Responsive image

23 Tháng Mười Hai 2024

Chuyển đổi số trong thể thao

Theo www.tdtt.gov.vn

Trong thời gian gần đây, chúng ta thường nghe đến khái niệm “chuyển đổi số” trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Vậy chuyển đổi số là gì và có tầm quan trọng như thế nào đối với thể thao?

Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của của Chính phủ Việt nam. Ngày 03 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

Vậy chuyển đổi số là gì

Khó có được một định nghĩa rõ ràng và cụ thể về chuyển đổi số, bởi vì quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực, từng địa phương khác nhau.

Tuy nhiên, để có thể định nghĩa một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì chuyển đổi số (Digital Transformation trong tiếng Anh) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, tổ chức và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng, người dân. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các tổ chức, đơn vị, đòi hỏi các tổ chức phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.

Tại Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình tổ chức, vận hành kiểu cũ sang việc tổ chức ,vận hành bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc. Không chỉ có vai trò quan trọng tại các doanh nghiệp mà chuyển đổi số còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác của xã hội như chính phủ, truyền thông đại chúng, y học, văn hóa, thể dục thể thao..

“Chuyển đổi số” (Digital Transformation) có thể dễ bị nhầm lẫn với khái niệm “Số hóa” (Digitizing). Để phân biệt hai khái niệm này, có thể hiểu rằng “Số hóa” là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số (chẳng hạn như chuyển từ tài liệu dạng giấy sang các file mềm trên máy tính, số hóa truyền hình chuyển từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số...); trong khi đó, “Chuyển đổi số” là khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn. Có thể xem “Số hóa” như một phần của quá trình “Chuyển đổi số”

Tại sao “Chuyển đổi số” lại quan trọng và mang lại những lợi ích gì?

Báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường lớn như Gartner, IDC... đều chỉ ra rằng chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp và chính phủ: từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh…

Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đó là cắt giảm chi phí vận hành, ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức.

Trong khi đó đối với con người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau. Còn đối với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Chuyển đổi số còn góp phần gia tăng năng suất lao động. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy, năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động ở vào khoảng 15%, đến năm 2020, con số này là 21%.

Chuyển đổi số đang được diễn ra trên thế giới và Việt Nam như thế nào?

Chuyển đổi số đang ngày một thay đổi nhận thức của những nhà lãnh đạo, những người có khả năng quyết định hướng đi và khả năng chuyển đổi thành công của tổ chức. Bộ máy chính quyền của nhiều quốc gia sau khi nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo an ninh quốc gia, đã lập tức bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số.

Trước đây, các công nghệ kiểu cũ thì chỉ có các công ty lớn, có rất nhiều tiềm lực kinh tế mạnh mới có thể tiếp cận được công nghệ đó. Do đó họ luôn dẫn đầu thị trường, ít nhất là một vài bước. Nhưng bây giờ, thì dù công ty nhỏ hay những startup mới đều có thể tiếp cận được công nghệ không thua kém gì các những công ty lớn.

Theo nghiên cứu năm 2017 của Microsoft tại khu vực Châu Á TBD, năm 2017, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP là khoảng 6%, năm 2019 là 25% và tới năm 2021 là 60%.

Kết quả nghiên cứu của McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, với đất nước Brazil là 35%, còn ở các nước Châu Âu là khoảng 36%. Từ đây, có thể thấy khả năng tác động của chuyển đổi số đối với tăng trưởng GDP là rất lớn.

Tốc độ chuyển đổi số tại các khu vực và quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ và tốc độ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp. Trong đó khu vực châu Âu được đánh giá là khu vực có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất, tiếp đến là Mỹ và quốc gia tại châu Á.

Hiện nay, ở một số nước phát triển trên thế giới, thể thao được coi là một ngành kinh tế, đóng góp cho xã hội ở quy mô tương đối lớn. Hoạt động thể thao liên quan tới tất cả các lĩnh vực như thể thao trình diễn, thể thao nhà nghề, liên đoàn, hiệp hội thể thao, câu lạc bộ thể thao, thể thao thương mại, cơ chế quản lý, điều hành hoạt động thể thao...

Kinh tế thể thao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động thể dục thể thao (tập luyện, thi đấu…), cũng như gián tiếp phục vụ các hoạt động như sản xuất, cung cấp các dịch vụ hàng hóa, dịch vụ liên quan (trang thiết bị, cá cược…).

Trên thế giới, ở một số quốc gia được coi là cường quốc thể thao như Mỹ, lĩnh vực kinh tế thể thao chiếm tỷ trọng nhất định trong tăng trưởng GDP. Trung Quốc cũng là một trong những nước sản xuất hàng hóa thể thao lớn nhất thế giới, mang lại doanh thu quan trọng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, hoạt động kinh tế thể thao và thị trường vẫn ở quy mô rất nhỏ. Kinh tế thể thao ở Việt Nam còn có dư địa phát triển nhưng chưa khai thác hết.

