Responsive image

23 Tháng Mười Hai 2024

Kỷ niệm 75 năm Ngành TDTT (1946-2021): Những cột mốc Vàng của TTVN

Theo www.tdtt.gov.vn

Sự nghiệp Thể dục thể thao (TDTT) nước nhà đến tháng 3 năm 2021 này, kỷ niệm 75 năm xây dựng và trưởng thành, phát triển. Quá trình xây dựng nền TDTT cách mạng với chủ trương, quan điểm, chính sách, đường lối của Đảng, tư tưởng của Bác “Lấy thể dục thể thao góp phần cải tạo nòi giống, thanh niện kiện cường". Lời của Bác luôn là kim chỉ nam cho nhận thức và hoạt động của TDTT phục vụ nhiệm vụ chính trị và cuộc sống của nhân dân. Thể hiện các quan điểm, tư tưởng đó là các văn kiện của Đảng, Nhà nước, chính phủ, của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua năm tháng, qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc. Dưới đây là những cột mốc đáng ghi nhớ…

 

SEA Games (2).jpg

TTVN khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế

Mùa xuân năm 1941, Bác Hồ về Pắc Bó Cao Bằng, chỉ đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong Chương trình Việt Minh, mục tiêu, nhiệm vụ của TDTT trong chế độ mới đã được xác định “Khuyến khích và giúp đỡ nền thể dục quốc dân, làm cho nòi giống ngày thêm mạnh”, và “Trẻ em được chính phủ đặc biệt săn sóc về thể dục, trí dục và đức dục”.

 1946

-  Ngày 30-1, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Công hòa ký Sắc lệnh 14/SL thiết lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên.

-  Ngày 27-3, thay mặt Chính phủ Liên hiệp kháng chiến ký Sắc lệnh 38/SL thiết lập trong Bộ Quốc gia Giáo dục một Phòng Thể dục trung ương, một Phòng Thanh niên Trung ương

Hai Sắc lệnh trên đều nhấn mạnh “Vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam. Sắc lệnh cũng nói rõ nhiệm vụ của Nha Thể dục Trung ương phải liên lạc mật thiết với Bộ Y tế, Bộ Quốc gia Giáo dục để nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục toàn dân khắp toàn quốc.

-  Ngày 27-3-1946, báo Cứu quốc, của Tổng bộ Việt Minh đã đăng trang trọng trên trang 1 “Lời hô hào đồng bào tập thể dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sức khỏe và thể dục” – một văn kiện lịch sử của Ngành TDTT.

1956

-  Ngày 21-12 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 1186/TTg về việc thành lập cơ quan TDTT ở các tỉnh, thành phố.

1957

-  Ngày 6-3 Thủ tướng Chính phủ ra Nghị quyết số 068/TTg thành lập Ban Thể dục thể thao Trung ương trực thuộc Thủ tướng Chính phủ. Mười ngày sau, ngày 16-3-1957 Chính phủ ra Thông tư về việc mở cuộc Vận động “Rèn luyện thân thể Mùa Xuân” khắp toàn miền Bắc.

1958

-  Ngày 2-10 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 106-CT/TW về Công tác TDTT. Đây là chỉ thị đầu tiên của Đảng ta trong lĩnh vực TDTT.

1959

 -  Ngày 31-12 Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều 35, Chương III của Hiến pháp 1959 ghi rõ: “Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo dục thanh thiếu niên về đức dục, trí dục, thể dục”.

 1960

 -  Ngày 6-1 Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về công tác TDTT đề cập những vấn đề cơ bản: Tuyên truyền, giáo dục, đào tạo cán bộ, cơ sở vật chất TDTT, tăng cường tổ chức lãnh đạo cơ quan Nhà nước về TDTT. Đổi Ban TDTT TW thành Ủy ban TDTT do Trung tướng Hoàng Văn Thái làm Chủ nhiệm.

 -  Ngày 31-1, Ban Bí thư TW Đảng ra Chỉ thị 181-CT/TW về công tác TDTT nhấn mạnh việc mở rộng phong trào TDTT và Thể thao quốc phòng, gắn chặt công tác TDTT với vệ sinh phòng bệnh thành một cuộc vận động chung: Thể dục – vệ sinh.

