Responsive image

Hội đồng khoa học triển khai kế hoạch giám định trình độ tập luyện của VĐV các đội tuyển quốc gia

Nguồn: www.tdtt.gov.vn

Sáng ngày 17/11/2022, tại Tổng cục TDTT, Hội đồng giám định khoa học cho VĐV đã họp để xin ý kiến các thành viên về Kế hoạch triển khai giám định khoa học đánh giá trình độ tập luyện và kiểm tra sức khỏe của VĐV các đội tuyển quốc gia, đội tuyển trẻ quốc gia năm 2022. Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – PGS.TS Đặng Hà Việt chủ trì cuộc họp.

Image

Tổng cục trưởng - Đặng Hà Việt phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: QB)

Hội đồng được thành lập nhằm phục vụ cho việc kiểm tra, đánh giá trình độ tập luyện của VĐV các đội tuyển; Căn cứ để điều chỉnh kế hoạch huấn luyện, nội dung, phương tiện huấn luyện khoa học, phù hợp, kịp thời; Là cơ sở các bộ môn, đội tuyển đề xuất danh sách các VĐV tham dự các giải đấu quốc tế, khu vực và xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý hồ sơ trong huấn luyện, đào tạo VĐV.

Theo đó, kế hoạch giám định dự kiến sẽ được triển khai từ nay đến cuối năm tại Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội; Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Đà Nẵng; Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Cần Thơ; Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Trường Đại học TDTT Bắc Ninh.

Việc giám định sẽ được thực hiện bởi Hội đồng giám định bao gồm các nhà khoa học, bác sĩ, huấn luyện viên trưởng, các chuyên gia thể thao có trình độ chuyên môn phù hợp và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung giám định khoa học sẽ được thường trực Hội đồng giám định đề xuất trình Tổng cục Thể dục thể thao xem xét, quyết định; Việc giám định căn cứ theo kế hoạch huấn luyện năm của từng đội tuyển được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách VĐV giám định; Kết quả giám định sẽ được đánh giá, lưu giữ theo quy định.

 

Image

Toàn cảnh buổi họp Hội đồng giám định trình độ VĐV (Ảnh: QB)

Nội dung giám định về phần cứng đã được quy định rất rõ trong Thông tư 03/2015/TT-BVHTTDL:

(1) Kiểm tra, đánh giá thể lực, kỹ thuật theo các chỉ tiêu do Hội đồng giám định đề xuất trình Tổng cục Thể dục thể thao xem xét, quyết định.

2) Kiểm tra, đánh giá hình thái theo các chỉ tiêu được Hội đồng giám định lựa chọn (Chiều cao đứng; Cân nặng; Chiều dài sải tay; Chiều dài bàn tay; Rộng bàn tay; Chiều dài cẳng tay; Chiều dài chân; Chiều dài cẳng chân; Dài gân Asin; Vòng ngực MAX; Vòng ngực MIN; Dày ngực; Vòng cánh tay (co duỗi); Vòng đùi; Rộng khớp khuỷu; Rộng khớp gối; Rộng chân; Nếp mỡ dưới da; Chỉ số Quetelet; Chỉ số BMI).

(3) Kiểm tra, đánh giá y sinh học theo các chỉ tiêu được Hội đồng giám định lựa chọn (WBC (white blood cell): Bạch cầu; NEU (Neutrophil): Đa nhân trung tính; LYM (Lymphocyte): Bạch cầu Lympho; MONO (Monocyte): Mono bào; EOS (Eosinophil): Đa nhân ái toan; BASO (Basophil): Đa nhân ái kiềm; RBC (Red Blood Cell): Hồng cầu; HGB (Hemoglobin): Huyết sắc tố; HCT (Hematocrit): Dung tích hồng cầu; MCV (Mean corpuscular volume): Thể tích trung bình một hồng cầu; MCH (Mean corpuscular hemoglobin): Số lượng hemoglobin trung bình trong một hồng cầu; MCHC (Mean corpuscular hemoglobin concentration): Nồng độ hemoglobin trung binh trong một hồng cầu; RDW (Red (cell) Distribution width): Phân bố hình thái kích thước hồng cầu (khoảng phân bố hồng cầu); PLT (Platelet): Tiểu cầu; MPV (Mean platelet volume): Thể tích trung bình tiểu cầu; PCT (Plateletcrit): Thể tích khối tiểu cầu; Huyết áp; Công năng tim; Thời gian vận động; Công suất vận động; Chỉ số VO2 (Volum oxygen consumption); Thể tích CO2 thải ra; Tần số tim trong vận động (Heart Rate = HR); Chỉ số Oxy/mạch đập tối đa (Maximum oxygen uptake/Heart Rate = VO2 max/HR max); Thông khí phút (Ventivation = VE) ; Công suất yếm khí tối đa tương đối (Ralative Peak Power Output = RPP); Công suất yếm khí tối đa tuyệt đối (Relative Total Anerobic Capacity = RAC); Chỉ số suy giảm năng lượng yếm khí; Hàm lượng Axit lactic trước buổi tập; Hàm lượng Axit lactic sau buổi tập).