Ngoài thị trường bán vé và thu từ các dịch vụ tổ chức thể dục thể thao, thị trường bản quyền truyền hình thể thao, còn có thị trường quảng cáo tài trợ và dịch vụ (trong đó có cá cược thể thao). Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế thể thao, nhưng hàng hóa chủ yếu phục vụ xuất khẩu... 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam cần coi thể thao là hoạt động kinh tế, phát triển để đem lại lợi nhuận, đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước. Do đó cần tăng cường vai trò quản lý, định hướng của Nhà nước; đặc biệt là cần một môi trường pháp lý đầy đủ và thuận lợi cho hoạt động, dịch vụ trong kinh tế thể thao.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực thể dục thể thao tại Việt Nam

Chuyển đổi số là khái niệm ra đời trong thời kỳ Internet bùng nổ và phát triển mạnh mẽ những năm gần đây. Mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội đều đã có những bước chuyển mình để thích ứng, bắt kịp xu hướng đó nếu không muốn bị tụt hậu.

Thể thao cũng không thể đứng ngoài cuộc và cũng đã nhanh chóng có những thay đổi để song hành cùng xu hướng không thể đảo ngược đó.

Những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) đã tạo ra những bước phát triển nhanh, mạnh mẽ trên thế giới. Việt Nam cũng kịp thời bắt nhịp những công nghệ tiên tiến, sáng tạo cùng thế giới trên nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội.

Cùng với kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa.. thể thao thế giới cũng như Việt Nam cần phải có những bước chuyển để hội nhập với xu hướng chung ấy.

Thể thao số phù hợp bối cảnh COVID-19

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu từ đầu năm 2020 đã gây không ít khó khăn cho mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội…, lĩnh vực thể thao cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Không ít những giải đấu thể thao truyền thống trên thế giới cũng như ở Việt Nam buộc phải dừng hoặc lùi thời gian tổ chức, mức độ lây lan của dịch bệnh khiến cho các giải đấu lớn không thể diễn ra, hoặc diễn ra nhỏ lẻ, không có hoặc hạn chế khán giả, nhằm tránh tập trung đông người, dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh.

Tuy nhiên, nhu cầu tập luyện thể thao của con người lại tăng cao, với mong muốn nâng cao sức khỏe, sức đề kháng để chống lại bệnh tật. Chính vì vậy, nhiều phương pháp tập luyện thể dục thể thao tại nhà, hoặc tập luyện, thi đấu trên các thiết bị giả lập, mô phỏng đã thực sự phát huy hiệu quả.

Bởi người tập, thi đấu không phải di chuyển tới sân bãi, không tập trung đông người mà vẫn có thể tập luyện, thi đấu các giải đấu thông qua thiết bị điện tử với độ chính xác tương đối cao.

Cụ thể, như vào hồi cuối tháng 3/2020, Giải đua xe ảo Virtual MotoGP 2020 đã diễn ra với sự tham dự của nhiều tay đua nổi tiếng, hoặc các giải đua xe công thức 1 (F1), công thức E (FE)… cũng được các nước trên thế giới tổ chức, nhằm tạo ra sân chơi cho các vận động viên trong điều kiện không thể tổ chức được các giải đua ngoài sân bãi do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Không chỉ trên thế giới, ngay tại Việt Nam, vào tháng 4/2020, giải đua xe đạp “ảo” cũng đã diễn ra thành công trong bối cảnh đại dịch COVID-19.  Để tham gia cuộc đua ảo, người chơi cần có một chiếc xe đạp chuyên dụng có bluetooth kết nối với các thiết bị điện tử thông minh và cài đặt ứng dụng ZWIFT vào điện thoại hoặc máy vi tính.  Mọi thông số của vận động viên như tốc độ, chiến thuật… đều được ghi nhận và mô phỏng trên màn hình thông qua phần mềm quản lý giả lập.

Bên cạnh đó, không ít cuộc thi chạy “ảo” cũng được tổ chức với số lượng vận động viên tham gia không hề nhỏ. Giải chạy ảo "Brave Đà Nẵng" có hơn 3.400  vận động viên đã "sải bước chạy" trên khắp các cung đường nhằm cổ vũ lực lượng tuyến đầu chống dịch, đồng thời nêu cao tinh thần tập luyện thể thao trong cộng đồng. Cuộc đua ghi nhận trên 900 vận động viên đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Giải chạy “Màu xanh hy vọng” cũng thu hút trên 2.000 vận động viên đăng kí chạy tích lũy không giới hạn các nội dung 10km, 20km, 50km… sau đó sử dụng “đồng hồ thông minh” kết nối với nền tảng ứng dụng của giải đấu. Sau khi kết thúc giải, hoàn thành cuộc đua, vận động viên sẽ nhận được giấy chứng nhận điện tử, huy chương điện tử theo từng cự ly. 

Có thể nói, đồng hành cùng thể thao truyền thống, thể thao số cũng từng bước bắt nhịp với xu thế chung của mọi mặt đời sống, xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn công nghệ phát triển mạnh mẽ và dịch bệnh gây nhiều bất lợi như hiện nay.

Đỗ Ngọc Minh (t/h)

Print
1293 Rate this article:
No rating

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top