 -  Tháng 9: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đề cập nội dung công tác TDTT trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành TW Đảng và báo cáo về nhiệm vụ, phương hướng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965), Đảng ta xác định “Con người là vốn quý nhất của chế độ XHCN. Bảo vệ và bồi dưỡng sức khỏe con người là nghĩa vụ và mục tiêu cao quý của các Ngành Y tế và Thể dục thể thao dưới chế độ ta”.

 - Ngày 31-12 Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 336/TTg về đẩy mạnh công tác Thể dục-Vệ sinh..

1961

 - Ngày 19-9, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 139/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban TDTT.

  - Ngày 14-12, Bác và Đoàn đại diện Đảng, Chính phủ sang thăm Trường Trung cấp TDTT Trung ương. Bác nói chuyện với cán bộ, giáo viên, các chuyên gia Liên Xô đang công tác tại nhà trường về nhiệm vụ, trách nhiệm cao cả của TDTT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đấu tranh thống nhất nước nhà.

1962

-  Ngày 28-2 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 38 CT/TW về tăng cường Công tác Thể thao quốc phòng.

-   Ngày 26-9 Hội đồng Chính phủ Ban hành 2 bản Nghị định về công tác TDTT. Nghị định số 109/CP về chế độ phân cấp VĐV, trọng tài thể thao. Nghị định 110/CP về Chế độ Rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn.

 1963

-  Ngày 30-7, Khóa Trung cấp 2- khóa học đầu tiên đào tạo cán bộ TDTT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III của Ủy ban TDTT trao bằng tốt nghiệp cho 449 sinh viên ra trường đi nhận công tác ở các tỉnh, thành phố, khu công nghiệp, nhà máy, công nông lâm trường trên toàn miền Bắc. Có 8 giáo viên, cán bộ tăng cường cho cơ quan Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

 1964

- Ngày 31-1, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/CP về thành lập Trường Cán bộ TDTT Trung ương, mở hệ Đại học đầu tiên (tiền thân Trường Đại học TDTT Bắc Ninh ngày nay).

- Ngày 3-6, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 79 CT/TW về Công tác bảo vệ  sức khỏe cán bộ, trong đó có nội dung về rèn luyện TDTT.

 1965

-Ngày 18-2, Hội đồng Chính phủ ra Chỉ thị số 18 TTg/VG về công tác TDTT nhấn mạnh việc phục vụ tăng cường sức khỏe nhân dân, góp phần củng cố quốc phòng và đào tạo vận động viên có trình độ cao.

 1966

 - Ngày 7-1, Hội đồng Chính phủ ra Chỉ thị số 05-TTg/VG về “Tăng cường lãnh đạo công tác TDTT trong tình hình mới”. Đây là chỉ thị quan trọng về chuyển hướng công tác TDTT phục vụ thời chiến với công tác Thể thao quốc phòng làm nhiệm vụ trung tâm mà nội dung chủ yếu là phong trào 5 môn “chống Mỹ cứu nước”: Chạy-nhảy-bơi-bắn võ.

 - Ngày 19-12, Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp đón Đoàn Thể thao Việt Nam 120 cán bộ, HLV, VĐV dự Đại hội GANEFO châu Á lần thứ nhất tại thủ đô Phnom Pênh Vương quốc Campuchia giành kết quả cao tại Phủ Chủ tịch. Bác trao 4 “Huy hiệu Bác Hồ” cho các VĐV giành huy chương vàng: Trần Oanh, Nguyễn Mạnh Hùng, Vũ Thị Sen, Trần Hữu Chỉ.

  1969

 - Ngày 2-6, Hội đồng Chính phủ ra Chỉ thị 48-TTG/VG “Về đẩy mạnh phong trào Vệ sinh và Thể dục yêu nước trong các trường học để giữ gìn và nâng cao sức khỏe học sinh”.

  1970

 - Ngày 26-8, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 180-CT/TW: Tăng cường công tác TDTT trong những năm tới, xác định những quan điểm cơ bản và nhiệm vụ TDTT góp phần khôi phục và tăng cường sức khỏe của nhân dân, phục vụ lao động sản xuất, quốc phòng, đời sống và xây dựng con người mới.

  1971

 - Ngày 9-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 1035-NQ/TVQH về việc chuyển Ủy ban TDTT thành Tổng cục TDTT.

