT ở cơ sở chưa cao.

Qua khảo sát sơ bộ phong trào tập luyện môn Cầu lông của thành phố cho thấy, đây là môn thể thao được đông đảo quần chúng nhân dân ưa chuộng, đặc biệt là trong đội ngũ công chức, viên chức. Tuy nhiên, thực tế phong trào Cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng trong tập luyện và thi đấu. Phong trào Cầu lông chủ yếu tập trung ở một số đơn vị và các huyện ở xung quanh địa bàn thành phố.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, NCS Đặng Hoàng Anh tiến hành nghiên cứu đề tài: "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn Cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La".

Trên cơ sở đánh giá thực trạng phong trào Cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La, đề tài tiến hành lựa chọn và xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm phát triển môn Cầu lông cho công chức viên chức ở các sở, ban, ngành thành phố Sơn La, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT của thành phố phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Quá trình nghiên cứu và tổ chức thực nghiệm diễn ra nghiêm ngặt, luận án đã thu được những kết quả nhất định. Luận án đã đánh thực trạng phong trào Cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La cho thấy, còn tồn tại những bất cập cơ bản làm hạn chế sự phát triển của phong trào như: Sự nhận thức chưa đầy đủ của công chức, viên chức về ý nghĩa của việc tập luyện Cầu lông; Thiếu cộng tác viên Cầu lông; Công tác xã hội hóa môn Cầu lông chưa hiệu quả; Thể lực của đội ngũ công chức, viên chức còn hạn chế. Đồng thời, qua phân tích SWOT đã xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc phát triển phong trào Cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La.

Luận án đã lựa chọn được 6 giải pháp phát triển môn Cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La, bao gồm: Tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của việc tập luyện và thi đấu Cầu lông; Phát triển môn Cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức theo hướng xã hội hóa; Tạo nguồn cán bộ phát triển phong trào Cầu lông cho công chức, viên chức; Hoàn thiện hệ thống thi đấu Cầu lông cho công chức, viên chức; Mở rộng các hình thức tập luyện Cầu lông cho công chức, viên chức; Khích lệ động viên và kiểm tra, đánh giá phong trào Cầu lông của công chức, viên chức.

Trên cơ sở thực ngiệm xã hội học 5/6 giải pháp mà đề tài lựa chọn, bước đầu đã thể hiện tính hiệu quả sau một năm ứng dụng thông qua các tiêu chí phát triển môn Cầu lông. Kết quả thực nghiệm cho thấy, các tiêu chí đều thể hiện sự tăng trưởng tích cực (từ 15.38 % đến 133.33 %). Đồng thời, các giải pháp còn có tác dụng nâng cao thể lực cho công chức, viên chức thành phố Sơn La đạt độ tin cậy ở ngưỡng xác xuất thống kê cần thiết.

Kết cấu luận án gồm 125 trang A4: Gồm các phần: Mở đầu (5 trang); Chương 1 - Tổng quan vấn đề nghiên cứu (51 trang); Chương 2 – Đối tượng, phương pháp và tổ chức nghiên cứu (13 trang); Chương 3 – Kết quả nghiên cứu và bàn luận (56 trang);.Kết luận và kiến nghị (2 trang). Luận văn sử dụng 77 tài liệu tham khảo, trong đó 06 tài liệu tiếng Nga, 37 bảng; 22 biểu đồ; 01 hình; 01 sơ đồ và 05 phụ lục, đảm bảo đúng quy định của Bộ giáo dục và đủ hàm lượng của một đề tài Tiến sỹ.

Tại buổi bảo vệ, Hội đồng và các nhà khoa học cũng đã nêu ra những mặt hạn chế, thiếu sót của đề tài để NCS chỉnh sửa, bổ sung.

Với 100% ý kiến thống nhất, Hội đồng khoa học đã chính thức thông qua đề tài nghiên cứu của NCS và đề nghị Viện khoa học TDTT cấp bằng Tiến sỹ cho NCS Đặng Hoàng Anh sau khi đã chỉnh sửa, bổ sung theo Quyết nghị của Hội đồng./.

Print
1079 Rate this article:
4.5

Please login or register to post comments.

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top