Responsive image

Hội thảo "Tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước ở trẻ em"

Theo www.tdtt.gov.vn

 

Ngày 15-12 tại Khách sạn Khăn Quàng Đỏ, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo "Tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước ở trẻ em". Về phía Tổng cục TDTT có sự tham dự của Bà Lê Thị Hoàng Yến – Phó tổng cục trưởng.

Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó tổng cục trưởng TC TDTT tham dự Hội thảo (Ảnh:QB)

Những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã có những chuyển biến tích cực. Trẻ em được đảm bảo sự an toàn trong môi trường gia đình và nhà trường; được bảo vệ trước những nguy cơ rình rập từ điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội thay đổi; được cải thiện cuộc sống, học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh.

Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích còn nhiều, nhất là tai nạn đuối nước vẫn diễn biến phức tạp, cần sự quan tâm của toàn xã hội. Nhằm tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, năm 2016, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em; ngày 5.2.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020. Những giải pháp nêu trên đã có tác động tích cực đến việc ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng đuối nước và tử vong do đuối nước tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tình trạng đuối nước trẻ em của nước ta vẫn còn ở ngưỡng cao, rất đáng lo ngại. Đơn cử như mùa hè 2020 nhiều vụ tử vong do đuối nước đã liên tiếp xảy ra như: Ngày 10.5.2020, hai trẻ em có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội đi du lịch cùng gia đình đã bị đuối nước dẫn đến tử vong khi tắm biển tại xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Cũng trong tháng 5, xảy ra vụ đuối nước khiến 3 em nhỏ tử vong tại Nghệ An, trong đó có 2 chị em ruột trong một gia đình tử vong là em N.T.P (11 tuổi) và em gái ruột là N.A.T (9 tuổi). Tiếp đó, ngày 21.5.2020, tại khu vực bãi tắm Tuần Châu cũng đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm dẫn đến tử vong đối với 2 học sinh hệ tại chức của tỉnh… Tai nạn đuối nước trẻ em trở thành nỗi ám ảnh, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình và xã hội.

Đáng chú ý, có tới hơn 77% số ca tai nạn đuối nước của trẻ em là ở cộng đồng (như ao, hồ, sông, suối, biển...). Thực trạng này đòi hỏi cần tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em, nâng cao nhận thức của người lớn và trẻ em trong việc nhận diện các nguy cơ mất an toàn đối với trẻ, từ đó có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh, hạn chế tối đa các trường hợp tai nạn thương tích do đuối nước.

Tại hội thảo các ý kiến đã chỉ ra các nguyên nhân gây ra tai nạn đuối nước cho trẻ em tại Việt Nam hiện nay như: do trẻ em chưa biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; do thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn đối với trẻ em khi sống trong môi trường không an toàn; do thiên tai bão lũ; do trẻ em chưa thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông đường thủy;….

Vì vậy, công tác phòng, chống đuối nước là trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội, trong đó Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội là cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng chống tai nạn, thương tích và đuối nước trẻ em.

Toàn cảnh Hội thảo diễn ra ngày 15 tháng 12 tại Hà Nội (Ảnh:QB)

Bên cạnh đó, cần đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho các cấp, ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và học sinh, sinh viên …

Trong phần thảo luận, nói về những khó khăn khi triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em, các đại biểu dự hội thảo cho rằng: Nhận thức của một số gia đình, cộng đồng về nguy cơ và tác hại của tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em còn hạn chế; Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện TDTT và bể bơi, hướng dẫn viên ở vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng sâu vùng xa rất khó khăn, trong khi đó trẻ em ở các vùng này không những thiếu sự quản lý, trông coi giám sát của gia đình mà bản thân các em phải đi làm, đi học trong môi trường tiểm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước; Tổng số bể bơi trên toàn quốc chưa đáp ứng được yêu cầu về phổ cập bơi, số bể bơi được đầu tư xây lắp tại các trường học rất ít. Hoặc các trường học đã vận động xã hội hóa đầu tư kinh phí xây lắp bể bơi nhưng chưa có quy định và cơ chế, chính sách tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp phối hợp với các trường học tổ chức dịch vụ dạy bơi cho trẻ em nên lãnh đạo nhiều trường phổ thông không mạnh dạn phối hợp triển khai thực hiện; Các địa phương tích cực trong việc tổ chức dạy bơi cho trẻ em, tuy nhiên, do điều kiện thiếu bể bơi và do trẻ em chưa có thói quen luyện tập môn bơi hoặc cha mẹ chưa tạo cơ hội cho các em được tập luyện thường xuyên nên có nhiều trường hợp trẻ em đã biết bơi nhưng lại tái mù bơi; Một số đơn vị chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác phối hợp liên ngành triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em…

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề ra nhiều giải pháp triển khai Chương trình bơi phòng chống đuối nước trẻ em từ góc độ quy định pháp luật đến các giải pháp về quản lý và thực tiễn thực hiện. Nhiều đơn vị chia sẻ những kinh nghiệm hết sức quý báu để các tổ chức, đơn vị khác rút kinh nghiệm. Qua đó, giúp việc triển khai Chương trình phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả phòng chống đuổi nước ở trẻ em và cải thiện sức khỏe cho các em học sinh, phòng chữa một số bệnh tật cho trẻ em, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực thế hệ trẻ Việt Nam.

Một số giải pháp có thể kể đến như: Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, tác dụng của việc học môn bơi, vận động toàn dân tích cực tập luyện môn bơi đồng thời tập trung hướng dẫn các địa phương áp dụng những nội dung, chương trình, phương pháp dạy bơi đảm bảo tính toàn diện để không chỉ giúp trẻ em phòng chống đuối nước được hiệu quả an toàn mà đáp ứng được yêu cầu về phát triển tầm vóc, thể lực, phòng chống bệnh tật và rèn luyện phẩm chất, nhân cách, ý chí nghị lực cho trẻ em.

Cần triển khai thí điểm tiêu chí đánh giá trẻ em biết bơi tức là việc kiểm tra, đánh giá kết quả học bơi và công nhận trẻ em biết bơi không chỉ chú trọng tiêu chí trẻ em biết bơi đúng kỹ thuật, bơi nhanh, bơi xa mà còn đánh giá việc các em nắm vững kiến thức phòng, chống đuối nước, thực hành tốt kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối an toàn, kỹ năng cứu bạn và tự cứu mình.

Trên cơ sở đúc rút kết quả triển khai thí điểm, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội sẽ có những văn bản hướng dẫn về quy định chung về tiêu chí đánh giá trẻ em biết bơi. Với cách kiểm tra, đánh giá như vậy sẽ góp phần đẩy mạnh phong trào học bơi, học kỹ năng phòng chông đuối nước của trẻ em để khắc phục tình trạng trẻ em tái mù bơi, tình trạng trẻ em biết bơi giỏi vẫn bị đuối nước và tình trạng đuối nước tập thể.

Tạo điều kiện cho trẻ em học bơi an toàn, phòng chống đuối nước trong các trường tiểu học, trung học cơ sở là trách nhiệm của nhà trường, của ngành Giáo dục và Đào tạo. Trong điều kiện các đơn vị, trường học còn khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, bể bơi như hiện nay, gia đình, nhà trường có trách nhiệm phối hợp, liên kết đưa con em đi học bơi ở bất kỳ cơ sở hoạt động bơi lội, trung tâm văn hóa, thể thao nào trên địa bàn miễn sao các em được học môn bơi, học kỹ năng phòng chống đuối nước; Gia đình có vai trò quan trọng đối với việc khuyến khích trẻ em học bơi an toàn, phòng chống đuối nước…

An An

Print
1147 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top