  - Ngày 19-1, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 13/CP về việc sửa đổi tổ chức bộ máy của Tổng cục TDTT và hệ thống tổ chức TDTT địa phương.

  1972

  -  Ngày 28-6, Hội đồng Chính phủ ra Chỉ thị số 187/TTg về việc chuyển hướng công tác TDTT trong tình hình mới phục vụ sản xuất, chiến đấu, đời sống trên miền Bắc trực tiếp có chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

  1975

 - Ngày 17-11 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị Số 226-CT/TW về công tác Y tế trong đó có  nội dung đề cập đến công tác TDTT.

 - Ngày 18-11, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 227-CT/TW về công tác TDTT trong tình hình mới, xác định phương châm, biện pháp phát triển TDTT trên quy mô cả nước thống nhất.

  1976

 - Tháng 12, Đại hội lần thứ IV của Đảng nêu rõ trong Nghị quyết phần nói về TDTT bao gồm cả phát triển mạnh mẽ phong trào TDTT quần chúng, đào tạo cán bộ, HLV, VĐV, về nghiên cứu khoa học TDTT và tăng cường cơ sở vật chất-kỹ thuật của TDTT.

  - Ngày 20-12 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 500/TTg thành lâp Ủy ban Olympic Việt Nam.

  1979

  - Ngày 11-1, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 14-NQ/TW về cải cách giáo dục, đề cập đến nội dung rèn luyện thân thể, hoạt động TDTT kết hợp với vệ sinh nhằm bảo vệ và răng cường sức khỏe học sinh các cấp học.

 - Ngày 9-2, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 40/CP về chế độ tập thể dục chống mệt mỏi giữa giờ làm việc tại các xí nghiệp, cơ quan nhà nước.

  1980

 - Ngày 18-12, Quốc hội Khóa VI kỳ họp thứ 7 thông qua Hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1980. Điều 48, Chương III của Hiến pháp ghi rõ: “Nền TDTT Việt Nam có tính chất dân tộc khoa học và nhân dân được phát triển mạnh mẽ, nhằm tăng cường sức khỏe và bồi dưỡng thể lực của nhân dân để xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc”.

 1981

-Ngày 17-3, Chủ tịch nước ký Lệnh số 54/CTN tặng thưởng Ngành TDTT Huân chương Độc lập hạng nhất.

  1982

 -Tháng 3Đại hội lần thứ V của Đảng. Trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành TW Đảng nội dung cơ bản của công tác TDTT. Về vị trí, mục tiêu của TDTT, về đánh giá tình hình và nhiệm vụ từng bước xây dựng nền TDTT XHCN phát triển cân đối, có tính chất dân tộc, khoa học, nhân dân và những biện pháp thực hiện chủ yếu.

  1984

 -Ngày 5-3, Ban Bí thư TW Đảng ra Thông tri số 33-TT/TW về việc lãnh đạo tiến hành Đại hội TDTT các cấp, tiến tới tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ I vào năm 1985 tại Hà Nội.

  1986

 -Tháng 12, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI nêu rõ trong báo cáo chính trị của Ban chấp hành TW Đảng nội dung công tác TDTT, góp phần khôi và tăng cường sức khỏe nhân dân, mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào TDTT quần chúng, giáo dục thể chất trong các trường học là việc bồi dưỡng năng khiếu, tập trung sức nâng cao thành tích một số môn thể thao.

 1989

 - Quốc hội thông qua Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân. Điều 19, Chương III quy định về Tổ chức hoạt động TDTT và một số điều có liên quan đến TDTT.

 - Ngày 9-5, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 112/CT về công tác TDTT trong những năm trước mắt, đề cập đến những nhiệm vụ cơ bản và các biện pháp phát triển TDTT, nhấn mạnh đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý các hoạt động TDTT, các nguyên tắc xây dựng và củng cố các tổ chức xã hội về TDTT, tiến hành Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ II vào năm 1990.

1990

- Ngày 31-3, Hội đồng Nhà nước ra Quyết định số 244/HĐNN thành lập Bộ Văn hóa-Thông tin-Thể thao-Du lịch.