(4) Kiểm tra, đánh giá tâm lý theo các chỉ tiêu do Hội đồng giám định lựa chọn trong (Phương pháp đánh giá thời gian của phản ứng vận động; Phương pháp đánh giá khả năng phối hợp vận động test "bốn mươi điểm theo vòng tròn"; Phương pháp nhớ lại; Phương pháp xác định cường độ và độ ổn định chú ý; Phương pháp đánh giá tốc độ và năng lực xử lý thông tin; Phương pháp đánh giá tư duy thao tác của vận động viên; Phương pháp xác định thăng bằng của hệ thần kinh; Phương pháp xác định sức mạnh của hệ thần kinh bằng cách đo thời gian phản ứng với các kích thích có cường độ khác nhau; Phương pháp xác định tính thích nghi của hệ thần kinh bằng cách đo tần số ánh sáng nhấp nháy tối đa; Phương pháp các định các tính chất của hệ thần kinh theo các dấu hiệu của tính linh hoạt; Phương pháp đánh giá khả năng phân tích chú ý; Phương pháp xác định trạng thái cảm xúc - XAN TEST; Phương pháp đánh giá mức lo lắng của Tr. Spilberger; Phương pháp tự đánh giá trạng thái cảm xúc của A.WASHMAN và D. RISH; Các phương pháp đánh giá trạng thái cân bằng cảm xúc thông qua các phản ứng sinh lý; Phương pháp đánh giá thông qua các chức năng tâm vận động;Trắc nghiệm H.J.EYSENCK; Phương pháp chẩn đoán các thuộc tính hệ thần kinh của B.A.VIATKIN; Một số trắc nghiệm về một số nét tính cách.

(5) Kiểm tra sức khỏe theo nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này.

(6) Kiểm tra doping: Việc kiểm tra doping thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao. Hội đồng giám định sử dụng kết quả kiểm tra doping nhằm phục vụ cho việc giám định khoa học đánh giá trình độ tập luyện thể thao của vận động viên.

PGS. TS. Phạm Ngọc Viễn  nêu quan điểm : Tôi vui mừng khi chúng ta ban hành được Quyết định việc triển khai giám định trình độ VĐV. Thực tế trước đó, ngành TDTT đã triển khai việc này dưới nhiều hình thức nhưng thời gian đó, trang thiết bị, máy móc còn sơ sài nên hiệu quả đem lại chưa rõ rệt. Nhưng hiện nay, cùng sự phát triển của khoa học kỹ thuật, quá trình hội nhập quốc tế thể thao diễn ra mạnh mẽ, tạo nhiều thuận lợi cho việc giám định được chính xác và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực có hạn, tôi đề xuất chúng ta nên lựa chọn các tiêu chí mang tính tiêu biểu, điển hình để giám định chứ không nhất thiết phải làm đầy đủ các nội dung mà Thông tư nêu ra; chúng ta có thể chia việc giám định ra theo từng giai đoạn khác nhau, vì có những nội dung chỉ cần kiểm tra một lần, nhưng có những nội dung phải kiểm tra đi kiểm tra lại. Vì vậy nhiệm vụ của Hội đồng là phải nhanh chóng thống nhất các tiêu chí để đánh giá, giám định. 

Phát biểu tại buổi họp, Phó tổng cục trưởng - PGS.TS Nguyễn Danh Hoàng Việt cho rằng: Đây là việc làm rất quan trọng và có ý nghĩa phục vụ cho việc kiểm tra, đánh giá trình độ tập luyện của VĐV đồng thời nghiên cứu, ứng dụng giải pháp khoa học công nghệ vào quá trình đào tạo VĐV nhằm nâng cao thành tích và các hoạt động khác có liên quan đến TDTT. Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi Covid – 19 và gặp phải rất nhiều khó khăn, chương trình chưa triển khai được do đó, đây là thời điểm thích hợp để ngành thể thao quyết liệt thực hiện việc này, chuẩn bị tích cực và toàn diện cho các sự kiện thể thao lớn trong nước, khu vực và thế giới.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Tổng cục trưởng - PGS.TS Đặng Hà Việt nhấn mạnh: Việc này là trách nhiệm của toàn ngành nhưng trực tiếp là các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, các bộ môn vì vậy tôi yêu cầu các đơn vị tích cực rà soát và đề xuất nội dung giám định sớm. Do tính chất đặc thù của từng môn thể thao và từng nội dung giám định, để đạt được kết quả tốt nhất, đề nghị các thành viên trong Hội đồng, các chuyên gia được mời cần tích cực tham gia vào việc xây dựng nội dung giám định; hỗ trợ, tư vấn cho các đơn vị triển khai kế hoạch đảm bảo tiến độ và chất lượng đề ra./.

V.Thùy

Print
885 Rate this article:
No rating

Thư viện ảnh

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top