-  Ngày 31-12, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 447/HĐBT về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ VH-TT-TT-DL trong đó có Cục TDTT.

 1991

-  Ngày 29-1, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 25/CT lấy ngày 27-3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”.

- Tháng 6-1991, Đại hội Đảng lần thứ VII đề cập trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương nội dung công tác TDTT với nhiệm vụ chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong trường học, đào tạo VĐV, nâng cao thành tích một số môn thể thao có truyền thống và có triển vọng, kết hợp chặt chẽ các tổ chức nhà nước và các tổ chức xã hội trong lĩnh vực TDTT. Đồng thời, trong chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000 có yêu cầu tăng chiều cao, cân nặng của thế hệ trẻ, tăng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam.

1992

-  Ngày 15-4, Quốc hội Khóa VIII, kỳ họp thứ XI thông qua Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992. Điều 41, Chương III của Hiến pháp nêu rõ “Nhà nước và xã hội phát triển nền TDTT dân tộc, khoa học và nhân dân. Nhà nước thống nhất quản lý sự nghiệp phát triển các hình thức tổ chức TDTT tự nguyện của nhân dân, tạo các điều kiện cần thiết để không ngừng mở rộng các hoạt động TDTT quần chúng, chú trọng hoạt động thể thao chuyên nghiệp, bồi dưỡng các tài năng thể thao. Các Điều 43 và 66 có nội dung liên quan đến TDTT.

1994

-  Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Khóa VII của Đảng (tháng 1-1994) nêu trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phần công tác TDTT: “Phát triển rộng rãi phong trào TDTT nhân dân trong cả nước, trước hết là trong thanh niên, học sinh, từng bước hình thành TDTT chuyên nghiệp đỉnh cao”.

-  Ngày 24-3, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 36-CT/TW về công tác TDTT trong giai đoạn mới đề cập một hệ thống các quan điểm cơ bản của Đảng về TDTT, các mục tiêu và nội dung chỉ đạo phát triển TDTT có ý nghĩa toàn diện và lâu dài.

1995

-  Ngày 7-3 Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 133-CT/TTg về việc xây dựng quy hoạch phát triển Ngành TDTT

-  Ngày 29-11 Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam ban hành Quyết định số 711KT/CTN tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho Ngành TDTT.

1996

-  Ngày 27-4 Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 274/TTg về quy hoạch và sử dụng đất  phục vự sự nghiệp phát triển TDTT.

-  Tháng 6 Đại hội lần thứ VIII của Đảng trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nội dung công tác TDTT được đề cập ở một số phần với trọng tâm nhiệm vụ là: “Phát triển phong trào TDTT sâu rộng trong cả nước, trước hết là trong thanh thiếu niên, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả giáo dục thể chất trong trường học, các lực lương dự bị quốc phòng và lực lượng vũ trang. Mở rộng quan hệ quốc tế về TDTT. Từng bước hình thành lưc lượng thể thao chuyên nghiệp”.

 - Văn kiện Đại hội về phương hướng, nhiệm vụ, kế hoach phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1996-2000, về công tác TDTT nêu chỉ tiêu “Đạt từ 8 đến 10% số dân tập luyện TDTT, 50% trường học các cấp thực hiện giáo dục thể chất có nề nếp”.

1997

- Ngày 21-5, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 341/TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về thể thao.

- Ngày 29-9, Nghị quyết số 02/NQ-1997/QH10 của Quốc hội Khóa X, Kỳ họp thứ I, quy định danh sách các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ, trong đó Ủy ban TDTT thuộc các cơ quan ngang bộ.

1998

- Ngày 28-2, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 49/1998/QĐ-TTg về một số chế độ với VĐV, HLV thể thao.

- Ngày 2-4, Thường trực Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ra Thông tri về tăng cường lãnh đạo công tác TDTT, yêu cầu tổ chức Đảng các cấp, các ngành, các đoàn thể tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu và giải pháp lớn về công tác TDTT theo tinh thần Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa VII.

1999

   Ngày 19-8, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/1999-NĐCP về chính sách khuyến khích xã hội hóa với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao.

2000

- Ngày 9-8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chuẩn bị Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 22 tổ chức tại Việt Nam năm 2003.

- Ngày 9-10, Chủ tịch nước ban hành Lệnh số 10-L/CTN về việc công bố Pháp lệnh TDTT đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X thông qua ngày 25-9-2000 – Số 28/2000/PL-UBTVQH 10. Pháp lệnh gồm 9 chương 59 điều. Đây là văn bản quy phạm pháp lệnh hiện hành cao nhất trong lĩnh vực TDTT nhằm điều chỉnh các hoạt động TDTT, xác định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân  tham gia hoạt động TDTT.

2003

 - Ngày 11-3 Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2003/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban TDTT. Nghị định gồm 6 Điều quy định: “Ủy ban Thể dục thể thao là cơ quan ngang Bộ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về TDTT trong phạm vi cả nước. Ủy ban TDTT thực hiện 19 nhiệm vụ và các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.

2004

 -   Ngày 26-11, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban TDTT ban hành Quyết định 1727/2004/QĐUBTDTT “Về việc ban hành Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Thể dục Thể thao” và ban hành Quyết định số 1728/2004/QĐ-UBTDTT về việc ban hành quy chế xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thể dục thể thao”.

2005

-  Ngày 10-5 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 100/2005/QĐ-TTg “Ban hành Chương trình phát triển Thể dục thể thao xã, phường, thị trấn 2010”.

2006

Ngày 29-11, Quốc hội Khóa XI thông qua “Luật Thể dục thể thao”, gồm 9 Chương 79 Điều có hiệu lực từ ngày 1-8-2008 thay thế Pháp lệnh Thể dục Thể thao năm 2000.

 - Ngày 12-12, Chủ tịch nước ký Lệnh số 22/2006/L-CTN “Công bố Luật Thể dục thể thao số 77/2006/QH11 do Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 29-11-2006. Đây là văn bản Quy phạm pháp lệnh chuyên ngành có tính pháp lý cao nhất, quan trọng nhất nhăm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nảy sinh trong hoạt động TDTT.

2007

 - Ngày 27-6 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2007/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục Thể thao” có 21 Điều có hiệu lực thi hành từ sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

 - Ngày 31-7, Quốc hội Khóa XII ban hành Nghị quyết số 01/2007/QH12 thành lập Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trên cơ sở sáp nhập Ủy ban Thể dục thể thao, Tổng cục Du lịch và mảng văn hóa của Bộ Văn hóa Thông tin.

2008

 - Ngày 23-5, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 66/2008/QĐ-TTg “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyề hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thể dục thể thao trực thuộc Bộ VH-TT-DL”. Quyết định gồm 5 Điều. Tổng cục TDTT có 5 vụ và văn phòng, 12 đơn vị sự nghiệp.

2011

 - Ngày 28-4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 641/QĐ-TTg “Phê duyệt Đề án tổng thể Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030”. Quyết định có 3 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

 - Ngày 6-6 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg “Quy định một số Chế độ đối với HLV, VĐV tập trung tập huấn và thi đấu”. Quyết định có 6 Điều có hiệu lực thi hành từ ngày 22-7-2011.

 - Ngày 1-12 Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020”.

2012

 - Ngày 6-6 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 670/QĐ-TTg “Phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII năm 2014”.

2013

  - Ngày 14-1 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP “Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020”. Nghị quyết có 3 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 14-1-2013.

 2014

Ngày 13-3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2014/QĐ-TTg “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục TDTT trực thuộc Bộ VH-TT-DL”.

 2018

 -  Từ ngày 14 đến 25-6, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật số 26/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao năm 2006 (sửa đổi 27 Điều, bổ sung 2 Điều, bãi bỏ 1 Điều).

 2019

 - Ngày 29-4, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục Thể thao.

 - Ngày 13-11, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1616/QĐ-TTg về Tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (Para Games 11) năm 2021 tại Việt Nam

 

                                                                             Trương Xuân Hùng

Print
507 Rate this article:
No rating

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - VIỆN KHOA HỌC THỂ DỤC THỂ THAO - TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Người chịu trách nhiệm chính: PGS.TS. Nguyễn Danh Hoàng Việt
Địa chỉ: 141 Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-4) 733 0286 * FAX: (84-4) 733 4419
Website: vkhtdtt.vn; Email: banbientap.vkhtdtt@gmail.com

 

Close Copyright [2018] by TTTT
Back To Top